Không như những tựa game quản lý xây dựng khác, Little Big Workshop đúng nghĩa là một cái công trường “nhỏ” nhưng lại làm những thứ rất to, với các đơn đặt hàng “to” nhưng nhân công lại là một đàm lùn bé tý. Trong tựa game này thì thay vì quản lý thành phố và xây dựng nó, người chơi sẽ chẳng khác gì một tên chủ vừa bốc lột vừa biến thái, kẻ luôn luôn cầm roi da với nến để đốc thúc lũ công nhân lùn của mình làm việc như điên.
Khác với những tựa game quản lý và mô phỏng khác, khi mà người chơi bắt đầu bằng một mảnh đất bỏ hoang rồi bắt đầu xây dựng lên thành phố của mình, thì bối cảnh trong Little Big Workshop lại diễn ra trên… một bàn làm việc bình thường, với các nhân vật là những con rối đồ chơi được phù phép. Hãy cứ tạm coi nhân vật chính của game có một sở thích hơi bị kỳ lạ, đó là thay vì mở một xưởng đồ chơi đàng hoàng, thì ông ta lại dùng ma thuật để triệu hồi ra một lũ người lùn rồi bóc lột chúng còn hơn cả nô lệ khổ sai, với mục đích dĩ nhiên là làm giàu nhanh nhất có thể rồi.
Lối chơi của Little Big Workshop xoay quanh việc bạn nhận những đơn hàng, đẩy cho đám lùn làm thành sản phẩm và đẩy ra ngoài thị trường để kiếm tiền. Một điểm nhỏ là Little Big Workshop tập trung và quản lý nhỏ lẻ chứ không phải xây dựng thành phố, toàn bộ thời gian sẽ gói gọn trong cái xưởng đồ chơi của bạn và các phòng ban xung quanh, cùng lắm là mở rộng thêm xưởng sản xuất chứ không đi xa hơn. Vì thế mà Little Big Workshop có một mức độ chi tiết khá là đáng kể, yêu cầu người chơi quản lý rất nhiều thứ lặt vặt suốt trong quá trình chơi.
Để có thể kiếm được tiền và duy trì xưởng đồ chơi, bạn sẽ phải nhận các đơn hàng ngoài thị trường để sản xuất đồ chơi hay các loại đồ vật gia dụng và chuyển chúng đúng hạn. Do là một xưởng đồ chơi nên bạn sẽ không thể sản xuất nguyên liệu đầu vào, mà đầu tiên phải mua chúng trước để sau đó tinh chế lại thành những món hoàn chỉnh trước khi lắp rắp lại với nhau. Cơ chế này khiến cho phần tiền vốn và tiền lời trong Little Big Workshop vô cùng phức tạp, vì nó biến thiên một cách rất khủng khiếp ngay cả khi bạn đang chế tạo.
Tại sao lại có điều này? Đó là vì thị trường trong Little Big Workshop là theo thời gian thực, tức là một món hàng có thể lên cao hoặc xuống đáy tùy thuộc nguồn cung của nó nhiều hay ít. Lấy ví dụ như một con búp bê dành cho các bé gái, giá khởi điểm trên thị trường có thể là 150 đồng và khi người chơi chọn đơn hàng này và sản xuất một số lượng lớn, thì khi số búp bê này được đẩy ra ngoài sẽ kéo theo giá bán của chúng giảm đi rất nhiều. Điều tương tự cũng có thể xảy ra khi bạn đang sản xuất, vì nếu có một xưởng nào đó cũng làm thứ tương tự và bán ra trước, hiển nhiên lợi nhuận chúng ta thu được sẽ thành công cốc.
Chính cái cơ chế này đã đặt ra Little Big Workshop một cái deadline thực sự, bạn bắt buộc phải làm cách nào đó đẩy cao tốc độ sản xuất để tối đa hóa lợi nhuận hoặc không thì phải chọn những món hàng thật khó, kiểu như không có ai dám làm để chắc chắn là không bị KS giữa chừng. Nếu bạn không có tiền thì mọi thứ coi như chấm hết, hết hàng nhập và công nhân cũng lập tức đình công cả lũ.
Tất nhiên với một game mô phỏng thì việc chế tạo sẽ là thứ quyết định mọi thứ, trong Little Big Workshop thì phần này nó được làm cực kỳ chi tiết. Mỗi đơn hàng như vậy sẽ có một biểu mẫu dài dằng dặc với rất nhiều mảnh ghép khác nhau, nói nôm na thì nếu bạn muốn làm một cái bàn sắt, thì đầu tiên chúng ta phải mua phôi thép, sau đó nấu chảy và uốn nó thành khung, còn phần mặt bàn thì cần phải có gỗ lớn để cắt gọt chúng ra rồi mài lại cho kỹ. Những thứ càng đắt tiền thì càng phiền phức, đòi hỏi một số lượng nhân công lớn để sản xuất.
Trong Little Big Workshop thì chúng ta có khoảng hơi 20 loại máy móc các loại, từ sơ chế nguyên liệu, lắp rắp linh kiện và hoàn thành sản phẩm. Một điều rất phiền phức trong game là đôi khi bạn sẽ gặp tình trạng nghẽn cổ chai, đó là phần nguyên liệu thô thì quá nhiều trong khi việc ghép chúng lại thành sản phẩm cuối cùng lại rất chậm chạp. Bạn có thể đẩy nhanh tiến độ bằng cách ép các cỗ máy hoạt động với gấp đôi công suất, nhưng bù lại chúng sẽ bị hỏng hóc nhanh hơn rất nhiều.
Phần vui nhất của Little Big Workshop đó là việc bóc lột đám nhân công người lùn của bạn, thực tế thì bọn này là những con rối đồ chơi được phù phép để trở thành nô lệ khổ sai. Do đó chúng bị trả lương rất rẻ mạt, làm việc như điên 24/7 và không bao giờ thấy được ánh mặt trời trong suốt cuộc đời của mình. Tất nhiên bạn là một người chủ có lòng vị tha, do đó để có thể bảo quản tốt nhất cho đám nô lệ của mình để chúng làm việc hiệu quả nhất, thì cũng phải có các đãi ngộ cơ bản.
Khi một tên lùn phải làm việc quá nhiều, nó sẽ bị ngất xỉu và tạm thời không thể làm gì được trong một quãng thời gian rất dài. Để tránh điều này xảy ra thì bạn sẽ phải xây dựng những phòng nghỉ với các dụng cụ như máy pha café, máy bán đồ ăn vặt, video games hay cờ bàn… để lũ lùn có chỗ nghỉ ngơi. Càng nhiều đồ vật trong phòng nghỉ thì tốc độ hồi phục cũa lũ lùn càng nhanh, tất nhiên chúng ta phải nghĩ làm sao để bỏ ít tiền nhất và bóc lột nhiều nhất nữa chứ.
Xưởng đồ chơi của bạn theo thời gian sẽ được mở rộng ra, do đó bạn phải xác định được mình sẽ kết nối các phòng ra sao, hiển nhiên một khu vực toàn sản xuất mà không có chỗ nghỉ sẽ khiến bọn lùn phải di chuyển rất xa từ đó dẫn tới tốn thời gian. Dù sao thì Little Big Workshop cũng thiên về việc quản lý vi mô, nên mọi việc sẽ dễ dàng hơn các game xây thành phố truyền thống.
Tuy vậy thì lối chơi của Little Big Workshop có vẻ khá lặp đi lặp lại, khi nó chỉ xoay quanh mỗi việc nhận đặt hàng và sản xuất, kể cả có thêm các yếu tố để hành hạ lũ lùn thì người chơi vẫn sẽ cảm thấy hơi chán sau khoảng một chục tiếng đồng hồ trải nghiệm. Dù sao thì Little Big Workshop vẫn có thể tính là một tựa game ở mức khá tốt, phù hợp cho những ai yêu thích thể loại quản lý kinh tế.
Cấu hình tối thiểu: