Detroit: Become Human đang là cái tên nổi nhất trong vài ngày qua, khi các mỹ từ dành cho nó là không thể kể xiết. Tuy là một tựa game khá kén người chơi khi chọn phong cách phiêu lưu giải đố, nhưng không vì thế mà Detroit: Become Human kém hấp dẫn vì cốt truyện tuyệt đỉnh của nó đã bù đắp lại mọi thứ.
Bối cảnh của Detroit: Become Human diễn ra trong tương lai vào năm 2038, vào thời điểm này con người đã đạt được các bước tiến dài trong công nghệ chế tạo robot và tạo ra các Android có ngoại hình giống hệt con người, đủ sức thay thế gần như mọi mặt trong đời sống. Tính tới thời điểm Detroit: Become Human bắt đầu thì đã có hơn 50 triệu Android được sản xuất, tất cả đều đến từ công ty Cyber Life, đó là lúc mà xung đột giữa trí tuệ nhân tạo và con người bắt đầu.
Cốt truyện của Detroit: Become Human xoay quanh 3 nhân vật chính khác nhau, tất cả bao gồm: Connor – một người máy điều tra các vụ án có liên quan tới Android, Kara – người máy giúp việc nhà và Markus – người máy quản gia cho một họa sĩ già. Detroit: Become Human chia làm các tuyến nhân vật đan xen nhau, mỗi một Android lại có cốt truyện và mục đích riêng của mình, chúng lồng ghép một cách ngẫu nhiên nhưng lại vô cùng hợp lý và chỉ đến cuối cùng những sự thật sâu thẳm mới hé lộ cho người chơi.
“Đỉnh cao” là những gì mà chúng ta có thể nói về cốt truyện của Detroit: Become Human, Quantic Dream đã cực kỳ thành công khi phân nhánh game ra làm 3 phần, nhưng vẫn bằng cách nào đó kết nối chúng lại với nhau một cách liền mạch, càng thần kỳ hơn nữa là 3 nhân vật Connor, Kara và Markus ban đầu không hề có liên quan gì tới nhau, điều này khiến tính bí mật của game được giữ kín gần như từ đầu tới cuối.
Mỗi Android trong Detroit: Become Human đều có mục đích và lý tưởng riêng, Connor là mẫu Android độc nhất vô nhị được tạo ra để điều tra, Kara đang trong hành trình bảo vệ một đứa trẻ khỏi bị bạo hành, trong khi đó Markus đóng vai như một thủ lĩnh để dẫn dắt các Android bị ruồng bỏ tìm tới tự do.
Tuy mục đích và tầm quan trọng của 3 nhân vật có khác nhau, nhưng điểm chung là đều bị dằn vặt giữa mục đích sống của bản thân và bản năng phục tùng con người từ khi ra đời. Điều này tạo ra các nút thắt mở chính cho Detroit: Become Human, khiến game trở nên cực kỳ khó đoán và gây hứng thú cho người chơi.
Detroit: Become Human gần giống như một bộ phim dài tập, người chơi sẽ đóng cả hai vai vừa là đạo diễn vừa là diễn viên chính. Bạn sẽ được toàn quyền lựa chọn tất cả các quyết định trong game, từ đó xoay chiều diễn biến tâm lý nhân vật. Một Connor trung thành với nhiệm vụ như một cái máy, hay tiến hóa trở nên “có tính người” hơn, hoặc “kẻ được chọn” Markus sẽ chọn phương pháp đấu tranh nào để giành quyền tự do cho đồng loại? Tất cả mọi thứ sẽ do người chơi định đoạt, nó đem lại cảm giác tự do tuyệt đối – một điều không thường thấy ở các game phiêu lưu giải đố.
Mỗi một Chapter thường sẽ có từ 2 tới 3 kết thúc tùy theo lựa chọn của người chơi, chúng liên kết với nhau theo hiệu ứng cánh bướm lan truyền. Ví dụ như nếu Markus lựa chọn giải thoát một Android canh cửa, thì anh ta sẽ được cứu bởi chính người đó trong các màn chơi sau. Mỗi nhân vật chính khi tương tác sẽ có một thanh cảm xúc ẩn với đồng đội, thanh này tăng hay giảm tùy theo lựa chọn của người chơi, khi đạt một mức nào đó nó sẽ mở khóa ra các lựa chọn mới và thậm chí là cả các kết thúc ẩn nữa.
Ngoài cốt truyện hay và đồ họa tuyệt đẹp, Detroit: Become Human còn có lối chơi quái dị khi bắt bạn làm người hầu đúng nghĩa đen.
Số lượng kết thúc của Detroit: Become Human là khổng lồ, hơn nữa vài cái chỉ có thể đạt được khi bạn chơi theo một phong cách xuyên suốt vài Chapter, điều này làm giá trị chơi lại của game là rất cao, vì ít nhất bạn sẽ phải chơi khoảng 4 tới 5 lần để có được các Good Ending ưng ý. Và điều cuối cùng là bất kể nhân vật chính nào trong Detroit: Become Human cũng đều có thể mất mạng, và tiến trình cốt truyện sẽ thay đổi theo luôn, Motgame sẽ không spoil tình tiết ra đây, nhưng bảo đảm ai yếu mềm một chút sẽ phải khóc lóc khi chơi Detroit: Become Human đấy. Hahaha!
Là một game thuần phiêu lưu giải đố, Detroit: Become Human chú trọng làm sao để đẩy hình ảnh lên mức tối đa. Có thể nói đây là một trong những game game độc quyền cho Playstation 4 đẹp nhất từ trước tới nay, bạn sẽ cảm thấy từng vết nhăn, tàn nhang, sẹo hoặc thậm chí cả vài cái mụn trứng cá rõ nét tới mức không thể tin được trên khuôn mặt từng nhân vật. Đặc biệt game tập trung làm nổi bật lên cá tính các Android thông qua đôi mắt, khi để ý kỹ thì sẽ thấy Connor từ đầu game có một cặp mắt cá chết cực kỳ vô hồn, nhưng lại có một đôi mắt đầy nhân tính hóa và tràn ngập cảm xúc vào cuối game.
Các chi tiết vụn vặt khác cũng được đầu tư kỹ lưỡng, giả dụ lúc Kara dọn dẹp vô tình bước qua màn hình TV thì cô ta sẽ bị chủ nạt nộ, hay lời thoại khớp với miệng 100% theo từng nhân vật… nó thể hiện sự đầu tư khổng lồ từ Quantic Dream, cho thấy tại sao Detroit: Become Human lại tạo được sức hút ngay lập tức kể từ khi còn chưa ra mắt, bất chấp việc nó không được quảng cáo rầm rộ như ai kia.
Tất nhiên Detroit: Become Human cũng không thể nào là một game hoàn hảo tuyệt đối, nó vẫn còn tồn tại một chút lỗi lặt vặt làm phiền người chơi. Đầu tiên chúng ta có thể kể tới việc game quá lạm dụng Quick-time-event (QTE), gần như bất cứ khi nhân vật làm gì đều có một QTE kèm theo, điểm tốt là nó giúp người chơi cảm nhận được hết các hành động của nhân vật họ đang điều khiển, qua đó khiến game trở nên chân thực hơn. Nhưng điểm hại là đôi khi số lượng QTE quá nhiều và dồn dập, khiến việc thưởng thức những đoạn diễn biến hấp dẫn bị phá ngang, giống như bạn đang xem phim đến hồi gay cấn thì phải nghe điện thoại nhưng không thể bấm dừng phim được. Bạn không thể yên ổn ngồi thưởng thức cốt truyện nữa, hơi khó chịu cho những ai không quen.
Thứ hai là số lượng các mốc check point quá ít, Detroit: Become Human là game tiến trình theo lựa chọn của người chơi, do đó ai cũng muốn thử hết các khả năng có thể. Nhưng điều này khá tốn thời gian khi mỗi Chapter diễn ra khá dài, thiếu các điểm check point làm cho việc bạn phải chơi đi chơi lại rất mất thời gian. Tất nhiên đây không phải các khiếm khuyết gì to tát cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới trải nghiệm game mà chỉ làm người chơi hơi khó chịu mà thôi.
Là một game cực kỳ kén người chơi và có phần hơi bị “điện ảnh” hóa nhưng Detroit: Become Human thực sự là một bom tấn xứng đáng để chờ mong. Nó giống như một tác phẩm nghệ thuật 10 năm có một và chỉ dành riêng cho Playstation 4 vậy, cho nên đừng ngần ngại mà mua ngay Detroit: Become Human từ bây giờ nhé. Chúc các bạn sớm mọc lại thận!