Phụ Lục
Tựa game Souls-like được mong chờ nhất trong tháng 3 này – Nioh 2 đã chính thức ra mắt và thu về được rất nhiều phản hồi tích cực, cũng như các đánh giá cao ngất. Mặc dù là phiên bản tiền truyện nhưng Nioh 2 đã thực sự thay đổi cả dòng game, với một hệ thống chiến đấu, trùm và kết hợp trang bị hoàn toàn mới.
Như đã giới thiệu từ trước thì Nioh 2 lấy bối cảnh trước phần đầu tiên, chính xác là nó đẩy người chơi ngay vào thời kì Chiến Quốc và theo chân Oda Nobunaga khi ông ta bắt đầu hành trình thống nhất Nhật Bản. William sẽ không xuất hiện thay vào đó nhân vật chính của chúng là một lính đánh thuê tự do – đứa con lai giữa người và quỷ, khác với phần đầu thì trong Nioh 2 thì một vài người không coi Yokai là mối hiểm họa mà còn muốn chung sống hòa bình với chúng, đây sẽ là nút thắt chính trong cuộc đời nhân vật chính.
Nhân vật chính cùng một người bạn của mình sau đó gia nhập dưới trướng của Oda Nobunaga, hai người này cùng lấy một cái tên mà về sau sẽ nổi danh thiên hạ - Toyotomi Hideyoshi, người trong lịch sử sẽ kế thừa di sản của Nobunaga và thống nhất Nhật Bản. Cốt truyện của Nioh 2 vì thế mà bí ẩn hơn nhiều, nó không một màu như hành trình của William đi tìm lại vệ thần của mình, mà người chơi sẽ thực sự tò mò về Hideyoshi trong lốt 2 người cũng như đã có những sự kiện gì mà nhân vật này hoàn toàn mất dạng ở phần một.
Lối chơi cơ bản của Nioh 2 vẫn là theo kiểu Souls-like, nhưng nó đã có rất nhiều cải tiến. Đầu tiên là 2 món vũ khí mới là Switchglaive (lưỡi hái) và Hachet (song búa), trong khi Switchglaive là một dạng kết hợp giữa Odachi và giáo thì Hachet lại thiên về tấn công tầm xa vì nó có thể ném được. Không biết có phải do là vũ khí mới hay không, mà Switchglaive đặc biệt imba khi nó vừa có tầm đánh xa, tốc độ khá nhanh đi kèm combo sát thương khủng bố… nhưng trên hết chỉ số chính của món vũ khí này là Magic (giúp tăng sát thương và sức chứa của Onmyo Magic), nên giờ vào game bạn sẽ thấy phải 50% game thủ chọn dùng Switchglaive.
Thứ 2 nữa là giờ đây do nhân vật chính là bán quỷ, nên thay vì triệu hồi linh thú bảo hộ như William thì anh ta sẽ biến thành dạng quỷ. Có 3 dạng quỷ trong Nioh 2 là Brute (mạnh, chậm), Feral (đánh và di chuyển nhanh), Phantom (di chuyển nhanh, đánh xa), tất cả linh thú sẽ được chia thành 3 dạng này và tùy thuộc phong cách của người chơi mà lựa chọn.
Thêm nữa là Nioh có thêm phản đòn giống nhiều game Souls-like, khi bạn nhấn R2+O đúng lúc đối thủ ra đòn thì chúng ta sẽ đánh bật nó ra ngoài và làm choáng vài giây. Mỗi dạng quỷ sẽ có một cách phản đòn khác nhau, thí dụ như Feral là lướt ra sau còn Phantom là dựng khiên đỡ, frame của chúng xê xích nhiều nên người chơi phải thực sự thuần thục mới dùng được.
Điểm tiếp theo nữa là các con quái và trùm bạn hạ gục được trong Nioh 2 sẽ rơi ra quỷ hồn, thứ này sẽ giúp chúng ta sử dụng kỹ năng của chính con quái vừa bị hạ gục. Quỷ hồn cũng tăng chỉ số phụ tương tự như linh thú, chúng tốn một dạng tài nguyên mới gọi là Anima để sử dụng. Đây là thứ khiến cho lối chơi của Nioh 2 đa dạng hơn, ít ra là đỡ cái trò chạy vòng vòng debuff rồi đánh chay như bản một.
Giống như các game Souls-like khác, Nioh 2 có khá nhiều mánh và mẹo nhỏ - những thứ sẽ giúp bạn sống sót dễ dàng cũng như ăn hành ít hơn trong cái game này.
Rất khó để nói Nioh 2 khó hay dễ hơn phần một, vì đó tùy thuộc bạn đã từng chơi tựa game này hay chưa. Về cơ bản thì Nioh 2 sử dụng phải tới 50% các model quái vật sẵn có từ phần một, nên nếu ai đã chơi rồi sẽ thuộc hết move set của chúng rất dễ đánh. Việc phản đòn cũng khiến cho game trở nên dễ hơn, vì chúng ta có thể phản lại tất cả mọi thứ và nếu chọn Feral thì còn được quyền lướt ra sau lưng kẻ địch. Theo cảm nhận của tôi thì I-Frame của Nioh 2 nhiều hơn bản một, nó giúp ích cho việc né đòn rất nhiều.
Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa rằng Nioh 2 là game dễ chơi,vì giờ đây nó có khái niệm mới gọi là Yokai Ream (hay Dark Ream). Đây là những vùng đất bị ô uế và khi đứng trong đó tốc độ hồi Ki của nhân vật bị giảm đáng kể, quái thường và trùm đánh nhanh cũng như mạnh hơn nhiều. Các con trùm trong Nioh 2 cực kỳ thích sử dụng Yokai Ream, do đó những ai không quen nhịp độ của game sẽ chết cứ gọi là như rạ thời gian đầu.
Hơn nữa để tránh việc người chơi lạm dụng Onmyo Magic như phần một, thì giờ đây trùm kháng hiệu ứng cực cao. Sẽ không còn cái trò thảy Sloth với Weaken Talisman rồi giã trùm như con nữa, vì chúng sẽ hết rất nhanh hơn nữa khi vào Yokai Realm là mọi hiệu ứng bất lợi cũng sẽ bị hóa giải hết. Máu của trùm trong Nioh 2 nhiều hơn và chúng rất chịu khó sử dụng mấy chiêu dạng tóm đầu (không đỡ được), nhưng cái vụ “nhất kích tất sát” thì đỡ hơn khá nhiều.
Hầu hết các loại vũ khí và áo giáp ở phần một vẫn được giữ nguyên, cộng thêm nhiều set trang bị mới được thêm vào. Nhưng có một việc mà tôi không thích lắm ở Nioh 2, đó là phần reset chỉ số trang bị giờ đây nó vẫn làm kiểu hên xui, vẫn phải ngồi đó nhấn liên tục để ra option ưng ý – thứ đã từng làm khổ không biết bao nhiêu game thủ.
Các chỉ số vũ khí được chỉnh sửa lại một chút, khiến cho chúng dễ dàng tiếp cận cho những người mới chơi game. Nhưng tạm thời thì chưa thấy một kiểu build nào đó độc đáo hơn hẳn phần một, có lẽ còn phải chờ tới các bản DLC trong tương lai.
Tuy vậy Nioh 2 cũng có vài điểm hạn chế, thí dụ như nó không có một waifu chất lượng như Okatsu trong phần một (thực ra cũng có gái nhưng hơi bị... nam tính quá). Các con trùm của Nioh có sự chênh lệch lớn, vì có cảm giác các con trùm là người không mạnh mẽ bằng phần một và có các đòn thế quá dễ đoán. Hơn nữa với những ai đã từng chơi phần một, thì trò lạm dụng Kusarigama vẫn thực hiện được, thành ra không vui cho lắm.
Nhìn chung Nioh 2 vẫn là một game Souls-like cực kỳ xuất sắc, nó sẽ ngốn của bạn vài trăm giờ đồng hồ cả ăn hành lẫn cày cuốc không mệt mỏi, nhìn chung thì khi cuộc đời đã quẳng bạn vào một đám quỷ, hãy biến chúng nó thành thịt băm viên với hamburger hết đi.