Trước khi Spirifarer được nhà phát triển Thunder Lotus cho ra mắt vào ngày 18/8 vừa qua trên Steam, Mọt tui chưa từng nghe bất kỳ thông tin nào về tựa game này. Chỉ đến khi trò chơi xuất hiện trong danh sách những tựa game mà Steam đề cử, tác giả mới biết đến trò chơi này và bị chinh phục bởi phần hình ảnh của nó. Tuy nhiên sau khi bốn tiếng đồng hồ bay vèo dù ban đầu chỉ định chơi thử cho biết, Mọt biết rằng mình cần phải thực hiện bài đánh giá Spiritfarer để giới thiệu nó đến các độc giả của Mọt Game.
Trong Spiritfarer, bạn là cô bé Stella vừa nhận trách nhiệm trở thành “người đưa đò” cho các linh hồn ở cõi chết để thay thế cho người tiền nhiệm Charon quyết định rời khỏi cương vị của mình. Cùng với chú mèo cưng có tên Daffodil (hoa thủy tiên), bạn sẽ thừa hưởng một phần sức mạnh của Charon và dùng nó để thỏa mãn những nguyện vọng của các linh hồn đang lang thang trong cõi chết, chấm dứt sự tồn tại của họ và có lẽ là giúp họ đến với một cuộc đời mới ở chốn dương gian.
Trong toàn bộ trải nghiệm của trò chơi, game thủ sẽ gặp được khoảng 10 nhân vật khác nhau, được “hô biến” thành hình dạng của động vật chứ không phải con người. Mọt tui cho rằng đây là một lựa chọn tuyệt vời bởi nó mở ra cho game thủ khả năng tự tưởng tượng ra hình người của họ, và đặc biệt thích hợp nếu người chơi từng mất đi ai đó thân yêu với mình. Ngay cả khi game thủ may mắn chưa từng phải trải qua nỗi đau này, một ngày nào đó bạn sẽ nhìn lại Spiritfarer và cảm thấy vui mừng vì cách tạo hình nhân vật của nhà phát triển.
Và mỗi người trong số họ đều có một câu chuyện để kể với bạn. Từ nàng nai Gwen đến cậu cóc Atul, từ bà rắn Summer tới chàng cú Gustav, tất cả đều ẩn chứa trong mình những khát vọng chưa hoàn thành, những tiếc nuối vương vấn chốn dương gian, và họ sẽ mở lòng mình với Stella từng chút, từng chút một. Các câu chuyện của các nhân vật này được dẫn đường bằng một loạt nhiệm vụ đơn giản và cũng là cách để game hướng dẫn người chơi. Một vài nhân vật trong này khiến Mọt tui cảm thấy hơi phiền, nhưng không ai trong số họ là giả dối – bạn có thể nhìn thấy những nét tính cách quen thuộc của người xung quanh trong những nhân vật này, và rồi đồng cảm với họ.
Nội dung của Spiritfarer phần nào làm Mọt nhớ đến The Last of Us 2. Cả hai trò chơi đều khai thác những gì xảy ra xoay quanh cái chết, những dằn vặt đau khổ mà người ta phải trải qua khi có ai đó qua đời. Tuy nhiên chúng lại hiện thực hóa chủ đề này theo những phương hướng hoàn toàn khác biệt: trong khi The Last of Us 2 đưa chúng ta đến với một cuộc hành trình nặng nề, đầy đen tối chìm đắm trong giết chóc và thù hằn; Spiritfarer lại cho game thủ trải qua một cuộc chơi nhẹ nhàng, linh động, giàu cảm xúc. Tựa game của Thunder Lotus không phải là thiếu vắng những câu chuyện buồn, nhưng khi bạn đi theo những câu chuyện đó đến phút sau cùng, sẽ có chút gì đó ngọt ngào và ấm áp lắng đọng lại trong tim.
Nội dung của trò chơi xoay quanh việc hoàn thành tâm nguyện của các nhân vật mà bạn gặp gỡ trong quá trình làm người đưa đò, nhưng gameplay của nó lại khá đa dạng. Chúng ta có thể tạm chia nội dung của trò chơi ra thành ba mảng là platform, quản lý, và khám phá; nhưng thật ra chúng gắn bó với nhau một cách rất chặt chẽ và vì vậy Mọt sẽ nói về cả ba cùng lúc trong mục này.
Việc điều khiển con đò rất đơn giản: bạn chỉ việc chọn một điểm đến trên bản đồ và nó sẽ tự động chạy đến đích rồi dừng lại, cho Stella đủ thời gian để làm điều mình cần. Điểm đến đó có thể là một hòn đảo mà bạn có thể khai thác tài nguyên, chỗ đắm tàu với vài món đồ quý giá, một đàn sứa bay mang theo nguyên liệu hay một sự kiện tương tự “đấu trùm” (nhưng hoàn toàn không có đánh nhau)… Trong khoảng thời gian chờ đợi con đò đến đích, game thủ có thể thực hiện rất nhiều công việc khác, từ câu cá ở đuôi tàu, nấu ăn trong bếp, dệt sợi, cưa gỗ, trồng trọt,… hay đơn giản là trao cho các linh hồn trên tàu những cái ôm.
Có hai điều thú vị mà Mọt muốn nói về tính năng khai thác và sản xuất của trò chơi. Một là đại đa số các hoạt động khai thác / chế biến đều có những tương tác đơn giản, khiến game thủ có cảm giác thực sự tham gia vào hoạt động trên tàu. Hai là dù trò chơi có nội dung khai thác tài nguyên và chế biến chúng thành nguyên vật liệu, Spiritfarer hoàn toàn không tạo áp lực buộc game thủ phải vận hành một “dây chuyền sản xuất” với hiệu năng tối đa kiểu Anno, Factorio… Nhờ vậy, Mọt tui không cảm thấy sự thôi thúc phải tối ưu mọi thứ khi chơi, mà có thể dành thời gian để chăm chút cho các nhân vật của mình, mang cho họ những ly cà phê đậm đà, gói bắp rang nóng hầm hập hay đơn giản là nói chuyện cùng họ.
Khi những ước vọng của các nhân vật mà bạn đang chở trên con đò của mình ngày càng trở nên phức tạp, con đò (thật ra có lẽ nên gọi là tàu) của bạn sẽ càng hoành tráng hơn. Bằng cách mua các nâng cấp ở xưởng đóng tàu cõi âm mà bạn sẽ ghé qua ngay từ đầu, game thủ sẽ liên tục tăng kích thước con tàu của mình, mở khóa những công trình mới và xây dựng chúng chồng lên nhau, biến con đò nhỏ ban đầu thành cả một thị trấn nổi trên mặt nước.
May mắn là game không bao giờ khiến game thủ có cảm giác choáng ngợp với số lượng nhân vật phải chăm sóc hay nhiệm vụ phải làm. Tất cả mọi thứ được nhà phát triển sắp xếp và tung ra một cách tuần tự, đi kèm những gợi ý hoặc hướng dẫn vừa đủ để game thủ có thể dễ dàng hiểu ra điểm đến kế tiếp là đâu và phải làm gì ở đó. Tóm lại, Spiritfarer có một cơ chế gameplay đơn giản và dễ hiểu nhưng không kém phần xuất sắc, khiến bạn không bao giờ bị xao lãng khỏi cốt truyện của các nhân vật. Nó tạo ra một cảm giác gấp rút nhưng không thể trì hoãn, bởi game thủ đang không ngừng tới gần đích đến, thời điểm của một cuộc chia ly.
Khi tất cả nguyện vọng của một nhân vật trên con đò đã được thỏa mãn, họ sẽ chia tay Stella tại cánh cửa vĩnh hằng (Everdoor), và đây là điều mà Spiritfarer muốn bạn phải học được: cách nói lời chia tay. Mỗi người trong chúng ta rồi sẽ phải vĩnh biệt một ai đó, và mỗi linh hồn mà Stella chăm sóc đều sẽ phải trải qua điều tương tự. Nhờ vào những cây bút tài hoa của Thunder Lotus, Mọt cảm thấy như tất cả các NPC của Spiritfarer đều là một con người từng sống, và không phải ai trong số họ cũng ẩn giấu một câu chuyện buồn, nhưng khi thời điểm sau cùng tiến đến, bạn sẽ nhận thấy mình rất khó để chia tay bất kỳ ai.
Thật ra, ngay cả những linh hồn lạc lõng trên các hòn đảo của Spiritfarer cũng không kém phần thú vị. Dù mỗi người trong số họ chỉ có một vài câu thoại ngắn, chúng cũng có thể vẽ ra một vài nét về cuộc sống mà họ từng có trước khi bước vào cõi tạm hiện nay. Mọt tui tìm thấy một game thủ Dungeons & Dragons luôn tính toán và suy nghĩ về các con xúc xắc, vài người luôn canh cánh về các thành viên gia đình, một tiều phu thích làm thơ, một diễn viên, một ban nhạc Rap và nhiều, nhiều người khác nữa. Họ đem lại những nụ cười nho nhỏ góp phần đánh lạc hướng Mọt tui khỏi những câu chuyện buồn của các linh hồn mình đang chuyên chở trên đò.
Và rồi sẽ đến lúc trò chơi chấm dứt. Khi toàn bộ các nhân vật mà nhà phát triển Thunder Lotus tạo ra đã thỏa mãn nguyện vọng của mình, con đò của Stella sẽ hoàn toàn vắng bóng NPC, chỉ còn bạn và chú mèo Daffodil ở lại. Đây là lúc bạn có thể chấm dứt trò chơi, mà cũng có thể tiếp tục lang thang trong thế giới của nó để khám phá những điều mình chưa được thấy. Spiritfarer có rất nhiều bí mật để khám phá và bạn thậm chí có thể chơi nó như một tựa game xây dựng, không ngừng chỉnh sửa và thử nghiệm để có một con tàu thật đẹp, thật hoành tráng theo đúng ý muốn của mình.
Như Mọt tui đã nói ở đầu bài viết, đồ họa của Spiritfarer là một trong những điểm ấn tượng nhất của trò chơi. Tất cả mọi thứ trong game đều được vẽ tay một cách công phu, với độ chi tiết rất cao và tạo thành các chuyển động mượt mà đẹp mắt. Các NPC chính trong game sở hữu những động tác trơn tru, biểu cảm sinh động và vẻ ngoài độc đáo. Game chọn phông màu tươi sáng nhưng khá trầm chứ không sặc sỡ hết sức phù hợp với chủ đề chết chóc mà Thunder Lotus lựa chọn cho trò chơi.
Dù Stella là một nhân vật không được lồng tiếng, những cảm xúc của cô bé được truyền tải một cách toàn vẹn bằng những động tác linh hoạt, sinh động mà các họa sĩ của Thunder Lotus đã dày công chăm chút, đem lại cho Mọt cảm giác như đang xem một bộ phim hoạt hình chất lượng cao. Âm nhạc trong game cũng khá đơn giản nhưng rất phù hợp với tình hình, và Mọt tui rất bất ngờ khi nhận ra rằng mình thích minigame gảy đàn của trò chơi nhờ những nốt nhạc du dương mà nó đem lại.
Trong suốt quá trình trải nghiệm Spiritfarer, Mọt không tìm thấy bất kỳ bug nào và trò chơi vận hành một cách chuẩn mực trên máy tính của Mọt trong suốt gần 20 giờ chơi. Nếu phải phàn nàn, Mọt sẽ nói về giao diện của game: nó khá đơn giản và vì thế thiếu thốn một số thông tin có thể khiến game thủ cảm thấy hơi phiền hà, chẳng hạn bạn không thể biết mình đang có bao nhiêu gỗ trong kho hàng lúc đang xẻ gỗ, cũng không biết cần bao nhiêu quặng để xây dựng công trình nếu không đứng trước bảng thiết kế của con tàu… Tuy nhiên đây là những vấn đề nhỏ không ảnh hưởng gì đến trải nghiệm của người chơi và hoàn toàn có thể bỏ qua.
Spiritfarer là một tựa game độc đáo ngay cả trong bối cảnh làng game đang phát triển không ngừng và số lượng game mới không ngừng tăng lên. Nó khai thác cái chết nhưng không phải để khiến game thủ cảm thấy mình hùng mạnh, mà nhằm đánh thức cảm xúc – thứ thường bị đè nén để nhường chỗ cho những cơn “say máu” của FPS, sự căng thẳng của hành động hay lãnh tĩnh trong game chiến thuật. Nó sẽ khiến bạn yêu quý những NPC mình gặp phải và trân trọng những giờ phút mình trải qua cùng họ, khiến bạn nhận ra rằng cuộc sống rất ngắn và vì thế đừng bỏ qua một cơ hội nào để bày tỏ tình cảm với người xung quanh.
Nên mua hay không? Nếu bạn từng mất mát người thân, có vốn tiếng Anh tàm tạm để có thể hiểu được những gì các nhân vật bày tỏ trong câu chuyện của mình, và muốn tìm kiếm một tựa game khiến bạn suy nghĩ về cuộc đời, Spiritfarer là một tựa game không thể bỏ qua. Nhưng thật ra ngay cả khi bỏ qua phần cốt truyện của các nhân vật phụ, nó vẫn là một tựa game quản lý / xây dựng khá hấp dẫn và cuốn hút với đồ họa tuyệt vời và âm nhạc đáng khen.
Game hiện có trên PC, Xbox One, PS4, Switch.
Ưu điểm:
Nhược điểm: