Phụ Lục
Kẻ hủy diệt có thể nói là một dòng phim hành động khoa học viễn tưởng huyền thoại, có tác động lớn đến ngành công nghiệp điện ảnh cũng như văn hóa đại chúng. Dù đạt nhiều thành công lớn, thế nhưng đối với các fan thì dòng này đã hết thời kể từ sau phần 2 khi mà những bộ phim kế tiếp là thất vọng nối tiếp thất vọng. Ở mảng game ăn theo cũng không khá khẩm mấy khi mà cũng theo các fan thì chỉ những tựa game Terminator arcade cổ điển hay trên di động là còn tử tế, còn lại những game 3D hầu như đều là nỗ lực ăn theo phim sắp ra mắt để kiếm chác chút ít. Terminator Resistance dường như cũng “cố ý” phát hành sát bộ phim Terminator: Dark Fate để “tranh thủ” kiếm chút.
Nghe qua có lẽ ai cũng sẽ nghĩ Terminator Resistance sẽ lại là một sản phẩm ăn theo phim rẻ tiền nữa. Nhất là khi nhà phát triển Teyon trước đó cũng có thành tích “đáng nể” với siêu thảm họa Rambo: The Video Game, một sản phẩm cũng ăn theo thương hiệu phim hành động đình đám từ những năm 80 khác. Thế nhưng liệu Terminator Resistance có đúng là một game chỉ làm để ăn theo mặc cho chất lượng ở mức thảm họa?
Terminator Resistance chỉ ăn theo 2 bộ phim Kẻ hủy diệt đầu tiên và coi như phần 3 trở đi không tồn tại. Game lấy bối cảnh năm 2028, giữa lúc cuộc chiến của con người và Skynet đang bước vào giai đoạn quyết định. Người chơi vào vai Jacob Rivers, một người lính thuộc quân kháng chiến bị tách khỏi đồng đội của mình trong một trận giao tranh. Từ đó, Jacob phải hợp tác cùng một nhóm người sống sót lạ mặt cũng như các chi nhánh khác của quân kháng chiến. Cốt truyện game không có gì đặc sắc để lôi cuốn người chơi, không có gì hay ho nhưng cũng chả phải là dở nên nếu bạn muốn theo dõi thì cũng chả sao.
Thay vào đó, các câu thoại về những chuyện mà các NPC trải qua dường như lại hấp dẫn và đáng nghe hơn. Dù không được hay nhưng cũng không thể phủ nhận cốt truyện bám khá sát với nguyên tác 2 phim đầu tiên nhằm phục vụ các fan, một điểm cộng nho nhỏ. Cùng với đó các nhân vật trong game cũng đủ thú vị để giúp người chơi không vì cốt truyện làng nhàng mà phải dừng cuộc phiêu lưu lại.
Terminator Resistance là một game FPS với thiên hướng nhập vai RPG khá giống Fallout. Môi trường của game khá là mở, cho phép người chơi khám phá cũng như lựa chọn các lối đi khác nhau. Mỗi một kẻ thù khi đụng độ đều hiện một thanh HP trên màn hình. Mọi kẻ địch đều có một điểm yếu riêng mà mỗi lần bị bắn phải sẽ là 1 critical hit lấy đi nhiều HP. Game mở đầu khá chậm và có thể sẽ nhàm chán khi người chơi chỉ đụng độ 1 số kẻ địch vừa và yếu. Sau đó khi T-800 xuất hiện lần đầu là lúc game thực sự hấp dẫn lên.
Vũ khí vật lí thông thường đầu game đều vô dụng với T-800 nên người chơi buộc phải chơi lén lút để lẩn trốn khỏi các cỗ máy này, tạo nên một không khí khá là căng thẳng. Thế nhưng ngay sau đó người chơi có vũ khí plasma trong tay thì chúng không còn đáng lo ngại. Game có cho phép stealth để lảng tránh đụng độ, thế nhưng việc trực tiếp tiêu diệt đối phương vẫn hơn khi có được điểm kinh nghiệm, chip và đạn dược cùng nguyên liệu để chế tạo vật phẩm. Hệ thống crafting trong game cũng khá chi tiết, giúp khuyến khích người chơi khám phá mọi ngóc ngách nhằm tìm kiếm nguyên liệu. Trong game, nguyên liệu, vũ khí hay các tài nguyên người chơi tìm được có thể mang ra để mua bán trao đổi.
Kẻ địch trong game cũng rất đa dạng, từ các cỗ máy nhỏ ít nguy hiểm, những tháp súng, những T-800 đáng sợ hay những phi thuyền HK trên bầu trời. Mỗi một kẻ địch có thể có các cách tiếp cận riêng và game cũng không hạn chế phương thức chiến đấu. Từ đấu súng trực tiếp cho đến hack các tháp súng để chúng tiêu diệt đối phương cho bạn hay lặng lẽ dùng các con dao đặc biệt để lén hạ T-800 bằng 1 hit duy nhất từ phía sau.
Yếu tố RPG trong game còn thể hiện thông qua sự tương tác với các NPC. Bạn có thể trò chuyện với các NPC để biết thêm thông tin cũng như được NPC giao cho nhiệm vụ. Việc hoàn thành các nhiệm vụ phụ hay lựa chọn câu thoại có ảnh hưởng nhất định đến thái độ của NPC đó đến người chơi, đồng thời quyết định đến cái kết của game. Hoàn thành nhiệm vụ hoặc tiêu diệt kẻ thù sẽ mang đến điểm kinh nghiệm để người chơi lên level. Mỗi một level sẽ mang đến 1 điểm kĩ năng để người chơi nâng cấp nhân vật. Cây kĩ năng của game khá là kém thú vị khi nó thường chỉ đơn giản tăng các chỉ số nhất định như khả năng hack, cậy khóa, sát thương thuốc nổ, khả năng mang đồ, khả năng chịu sát thương,… thay vì mở khóa một kĩ năng đặc biệt nào đó. Mỗi một kẻ địch bị tiêu diệt, người chơi có thể nhặt được Skynet chip, chúng dùng để nâng cấp các vũ khí plasma trong game với các chỉ số như mở rộng băng đạn, tăng sát thương, tăng độ ổn định, tăng tốc độ bắn.
Bên cạnh các trường đoạn cho người chơi tự do khám phá và chọn lối chiến đấu của mình, game cũng có các trường đoạn chiến đấu nảy lửa như Call of Duty, nhấn mạnh vào nhịp điệu dồn dập của mình. Game có độ khó không cao cho lắm, kể cả khi người chơi chủ động chọn mức khó cao. AI của game khá ngờ nghệch và dễ bị lợi dụng. Nếu bạn tìm được khẩu súng bắn tỉa plasma trong game, kết hợp với các chip sát thương thì khẩu súng này sẽ lợi hại quá mức cần thiết, dễ dàng tiêu diệt mọi kẻ địch. Chưa kể nếu người chơi tập trung nâng cấp max Toughness thì sẽ có thêm khả năng tự hồi máu, từ đó không còn cần đến medkit nữa. Độ khó không cao là vậy nhưng chất nổ trong game lại quá mạnh với tầm ảnh hưởng xa bất thường dễ khiến người chơi chết oan bởi chính lựu đạn của mình hoặc từ đối phương.
Đồ họa của game nhìn chung tương đối giống như của một game từ 4-5 năm về trước. Sử dụng Unreal Engine 4, game cũng có kha khá các hiệu ứng ánh sáng, cháy nổ bắt mắt. Môi trường cũng như bề mặt vật thể không được chi tiết cho lắm. Dù vậy, bối cảnh tăm tối đổ nát trong game vẫn được thể hiện khá tốt, tạo được một không khi tan hoang, u ám về đêm. Còn về ban ngày thì game trông khá thô và đồ họa như từ thời PS3. Các cỗ máy trong game, đặc biệt là những kẻ hủy diệt dòng T-800 trông rất chi tiết và ấn tượng, đi kèm với cử động thô cứng đặc trưng của các cỗ máy. Cùng với đó là các lần đấu boss với mẫu Infiltrator T-800 được bọc bởi mô sống như trong phim, khi bị bắn phá sẽ lộ phần khung kim loại cùng đôi mắt đỏ rực trông rất thuyết phục.
Ngược lại thì mô hình các nhân vật con người trong game lại quá thô cứng và thiếu chi tiết, nhất là ở khuôn mặt. Việc đồ họa ở mức trung bình khá phần nào giúp game không đòi hỏi một cấu hình cao, có thể chạy rất tốt ở các máy tầm trung. Game cũng vận hành rất mượt mà, không có lỗi, vấn đề về khung hình hay crash.
Âm nhạc trong game thì quả thực vừa trung thành với giai điệu kinh điển của loạt phim nhưng cũng vô cùng chất. Ngay từ khoản nhạc menu thôi cũng đủ làm ngất ngây các fan phim Kẻ hủy diệt rồi. Nhạc trong game mang cái chất gì đó khá đậm nét phong cách những năm 80 nhưng cũng thể hiện cái chất hiện đại của mình. Âm nhạc xuyên suốt game là một điểm nhấn rất quan trọng với nhịp điệu dồn dập trong từng tình huống. Hiệu ứng âm thanh của game cũng rất đã tai với tiếng súng plasma, tiếng nổ cùng âm thanh máy móc mang một cảm giác rất tương lai, giúp bạn hòa mình vào các trận chiến nảy lửa.
Terminator Resistance không phải là một sản phẩm ăn theo tồi tệ. Nó thể hiện tình yêu và niềm đam mê mãnh liệt mà các nhà phát triển dành cho dòng phim Kẻ hủy diệt. Terminator Resistance là game tựa game tạm ổn với đa phần game thủ, nhưng nó là một game đặc biệt đáng thử qua với các fan Terminator. Với cái giá 40$ có lẽ là còn khá đắt với một sản phẩm mang tầm chất lượng như vậy. Nếu game được giảm giá, đừng ngại thử qua. Rất hi vọng chúng ta có thể thấy nhiều hơn những sản phẩm như vậy trong tương lai với giá mềm hơn.
Cấu hình tối thiểu: