Phụ Lục
Kể từ ngày được công bố tại E3 2018, Fallout 76 – tựa game online đầu tiên của Bethesda – đã nhận được không ít ánh mắt nghi ngờ và những lời bình luận tiêu cực từ phía game thủ. Bây giờ khi trò chơi đã ra mắt được khoảng một tuần và đã có trải nghiệm tương đối hoàn chỉnh với trò chơi, Mọt tui xin được đánh giá Fallout 76, và chia sẻ những gì mình nghĩ về trò chơi này với các bạn game thủ Việt.
Trong khoảnh khắc đầu tiên của game, game thủ sẽ được hứa hẹn về vinh quang, về sự huy hoàng của những người tái thiết nước Mỹ. Bạn biết điều này có nghĩa là gì – lang thang khắp Appalachia, thu thập đủ mọi thứ rác rưởi để xây dựng “mái ấm,” gom góp thuốc men, giáp trụ và súng ống để sống sót trong một môi trường đầy phóng xạ, quái vật và lũ robot sát nhân.
Không biết bạn nghĩ sao, nhưng với Mọt tui nó đem lại cảm giác như một tựa webgame Trung Quốc, nơi mà người chơi được nhận ra là người hùng cứu thế, được lão gia (hay tiên nữ) giao cho thần khí để lên đường đánh đuổi tà ma. Nhưng cũng như trong một webgame Trung Quốc, bạn bước ra khỏi “tân thủ thôn” và nhìn thấy khoảng… một chục người khác cũng là “người hùng cứu thế,” cũng có món thần khí được sản xuất hàng loạt trong tay, và họ kêu gào, cười nói, mắng mỏ nhau chẳng khác gì một cái chợ. Nó nhắc nhở game thủ rằng họ không một mình trong thế giới của Fallout 76 – Bethesda muốn đây là một trải nghiệm của tập thể, nơi mà mọi người cùng nhau xây dựng lại thế giới bất kể lạ hay quen, và trên mặt giấy tờ, đó là một ý tưởng không tồi.
Nhưng tiếc là Fallout 76 còn tệ hơn cả một tựa webgame Trung Quốc về mặt cộng đồng. Nó không đem lại được cho game thủ cảm giác như một người trong tập thể, lại càng không thể khiến họ hưởng thụ cuộc chơi một mình như các bản Fallout “offline.” Nó không có những nhân vật sinh động, các câu chuyện thấm vào lòng người và những điều nhỏ nhặt nhưng không kém phần quan trọng để thổi sinh khí vào một thế giới rộng lớn hơn, tươi đẹp hơn nhưng lại quá sức hoang vu. Mọi thứ trong game đều được kể bằng những dòng chữ viết hay những đoạn băng ghi âm rơi vãi đó đây, thứ không thể nào gây được ấn tượng mạnh với game thủ như khi thấy một nhân vật đứng trước mặt mình và kể về những gì họ đã trải qua trong quá khứ.
Mà thật ra, như các bạn đã biết trong những bài viết trước của Mọt game về Fallout 76, trò chơi hoàn toàn không có một nhân vật nào cả. Tất cả người mà bạn nhìn thấy trong game đều là những người chơi khác. Nhưng một người chơi bình thường không thể nào sánh được với các NPC khi xem xét về mặt kể chuyện, không cho chúng ta cảm giác về một thế giới chân thực, không khiến bạn có được tình cảm với thế giới trong game. Thay vì nói về một thế giới hoang toàn và vắng vẻ, về những thảm họa sau chiến tranh hạt nhân, về gian khó khi sinh tồn giữa hàng đàn quái vật, những người mà bạn gặp sẽ nói về cỗ PC mới mua, về việc AFK thay tã cho con, hay chuyện đi siêu thị mua bữa tối. Những điều này khiến bạn hoàn toàn không thể nào “cảm” được cái không khí của trò chơi, và không nhìn Appalachia dưới con mắt của một người sống sót trong nó. Bạn xem Appalachia bằng con mắt của người qua đường, hay tệ hơn nữa là như một khách du lịch.
Mọt tui đã rất cố gắng để thích tựa game này. Ban đầu, tác giả cố gắng đọc tất cả những gì có trong các tờ Note, nghe các Holotape, và tưởng tượng những gì đã xảy ra với những nhân vật được nhắc đến trong đó. Nhưng tiếp thu các thông tin đó một cách thụ động như thế này hoàn toàn chẳng thú vị gì, và ngay cả khi có một thông tin nào đó đáng quan tâm, Fallout 76 sẽ có cách để khiến bạn bị xao lãng. Một người chơi khác rủ bạn tay đôi. Một con chuột chũi đào hầm… ở tầng 2, trên dàn lưới sắt. Một Event diệt chuột xảy ra gần đó thu hút nhiều game thủ tụ lại. Một đàn quái vật xuất hiện từ không khí. Vân vân mây mây.
Và cứ thế, cho đến khoảng quest thứ 3 hoặc thứ 4. Mỗi lần game tung ra một nhiệm vụ mới, thay vì lo lắng cho số phận của nhân vật được nhắc đến trong quest khi biết họ đang ở một khu vực nguy hiểm, Mọt lại chẳng thèm quan tâm. Đằng nào thì anh ta / chị ta cũng đã chết, và thứ duy nhất đang chờ Mọt ở đích đến chỉ là một Holotape băng lãnh, và âm thanh nó phát ra dễ dàng bị cắt đứt bởi đủ thứ trên trời dưới đất mà tác giả chẳng muốn quan tâm. Các nhiệm vụ trong Fallout 76 luôn là những cuộc săn ma, trong một thành phố ma thỉnh thoảng được điểm xuyết bằng lũ robot vô hồn. Chuỗi nhiệm vụ tìm kiếm Overseer của Vault 76 đâm xuyên toàn bộ cốt truyện của trò chơi có lẽ là một điểm sáng hiếm hoi, nhưng nó bị bao phủ bằng những nhiệm vụ kiểu nấu nước, nhặt chai, tìm Holotape vặt vãnh.
Do thiếu vắng NPC để làm nền cho câu chuyện, Fallout 76 cố gắng dùng combat (chiến đấu) để bù đắp cho lối chơi. Nhưng Mọt đánh giá Fallout 76 là một tựa game có phần combat vô cùng tệ hại. Ở góc nhìn người thứ nhất, Fallout 76 là một trải nghiệm khó nuốt bởi nó quá thô thiển, thiếu chính xác. Kẻ địch mà game thủ đối mặt có thể chia làm hai loại: những con quái bạn có thể đập chết như muỗi, hoặc những bị thịt có thể ăn hết lượng đạn bạn mang theo. Nhưng bất kể quái to quái nhỏ, chúng đều… thiếu não và quá ngu xuẩn để trở thành một mối đe dọa cho game thủ. Trong khi đó, hệ thống VATS của Fallout 76 bị “giáng cấp” thành một kiểu aim assist tầm thường, chẳng còn chút yếu tố chiến thuật nào. Vì vậy, PvE trong Fallout 76 chỉ đơn giản là bắn, bắn nữa, bắn mãi – đôi khi bạn còn có thể bắn trúng những con quái mà mình chẳng hề chĩa súng vào nhờ sự giúp đỡ của VATS.
PvP thì sao? Fallout 76 có lẽ là tựa game sở hữu hệ thống PvP tệ hại nhất trong số những tựa game online tác giả từng chơi thử. Bạn đã biết nó hoạt động như thế nào – bạn bắn đi, người ta bắn lại, thế là PvP. Nếu họ không bắn trả, đó là PK. Chết vì PvP sẽ khiến bạn hồi sinh gần đó, sẵn sàng tái chiến mà chẳng mất gì cả, trong khi người thắng nhận được vài đồng xu. Nếu nghiện PvP, bạn có thể bật kênh radio Hunter/Hunted (một chế độ PvP trong game), nhưng việc tìm đủ 4 người chơi để khởi động chế độ này có lẽ là bất khả thi. Game thủ cũng có thể thử tranh giành các Workshop (một kiểu công thành) có khả năng đem lại cho họ thêm nhiều vật phẩm hữu ích, nhưng sự thật là chẳng ai quan tâm đến việc sở hữu Workshop chứ đừng nói đến việc chủ động tranh giành nó trong game.
Để một tựa game online xứng đáng là online, nó cần phải có chút gì đó khuyến khích game thủ tương tác với những người chơi khác xung quanh. Fallout 76 hoàn toàn thất bại ở mặt này, bởi game đã không có những cuộc đối đầu hoành tráng, cũng chẳng thực sự tưởng thưởng người chơi khi hợp tác với nhau. Lý do duy nhất mà bạn muốn phối hợp với những người chơi khác chỉ là những con trùm, bởi bạn muốn tiêu diệt chúng càng nhanh càng tốt, rồi lại tách nhau đi mỗi người một ngả để theo đuổi những mục đích riêng. Có thể bạn đã nghe về những game thủ tinh quái bám theo người chơi khác hàng giờ liền, hay giúp đỡ “lính mới” trong Fallout 76 – nhưng theo Mọt, đó chỉ là những game thủ chán nản muốn tìm kiếm niềm vui.
Tóm lại, vì Fallout 76 vừa được thiết kế để phục vụ game thủ thích co-op, vừa dành cho những người chơi solo, kết quả bạn nhận được là một đống “nửa nạc nửa mỡ” chẳng ra gì. Lối chơi của Fallout 76 có lẽ đã biến nó thành phiên bản Fallout tệ nhất trong lịch sử: tầm thường, đơn điệu và chẳng có gì hấp dẫn người chơi.
Nếu có điều gì đó mà Mọt tui biết ngay khi nghe một tựa game đòi hỏi game thủ phải luôn online như Fallout 76, đó là server của nó chắc chắn sẽ hết sức tệ hại trong ngày phát hành. SimCity, Diablo 3, Star Wars: Battlefront… đã khiến Mọt tui nghĩ vậy. Thế nhưng chỉ trong một tháng ngắn ngủi vừa qua, có đến hai ngoại lệ: Black Ops 4 và Fallout 76. Trong khi Black Ops 4 là ngoại lệ vì nó có server ổn định đến bất ngờ, Fallout 76 là ngoại lệ vì server của Bethesda có lẽ thực sự được tạo nên từ đống rách nát mà game thủ nhặt được sau ngày tận thế. Các server của Bethesda mất kết nối hết sức thường xuyên trong suốt một tuần qua, trong khi game chỉ autosave sau một thời gian ngắn như một tựa game offline, khiến game thủ mất rất nhiều công sức và thời gian mỗi khi server bị lỗi.
Xây dựng bằng cỗ máy CAMP là một phần rất quan trọng trong Fallout 76. Nhưng ngoài việc cho phép người chơi xây ở gần như bất kỳ đâu và thoải mái di dời, tính năng xây dựng của Fallout 76 vẫn là trải nghiệm rối rắm, thiếu tự do mà game thủ đã có từ Fallout 4 của 2015. Là một game thủ rất thích xây dựng, Mọt tui đã gian nan mò mẫm qua trải nghiệm xây dựng bằng góc nhìn người thứ nhất của game để tạo nên một “ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” với đầy đủ điện nước hết sức đáng tự hào. Nhưng trong khi mở rộng ngôi nhà, tác giả gặp phải lần crash tệ nhất trong cuộc chơi của mình khi server mất kết nối 2 lần liên tiếp chỉ trong khoảng 10 phút đồng hồ, xóa mất cả một góc nhà và hàng đống item.
Chưa hết, game còn có vấn nạn hacker. Bethesda sử dụng engine Creation để phát triển Fallout 4, và họ đã cung cấp những công cụ cần thiết để mod game phát triển trên engine này từ lâu. Fallout 76 thực ra là “Fallout 4.5” và hoàn toàn có thể bị hack một cách hết sức đơn giản bằng các bản mod, bởi Bethesda chẳng buồn kiểm tra các file trên máy game thủ có bị chỉnh sửa hay không. Nếu game thủ muốn đi xuyên tường, chui vào lòng đất hay tô sáng nhân vật của người khác, họ hoàn toàn có thể làm điều này một cách dễ dàng và sẽ không bao giờ bị phát hiện. Các gói dữ liệu gửi qua lại giữa game thủ với server cũng không được mã hóa, mở đường cho các trò hack bất tử, hack mất kết nối hoành hành trong game chỉ bằng một số phần mềm bắt dữ liệu đơn giản như Wireshark.
Server không phải là vấn đề kỹ thuật duy nhất của Fallout 76. Bởi đây là một tựa game của Bethesda, nó có hàng chục bug từ lớn đến nhỏ đang chờ bạn, từ lũ quái vật đông cứng như pho tượng giữa không trung, các khu vực mà bạn có thể đi xuyên qua… một nửa rồi kẹt lại vĩnh viễn, hay những địa hình có khả năng “nuốt” chân người chơi, xác quái vật lẫn những quả lựu đạn mà bạn ném ra để tự sát. Các bộ giáp Power Armor cũng bị bug hết sức thường xuyên, biến nhân vật bên trong thành những con quái tay chân dài ngoằng… Tính năng mời party “vui thì hiện, buồn thì mất” cũng chẳng giúp ích gì cho lối chơi của game.
Nói một cách công bằng, Appalachia của Fallout 76 có quang cảnh tuyệt đẹp, từ những khu rừng lá đỏ mùa thu, các ngôi nhà đầy hoa cỏ, những ngọn núi xanh rì xen lẫn giữa các thành phố điêu tàn, và nhiều vị trí mà Mọt nghĩ rằng hết sức lý tưởng để xây dựng. Tiếc thay, Fallout 76 không phải là một tựa game xứng đáng với thế giới tươi đẹp này, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Những tiềm năng mà trò chơi có được bị che phủ bởi vô số vấn đề còn tồn đọng với Fallout 76, với Bethesda. May mắn là hiện tại Bethesda vẫn đang cố gắng cải thiện trò chơi, chẳng hạn một bản patch vừa được tung ra unlock số khung hình trên PC mà không "hack speed." Có thể sau khoảng vài chục GB patch nữa, trò chơi sẽ trở nên khá khẩm hơn và xứng đáng với mức giá 60 USD, nhưng vào thời điểm bài viết đánh giá Fallout 76 này ra đời, có lẽ bạn nên trở về với Fallout 4 hoặc New Vegas.