Giống như nhiều game Souls-like khác, cốt truyện Code Vein lấy bối cảnh thế giới hậu tận thế, một điều nữa là hầu hết những nhân vật chính trong game mặc dù có hình dạng y hệt con người, nhưng bọn họ là một dạng sống bất tử dưới cái tên Revenant. Có một điểm là dường như cốt truyện Code Vein vẫn còn rất nhiều chi tiết chưa nêu rõ, cảm giác như là để mở đường cho các DLC về sau.
Phần hay ho nhất của Code Vein vẫn là các em gái phong cách anime xinh tươi ngồn ngộn, có một câu nói chính xác nhất ở đây là "tập trung nhìn lên trên kìa".
Đầu tiên hãy nói về sự ra đời của Revenant trước, Revenant là cách gọi những người đã chết được hồi sinh lại dưới dạng hình thái sống mới. Các Revenant có nhân dạng y hệt như lúc họ còn sống, tính cách và các kiến thức đã học được… có thể coi như Revenant là một dạng “Undead” trong cốt truyện Code Vein nhưng với mức độ cao cấp hơn. Sau khi một người hóa thành Revenant, kẻ đó sẽ gần như không thể bị chết được nữa vì kể cả khi đã nhận phải các vết thương trí mạng và ngã gục, thì một Revenant sẽ hóa thành bụi rồi tự động “hồi sinh” lại y như chưa có gì xảy ra – đó là lý do tại sao khi bạn chơi game, nhân vật chính kể cả bị đánh ra bã cỡ nào thì vẫn chẳng sao cả.
Cách duy nhất để giết một Revenant là đâm vào trái tim của kẻ đó, lúc này thay vì hóa thành bụi để lắp ghép lại từ đầu, thì Revenant đó sẽ bắt đầu biến ra tro và vĩnh viễn không thể hồi sinh được. Revenant có sức mạnh, tốc độ, khả năng phản ứng và phản xạ vượt xa người thường, có thể coi họ như là một dạng siêu nhân trong cốt truyện Code Vein cũng được. Tuy vậy cái giá phải trả cũng rất lớn, đầu tiên là với mỗi lần chết đi sống lại thì kí ức của một Revenant sẽ từ từ biến mất, chết càng nhiều thì kí ức mất đi càng nhanh. Hầu hết các Revenant đều không thể nhớ được lúc mình còn là con người có cuộc sống như thế nào, thậm chí vài người còn không biết được mình đã bị mất trí nhớ.
Các Revenant không có nhu cầu ăn uống hay nghỉ ngơi như người thường, nhưng để có thể duy trì trạng thái bất tử, bọn họ cần phải uống máu của người sống theo chu kì khoảng vài tháng một lần. Nếu không được bổ sung máu đúng lúc, thì Revenant sẽ tiến vào trạng thái điên cuồng và trở nên điên loạn, cuối cùng biến thành những con quái vật gọi là The Lost.
The Lost là hậu quả khi một Revenant không được uống máu kịp thời, lúc này cơ thể của bọn họ sẽ có sự biến đổi đặc biệt với cơ thể dần phình to lên, tứ chi mọc vuốt hoặc các phần dị dạng đặc biệt. Tùy thuộc vào sức mạnh cũng như đặc trưng của từng cá thể mà bọn họ sẽ biến đổi thành các dạng Lost khác nhau, có một vài nhân vật trong cốt truyện Code Vein biến thành một Lost khổng lồ với kích thước lớn gấp nhiều lần nhân dạng cũ.
The Lost là những con quái vật khát máu và hung tợn, chúng không hề có lý trí hay cảm xúc mà chỉ biết tấn công bất cứ sinh vật sống nào gặp phải. Một điều nữa là Lost có thể coi như một dạng tiến hóa của Revenant, khi mà giờ đây chúng sẽ thực sự bất tử và gần như không thể bị giết chết vì quả tim đã không còn là nhược điểm nữa, bất kể có bị hủy diệt thế nào thì Lost vẫn sẽ sống lại chứ không thể chết đi hẳn. Trong cốt truyện Code Vein có nhiều tài liệu nói về điều này, nhưng tất nhiên chơi game thì nhà sản xuất đã phải chỉnh sửa một chút chứ không thì có vẻ hơi kì cục quá.
Khi một Revenant chết hoặc biến thành một The Lost, bọn họ sẽ để lại các cục ngọc máu dưới hình dạng viên pha lê màu đỏ. Những thứ này chứa sức mạnh cũng như kí ức của Revenant tính tới thời điểm bị giết, bất kì sinh vật nào chạm vào viên pha lên này cũng sẽ bị sức mạnh của nó xâm thực rồi biến hắn thành một The Lost, chỉ duy nhất có nhân vật chính trong cốt truyện Code Vein là miễn nhiễm với thứ này, cũng như có thể hấp thụ nó cho riêng mình.
Về nguồn gốc của Revenant thì nó đến từ một loại trùng có tên là BOR Parasites (Biological Organ Regenerative Parasite), nó giống như một loại kí sinh trùng bám vào những mô chết của sinh vật đã chết (kể cả trái tim) để hồi sinh chúng và giúp cơ thể sinh vật đó hồi sinh lại. Các nhà khoa học phát hiện ra trùng BOR một cách tình cờ, khi họ quan sát thấy nó có thể biến các con vật sống lại và biến thành dạng sống mới gần giống như Zombie.
Về sau trong quá trình nghiên cứu thì mọi người đã nhận ra trùng BOR là một dạng sống vô định hình, nó sẽ bám vào các mô, nội tạng, não và quả tim của sinh vật để từ đó điều khiển vật chủ giúp nó sống lại. Điều đáng ngạc nhiên là khác với các loại kí sinh trùng khác sẽ chiếm luôn quyền kiểm soát vật chủ, thì trùng BOR phải mất thời gian để bắt đầu xâm thực hoàn toàn cơ thể con mồi. Việc uống máu của Revenant chính là để kìm giữ quá trình này, cho nên lý giải cho việc nếu không có máu thì BOR sẽ lan ra toàn bộ cơ thể vật chủ và biến họ thành The Lost.
Bản thể chính của trùng BOR kí sinh tại trái tim vật chủ, đó là lý do tại sao một Revenant chỉ có thể bị giết khi đâm nát tim, vì tất cả những phần khác đều có thể được trùng BOR tái tạo lại như cũ. Khi một Revenant biến thành The Lost thì con trùng BOR sẽ rời bỏ trái tim để tỏa ra toàn bộ ngóc ngách cơ thể, thế nên các con Lost mới hoàn toàn bất tử nhưng đổi lại là nó không còn giữ được chút xíu lý trí nào cả, giống như loài thú vật vô hồn.
Ngoài những sức mạnh vượt xa người thường, thì các Revenant còn có những kỹ năng khác tùy thuộc nhóm máu của mình. Bọn họ sinh ra một loại "đạn" đặc biệt gọi là Ichor để có thể sử dụng và phát ra những luồng năng lượng trong người, thứ sức mạnh này gọi là Blood Code và mỗi Revenant chỉ có thể sử dụng duy nhất một Blood Code. Trường hợp ngoại lệ là nhân vật chính của cốt truyện Code Vein, khi mà không hiểu vì một lý do nào đó anh ta đã mất đi Blood Code gốc của mình và biến bản thân thành dạng hư vô, có thể sử dụng bất kỳ Blood Code nào.
Khi một người được cấy trùng BOR vào cơ thể, quá trình biến đổi thành Revenant không phải lập tức diễn ra ngay mà cần thời gian để con kí sinh này tái hồi phục lại cơ thể đó, việc này đặt vật chủ vào trạng thái hôn mê sâu và tốn thời gian dài hay ngắn tùy thể trạng từng người. Ban đầu thì trùng BOR cũng như Revenant chỉ dùng trong nghiên cứu khoa học, nhưng sau sự kiện Đại sụp đổ thì nó đã buộc phải ứng dụng trong quân sự để tạo ra những siêu chiến binh nhằm cứu lấy nhân loại.
Có một điều khá vui vẻ mà nhiều người thích ở Code Vein, đó là mọi người có vẻ thích thú đi soi các em gái trong này nhiều hơn là đánh quái luyện cấp.
Vậy tại sao chúng ta lại thấy nhiều Revenant và Lost tới vậy trong cốt truyện Code Vein? Cái này thì cần phải nói một chút về bối cảnh thế giới trong game. Vốn mọi thứ chúng không đổ nát và hoang tàn như các bạn thấy, mà con người từng có một nền văn minh lớn và hiện đại nhưng cho đến một ngày nọ đột nhiên những thân dây leo gai khổng lồ từ dưới lòng đất trồi lên gần như ở toàn bộ thành phố trên bề mặt, không những vậy từ những dây leo gai này xuất hiện những con quái vật khổng lồ gọi là Horror.
Gần như một nửa dân số thế giới đã bị tiêu diệt khi bọn Horror xuất hiện, nhân loại gọi đây là sự kiện Đại sụp đổ (The Great Collapse) và nó khởi đầu cho khung cảnh hoang tàn hậu tận thế mà chúng ta thấy trong game. Không có một thứ vũ khí gì có thể chống lại đám Horror vì chúng không những đông mà còn sở hữu sức mạnh vượt ngoài khả năng con người, trong cơn tuyệt vọng các nhà khoa học đã tìm tới BOR và biến các chiến binh của họ thành các Revenant, với hi vọng rằng khả năng bất tử của chúng sẽ có ích trên chiến trường.
Thế hệ Revenant thứ nhất này được đưa ngay ra chiến trường và bắt đầu có những tín hiệu khả quan, nhưng do thiếu thời gian nghiên cứu nên mọi người đã không lường hết các tác dụng phụ khi cấy BOR và dẫn đến một loạt Revenant do thiếu máu mà biến thành những con Lost đầu tiên. Đây là một thảm họa thực sự khi giờ đây mọi người không những phải chống lại đám Horror mà còn kiêm luôn đám Lost mới này nữa, loài người nhận ra sai lầm của mình và họ đầu thực hiện một kế hoạch mới để cải tạo trùng BOR – nó được lấy mật danh là Queen, với người đứng đầu là Gregorio Silva.
Mục đích của dự án Queen là tìm cách tăng độ thích ứng của trùng BOR với vật chủ, giảm đi thời gian bị phát điên vì thiếu máu cũng như cải thiện sức mạnh của Revenant. Để làm được điều này các nhà khoa học đã chọn ra một ứng viên đặc biệt, người sẽ được cấy trùng BOR vào người và trích xuất máu từ mọi bộ phận trong cơ thể để làm ống dẫn nghiên cứu – cô gái được chọn sau đó là Cruz, con gái của Silva.
Kế hoạch Queen sau đó thành công nhanh chóng, khi dựa vào máu của Cruz các Revenant thế hệ 2 trở nên mạnh hơn và thời gian phụ thuộc vào máu được kéo dài ra, hơn nữa nó còn tạo ra một thứ nữa là các hạt giống Mistle – một loại cây đặc biệt giúp chữa thương và giúp cho Revenant xung quanh đỡ đi cơn thèm khát máu.
Tuy vậy để đạt được thành quả này, vật thí nghiệm là Cruz phải chịu những con đau đớn khủng khiếp khi con trùng BOR trong người cô ta liên tục bị thí nghiệm để trích máu ra ngoài. Cả cơ thể lẫn lý trí của Cruz dần dần không thể kiểm soát cơn đau đơn này và cuối cùng cô ta đã phát điên, trở nên mất lý trí và bắt đầu tấn công vào tất cả mọi người xung quanh. Bản thân Cruz cũng là một Revenant cực mạnh với khả năng thao túng vật chất xung quanh mình, cơ thể Cruz tỏa ra một làn sương mù kì lạ, thứ khiến tất cả Revenant ngửi phải lập tức phát điên và hóa thành Lost – đó là lý do tại sao trong cốt truyện Code Vein chúng ta thấy các nhân vật phải đeo mặt nạ phòng độc.
Sự xuất hiện của Cruz gần như là dấu chấm hết cho sự tồn vong của con người, khi cô ta (giờ đây gọi là Queen) nguy hiểm không kém gì đám Horror. Cuối cùng chính cha của Cruz đã quyết đoán lên kế hoạch phải tiêu diệt con gái mình, ông ta phát động chiến dịch Sát Hậu (Operation Queenslayer) với mục tiêu khống chế Queen càng nhanh càng tốt. Để có nhân lực cho chiến dịch này, Silva đã tổng động viên toàn bộ thanh niên tại chỗ bất kể người đó có kinh nghiệm chiến đấu hay không, biến họ thành Revenant rồi đẩy ra chiến trường.
Khỏi phải nói cũng biết mức độ thiệt hại của chiếc dịch này lớn tới mức nào, khi mà sức mạnh của Queen gần như là vô đối. Bản thân nhân vật chính trong cốt truyện Code Vein cũng là một Revenant tham gia chiến dịch và giết được Queen, nhưng sau đó anh ta bị thương và mất trí nhớ như hiện trạng chúng ta thấy đầu game, những tưởng Queen bị tiêu diệt thì mọi chuyện sẽ ổn thỏa trở lại nhưng thực tế thì không, chúng ta sẽ nói tiếp về nó trong bài tiếp theo.
(còn tiếp…)