Phụ Lục
Trong Octopath Traveler, hệ thống chiến đấu mà Square Enix đã tạo ra cho trò chơi đòi hỏi game thủ phải chịu khó suy tính và thử nghiệm nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Trong bài viết này, Mọt sẽ chia sẻ cùng các bạn những mẹo và kinh nghiệm mà mình đã gom góp được sau quá trình cày cuốc trong game.
Lượt đi
Do là một game chơi theo lượt truyền thống, game thủ sẽ cần biết đến thứ tự ra đòn của nhân vật phe ta lẫn quái phe địch. Thông tin này được hiển thị rõ ràng ở cạnh trên màn hình, bao gồm cả lượt hiện tại và lượt kế tiếp. Nó cho phép game thủ tính trước đường đi nước bước của mình và vô hiệu hóa những kẻ địch nguy hiểm bằng cách lợi dụng thanh điểm yếu (Vulnerable) của từng con quái.
Vũ khí
Mỗi loại vũ khí trong game đều có hai chỉ số sát thương vật lý (Phys. Atk) và sát thương phép thuật (Elem. Atk). Mỗi loại nhân vật có những ưu – nhược khác nhau về khả năng gây sát thương và chống chịu từng loại sát thương, nên bạn cần tính xem mình phải đặt những nhân vật nào trong đội hình cho phù hợp với tình huống. Hơi bất tiện là bạn chỉ có thể đổi nhân vật trong quán rượu ở các làng.
Điểm yếu
Mỗi loại kẻ địch có vài điểm yếu khác nhau, có thể là một loại vũ khí, mà cũng có thể là một phép thuật. Khi bạn đánh trúng điểm yếu của nó, thông tin này sẽ được ghi nhận cho những lần đụng độ tiếp theo. Bạn cũng có thể dễ dàng phán đoán được điểm yếu của kẻ địch, chẳng hạn những con biết bay thường sợ cung, giáp dày sợ búa, dơi sợ ánh sáng, rắn sợ lửa, golem lửa sợ băng…
Thứ tự xuất hiện của các điểm yếu trên thanh này cũng là cố định, từ trái sang phải: Kiếm > Thương > Dao > Búa > Cung > Trượng > Lửa > Băng > Sét > Gió > Ánh sáng > Bóng tối. Gần như rất ít quái yếu với cả hai phép thuật khắc nhau (Lửa và Băng, Sét và Gió, Ánh sáng và Bóng tối), trừ một con trùm trong chapter 3 của Ophilia sợ cả Ánh sáng và Bóng tối.
Breaking Point
Bên trái thanh điểm yếu là một tấm khiên có chứa con số. Con số đó chỉ ra số lần mà bạn phải đánh trúng điểm yếu để có thể Break (làm choáng) mục tiêu. Khi con số này về 0 quái sẽ rơi vào tình trạng Break và không thể thực hiện bất kỳ hành động gì trong cả lượt hiện tại và lượt kế tiếp, đồng thời nhận sát thương cao hơn từ các đòn đánh. Ngoài ra mỗi kẻ địch bị Break còn cho thêm 1 điểm kinh nghiệm cuối mỗi trận đánh.
Boost
Boost là tính năng được mượn tạm từ Bravely Default, cho phép game thủ đánh nhiều đòn hoặc tăng sát thương của kỹ năng bằng cách dùng điểm Boost Point (BP). Số điểm thể hiện bằng các chấm tròn phát sáng ngay bên dưới tên nhân vật, và có thể được để dành lên đến 5 điểm. Số điểm này không được để dành sang trận kế tiếp, nên hãy dùng chúng để kết thúc trận đấu thật nhanh và nhận thêm phần thưởng kinh nghiệm, điểm kỹ năng…
Một điều cần chú ý là nếu dùng BP để Boost đòn đánh thường, mỗi điểm tăng thêm một đòn đánh, và mỗi đòn đánh trừ 1 điểm trên thanh điểm yếu của địch. Trong khi đó nếu dùng Boost lên kỹ năng, nó vẫn chỉ được tính là một đòn đánh, chỉ được tăng thêm sát thương. Bạn nhận một BP mỗi lượt, nhưng có một vài ngoại lệ chẳng hạn Tressa có thể “tặng” BP cho đồng đội, và nhân vật không nhận được BP nếu đã Boost trong lượt trước đó.
Chiến thuật
Break và Boost có thể được xem là cơ chế chiến đấu chính của Octopath Traveler. Bạn cần xem xét liệu mình nên làm gì để Break càng nhiều đối thủ càng tốt, và tối ưu sát thương mình gây ra tùy vào trận đấu. Ví dụ khi bạn gặp 4 kẻ địch cùng sợ lửa và chỉ có 1 điểm Breaking Point, một phép lửa AOE từ Cyrus sẽ gây choáng cho tất cả 4 con quái, sau đó dùng BP để Boost sát thương của phép lửa AOE đó trong lượt sau. Nhưng nếu trong số đó lại có một con quái sợ búa và có 2 điểm Breaking Point, bạn sẽ muốn dùng BP để nhân đôi số đòn đánh thường và gây choáng nó ngay lập tức. Những mẹo đơn giản này giúp bạn dễ dàng đạt được chiến thắng dạng Untouched (không nhận sát thương) và Dominance (không cho quái hành động), và nhận thêm kinh nghiệm, điểm kỹ năng, tiền.
Trùm trong Octopath Traveler có từ vài ngàn đến chục ngàn máu tùy vào số lượng nhân vật bạn có, nên đây sẽ luôn là những trận đấu dài hơi. Để giúp bạn tiêu diệt chúng đơn giản và dễ dàng hơn đôi chút, hãy thử một vài mẹo của Mọt:
Buff và Debuff
Bạn có thể dùng Therion và Primrose để đảm nhiệm các vai trò này, nhưng cũng có thể cho các nhân vật khác đổi nghề làm Thief và Dancer nếu muốn.
Tập trung khai thác điểm yếu
Trong vài turn đầu tiên, hãy thử tìm ra tất cả điểm yếu của boss, buff cho nhân vật của mình, debuff đối thủ, để dành BP và hồi đủ SP để có thể tung những đòn mạnh nhất khi boss đã bị Break. Với đội hình 4 người, Mọt chọn dùng hai sát thương (Olberic, Cyrus) và hai hỗ trợ (Ophelia, Primrose).
Dành BP để gây sát thương thay vì để Break
Bạn chỉ nên dùng BP để tăng số lượng đòn đánh và Break boss nhanh hơn khi chúng đang vận sức cho những kỹ năng nguy hiểm (thể hiện bằng aura màu tím bao quanh người). Còn lại, việc để dành BP nhằm tăng sát thương cho kỹ năng / đòn đánh khi boss đã bị Break đem lại hiệu quả cao hơn hẳn. Nếu có thể, hãy tính toán sao cho boss bị Break trước khi hắn kịp ra đòn, khiến hắn mất đến 2 lượt đi thay vì chỉ 1.
Đừng quên lựa chọn Defend
Không nhiều game thủ thích lựa chọn phòng thủ này, bởi nó khiến họ không được gây sát thương lên mục tiêu. Quả thật bạn không cần phòng thủ trong các trận đấu với lính quèn, nhưng nó có tác dụng rất lớn khi đấu boss. Defend cho phép nhân vật hành động sớm hơn trong lượt kế, nên nếu boss chỉ còn 1 điểm Break Point và đã tấn công xong, bạn hãy Break boss ở lượt kế tiếp và khiến hắn mất 2 lượt cùng lúc.
Hi vọng rằng với những hướng dẫn này, Mọt đã giúp bạn có thêm những mẹo mới giúp vượt qua các trận đấu trùm gian khổ trong Octopath Traveler. Hẹn gặp lại các bạn trong bài review và những chia sẻ kế tiếp!