Là phần thứ 2 của seri thường được gọi bằng cái tên “Dark Souls phiên bản máy móc", The Surge 2 ra mắt trong thời điểm khá nhạy cảm khi trùng với lịch của một người anh em khác là Code Vein, khiến bản thân nó bị lấy ra so sánh rất nhiều. Kết cục thì phần 2 này vẫn không được đánh giá cao cho lắm, nó chỉ dừng ở mức độ tạm được và chưa tạo được nhiều điểm nhấn đáng kể.
Lối chơi của The Surge 2 về cơ bản vẫn mang phong cách quen thuộc của dòng Souls, đó là thanh thể lực huyền thoại, sát thương của kẻ địch cực kỳ khổng lồ và cái chết luôn đến một cách liên tục. The Surge 2 có 2 đòn tấn công cơ bản để người chơi có thể kết hợp thành combo, chúng thường đi theo chuỗi 3 tới 4 lượt xen kẽ nhau và kết thúc bằng một cú chém hoặc bổ siêu mạnh. Để khiến người chơi hứng thú hơn thì game đã tăng cường thanh thể lực lên rất nhiều, nếu so sánh thì nó có lẽ gấp đôi Dark Souls, bạn có thể combo nhiều và dài hơn mà không phải lo nhân vật bị “hết xăng” giữa đường.
Vũ khí trong The Surge 2 rất đa dạng, chúng chia làm nhiều loại tầm đánh và tốc độ khác nhau, điểm độc đáo của tựa game này là khi kết hợp vào combo, nhiều loại vũ khí có thể tách ra làm hai hoặc chuyển đổi phong cách tấn công hoàn toàn khác hẳn bình thường, cho phép người chơi tùy biến dễ dàng trong nhiều tình huống. The Surge 2 cũng có cơ chế phản đòn, nhưng thay vì chọn lựa thời điểm để nhấn nút thì nó còn bắt game thủ phải lựa chọn đúng hướng mà kẻ địch tấn công.
Mỗi kẻ địch trong game sẽ có các phần áo giáp trên cơ thể để game thủ “chặt” ra và sử dụng, bạn gần như sẽ không bao giờ phải mua đồ trong shop mà chỉ cần hạ gục đám kẻ địch trên đường là đủ. Cơ chế này gần giống như kiểu bắt Pokemon theo từng khu vực vậy, nó tạo nên cảm giác tò mò và hứng thú cho người chơi mỗi khi họ gặp một kẻ địch mới. The Surge 2 có rất nhiều ngóc ngách và cửa bí mật nằm rải rác khắp nơi, nên mặc dù bản đồ của nó không thực sự rộng nhưng để khám phá hết thì sẽ phải tốn rất nhiều thời gian.
Ngoài việc trang bị vũ khí và áo giáp thông thường, The Surge 2 còn có một hệ thống gọi là Implants, nó cho phép chúng ta gắn những loại chip hỗ trợ vào để có thể sử dụng trong chiến đấu. Game bắt buộc người chơi phải đánh nhau liên tục vì năng lượng để dùng kỹ năng chỉ đến khi bạn ra đòn hoặc bị kẻ địch đánh trúng. Việc bơm máu trong game cũng tương tự, thay vì được sạc lại đầy bình ở các điểm check-point, thì chỉ có thể bơm máu khi thanh năng lượng đầy lên, mà thứ này thì tất nhiên cũng chỉ tăng khi tấn công kẻ địch mà thôi. Tuy vậy bản thân The Surge 2 vẫn còn rất nhiều hạt sạn từ lớn tới nhỏ, khiến nó chưa thực sự đạt tới tầm một tựa game hay.
Cách thiết kế màn chơi của The Surge 2 khá là phiền hà, khi nó là một kiểu nối liền từ đầu tới cuối, với các khu vực tuần tự nhau theo cấp độ của người chơi. Tuy vậy điểm kì lạ nhất là mặc dù tựa game này có các điểm “safe point” gọi là Med-bay nhưng nó lại không cho phép Fast Travel, thành ra bạn phải chạy bộ suốt từ đầu tới cuối. Để giúp đỡ cho người chơi, The Surge 2 có rất nhiều lối tắt nối liền các khu vực nhằm tiết kiệm thời gian, nhưng thực tế thì nó chỉ khiến mọi việc phiền phức hơn, vì trong game không có bản đồ thời gian thực, thành ra thứ này như một đống mạng nhện chằng chịt cực kỳ rối rắm.
Rất dễ bị lạc đường hoặc bỏ lỡ thứ gì đó quan trọng khi chơi The Surge 2, khi mà nó thiết kế đường nối giữa các khu vực khá khó nhìn cộng thêm một tá các cửa ngách bị khóa chưa có cách mở. Điều này khiến cho việc tìm đường trong The Surge 2 vô cùng bực mình, bạn sẽ thường xuyên gặp trường hợp tắc vào một chỗ nào đó loay hoay cả nửa tiếng đồng hồ để tìm đúng điểm cần tới, đáng lý mọi thứ sẽ đơn giản hơn nhiều nếu như game cho phép Fast Travel giữa mấy cái Med-bay.
Các con trùm trong The Surge 2 cũng là thứ khiến nó bị chê khá nhiều, ở đây chúng ta không nói về độ khó hay sát thương của chúng mà là thứ quan trọng hơn đó là mức độ phức tạp trong bộ chiêu thức. Nếu đã chơi qua những game Souls-like như Bloodborne, Nioh hay Sekiro... các bạn cũng có thể thấy những con trùm thường có những move set cực kỳ ảo diệu, chúng là những chuỗi động tác kết hợp để ép game thủ vào góc chết sau đó dứt điểm. Hơn nữa áp lực từ trùm rất lớn và nó hạn chế không gian hoạt động tối đa, khiến cho người chơi càng lúc càng cuống.
The Surge 2 thì không được như vậy, cơ bản vì tốc độ ra đòn của chúng khá chậm và dễ đoán, bạn sẽ rất dễ nhớ hết tất cả chỉ sau khoảng 2 tới 3 lần chết. Một vấn đề nữa là thanh thể lực trong The Surge 2 quá nhiều, nó cho phép nhân vật chạy, né và ra đòn liên tục mà không cần giữ nhịp, mọi thứ trở nên đơn giản đi đáng kể. Trong thực tế, với những người mới chơi thì trùm trong The Surge 2 vẫn rất khó nhằn, nhưng các game thủ quen thuộc với dòng Souls-like sẽ chẳng gặp vấn đề gì quá đáng kể cả.
Tất nhiên The Surge 2 vẫn có những điểm sáng cho riêng mình, đó là hệ thống tìm và kết hợp trang bị rất độc đáo. Với việc bạn có thể “chém đứt” từng phần cơ thể kẻ địch để rèn vũ khí, cộng thêm các bonus kết hợp 3 hay 6 món cùng loại với nhau, game đã mở ra vô vàn kiểu build khác nhau dựa theo phong cách của người chơi. Bạn có thể lựa chọn đi theo hướng đơn giản nhất là thuần sát thương hoặc nguyên tố, có khá nhiều loại hiệu ứng trong The Surge 2 để kéo máu theo thời gian hoặc giảm giáp, nó khiến cho việc tạo dựng nhân vật rất hào hứng đặc biệt là ở giai đoạn nửa sau của game.
Tuy vậy lại một lần nữa tôi phải nói là The Surge 2 vẫn làm chưa tới, yếu tố RPG này của nó vẫn là khá hời hợt khi bị hạn chế lớn về số lượng trang bị, nếu làm một phép so sánh nhỏ với một game khác là Nioh chẳng hạn, thì sẽ thấy 6 slot option của The Surge 2 chẳng gì với hàng chục dòng vàng chóe của Nioh. Cái này khá giống kiểu bạn cố nhồi nhét thêm các yếu tố để giữ chân người chơi, nhưng rốt cuộc thì nó vẫn khá là nửa vời chẳng đi tới đâu cả.
Nhìn chung thì nếu như là một người dễ tính, thì The Surge 2 vẫn thể coi là một sản phẩm ở mức khá so với mặt bằng chung, nhưng nó vẫn chưa đạt tới các game Souls-like thực sự hay hoặc có chiều sâu đủ để game thủ phải chết mê chết mệt tới cùng.