Phụ Lục
Trong thời đại của game open world, của những bản remaster/remake và đồ họa 3D vắt kiệt sức mạnh xử lý của PC, Octopath Traveler là một ngoại lệ. Nó là một tựa game mô phỏng đồ họa 16 bit, khai thác sự hoài cổ của những game thủ đã có tuổi, sử dụng cơ chế gặp mặt đối thủ ngẫu nhiên (random encounter) và chia nhỏ bản đồ thành nhiều khối vụn vặt. Nhưng đừng để những yếu tố cổ xưa đó đánh lừa bạn – Octopath Traveler vẫn là một tựa game về khám phá, với đồ họa 3D, một phần combat đầy toan tính và hiện đại.
Một tựa game tràn ngập những mâu thuẫn như thế này cần phải được đánh giá ra sao?
Đúng như tên gọi của trò chơi, Octopath Traveler cho bạn 8 con đường để lựa chọn, thể hiện bằng 8 nhân vật mà bạn sẽ gặp gỡ trong game. Mỗi nhân vật có một câu chuyện riêng kéo dài 4 chương nhưng bạn chỉ cần hoàn thành chương 1 của nhân vật đầu tiên mình chọn, và từ đó hoàn toàn tự do đi theo con đường mình muốn. Game thủ có thể tìm đến với những thị trấn, làng mạc khác xung quanh để tuyển mộ các nhân vật còn lại vào đội ngũ của mình, hoặc lang thang vô định và đối đầu với những nguy hiểm mới.
Đối với Mọt, gameplay của Octopath Traveler thực sự tỏ ra hơi trùng lặp trong những giờ đầu tiên, khi tác giả chọn Ophilia rồi bỏ ra hơn 10 giờ để đi vòng quanh hồ nước lớn ở trung tâm lục địa Orsterra và tuyển mộ các nhân vật còn lại. Mọt tin rằng bạn cũng sẽ nhận thấy sự trùng lặp: mỗi khi gặp gỡ một nhân vật mới, game thủ cần phải trải qua một đoạn nội dung cốt truyện ngắn, sau đó chơi qua chương đầu tiên của họ trước khi có thể rời khỏi ngôi làng và tiếp tục cuộc hành trình của mình. Sau đó, chúng ta lại lên đường đến một ngôi làng mới, tuyển mộ một nhân vật mới – tổng cộng 7 lần. Và tất cả các nhân vật này đều khởi đầu từ cấp 1, buộc game thủ phải “luyện level” cho họ đôi chút nếu không muốn có một đội hình yếu nhớt trước những con trùm to ngoại cỡ của game.
Nếu điều này khiến bạn cảm thấy nhàm chán, đó là bởi vì nó... thực sự khá nhàm chán và có lẽ là điểm yếu nhất của Octopath Traveler. Khi game thủ cảm thấy gắn bó với một nhân vật nào đó và muốn đi hết câu chuyện của nhân vật đó nhưng bị cản trở bởi việc cày cuốc (do chương 2 luôn đòi hỏi cấp cao hơn rất nhiều), nó có thể khiến họ mất hứng và buông bỏ trò chơi sau những giờ đầu tiên.
Thật may mắn là dù khoảng thời gian đầu của Octopath Traveler tỏ ra không thực sự thân thiện với những game thủ nóng vội, Mọt đánh giá gameplay của trò chơi đủ hấp dẫn để đem lại cho chúng ta lý do để tiếp tục gắn bó. Nó không quá mới mẻ, nhưng cũng không cũ kỹ và lỗi thời, và là lý do khiến Mọt vượt qua khoảng thời gian đầu làm quen để tìm đến với những nội dung hấp dẫn hơn trong các chương về sau của Octopath Traveler.
Mỗi nhân vật trong game đều thuộc về một trong các lớp nhân vật cơ bản của RPG – mục sư, chiến binh, thợ săn, đạo tặc, vũ công, thương nhân, học giả, dược sư. Họ không chỉ khác biệt về công dụng trong chiến đấu và mục tiêu mà mình theo đuổi, mà còn có “Path Action,” một kỹ năng đặc biệt cho phép họ ảnh hưởng đến thế giới quanh mình. Thám tử kiêm học giả Cyrus biết khảo vấn NPC để đạt được thông tin, chiến binh Olberic có thể thách đấu, tên trộm Therion đánh cắp vật phẩm từ túi NPC, vũ nữ Primrose dùng sắc đẹp của mình để dụ dỗ người khác giúp đỡ cho mình…
Cả bốn Path Action bên trên đều nằm trong nhóm “xấu” (Rogue) – không cần cấp bậc nhưng có tỉ lệ thành công, và sẽ làm danh vọng của bạn trong làng giảm xuống nếu thất bại. Ngược lại, Tressa, Ophilia, H’aanit, Alfyn có bốn kỹ năng tương tự nhưng nằm ở nhóm “tốt” (Noble) – 100% thành công, nhưng đòi hỏi cấp bậc đủ cao. Các kỹ năng này đều được giới thiệu trong chương đầu tiên của mỗi nhân vật, và hết sức hữu dụng kể từ đó về sau. Tất cả các Path Action đều rất hữu dụng trong các nhiệm vụ phụ của trò chơi, khi game thủ gặp nhiều thử thách khác nhau đòi hỏi đôi chút động não thay vì chỉ động thủ. Một ví dụ nho nhỏ: khi một lũ côn đồ quấy rối một cửa hàng, một trận đòn nên thân sẽ tạm thời đuổi chúng đi, nhưng chúng sẽ trở lại khi bạn rời khỏi. Nếu biết hỏi han thông tin từ các NPC xung quanh, bạn sẽ tìm ra được kẻ chủ mưu thực thụ và giải quyết vấn đề tận gốc.
Những game thủ dày dạn với thể loại RPG có thể nhận ra rằng mảng chiến đấu của Octopath Traveler vay mượn từ khá nhiều tựa game khác, nhưng với một chút biến tấu riêng của mình. Trò chơi có hệ thống nhược điểm tương tự Shin Megami Tensei, khi buộc người chơi phải thử nghiệm và suy đoán để tìm ra điểm yếu của kẻ địch và “Break” mục tiêu. Nó cũng có tính năng Boost đến từ Bravely Default, cho phép game thủ tung ra những đòn đánh mạnh nhất vào điểm yếu của kẻ địch. Sự kết hợp của hai tính năng này đem lại cho game thủ khả năng thực thi nhiều chiến thuật khác nhau, tinh chỉnh chiêu thức và đội hình tùy vào loại đối thủ xuất hiện trong khu vực, và cuối cùng kiểm nghiệm nó với những con trùm to ngoại cỡ cuối mỗi phụ bản hay cuối chương cốt truyện của mình.
Mọt phải thừa nhận rằng các trận đấu trùm trong game có phần hơi… dai, bởi chúng luôn có cực nhiều máu và điểm yếu được che khuất sau những dấu chấm hỏi. Tuy nhiên, đây cũng là nơi mà hệ thống chiến đấu của Octopath Traveler tỏa sáng, bởi nó vừa đầy thử thách lại vừa đem lại cho người chơi sự hưng phấn cần thiết mỗi khi thành công Break trùm, cắt ngang chiêu thức hắn sắp sử dụng hoặc dồn hàng ngàn sát thương chỉ trong một lượt đánh. Vẻ ngoài được chăm chút kỹ lưỡng và kích thước vượt trội của con trùm có lẽ cũng góp phần đem lại cho bạn sự thỏa mãn khi thấy chúng tan biến thành làn khói sau một trận đấu gian nan.
Một điều đặc biệt nữa là sau khi bạn đã tuyển mộ đủ 8 nhân vật và bắt đầu bước vào chương thứ 2 của câu chuyện, trò chơi mở ra một chân trời mới cho combat. Bằng cách cho phép các nhân vật có thể sử dụng nhiều class khác nhau (cộng thêm 4 lớp nhân vật ẩn), Octopath Traveler để game thủ có thêm rất nhiều lựa chọn cho đội hình của mình. Nếu bạn cảm thấy Olberic tank chưa đủ thú vị, hãy cho anh ta thêm nghề Cleric để trở thành một Paladin – biết tank, biết gây sát thương và biết hồi máu. Primrose hơi mong manh? Hãy cho cô nàng học Merchant để né đòn với tỉ lệ 100% và bỏ qua những kỹ năng gây sát thương mạnh nhất của boss khi cần. Khi kết hợp cùng hệ thống skill hỗ trợ khá phong phú, hệ thống lớp nhân vật và kỹ năng của Octopath Traveler đem lại cho người chơi vô vàn lựa chọn để đối đầu với những thử thách ngày càng khó nhằn trong các chương về sau.
Ngoài việc cốt truyện tiến triển khá chậm trong những giờ đầu, điểm đáng phàn nàn nhất của Octopath Travler có lẽ là ở chỗ hệ thống điều khiển của nó. Dù được chuyển hệ lên PC, trò chơi vẫn sử dụng hệ thống điều khiển của Switch và con trỏ chuột hoàn toàn vắng mặt. Bạn chỉ có thể dùng các phím chuột cho các mệnh lệnh đơn giản như xác nhận, hủy, mở menu, bản đồ… trong khi việc chuyển giữa các tùy chọn vẫn bị gắn dính vào bốn phím mũi tên hoặc WSAD. May mắn là Mọt có thể “chôm” tay cầm của Xbox cắm vào máy để việc điều khiển trở nên thuận tiện hơn, nhưng đây vẫn là một điểm trừ đáng nói.
Sự tương tác giữa các nhân vật cũng cần phải được… chê. Các nhân vật trong game dù là đồng đội và cùng nhau trải qua vô vàn thử thách, họ lại không thực sự tương tác với nhau và chẳng tạo ra cảm giác gắn bó mà những RPG như Mass Effect, Dragon Age có được. Đây là một điều cực kỳ đáng tiếc, bởi nếu chịu bỏ thời gian và công sức vào việc chăm chút cho tương tác giữa các nhân vật, Square Enix có thể tạo ra một tựa game tuyệt vời. Ophilia nghĩ gì khi chấp nhận giúp đỡ một tên trộm như Therion lẻn vào một dinh thự sang trọng để đánh cắp “kho báu” trong lời đồn đãi? H’aanit và Olberic liệu có “cảm” nhau, bởi cả hai đều thích thách đấu với người khác? Cô bé Tressa có gia đình êm ấm sẽ giao tiếp ra sao với Primrose, người có cha bị ám sát vì lỡ biết quá nhiều? Tất cả những thắc mắc này đều không được trả lời, khiến Mọt nghĩ rằng Square Enix đã bỏ qua quá nhiều cơ hội phát triển nhân vật và khiến hình tượng của họ đầy đặn hơn, gắn bó hơn với game thủ. Một lần nữa, Mọt phải nói rằng việc họ chỉ có thể trở thành đồng đội trên chiến trường mà thiếu đi những đoạn thoại trong lúc nhàn rỗi là một điều hết sức đáng tiếc trong game.
Trong khi đó, đồ họa và âm thanh của Octopath Traveler có lẽ không có gì để chê. Phần lồng tiếng Nhật vẫn được giữ lại trong game, cho phép weaboo game thủ nghe giọng lồng tiếng gốc của các seiyuu, hoặc nâng cao khả năng nghe – nói bằng giọng lồng tiếng Anh mới. Game cũng có gần 4 tiếng nhạc nền được thực hiện bởi Yasunori Nishiki, một cái tên có thể không quá quen thuộc với game thủ thế giới, nhưng đã có những tác phẩm xuất sắc đóng góp vào một số tựa game như Fate/Extella: The Umbral Star, Gravity Rush 2, và cả PES 2011 / 2012 cho Konami trước đây.
Nhạc nền của Octopath Traveler
Dù các nhân vật lẫn kẻ địch đều chỉ được vẽ 2D dưới dạng các sprite và ít khi chuyển động trong các trận đánh, tất cả đều được tạo hình chi tiết và đẹp mắt, đánh trúng vào tâm lý hoài cổ của game thủ. Trong khi đó, môi trường lại hoàn toàn được dựng hình 3D trên nền tảng engine Unreal, với những hiệu ứng ánh sáng thời thượng – bokeh, đổ bóng và ánh sáng thời gian thực, bloom… - để tạo ra sự hào nhoáng cần thiết cho game thủ. Game cũng được nâng cấp về mặt đồ họa so với phiên bản Switch, với các hiệu ứng đổ bóng và số lượng particle được nâng cấp rõ rệt, có thể được nhận thấy dễ dàng khi so sánh thành phố Flamesgrace giữa Switch và PC.
Và cuối cùng, Mọt cần nhắc đến yếu tố tình cảm trong Octopath Traveler. Ngay từ chương đầu tiên trong cốt truyện của các nhân vật, bạn sẽ nhận ra rằng game luôn thấm đẫm tình người. Có thể bạn không quan tâm đến điều này, hoặc quên bẵng đi vì phần giới thiệu các nhân vật khá dài hơi (khoảng… chục giờ chơi trong trường hợp của Mọt), nhưng mặc cho mục tiêu của nhân vật là gì, lý do khiến họ lên đường luôn dính líu đến tình cảm. Đó có thể là mối quan hệ gia đình gắn bó giữa Ophilia và người chị nuôi, là sự lo lắng H’aanit dành cho người thầy Z’aanta, và thậm chí cả việc tay thám tử “đặc sệt” Cyrus ra đi cũng là bởi tình yêu cô học trò dành cho mình. Hiệu quả của những tình cảm này cao thấp đến đâu là tùy mỗi người, nhưng với Mọt tui, cuộc chơi của Octopath Traveler không chỉ là để lên cấp, mua item, đánh bại trùm, mà còn là để được thấy Ophilia trở về với Flamesgrace, để H'aanit tìm được Z’aanta, và hơn thế nữa.
Dù là một game thủ ít khi chạm đến JRPG như một độc giả đã nhận ra trong một bài viết trước, Mọt tui vẫn cảm thấy Octopath Traveler là một tựa game hấp dẫn, với phần chiến đấu xuất sắc và cốt truyện đủ hấp dẫn để kích thích trí tò mò và mong muốn tìm hiểu đến tận cùng. Tuy nhiên, những nhược điểm về một khởi đầu chậm rãi, phần điều khiển không được thiết kế cho PC, sự phát triển nhân vật yếu kém và cả… mức giá quá chát có thể là lý do khiến game thủ không đến được với trò chơi. Những người có hứng thú với trò chơi – đặc biệt là những game thủ đã có tuổi, từng trải qua thời hoàng kim của JRPG 2D - chắc chắn sẽ tìm thấy hàng chục, thậm chí hàng trăm giờ giải trí thú vị với tựa game này, trong khi những ai cần một cuộc chơi nhanh chóng và hiện đại hơn sẽ cần phải vượt qua khá nhiều thử thách để có thể yêu thích nó. Nhưng một khi đã dính vào, bạn sẽ nhận thấy mình rất khó bứt khỏi Octopath Traveler.
Nếu trải nghiệm, bạn có thể mua game tại đây.
Cấu hình tối thiểu: