Đến hẹn lại lên, cứ vào thời điểm tháng 9 hàng năm, cuộc đối đầu kinh điển giữa 2 tượng đài game thể thao Pro Evolution Soccer (PES) của Konami, và FIFA của EA lại diễn ra.
Sau một thời gian dài luôn nằm dưới bóng đối thủ FIFA, bước sang thế hệ PS4 – Xbox One, với việc liên tiếp ra mắt các phiên bản được đánh giá rất cao, loạt game mô phỏng bóng đá của Konami đang dần lấy lại danh tiếng với gameplay dễ thưởng thức cùng sự chân thực.
Tiếp nối sau phiên bản PES 2017 được đánh giá cực cao, liệu rằng PES 2018 có tiếp tục “hoàng kim tái khởi”, đưa dòng game bóng đá này trở về vị thế khi xưa?
Gameplay khó hơn…
Về cơ bản, lối chơi trong PES 2018 giống như phiên bản “cải tiến” của PES 2017, khi chỉ tập trung, hoàn thiện những gì chưa tốt về mặt lối chơi, trong khi vẫn giữ nguyên những tính năng vốn đã được đánh giá cao từ trước.
Sự khác biệt dễ nhận thấy nhất về mặt lối chơi giữa PES 2018 và PES 2017 nằm ở nhịp độ trận đấu. Hãy quên đi những trận đấu có tốc độ cực nhanh, bởi nhịp độ trận đấu trong PES 2018 đã chậm đi đáng kể, thể hiện rõ ở tốc độ cầu thủ di chuyển trên sân, vốn khá tương đồng với đời thực.
Song song đó, trái bóng trong PES 2018 cũng được mô phỏng vật lý thật hơn rất nhiều. Bóng lăn chậm, lập bập và có sức nặng, góp phần khiến nhịp độ trận đấu chậm hơn. Với sự thay đổi này, có thể thấy PES 2018 khuyến khích người chơi phải tính toán hơn trong từng pha phối hợp cũng như điều tiết lối chơi một cách hợp lý, thay vì lối đá theo bản năng của nhiều game thủ.
Còn nhớ trong phiên bản 2017, những pha tạt cánh đánh đầu thường xuyên được nhiều game thủ sử dụng bởi độ hiệu quả. Tuy nhiên, sang đến bản 2018, lối đá này đã được cân bằng lại, khiến việc ăn bàn từ những pha xuống biên rồi tạt cánh trở nên khó hơn rất nhiều.
Thay vào đó, những đường chọc khe sệt (hoặc bổng) trong PES 2018 lại tương đối hiệu quả, một phần do A.I chọn vị trí và chạy chỗ khá tốt, trong khi hậu vệ do máy điều khiển thường xuyên để lộ khoảng trống.
Với đánh giá cực kỳ tích cực, liệu PES 2018 là kẻ chiến thắng trong trận chiến kinh điển giữa PES và FIFA trong thể loại game bóng đá năm nay?
Đáng chú ý, PES 2018 cũng đề cao các cầu thủ có chỉ số Top speed cao như Bale hay Aubameyang, vốn sẽ có lợi thế lớn trong những pha đua tốc độ. Một khi để tiền đạo đối phương qua người, gần như không có cơ hội để hậu vệ có thể đuổi kịp.
Bên cạnh đó, việc rê dắt và che chắn bóng trong PES 2018 cũng dễ thực hiện hơn so với bản 2017. Với một lượng lớn Animation được NSX mô phỏng và bổ sung trong PES 2018, so với PES 2017, các động tác đỡ bóng, hay tư thế chuyền bóng, sút…của cầu thủ đều chân thật & uyển chuyển hơn.
Kết hợp với nhịp độ trận đấu chậm hơn đáng kể, những pha rê dắt, sử dụng động tác giả trong phạm vi hẹp sẽ đặc biệt hiệu quả trong phiên bản 2018 này. Tương tự, những tiền đạo cắm có khả năng che chắn bóng tốt sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong những tình huống đá xoay lưng với hậu vệ đối phương.
Tuy nhiên, AI của đồng đội trong PES 2018 cũng là một điểm đáng để phàn nàn. Trong nhiều tình huống, việc chọn vị trí hay di chuyển của những cầu thủ phòng ngự do AI điều khiển khá kém, thường xuyên không theo sát tiền đạo đối phương.
Bù lại, A.I của thủ môn trong PES 2018 chí ít cũng có sự cải thiện. Bạn sẽ được chứng kiến những pha cản phá không tưởng trước những cú sút cực khó, hay việc hạn chế hẳn những pha đá bồi gây ức chế khi thủ môn phá bóng ngay vào chân tiền đạo đối phương. Tuy vậy, thủ môn trong PES 2018 vẫn tỏ ra khá yếu kém trước những cú sút sệt với lực khá nhẹ (?!).
…nhưng cũng chân thật hơn.
Nếu xét về mặt gameplay, sẽ là thiếu sót nếu không đề cập tới tính năng Real Touch+, vốn xuất hiện lần đầu ở PES 2017. Với Real Touch+, mỗi cầu thủ trên sân sẽ có cách xử lý và khống chế bóng đặc trưng của riêng mình, mang đến những tình huống “độc nhất vô nhị” trong trận đấu.
Cầu thủ trong game giờ đây có thể khống chế bóng bằng mọi bộ phận trên cơ thể như đùi, vai, bụng, ngực, hay thậm chí gót, má trong, má ngoài chân.
Cũng với Real Touch+, chỉ số cầu thủ trở nên khá quan trọng. Trong những tình huống chuyền hơi quá lực hay thiếu chính xác, cầu thủ nhận đường chuyền vẫn có thể khống chế được bóng nếu sở hữu chỉ số “ball control” (khống chế bóng) ở mức cao như Luka Modric hay Messi.
Ngược lại, nếu bạn đang điều khiển một cầu thủ có chỉ số khống chế bóng ở mức thấp, lại nhận đường chuyền ở tư thế khó, việc đỡ hụt bóng sẽ xảy ra thường xuyên hơn.
Kết hợp với việc trái bóng trở nên nặng hơn, sẽ không dễ để thực hiện các pha bật nhả, phối hợp một chạm (vốn khá dễ thực hiện trong PES 2017) ở tốc độ cao trong PES 2018 nếu bạn sở hữu một đội hình có chỉ số ở mức trung bình.
Hình đẹp, âm tàm tạm
Thử trải nghiệm PES 2018 trên PS4 Pro ở độ phân giải 4K, từ khung cảnh sân vận động, mặt sân, hiệu ứng thời tiết, mô hình các cầu thủ trên sân cho đến những chi tiết nhỏ như nếp nhăn trên áo đấu hay khuôn mặt cầu thủ, tất cả đều được mô phỏng hết sức chân thực, đủ sức khiến người chơi cảm thấy mãn nhãn khi chơi game.
Đẹp mắt là vậy, nhưng nhìn chung đồ họa của PES 2018 về tổng thể không qúa khác biệt so với PES 2017. Đây cũng là điều dễ hiểu với một tựa game bóng đá ra mắt định kỳ hàng năm, khi đồ họa phiên bản sau thường khó có được có sự lột xác toàn diện so với phiên bản tiền nhiệm.
Mặc dù vậy, game vẫn có vài sự thay đổi đáng chú ý về mặt hình ảnh. Đơn cử, tông màu chủ đạo của PES 2018 có phẩn sặc sỡ và sáng hơn so với PES 2017, vốn có tông màu trung tính và có phần khá tăm tối. Mặt sân trong PES 2018 cũng “xanh mượt” & đẹp mắt hơn rất nhiều, trái ngược hoàn toàn với kiểu mặt cỏ trông như…sân ruộng của PES 2017.
Vẫn làm rất tốt việc mô phỏng chân thực các danh thủ ngoài đời, khuôn mặt cầu thủ trong PES 2018 giờ đây có biểu lộ cảm xúc tự nhiên hơn đáng kể, thay vì vô hồn như các phiên bản trước. Tùy vào từng tình huống trên sân, mỗi cầu thủ sẽ có biểu cảm khác nhau.
Chẳng hạn, bạn có thể nhận thấy nụ cười của Suarez khi cầu thủ này ghi bàn, hay vẻ cau có của CR7 khi bị trọng tài rút thẻ đỏ. Đáng chú ý, nhờ vào hiệu ứng ánh sáng được cải thiện, da mặt cầu thủ khi chảy mồ hôi thậm chí còn phản chiếu ánh sáng trên sân, rất thật!
Tuy nhiên, PES 2018 vẫn chưa thực sự làm tốt trong việc tái hiện được bầu không khí bóng đá sôi động trên sân, mang đến cho người chơi cảm giác như đang xem bóng đá qua TV – điểm đối thủ FIFA luôn làm rất tốt trong rất nhiều phiên bản gần đây.
Chẳng hạn, mô hình khán giả của PES 2018 trông vẫn rất giả và vô hồn, với ngoại hình copy - paste giống hệt nhau không khác gì bìa các tông được dựng lên chỉ để lấp đầy SVĐ. Ngoài ra, sự thiếu vắng phần hô vang tên, hoặc hát những bài hát truyền thống từ CĐV mỗi khi CLB thi đấu trên sân nhà của mình chính là điểm mà người viết cảm thấy chưa hài lòng với âm thanh của game khi mang lại cảm giác SVĐ nào cũng na ná giống nhau.
Vẫn còn nhiều điểm trừ
Với bất kỳ tựa game bóng đá nào, chế độ chơi online là tối quan trọng. Sẽ chẳng người chơi nào chỉ muốn đá với máy, trong khi không phải lúc nào cũng có thời gian ra tiệm hay rủ bạn bè về chơi cùng. Khá đáng tiếc, chế độ chơi online lại là một điểm trừ lớn với PES 2018.
Mặc cho những lời hứa hẹn các trận đấu online sẽ ít lag hơn, kết nối ổn định hơn từ Konami, tuy nhiên, tôi vẫn gặp phải kha khá tình huống mất kết nối, lag giật khi chơi online.
Bên cạnh đó, tình trạng không mua được bản quyền tên gọi, đội hình, áo đấu luôn điểm trừ nặng nhất của PES, và PES 2018 cũng không phải ngoại lệ, mặc cho Konami đã cố gắng ký hợp đồng với một số đối tác đáng chú ý, như Barcelona, Borussia Dortmund, Liverpool FC….
Tất tần tật từ A-Z cách cài đặt bản patch cập nhật chuyển nhượng, logo, áo đấu bản quyền dành cho PES 2018 phiên bản PS4.
Với việc chưa mua được bản quyền tất cả đội bóng tại giải Premier League của Anh & La Liga của Tây Ban Nha, người chơi PES 2018 chắc chắn vẫn sẽ phải làm quen với những cái tên “lạ hoắc” như Man RED, Man Blue, London FC hay MD White với áo đấu cũng lạ không kém.
Cuối cùng, các chế độ chơi chủ đạo của game như Master League có quá ít sự đổi mới so với PES 2017 cũng là một điểm trừ đáng kể. Là một trong những chế độ chơi “gây nghiện” nhất của dòng PES, khá khó hiểu khi Konami chưa thực hiện cải tiến toàn diện với Master League.
Với việc chỉ thay đổi về giao diện, bổ sung thêm hệ thống tiền mùa giải, thêm độ khó về chuyển nhượng cùng một vài tính năng nhỏ khác, rõ ràng người chơi PES 2018 cần nhiều hơn thế. Tương tự, nếu phải so sánh với chế độ chơi theo cốt truyện The Journey đầy hấp dẫn vừa xuất hiện của FIFA, chế độ Become a Legend của PES 2018 trở nên cực kỳ lỗi thời khi gần như không có sự đổi mới trong quá nhiều phiên bản gần đây.
Tạm kết
Sẽ là không quá lời khi cho rằng, PES 2018 là tựa game bóng đá có chất lượng tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Mặc dù vẫn còn còn tồn tại điểm trừ không đáng có, nhưng chúng vẫn không thể làm lu mờ đi những điểm cộng mà game mang lại. Tựu chung lại, với đồ họa đẹp, gameplay chân thực, PES 2018 đang tỏ ra là một đối thủ đáng gờm với FIFA 18 ra mắt vào cuối tháng này. Ai sẽ là người chiến thắng, cùng chờ xem!