Phụ Lục
HYPERGUN là sản phẩm tiếp theo của NVYVE Studios, nhà phát hành game kinh dị nổi tiếng P.A.M.E.L.A. Là một tựa game FPS mang trong mình dòng máu rogue-like, HYPERGUN được khá nhiều người mong chờ và kỳ vọng sẽ trở thành một tựa game đặc sắc thu hút người chơi, như cái cách mà “đàn anh” của nó đã làm được. Thế rồi hy vọng trở thành thất vọng, HYPERGUN cũng chỉ là một tựa game “hòa mình vào sen”, không có gì quá nổi bật so với các đối thủ khác.
Ra mắt vào ngày 23/8 vừa qua, HYPERGUN không để lại ấn tượng nào trong thị trường game, thậm chí còn bị đánh giá thấp hơn một số tựa game khác cùng thể loại.
Đã được bật mí từ trước khi ra mắt, HYPERGUN là một tựa game với bối cảnh vô cùng quen thuộc – chiến đấu với người ngoài hành tinh để bảo vệ trái đất.
Vào năm 2038, trái đất đứng trước bờ vực diệt vong khi một chủng tộc thượng đẳng ngoài hành tinh xâm lược. Người chơi sẽ vào vai anh chàng thực tập sinh Dewey Owen, đột nhập vào cơ sở thí nghiệm DevTech trong một ngày cuối tuần để tìm ra cách giải cứu thế giới. Dựa vào một chương trình mô phỏng được xem là cách duy nhất để có thể chiến thắng đoàn quân xâm lược, người chơi đơn thương độc mã chiến đấu với hàng loạt kẻ thù được sinh sản theo cơ chế ngẫu nhiên tại mỗi màn chơi. Nhiệm vụ chính là thu thập và tìm kiếm các loại súng để biến chúng thành ‘vũ khí tối thượng’ có khả năng chống lại mọi kẻ thù.
Ngay khi bắt đầu thì HYPERGUN thực sự rất vui. Công việc của bạn là bắn tất cả những gì mà bạn nhìn thấy. Yếu tố rogue-like đẩy tựa game lên mức cao trào với tốc độ nhanh dần đều. Cũng giống những tựa game khác, sau mỗi màn chơi là một con boss đang chờ sẵn, như một thách thức luôn khiến người chơi nóng lòng chinh phục.
Thế nhưng cuộc vui này lại không được kéo dài. Mang tiếng là trình giả lập tạo ra các kẻ thù ngẫu nhiên nhưng lại chẳng thấy đa dạng tí nào. Chỉ cần chơi vài lần, bạn có thể dễ dàng nhận thấy kẻ thù của mình vẫn vậy. Sự lặp đi lặp lại diễn ra xuyên suốt tựa game mà không có bất cứ sự thay đổi đáng kể nào khiến người chơi cảm thấy vô cùng nhàm chán. Không chỉ thiếu đa dạng về kẻ thù, không gian mỗi màn chơi còn na ná nhau làm cho trải nghiệm ngày càng vô vị: bắn giết một đống kẻ thù – giết boss – qua màn – tiếp tục với những kẻ thù cũ – …
Có lẽ nhà phát hành nghĩ do P.A.M.E.L.A cũng giống vậy, cũng sử dụng khá ít hình tượng nhân vật nhưng chẳng mấy ai phàn nàn về điều đó nên HYPERGUN không cần cải thiện. Thế nhưng vấn đề nằm ở chỗ P.A.M.E.L.A là một tựa game kinh dị sinh tồn nên điều đó không quá quan trọng. Còn HYPERGUN là một tựa game FPS, người chơi chẳng ai thấy thích thú với việc bắn nhau mãi với vài ba loại lính lác được tạo hình như một đa giác đơn giản không thay đổi cả!
Điểm đặc biệt nhất ở HYPERGUN chính là kho vũ khí của nó. Có hơn 150 loại vũ khí, hàng trăm phụ kiện và cách nâng cấp kết hợp đa dạng khiến người chơi vô cùng thích thú. Các bộ phận để nâng cấp súng được rơi ra ngẫu nhiên khi chiến đấu với kẻ thù hoặc trong các màn có kho báu. Mỗi bộ phận ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh của vũ khí, có thể mạnh hơn hoặc yếu hơn, cũng như khiến hình dạng khẩu súng trở nên ngầu hơn hay… củ chuối hơn.
Ví dụ như một số phụ kiện làm tăng tốc độ ra đạn nhưng giảm damage, một số tăng damage nhưng giảm tốc độ, một số khác tăng độ chính xác, hoặc chỉ có tác dụng làm đẹp… Một số phụ kiện lại gây ảnh hưởng không phải đến súng mà là đến nhân vật như tăng lượng máu, giảm tốc độ di chuyển,… Điều này khiến người chơi lại một lần nữa cảm thấy khó hiểu về đội ngũ sản xuất của HYPERGUN, phải chăng độ phong phú của vũ khí tỉ lệ nghịch với tạo hình kẻ thù? Đáng lẽ ra càng nhiều thể loại kẻ địch với khả năng khác nhau mới cần nhiều loại súng khác nhau chứ!
Ngoài việc chiến đấu ra, người chơi còn có thể thoải mái khám phá HYPERGUN, cơ sở thí nghiệm DevTech rộng lớn, đọc các ghi chú, tìm hiểu về kẻ thù hay đọc trộm hồ sơ đồng nghiệp để giải trí sau một màn bắn nhau căng thẳng với lũ lính chai mặt kia. Việc mở khóa các hồ sơ mô phỏng của các nhân viên cũng giúp người chơi có thể đạt được hơn 40 kỹ năng khác nhau hỗ trợ trong chiến đấu.
Là một game có bối cảnh trong tương lai, nhưng HYPERGUN lại mang trong mình hình ảnh, màu sắc neon và cả âm nhạc của thập niên 80. Nét tương đồng trong đồ họa của tựa game này và người anh P.A.M.E.L.A có thể dễ dàng nhận thấy. Đáng lẽ phải cho điểm cộng vì sự riêng biệt này của HYPERGUN khi không có nhiều tựa game mang kiểu thiết kế ấn tượng này. Thế nhưng hàng tá lỗi hiển thị trong trò chơi khiến HYPERGUN phải nhận điểm trừ. Lúc thì cây súng trở nên ‘vô hình’, lúc thì các bộ phận rời ra lơ lửng giữa màn hình, thậm chí nhiều lúc kẻ địch chỉ mới tới gần chưa kịp đánh thì người chơi đã mất máu,…
Không chỉ về vấn đề hiển thị, lối chơi của HYPERGUN cũng đầy sạn. Nhiều lúc cực chẳng đã, người chơi phải đi tìm lại những tên lính “ham chơi”, mắc kẹt lại ở đâu đó trong phòng để có thể tiếp tục hành trình. Vấn đề đó là do cơ chế tạo ra kẻ thù ngẫu nhiên của game, nhưng sự ngẫu nhiên này lại khiến âm thanh trở nên tệ hơn bao giờ hết. Với một game FPS, nghe và nhận biết kẻ địch ở đâu là quan trọng, thế nhưng phần âm thanh của HYPERGUN lại khiến bạn vô cùng hoang mang, nhất là khi bạn không thể biết trước kẻ địch được tạo ra từ đâu, trên đầu, sau lưng hay ở nơi nào đó kề bên mà bạn không nghe rõ được.
Đánh giá HYPERGUN có quá nhiều lỗi không đáng có trong nền công nghiệp game hiện đại. Nếu thử so sánh với Mothergunship của NPH Grip Digital ra mắt tháng 7 năm 2018 – cũng là một game FPS rouge-like với đồ họa những năm 90, cũng có nâng cấp chế tạo súng và cũng có cơ chế tạo kẻ địch ngẫu nhiên – thì HYPERGUN chẳng khác gì trash game ăn theo mặc dù chỉ ra mắt sau một tháng.
HYPERGUN thực sự rất “hyper fun” nhưng chỉ trong thời gian ngắn, thay vì trải nghiệm kéo dài sẽ khiến người chơi cảm thấy vô cùng nhàm chán. Nếu bạn quan tâm và muốn tốn tiền xem thử có đúng như vậy không thì mua game tại đây: https://store.steampowered.com/app/783450/HYPERGUN/
Cấu hình tối thiểu: