Phụ Lục
Returnal có thể nói là một dự án đầy tham vọng được thực hiện bởi nhà phát triển Housemarque và trò chơi đã chính thức ra mắt vào dịp lễ 30 tháng 4 vừa qua. Với lối chơi hành động bắn súng xoay quanh phong cách rogue-lite, pha trộn với những yếu tố đặc trưng của thể loại bullet hell (một dạng game shoot ‘em up nhưng người chơi sẽ tập trung vào việc né đạn như mưa từ kẻ thù).
Bạn không đọc nhầm đâu vì mọi thứ trong cái trò này có xu hướng vãi đạn như mưa một cách đầy ác ý về phía bạn, chỉ là lần này chúng ta sẽ nhào lộn trong môi trường hình ảnh 3D chất lượng cao để né chứ không phải mặt phẳng 2D thôi. Với sự hấp dẫn lẫn độ kinh dị như vậy (ít nhất với Mọt tui, theo cách hoàn toàn nghiêm túc nhất thì nó thật sự khó) trò chơi đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của cộng đồng game thủ trên toàn thế giới.
Khi thảo luận về trò chơi điện tử, chúng ta thường nghĩ về những “tính cách” của chúng. Điển hình như mục đích chính của chúng là gì? Hành vi của chúng sẽ thay đổi như thế nào khi người chơi tương tác với chúng? Và cuối cùng vai trò của chúng ta đối với “máy” thực sự là như thế nào?
Thông thường thì những câu hỏi này khá dễ trả lời, bởi đại đa số trò chơi điện tử đều được các studio game thiết kế một cách hợp lý để đáp ứng thị hiếu hay sở thích nhất định của người chơi, cũng như mục tiêu khách hàng mà họ đang nhắm đến. Một số ví dụ đơn giản nhất đó chính là các tựa game khai thác sâu vào cốt truyện sẽ được lòng rất nhiều game thủ thích những thứ "dark deep" hay ít nhất là có ham muốn đào sâu tìm hiểu những điều được ẩn giấu trong trò chơi.
Tuy nhiên một bộ phận không nhỏ game thủ lại thích những thứ dễ chơi, dễ cảm nhận, dễ trúng thưởng. Đó không phải là vấn đề vì cuộc đời này vốn đã quá khó khăn nếu bạn thích mọi thứ dễ dàng một chút chẳng có gì đáng xấu hổ hay lên án. Từ đó các tựa game mì ăn liền kiểu AFK hoặc là các dòng game online đơn giản vẫn thu hút rất đông người chơi khi sở hữu máy chủ có sức chứa lên đến hàng trăm hoặc thậm chí là hàng ngàn game thủ cùng lúc.
Nhưng riêng đối với Returnal, tất cả những câu hỏi nói trên phải nói là khá khó để thực sự có thể trả lời được. Tại sao lại như vậy? Bởi vì đây là một tựa game hay, nếu không muốn nói là tuyệt vời tuy nhiên, lại rất chi là hardcore và nhiều game thủ trong đó có Mọt tui, không ít lần sau khi vừa có một khẩu súng ngon ngon lại bị trùm đập chết, tui chỉ muốn vứt quách tay cầm đi và xóa luôn game cho đỡ tức. Trong suốt quá trình trải nghiệm, Mọt tui có thể cảm nhận được độ khó của nó tăng lên theo từng phút, từng giây nhưng đó lại chính là điểm nhấn của Returnal.
Về mặt nào đó của ngôn ngữ thì Returnal cũng giống như sầu riêng vậy, ai không thích chỉ thiếu điều muốn nôn mửa khi nghe cái mùi của thứ trái cây độc đáo này còn ai trót yêu cái vị béo bùi cực ngậy cùng mùi hương khó tả có thể "quất" hết cả trái mới đã thèm cũng không chừng.
Trước khi đi sang Thái mua sầu riêng, trước hết chúng ta hãy quay lại để cùng tìm hiểu một chút về cốt truyện của game. Returnal kể về Trinh sát Vũ trụ Selene, trong một lần đi làm nhiệm vụ phi thuyền của cô chẳng biết vì lí do gì đã gặp phải trục trặc và rơi xuống một hành tinh xa lạ, tên là Atropos.
Được biết đây là một nơi đáng sợ, không chỉ bởi địa hình hiểm trở, mà môi trường còn có khả năng biến đổi không ngừng. Chưa kể đến việc nó còn sở hữu nhiều loại sinh vật ngoài hành tinh cổ đại, cực kỳ hung hãn. Chúng luôn rình rập và chờ đợi cơ hội thích hợp để tấn công người chơi. Thấy vậy, Selene liền lên kế hoạch sinh tồn, với hi vọng có thể đối phó và vượt qua những hiểm nguy ở phía trước.
Tuy nhiên, càng phiêu lưu vào sâu bên trong Atropos, cô trinh sát vũ trụ lại càng phát hiện ra nhiều điều bí ẩn không thể lí giải được. Trước hết Selene tìm thấy xác của mình nằm rải rác ở nhiều nơi, trong khi đây lại là lần đầu tiên cô đặt chân đến hành tinh này. Sau đó là vòng lặp sinh tử mỗi khi bị hạ gục bởi quái vật. Và cuối cùng là một loại tín hiệu kỳ lạ (gọi là White Shadow), được phát ra bởi… ảo ảnh của một phi hành gia của thế kỷ 20.
Sau khi nhận ra rằng cứ mỗi lần “chết đi sống lại” là tất cả mọi thứ (địa hình, môi trường, các màn chơi) sẽ thay đổi một cách ngẫu nhiên. Nên niềm hi vọng duy nhất để giải thoát, cũng như giải đáp những khúc mắc của Selene, đó chính là phải tìm cho bằng được nguồn phát tín hiệu bí ẩn kia và dĩ nhiên không được... chết giữa chừng. Thế là những cuộc phiêu lưu của Returnal đã chính thức bắt đầu.
Như Mọt tui đã giới thiệu ở bài trải nghiệm sớm trước đó, cơ chế chiến đấu của Returnal được thiết kế xoay quanh lối chơi bắn súng và né đạn điên loạn của các tựa game kiểu bullet hell, cộng thêm vụ chết là gần như mất hết của rogue-lite. Chính vì vậy, game thủ sẽ cần phải hết sức tập trung trong những trận đánh quái để né những “cơn mưa đạn” và phản công lại kẻ địch.
Và tất nhiên để tăng thêm độ khó, cũng như tạo nên điểm nhấn cho gameplay, nhà phát triển Housemarque còn đưa vào game phong cách rogue-lite vô cùng hấp dẫn nhưng không kém phần hardcore. Nói một cách dễ hiểu, sau mỗi lần thất bại trong các tựa game rogue-lite (biến thể của rogue-like, một dạng game chết là chơi lại từ đầu), trò chơi sẽ “tặng” cho game thủ một thứ gì đó có khả năng khiến cho nhân vật của họ trở nên mạnh hơn trong những lần chơi tiếp theo.
Trong trường hợp này là Selene và một số loại tài nguyên mà cô (người chơi) đã thu thập được sau những lần “chết đi sống lại”. Sau khi hồi sinh, chúng ta có thể sử dụng chúng để nâng cấp vũ khí và chế tạo một số phụ kiện hỗ trợ. Bên cạnh đó Returnal còn sở hữu hệ thống kẻ thù đa dạng, từ đám quái với nhiều kích cỡ và hình dạng kì dị, cho đến các loại Boss khổng lồ có khả năng thực hiện những đòn tấn công cực kỳ nguy hiểm.
Ngoài ra trò chơi sẽ bao gồm 3 màn chơi chính, gọi là Act. Mỗi Act được cấu tạo bởi nhiều khu vực cùng với nhiều hệ sinh thái khác nhau. Những khu vực này còn được chia nhỏ ra thành các “phòng” và mỗi phòng được phân cách bởi các cánh cổng đặc biệt. Theo đó có hai loại cổng mà người chơi cần lưu ý: Cổng Chính (hình chữ nhật) và Cổng Phụ (hình tam giác).
Cổng chính, như tên gọi, sẽ đưa Selene đi làm nhiệm vụ chính và tiếp tục khám phá những điều bí mật của Returnal. Còn các loại cổng phụ sẽ dẫn cô trinh sát đến với những căn phòng chứa đủ các loại vật phẩm nâng cấp tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng may mắn có được những món đồ “xịn xò” này. Bởi lẽ hệ thống vật phẩm của trò chơi cũng được thiết kế một cách ngẫu nhiên khá là độc đáo. Thông thường, chúng (vật phẩm nâng cấp) sẽ luôn đi kèm với một hoặc nhiều loại tác dụng phụ, lúc thì tốt, lúc thì xấu, đúng kiểu thử xem vận khí của bạn hôm nay như thế nào luôn ấy.
Ví dụ như món đồ dùng để tăng thêm 10% lượng máu đang có sẽ khiến cho người chơi mất đi 75% sát thương từ tất cả các loại vũ khí NẾU như họ đứng im, tức là ta sẽ cần phải vừa di chuyển vừa bắn. Tuy nhiên, tác dụng phụ có thể được “hoá giải” bằng cách thực hiện nhiệm vụ phụ được giao, chẳng hạn như thu thập bao nhiêu Obolites (một dạng tài nguyên dùng để nâng cấp vũ khí), hay là sử dụng một loại power-ups gì đó (hồi máu, hồi năng lượng, vân vân và mây mây...).
Mảng đồ hoạ cũng có thể nói là một trong những yếu tố đã góp phần tạo nên sự độc đáo đầy thú vị cho Returnal. Từ những chuyển động, thay đổi của môi trường và các mảng thực vật đẹp lộng lẫy, cho đến những pha combat, bay nhảy giữa “mưa đạn” với đủ các loại màu sắc, trông cực kỳ bắt mắt.
Và tất nhiên, cũng bởi vì đây là game độc quyền dành cho hệ máy PS5, nên chất lượng âm thanh cũng sẽ nhận được rất nhiều sự ưu ái. Một trong số đó chính là công nghệ âm thanh 3D sống động (3D Audio), cho phép người chơi có thể dễ dàng cảm nhận và xác định được vị trí của nguồn phát, bất kể đó là kẻ địch, hay những tiếng động của môi trường xung quanh. Từ tiếng nước chảy nhỏ giọt trong khu rừng tăm tối ở đầu game, tiếng gió thét gào ngay giữa hoang mạc, cho đến những tiếng gầm gừ của quái vật, tiếng động cơ của các tháp súng.
Qua đó chúng ta có thể thấy rằng nhà phát triển Housemarque đã rất thành công trong việc kết hợp những yếu tố kì ảo với khoa học viễn tưởng, để tạo ra một thế giới đẹp như phim ciné và chân thật một cách lạ thường.
Tựa game hành động bắn súng của Housemarque được đặt trong bối cảnh khoa học viễn tưởng kế hợp cùng yếu tố kinh dị, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn.
Bên cạnh đó, tính năng Haptic Feedback (rung phản hồi) và cả Adaptive Trigger (cò điều khiển thích ứng) của chiếc tay cầm DualSense trên PS5 còn mang đến những trải nghiệm cực kỳ chân thật. Công nghệ Haptic Feedback không chỉ giúp cải thiện độ rung của các motor được lắp trong chiếc tay cầm, mà còn biết tự điều chỉnh (tăng giảm độ rung) để phản hồi với những tác động của nhân vật lên môi trường và ngược lại.
Còn với Adaptive Trigger, game thủ sẽ cảm nhận được độ nặng của cò súng mỗi khi chiến đấu, cũng như linh hoạt hơn trong việc chuyển đổi hai chế độ bắn của tất cả các loại vũ khí trong Returnal mà không cần phải bấm thêm nút khác. Đơn giản chỉ cần bấm và giữ nhẹ L2 và click R2 để bắn đạn thường hoặc đè L2 và bấm R2 để kích hoạt kỹ năng đặc biệt.
Tuy rằng tựa game mang đến cho người chơi rất nhiều điều hấp dẫn, song không thể không nói đến một vài bất cập vẫn còn hiện hữu trong game. Trước hết là Returnal không hỗ trợ tính năng Save/Load, bởi lẽ đây là một trò chơi thuộc dạng rogue-lite, chết là đi lại từ đầu, nên sẽ không cần sao lưu để làm gì cả. Tuy nhiên, đối với những người luôn bận rộn với công việc và cuộc sống, thì đó lại là thứ sẽ khiến cho họ cảm thấy ái ngại.
Thật tình mà nói, chẳng ai muốn vô tình mất tất cả những thứ mà mình đã dành ra nửa ngày, hoặc thậm chí là nhiều ngày để “cày” cả. Nhưng mọi người cũng đừng quá lo lắng, vì nhà phát triển Housemarque đã xác nhận rằng họ đang gấp rút tìm hướng giải quyết phù hợp cho vấn đề này, cho đến lúc đó các bạn có thể tạm thời lưu lại quá trình chơi của mình bằng cách kích hoạt chế độ Rest Mode cho chiếc PS5. Dĩ nhiên nếu lỡ máy tự cập nhật phần mềm, sau đó tự tắt thì phải chơi lại từ đầu nhưng nếu may mắn, thì ít ra chúng ta vẫn còn cơ hội được tiếp tục với những gì mà mình đang làm trước đó.
Nhìn chung Returnal là một tựa game hay, không chỉ đơn giản bởi vì đồ hoạ đẹp, âm thanh sống động, hay thậm chí là về nội dung, mà còn bởi sự kết hợp hài hoà, nhịp nhàng giữa thể loại bullet hell và phong cách rogue-lite “khó nhằn”. Đối với Housemarque – một studio trước giờ chuyên "trị" những tựa game arcade, điển hình như Resogun và Nex Machina, thì đó là những thành tựu đáng để ngưỡng mộ.
Tuy rằng lối chơi, lẫn cơ chế chiến đấu đặc thù của trò chơi có thể sẽ mang đến cảm giác ức chế hoặc dễ khiến cho nhiều người cảm thấy bực bội sau những lần “ngủm” một cách nhảm nhí hay đơn giản là quá gà so với Boss. Nhưng một khi đã nắm vững các thao tác cơ bản, cũng như “thuộc làu” một số dạng địa hình nhất định, các bạn sẽ dần cảm nhận được vẻ đẹp tiềm ẩn của Returnal.
Hi vọng rằng với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử, cũng như với sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía ông lớn Sony, nhà phát triển Housemarque sẽ tiếp tục cập nhật thêm nhiều nội dung hấp dẫn trong thời gian sắp tới.
Chấm điểm: 8.5/10
Ưu điểm:
Nhược điểm: