Là tựa game độc quyền cho Playstation 4 rất được mong chờ trong thời gian qua, Days Gone đã có những bước chạy đà hoàn hảo khi tung ra những đoạn trailer và demo hoành tráng, cả về lối chơi lẫn thế giới hậu tận thế đầy rẫy xác sống. Đáng tiếc là thực tế tựa game này lại không được như vậy, khi nó chỉ dừng ở mức “khá” so với mặt bằng chung mà thôi.
Mặc dù được quảng cáo và phông bạt từ Sony rất nhiều, nhưng với những gì mà Days Gone thể hiện thì nó chỉ ở mức trên trung bình một chút mà thôi.
Cốt truyện của Days Gone diễn ra ở thế giới hậu tận thế, khi một cơn dịch bệnh bí ẩn quét qua nước Mỹ và biến hầu hết dân số tại đây thành những sinh vật điên loạn gọi là Freakers. Về cơ bản thì Freakers vẫn “sống” nhưng không còn tính người và hành động hoàn toàn bản năng như dã thú, chúng săn đuổi những người còn sót lại suốt ngày đêm. Nhân vật chính của Days Gone là một “Racing Man” có tên là Deacon, anh ta đã mất vợ của mình vào cái đêm mà dịch bệnh bùng nổ, giờ đây Deacon gần như đã mất đi mục đích sống và trở thành một kẻ bất cần đời trong thế giới này.
Days Gone chủ yếu xoay quanh những diễn biến tâm lý của Deacon, cách mà anh ta vẫn tiếp tục bám víu vào quá khứ, trở thành cái gai trong mắt với mọi người và cư xử hệt như một thằng khốn đúng nghĩa. Deacon là mẫu nhân vật chính cô độc và có tính cách tương phản, một mặt anh không muốn quên đi người vợ đã mất của mình, nhưng một mặt khác lại là những trách nhiệm trực tiếp với những người đang sống.
Do chỉ nhắm vào một nhân vật chính duy nhất nên Days Gone có lối kể chuyện rất chậm, bạn sẽ trải qua hàng chục tiếng đồng hồ dõi theo bước của Deacon, các thay đổi về tâm lý và sự thay đổi trong suy nghĩ của anh ta. Không phủ nhận cốt truyện Days Gone thực sự có chiều sâu và nhiều nút thắt bất ngờ, nhưng nó cũng khiến game bị kéo dài ra một cách không cần thiết.
Điểm nổi bật trong lối chơi của Days Gone mà mọi người trông đợi là những đàn Freakers với số lượng lên tới hàng trăm con thực sự xuất hiện, chúng được gọi là The Horde và xuất hiện thường xuyên trên bản đồ. Ngoài Freakers ra thì Deacon còn phải chống lại những con thú bị nhiễm bệnh hay các tên cướp đường, hay nguy hiểm nhất là những kẻ điên vô pháp luật tự lập ra những phe phái riêng chuyên đi giết người ở thế giới hậu tận thế này.
Để chống lại đám kẻ địch hung hãn này, Deacon có cả tá kỹ năng để sử dụng từ vũ khí cận chiến, súng ống, bẫy, bom tự chế và cả lén lút ám sát. Chúng sẽ được chia là 3 bảng riêng lần lượt là: Melee, Ranger và Survival, tùy thuộc phong cách cũng như sở thích mà người chơi sẽ tự chọn cho mình những kỹ năng ưng ý.
Đáng tiếc là phần cân bằng sức mạnh trong Days Gone không hợp lý lắm, khi mà súng thì bắn đã tốn nhưng lại rất khó kiếm đạn trong khi đó vũ khí cận chiến vừa mạnh vừa dễ dùng, dẫn đến trường hợp cuối cùng mọi người toàn lao vào tay bo chứ chả thèm núp lùm bắn súng làm gì cho mệt.
Là một “Racing Man” thứ thiệt, tất nhiên Deacon không thể thiếu con ngựa sắt là chiếc mô-tô hầm hố của mình. Đây vừa là phương tiện di chuyển, Fast Travel, chứa đạn và cả điểm save trong game, nó quan trọng tới mức bạn sẽ gần như không bao giờ rời khỏi xe trừ khi đang làm nhiệm vụ hoặc đánh nhau. Theo thời gian chiếc mô-tô này có thể độ đủ thứ từ tăng tốc độ, thêm độ bền, bám đường và cả lắp ống phóng khí nén vào để chạy cho bốc.
Tuy vậy mọi việc lại không hề tốt đẹp lắm với việc chạy xe trong Days Gone, chủ yếu vì nó quá tốn xăng tới mức phiền hà. Gần như chạy một lúc bạn sẽ phải ngó nghiêng xem chỗ đổ xăng ở đâu, vì không có nhiên liêu thì chiếc xe “độ” này hoàn toàn chả khác gì sắt vụn. Điều này còn trở nên phiền phức hơn khi Fast Travel, vì không đủ xăng thì sẽ không thể Fast Travel được, dẫn đến tình huống di chuyển tự do thì ít mà để ý nhiên liệu thì nhiều.
Thế giới mở của Days Gone xoay quanh các khu vực riêng biệt với điểm mốc là các khu trại khác nhau, theo tiến trình cốt truyện người chơi sẽ được tiếp xúc với những quần thể cư dân còn sót lại trên thế giới. Deacon sẽ phải làm việc và tương tác với họ, để từ đó lấy được lòng tin cũng như tiền để nâng cấp thêm đồ xịn. Mỗi khu trại như vậy đều có các câu chuyện riêng đi kèm những thủ lĩnh theo tư tưởng khác nhau, nó thực sự khiến cốt truyện của game đa dạng và có cái nhìn đa chiều về mặt tối của con người.
Khi rảnh rỗi hay không phải làm nhiệm vụ, Deacon có thể lái chiếc xe mô-tô của mình khám phá thế giới, chủ yếu là để tìm những chiếc tổ của bọn Freakers hay các tàn tích từ thế giới cũ nhằm tăng sức mạnh cho bản thân. Trong quá trình này bạn cũng sẽ gặp các sự kiện ngẫu nhiên, bị phục kích bởi bọn cướp hay biết được những ghi chép về thân thế các nhân vật trong game... nhìn chung có khá nhiều thứ để làm.
Bạn có biết đám Zombie trong Days Gone có quy luật thời gian nhất định, chúng cũng “ngủ” và di chuyển thành từng đàn vào từng thời điểm trong ngày đấy.
Điều đáng tiếc là Days Gone là một thế giới mở chưa thực sự đa dạng, trừ những nhiệm vụ được giao, còn đâu thì các thứ mà Deacon gặp trên đường cơ bản chẳng ảnh hưởng gì tới tiến trình chơi cả. Không có những NPC đi lạc mà bạn sẽ thể cứu rồi tương tác cùng, những nhiệm vụ phụ bí mật chỉ xuất hiện tình cơ hay các sự kiện ngẫu nhiên không lường trước... Days Gone quanh đi quẩn lại chỉ có vài thứ cơ bản như vậy, nó thực sự là chán ngấy tới mức chả ai buồn đi khám phá làm gì (chưa kể cái xe chết toi còn tốn xăng cực kỳ nữa).
Có khá nhiều thứ để nói về những thiếu sót của Days Gone, đầu tiên là phần đồ họa của game thực sự không xứng tầm với một game độc quyền cho Playstation 4. Hình ảnh trong Days Gone thua rất xa những game bom tấn khác như Horizon Zero Dawn, Red Dead Redemption 2 hay gần đây nhất là Sekiro: Shadows Die Twice. Nói rõ hơn là nó không tạo được ra cái “chất” riêng của mình, lũ Freakers nhìn chả có gì khác biệt so với đám xác sống thông thường, các nhân vật trừ vào cắt cảnh ra thì mặt hoàn toàn “đơ” như đá. Ngoại cảnh của game cũng chẳng có gì qua nổi trội, nó quanh đi quẩn lại chỉ toàn đường nhựa rồi tới đường đất, lâu lâu leo núi một chút chứ chẳng có chỗ nào gọi là choáng ngợp cả - điều vốn một game thế giới mở rất cần.
Hơn nữa do cốt truyện chậm, lại thêm lối chơi bị pha tạp nhiều nên Days Gone chơi khá là dễ chán sau vài giờ. Bạn chỉ có một thứ duy nhất là đi nhận nhiệm vụ >> giết một mục tiêu nào đó >> quay trở về chờ lên cấp rồi lặp lại liên tục như vậy. Đám Freakers trong game cũng có vẻ đe dọa đó, nhưng chúng không tạo được cảm giác đã tay khi tiêu diệt vì như đã nói súng ống trong này khá là sida. Thà là Days Gone có gì đó để khám phá đi còn đỡ, nhưng rất tiếc là không, cảm giác như cái thế giới mở này chẳng chứa đựng bí mật gì cả.
Cuối cùng tương tác vật lý trong game thực sự là mờ nhạt, tuy ban đầu nói là lũ Freakers sẽ phản ứng theo thời tiết, nhưng vào game rồi thì bạn sẽ thấy điều này cơ bản chẳng quan trọng mấy. Ngoại trừ việc chú ý khi ra ngoài vào ban đêm, còn đâu thì mưa, nắng, bão tố hay tuyết rơi cũng chẳng thấy có gì khác biệt. Thậm chí là thời tiết cũng chẳng ảnh hưởng gì tới lối chơi cả, bạn có đi giữa bão tuyết hoặc sa mạc nhưng Deacon hoàn toàn chẳng biết lạnh hay nóng gì cả.
Phần lồng tiếng và âm nhạc của Deacon tương đối tốt, đặc biệt các câu thoại trong game rất có ý nghĩa nếu bạn để tâm theo dõi chúng, cũng như phần nhạc nền theo kiểu cao bồi rất phù hợp khi rong ruổi trên xe. Nhưng như đã nói, Days Gone thiếu đi phần bí mật hay sự kiện ngẫu nhiên của thế giới mở, nên chừng đó cũng chẳng giải quyết được gì nhiều.
Nếu xét một cách dễ tính thì Days Gone vẫn là một tựa game hay, nhưng nó chưa tới tầm trở thành một cái tên độc quyền của Playstation 4 càng chưa nói là siêu phẩm gì cả, khá đáng tiếc cho dự án rất tiềm năng này.