Là một sản phẩm đến từ Klei Entertainment (cha đẻ của Don't Starve) thế nên Griftlands đã được đánh giá rất cao ngay từ khi mới ra mắt. Mặc dù vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển nhưng tựa game này nhận được các lời khen nhiệt liệt từ cộng đồng, khi lối chơi của nó có những cải tiến rất tuyệt vời từ thể loại thẻ bài và rogue-like.
Các nhân vật chính trong Griftlands rặt toàn một bọn đầu trộm đuôi cướp, không phải là đám thợ săn tiền thưởng hung tợn thì cũng thuộc dạng lính đào ngũ trốn trại đang bị truy nã. Với thành tích bất hảo đó dĩ nhiên trong người của chúng không thể nào bói ra được một đồng xu nào. Để sống sót và tiếp tục tồn tại bọn này sẽ tìm đủ mọi cách để kiếm tiền trong vùng đất hoang tàn, nơi cũng đầy rẫy đám buôn lậu, săn người và mọi công việc bất hợp pháp mà bạn có thể nghĩ ra.
Chính vì lý do này mà cốt truyện của Griftlands sặc mùi nguy hiểm, bạn có thể lựa chọn xử lý tình huống theo cả hai hướng như một thằng khốn hoặc đóng vai người tốt và tùy theo đó mà game sẽ thay đổi cũng như NPC sẽ phản ứng với bạn theo cách xứng đáng. Chọn làm người tốt thì chúng ta sẽ lên cấp chậm hơn, tốn nhiều tiền hơn nhưng bù lại NPC liên tục chào hàng trang bị ẩn xem như phần thưởng cho bé ngoan. Ngược lại khi đóng vai một tên săn tiền thưởng máu lạnh thì tài nguyên hàng đống và cấp lên vù vù, chỉ có điều là nửa bước khó đi vì cả thế giới đối với bạn đều tràn đầy ác ý.
Không như các game nhập vai truyền thống khác, người chơi sẽ chỉ chọn đúng một nhân vật ngay từ đầu và sau đó tùy thuộc vào tiến trình cũng như lựa chọn ra sao để thu phục thêm các NPC khác vào đội. Mỗi nhân vật được lựa chọn ban đầu sẽ có cốt truyện cũng như kịch bản riêng biệt tùy thuộc vào tiểu sử, cộng thêm yếu tố ngẫu nhiên của thể loại rogue-like nên sẽ không bao giờ có hai lần chơi giống y như nhau Đó là chưa kể nếu bạn lựa chọn đóng vai thiện hoặc ác thì NPC và phần cốt truyện sắp tới cũng có khả năng sẽ thay đổi.
Có một điểm đặc biệt của Griftlands là nó đặt rất nặng yếu tố nhân mạng, sẽ không có chuyện nhân vật chính đi đồ sát tứ phương mặc xác thiên hạ như thông thường. Giờ đây với mỗi mạng bị giết nó sẽ tính vào điểm “nhân quả”, khi bạn sát hại kẻ địch mà có ai đó phát hiện thì sẽ bị tính là phạm tội khiến cho những NPC ở gần đó sinh ra ác cảm. Giết càng nhiều người thì danh tiếng càng xấu đi, Griftlands làm khá thực tế ở khoản này vì chúng ta có thể kéo kẻ địch vào mấy chỗ kín kín không ai biết thì muốn làm gì cũng được còn ra tay ngay giữa đường thì hãy liệu hồn.
Griftlands vẫn đi theo kiểu game thẻ bài bình thường nhưng thay vì chỉ là dạng đi cảnh thông thường thì chúng ta có 2 lựa chọn, một là chiến đấu thẳng mặt hoặc dùng lời nói để thuyết phục hay đe dọa kẻ địch. Mỗi nhân vật sẽ có hai bộ bài phục vụ cho việc này và mỗi bộ bài sẽ lại theo phong cách của nhân vật đó, thí dụ như thợ săn tiền thưởng sẽ thiên về sát thương khi đánh nhau, còn một gã lính đánh thuê về hưu lại thích đe dọa hơn. Bất kể bạn chọn dùng vũ lực hay lời nói thì game vẫn tính đó là chiến thắng, chỉ khác ở cách tiếp cận vì dùng vũ lực sẽ khiến NPC ghét nhân vật chính nhiều hơn.
Hệ thống nâng cấp trong Griftlands khá đặc biệt, nó không phải kiểu lên cấp rồi tăng chỉ số như thông thường mà tùy thuộc vào số lần bạn dùng một lá bài, càng dùng nhiều thì lá bài đó càng tích điểm cho tới khi được mở khóa tính năng mới. Điều này khiến việc chơi Griftlands khá là nhức não, vì bạn sẽ phải tính xem mình nên dồn điểm cho lá bài nào, cũng như việc về sau gặp thứ ngon hơn thì nên giữ nó hoặc thay thế để tăng khả năng rút trúng bài xịn. NPC cũng đóng vai trò quan trọng, bạn sẽ phải cân nhắc xem nên đi theo phe nào hoặc xử sự ra sao tùy nhiệm vụ, vì có những lá bài cực hiếm chỉ xuất hiện theo dạng nhiệm vụ ẩn nếu như một NPC đặc biệt được giải cứu. Đây chính là tính ngẫu nghiên của thể loại Rogue-like, khiến cho việc khám phá thế giới trở nên khó đoán hơn nhiều.
Ngoài các lá bài ra thì nhân vật cũng có thể gắn phụ kiện tương ứng nhằm tăng các chỉ số phụ và chúng cũng có cơ chế càng dùng nhiều càng lên cấp, như đã nói Griftlands sẽ xoay chiều theo lựa chọn từ game thủ, vậy nên bạn sẽ không bao giờ biết đám NPC sẽ nhả cho mình trang bị nào và điều này khiến cho trò chơi rất thú vị. Hơn nữa chúng ta phải biết khi nào nên đàm phán và khi nào dùng vũ lực. Đơn giản bởi vì có những NPC đặc biệt chỉ phản ứng theo từng tình huống riêng, thành ra người chơi phải dùng thuần thục và nâng cấp đều cả 2 bộ bài, để không rơi vào tình huống lúc cần đánh nhau lại chẳng có cái gì để dùng vì lỡ nâng hết sang đường đàm phán rồi.
Hình ảnh của Griftlands mang đậm phong cách của Klei Entertainment, với các nét vẽ 2D rất tươi sáng và có phần hơi phá cách. Các nhân vật trong game hầu hết là người đột biến hoặc đám cybor nửa người nửa máy, đi qua các vùng đất khác thì còn gặp cả quái vật hay dã nhân, thành ra chẳng thể nói thế giới trong Griftlands giống nhân loại bình thường được. Đáng tiếc là phần lồng tiếng vẫn còn hơi đơn điệu, cộng thêm nhạc nền vẫn chưa có gì nổi bật.
Mặc dù vẫn còn đang trong giai đoạn early access nhưng Griftlands thực sự có tiềm năng vì lối chơi đặc biệt của nó, mức độ may rủi có thể kiểm soát và hai cách chiến đấu cũng làm tăng giá trị chơi lại của tựa game này. Hơn nữa từ trước tới nay Klei Entertainment chưa bao giờ làm chúng ta thất vọng với các sản phẩm của họ, do đó đây chắc chắn là thứ đáng để quan tâm.
Ưu điểm:
- Lối chơi đa dạng gây nghiện.
- Hệ thống thiết kế nhân vật có chiều sâu.
- Giá trị chơi lại cao.
Nhược điểm:
- Vẫn còn đang trong giai đoạn early access.
- Phần lồng tiếng và nhạc nền hơi kém.