Chắc hẳn các bạn không hề xa lạ với Tokyo RPG Factory – cha đẻ của các tựa game như I am Setsuna hay Lost Sphear, một nhà phát triển nổi tiếng với phong cách nhập vai cổ điển hiếm hoi còn sót lại. Oninaki là sản phẩm mới nhất của họ và được kỳ vọng sẽ là một cú bứt phá lớn khi giới thiệu một lối chơi hành động đặc sắc, đáng tiếc là nó vẫn không thể thoát khỏi cái phong cách “cũ kỹ” không hợp thời của Tokyo RPG Factory.
Cốt truyện của Oninaki nói về nhân vật chính Kagachi với nhiệm vụ là một Watcher – những người có khả năng thấy được linh hồn, giữ nhiệm vụ bảo vệ ranh giới giữa người sống và cõi âm. Bản thân mỗi Watcher khi sinh ra đều có những sức mạnh đặc biệt cho phép họ cảm nhận linh hồn, cũng như đi qua thế giới bên kia và thấy những thứ mà người bình thường không thể thấy được. Sức mạnh của Watcher đến từ các linh hồn của những hiệp sĩ tử trận gọi là Daemon, những người chết đi nhưng vẫn còn níu giữ ký ức khi còn sống, họ nhận lời giúp đỡ Watcher và trở thành những món vũ khí sống cho chủ nhân mình.
Về cơ bản thì tổng thể cốt truyện của Oninaki rất có tiềm năng, khi nó hướng nhiều về phần bi kịch giữa sự sống và cái chết, những mất mát khi người thân của mình ra đi và sự chia lìa giữa hai thế giới. Oninaki có phần khá tương đồng với Valkyrie Profile, nhất là khi Kagachi trải nghiệm ký ức của các Deamon và những nuối tiếc của bọn họ khi còn sống, nhưng đáng tiếc nó làm chưa tới hay nói chính xác là có phần khá hời hợt.
Tốc độ diễn biến cốt truyện của Oninaki quá nhanh, nhanh tới mức gần như nó trôi tuột một lèo qua sạch các sự kiện, từ quá khứ của Kagachi, sự mất mát của anh ta cho tới việc bị phản bội bởi đồng đội mình. Game hoàn toàn không có một khoảng lặng hay phần tiếp nối nào, mà cứ thế bắn vèo vèo theo kiểu đi từ A tới B xong tiếp tục, khiến cho người chơi hoàn toàn cảm thấy hụt hẫng, không có chút gì ấn tượng với những gì đang xảy ra.
Phần kí ức của Daemon đáng lý sẽ là thứ đáng giá nhất để chúng ta hiểu được tâm trạng của những người không thể chết mà cứ sống mãi dưới dạng linh hồn, thì nó hoàn toàn chẳng đóng góp tí gì vào cốt truyện, đơn giản chỉ là một dạng mở khóa khi lên cấp cho Daemon mà thôi. Nếu so sánh với Valkyrie Profile thì Oninaki thua rất xa về phần dẫn truyện, vì quá khứ của các linh hồn là thứ cần phải được nhấn mạnh trong các game kiểu này.
Nói một cách đơn giản thì Tokyo RPG Factory có vẻ đang quá ôm đồm, họ vừa muốn giữ kiểu dẫn truyện JRPG truyền thống với những câu thoại dài dằng dặc, nhưng lại vừa muốn tiết chế nó sao cho phù hợp với kiểu game hành động. Kết quả là chúng ta có một cái kịch bản với hàng tỷ câu thoại dài lê thê nhưng không có điểm nhấn, thiếu nút thắt cũng như các đoạn bi kịch tạo khoảnh khắc xúc động và cuối cùng là nó rush như ăn cướp, người chơi như kiểu bị lôi tuột đi từ đầu tới cuối vậy.
Lối chơi của Oninaki phải nói là khá ấn tượng, vì tuy là một game hành động nhưng nó lại được phát triển theo hướng hoàn toàn khác hẳn. Các Daemon trong Oninaki vừa là vũ khí vừa đóng vai trò quyết định lối chơi, mỗi Daemon sẽ đại diện cho một món khác nhau từ Katana, búa chiến, giáo, nỏ, lưỡi hái hay song đao... Chúng vô cùng đa dạng và hoàn toàn độc nhất vô nhị, vì khi bạn chuyển đổi giữa các Daemon, Kagachi không chỉ đổi vũ khí mà là cả cách di chuyển, nhịp tấn công cũng như tư thế tung ra kỹ năng.
Kiểu chuyển đổi này khiến người chơi được trải nghiệm rất nhiều lối chơi khác nhau, khi mà chúng ta có thể sử dụng tới 4 Deamon cùng lúc và xoay chuyển chúng bất cứ khi nào thấy thích. Tổng cộng có tới 10 Deamon trong Oninaki, con số thực sự ấn tượng đối với một game hành động chặt chém. Nhớ được hết kỹ năng của số này cũng là cả một vấn đề, chứ đừng nói thuần thục chúng hoàn toàn.
Các Deamon có thể học kỹ năng bị động và tấn công, người chơi được quyền trang bị 4 đòn công kích để sử dụng luân phiên, chúng không hề tốn năng lượng nên cứ đủ thời gian hồi là sử dụng được luôn. Nó khiến cho Oninaki đơn giản và dễ tiếp cận hơn, mỗi Deamon lại có điểm mạnh yếu khác nhau như kiếm thì nhanh gọn nhưng sát thương ít đột biến, lưỡi hái tăng sát thương khi đánh từ phía sau hay búa có thể dùng đỡ đòn... tùy phong cách và sở thích mà người chơi sẽ sử dụng Deamon khác nhau.
Oninaki có 3 mốc độ khó khác nhau, chúng ảnh hưởng tới sức mạnh của quái vật và tỉ lệ rơi đồ. Mặc dù vậy thì mức độ thử thách của game cũng không cao lắm, kể cả ở độ khó nhất thì các con trùm cũng chỉ số lượng đòn thế khá ít và dễ đoán, người chơi chỉ cần nhớ rồi kiên nhẫn từ từ là sẽ chiến thắng. Do Kagachi là một Watcher nên anh ta có thể chuyển đổi giữa hai thế giới, điều này ảnh hưởng tới cả cốt truyện lẫn lúc chiến đấu, vì khi vào thế giới linh hồn các Daemon sẽ được hưởng rất nhiều bonus tăng sức mạnh.
Tuy vậy Oninaki lại có quá nhiều hạt sạn trong lối chơi khiến trải nghiệm không được trọn vẹn, trong đó phiền phức nhất là cơ chế lên cấp của Daemon, mỗi khi bạn tiêu diệt đủ một số lượng quái vật thì Deamon đang trang bị sẽ được một điểm thưởng và dùng nó để tăng kỹ năng. Vấn đề ở đây là cái điểm này không phải dùng chung mà mỗi Deamon lại riêng biệt hoàn toàn, điều này dẫn tới một việc là bạn phải luyện cấp cho từng Deamon một chứ không làm cùng lúc được.
Cái cơ chế quái thai này khiến việc luyện cấp trong Oninaki chẳng khác gì tra tấn, khi mà bạn phải gấp 5 gấp 7 lần khối lượng công việc lên một cách hoàn toàn lãng phí, chưa kể các Deamon mới đều bắt đầu ở cấp một, cho nên việc này còn phiền phức hơn nhiều. Chính vì vậy mà việc người chơi cứ sử dụng mãi vài Daemon khởi điểm là điều rất dễ xảy ra, vì họ quá lười để luyện cấp cho Daemon mới trong khi nó yếu như sên.
Hơn nữa tốc độ chiến đấu trong Oninaki khá là chậm, bạn sẽ có cảm giác nhân vật tốn khoảng 0,3 giây delay mỗi khi xuất chiêu, nó khiến cho việc tùy chỉnh combo không mang lại cảm giác sướng tay cho lắm vì rất khó để kết nối chúng vào chuỗi liên tục. Nếu như các game khác khi đủ chiêu thì nhân vật sẽ làm một loạt combo dài dằng dặc, nhưng với Oninaki thì nó chỉ xảy ra khi bạn tích đủ điểm nộ (Manifestation), thành ra việc chiến đấu bị giảm nhịp đi nhiều. Cuối cùng đám quái trong game khá đơn điệu và lặp đi lặp lại, không thực sự tạo ra nhiều hứng thú lắm.
Phần hình ảnh của game chỉ dừng ở mức khá, Tokyo RPG Factory vẫn trung thành với kiểu tạo hình anime và dùng các phông màu sáng rồi tạo hiệu ứng huyền ảo, điều này không hay ho cho lắm với một game hành động, vì đôi khi nó khiến mọi thứ rất rối rắm. Điểm đáng chê nhất của Oninaki là nó quá thiếu phần lồng tiếng, trừ các đoạn hồi ức của Deamon ra thì cả game gần như “câm tịt”, khiến cho cốt truyện đã dở thì chớ mà phần hội thoại cũng nhàm luôn.
Oninaki có thể nói là sự nhào nặn vụng về giữa một game JRPG cổ điển với phong cách chiến đấu hiện đại, Tokyo RPG Factory đã quá gò ép mình khi cứ giữ nguyên kiểu thiết kế quen thuộc, bất chấp việc nó bắt đầu lỗi thời quá nhiều. Có lẽ nếu được phát hành cách đây khoảng 5 hoặc 7 năm, Oninaki sẽ trở thành một bom tấn thực sự, còn bây giờ thì nó chỉ như một bức ảnh đen trắng lạc lõng, mất phương hướng giữa thế giới hiện đại mà thôi.
Bận có thể mua game trên Steam tại đây.
Cấu hình tối thiểu: