Sinh tồn chưa bao giờ là dễ dàng. Việc sống hay chết của một người không chỉ nằm ở kỹ năng, kinh nghiệm mà đôi lúc chính là sự may mắn mà họ gặp được trên đường. Nhưng sẽ ra sao nếu bạn không một mình cô độc tại nơi này? Sẽ ra sao những người bạn gặp trên đường, dù còn lý trí hay là không, lại thay đôi hoàn toàn suy nghĩ của bạn về một thế giới sau đại dịch. Vậy thì hãy thử trải nghiệm qua Delivery from the Pain cùng Mọt tui nhé.
Nếu yêu thích thể loại sinh tồn zombie trên điện thoại, cái tên Last Day on Earth: Survival chẳng còn xa lạ gì với game thủ. Nhưng nếu như vậy mà bạn đánh giá thấp Delivery from the Pain thì thật sự là bé cái lầm đấy. Dù bề ngoài có vẻ giống nhau, nhưng cái cách thể hiện thế giới trong đại dịch xác sống có phần khác biệt rất nhiều.
Đầu game, bạn sẽ được quyết định sẽ sử dụng nhân vật nào để bắt đầu cuộc chiến sinh tồn của mình. Mỗi nhân vật sẽ có điểm mạnh yếu khác nhau, và đặc biệt hơn là câu chuyện của họ cũng khác nhau hoàn toàn. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm game của bạn trong trò chơi. Mọt sẽ không đề nghị nên chọn nhân vật nào hơn nhân vật nào đâu, vì mỗi câu chuyện đều đặc sắc như nhau cả. Tốt nhất hãy chơi lại vài lần, chọn hết nhân vật để thưởng thức toàn bộ nội dung của Delivery from the Pain.
Ngoài hướng dẫn cơ bản ra thì cả câu chuyện dẫn dắt lúc đầu game của mỗi nhân vật cũng khác nhau nốt, nên khỏi lo lắng về việc nhàm chán nhé. Cốt truyện chung của game là bạn một mình giữa một khu vực đang mắc phải đại dịch, dù đã tìm cách liên hệ với thế giới bên ngoài nhưng tất cả những gì bạn nhận được là thông tin về một khu vực được đánh dấu trên bản đồ xa tít tắp mù khơi cùng lời hứa tới đó đi sẽ có người tới giúp. Chỉ là trước khi tới đó, bạn phải sống sót được trên đoạn hành trình giữa đại dịch đã. Tới đây thì cũng không cần phải giới thiệu gì thêm nữa, fan ruột của thể loại này đều biết rõ quá rồi.
Nếu có thể nhận xét, thì Delivery from the Pain là sự kết hợp giữa Last Day on Earth: Survival và một tựa game sinh tồn đình đám khác là This War of Mine. Game thủ sẽ dễ dàng tìm ra điểm tương đồng của những tựa game này khi chơi, đặc biệt là cơ chế sinh tồn trong game. Ngoài đồ ăn, thức uống, bạn phải tìm thêm nguyên liệu để chế tác vật dụng để tăng khả năng sống sót trong thế giới này. Tất cả những thứ đó đều phải đánh đổi bằng thời gian của chính bạn trong ngày. Một ngày có 24 tiếng, bạn chỉ có thể di chuyển vào ban ngày cho tới trước 6 giờ tối. Khi màn đêm buông xuống bạn chỉ còn cách quanh quẩn tại chỗ trú ẩn và làm nốt những gì mình có thể làm hay chuẩn bị cho ngày tiếp theo. Thế nhưng, mọi chuyện vốn không hề đơn giản như thế.
Con người có ba nhu cầu thiết yếu nhất: ăn, ngủ và... chịch. Đương nhiên là thế giới đại dịch thế này thì chỉ cần ăn được ngủ được thôi đã là một điều xa xỉ rồi, nhưng trong Delivery from the Pain thì nó lại là một chuyện hoàn toàn khác. Dù cho bạn có muốn nhanh nhanh phá đảo trò chơi, thì bạn vẫn buộc phải ngủ. Vì chỉ có ngủ mới có thể gia tăng một chỉ số vô cùng quan trọng trong này: Sự minh mẫn. Nếu ai chơi lâu thì cũng biết, trong game sinh tồn thì thứ đáng quý nhất chính là thời gian. Bởi vì có rất nhiều việc phải làm trong khi thời gian của bạn lại eo hẹp vô cùng. Và chỉ số Minh Mẫn chỉ có thể tăng cường thông qua việc ngủ mà thôi. Cơ thể con người khi thiếu sự minh mẫn thường dễ mắc sai lầm, cũng như hành động sẽ thiếu tính chính xác và chậm chạp. Sự bất tiện này còn làm bạn tốn nhiều thời gian để sinh tồn, cũng như hàng tá hoạt động sinh hoạt thường ngày. Nên tốt nhất hãy cho nhân vật ngủ đủ giấc, 3 tiếng 4 tiếng cũng được, miễn là có thời gian để nghỉ ngơi, hồi sức là được. Đừng tiếc vài tiếng đồng hồ một ngày rồi để tự mình hại mình.
Lịch trình trong game này cũng không khác gì nhiều so với This War of Mine, khác chăng là ra đường vào ban ngày để loot đồ, còn ban đêm thì ru rú trong nhà thôi. Chỉ cần về nhà trễ một chút là bạn thành bữa tối của đám xác sống ngoài kia ngay. Nhưng điểm thu hút của Delivery from the Pain không đến từ sự khó khăn khi sinh tồn, mà đến từ những con người, những câu chuyện mà game thủ được gặp trên đường. Dù tất cả là NPC, nhưng họ chả có hứng thú gì với đống đồ đạc mà bạn thồ trên người như đống người thật bên Last Day on Earth: Survival đâu. Tất cả họ đều có một câu chuyện riêng, những biến cố riêng mà chỉ đến khi đại dịch zombies xuất hiện, con người mới chịu bỏ thời gian mà chịu lắng nghe và thấu hiểu cho nhau. Nó tôn tính "người" của tựa game lên, đồng thời làm cho hành trình giải cứu của bạn ngắn đi hơn rất nhiều vì bạn biết mình không hề cô độc, và đến tận cùng thì mình cũng chi là con người mà thôi.
Còn một điểm thú vị nữa của game chính la cơ chế chiến đấu. Xác sống trong game không quá nhạy cảm với mọi loại tiếng động hay cơ thể người. Chúng chỉ tấn công những gì di chuyển lọt vào tầm mắt, nên nếu khéo léo thì bạn hoàn toàn có thể tránh đối đầu với chúng trong hầu hết mọi tình huống. Còn nếu như phải hạ sát bọn chúng, bạn sẽ có cách để làm chuyện đó dễ dàng hơn: Hãy tấn công chúng từ phía sau, khi chúng không hề có sự chuân bị để gây nhiều sát thương hơn. Một đòn phía sau có thể giết chết một xác sống bình thường mà không hề sứt mẻ chút gì. Gì chứ cái này thì tôi chắc chắn bọn ~Templar~ có nhúng tay vào rồi. Điểm dở là góc camera cố định nên đôi khi những tính toán sẽ hơi trật nhịp chút xíu. Mà cùng lắm co giò chạy thôi, xác sống rượt chạy một hồi mất dấu cũng bỏ qua cho bạn à.
Đồ họa trong game tuy không quá xuất sắc, nhưng có thể nói là tròn vai. Với gam màu tối, nhiều nét đậm làm cho hình ảnh trong game trở nên cũ kỹ, bụi bặm. Thú thật là Mọt Game thấy đồ họa kiểu này phù hợp với game sinh tồn hơn nhiều, không thể quá sạch đẹp trong một không gian như thế này được đúng không? Chỉ tiếc là phần hình ảnh của game có hơi lười biếng một chút, khi sử dụng một kiểu thiết kế nhất định cho một địa điểm nhất định. Ví dụ như bạn kiếm dc hai căn nhà thì hai căn nhà này giống hệt nhau về kiến trúc, khác nhau chỗ loot đồ thôi, còn lại thì chả có gì mới lạ cả. Khám phá đi khám phá lại một bối cảnh quen thuộc sẽ làm người chơi khá mệt mỏi vì chán thôi.
Đi kèm với đồ họa ổn thì âm thanh cũng làm rất tốt phần việc của mình khi thể hiện được cái không khí cô đơn trong đại dịch này. Những con xác sống cũng có tiếng động riêng biệt, giúp bạn dễ dàng phân biệt và phán đoán tình huống kế tiếp. Nói chung không có gì để phàn nàn về phần này hết.
Tổng kết lại, Đánh giá Delivery from the Pain là một tựa game khá tốt từ tạo hình nhân vật, cốt truyện lẫn cơ chế chiến đấu đậm chất lén lút. Nhưng nếu dành ra 168k để có thể hoàn toàn trải nghiệm hết trò chơi này thật sự là đáng cân nhắc vì cái giá không hề dễ chịu chút nào. Nhưng nếu bạn không ngại việc đó, bạn hoàn toàn có thể mua game để ủng hộ nhà phát triển. Game cũng đã có mặt trên PC cho những game thủ thích yêu thích nền tảng này. Đương nhiên là sự linh hoạt thì khó mà bằng điện thoại được.
Tải bản di động tại đây: iOS/Android (miễn phí chapter đầu)
Mua bản PC tại đây: https://store.steampowered.com/app/685340/Delivery_from_the_Pain/