Được giới thiệu và gây được sự chú ý trong cộng đồng game thủ, Code Vein được đánh giá như một phiên bản anime của Dark Souls với hình ảnh cực kỳ ấn tượng, đi kèm lối chơi chặt chém nhưng có kết hợp rất nhiều yếu tố nhập vai kiểu JRPG. Tuy vậy với những game thủ nào mới chơi Code Vein, thì thứ hấp dẫn nhất chắc ở khâu thiết kết nhân vật nữ.
Với việc xác định là một tựa game Souls-like ngay từ đầu, The Surge 2 đã phải nhận rất nhiều ý kiến đánh trái chiều, mặc dù nội dung của nó không hề tệ.
Cốt truyện của Code Vein lấy đề tài hậu tận thế, nhưng thay vì là dạng đại họa kiểu vũ khí hạt nhân hay dịch Zombie thì thế giới trong game có tồn tại một loại sinh vật gọi là Revenant – chúng là những con người được hồi sinh dậy dưới dạng sống bất tử, nhưng cái giá đổi lại là luôn luôn thèm khát máu. Nếu một Revenant không có máu để sử dụng thì sẽ biến thành quái vật gọi là Lost, mất đi lý trí và mãi mãi đi lang thang trên mặt đất như những con thú vô hồn.
Nhân vật chính trong Code Vein cũng là một Revenant như vậy, do hậu quả của việc hồi sinh nên hầu hết các Revenant không thể giữ lại kí ức khi còn sống. Nhân vật chính cũng tương tự như vậy khi tỉnh lại mà không nhớ bất kì thứ gì trong kí ức, anh ta gặp một cô gái tóc trắng bí ẩn, người có vẻ như đang nắm giữ các thông tin quan trọng về cuộc đời của các Revenant. Hành trình trong Code Vein xoay quanh việc tìm hiểu và ngăn chặn những con Lost trên mặt đất, cũng như bí mật ẩn sau việc tại sao Revenant lại được tạo ra.
Vẫn trung thành với phong cách của Souls-Like quen thuộc, tuy vậy Code Vein lại bổ sung rất nhiều yếu tố nhập vai như việc phân chia class, các kỹ năng riêng biệt và hệ thống xây dựng nhân vật theo phong cách nhập vai JRPG. Không như các game Souls-Like thường chỉ tập trung vào kỹ năng người chơi là chính còn đồ đạc thì đi theo kiểu phụ trợ, Code Vein có tới một kho vũ khí cùng kỹ năng đi kèm khổng lồ, hơn nữa chúng còn được chia theo từng phân dạng đặc trưng như đỡ đòn, sát thủ hay xạ thủ vô cùng rõ ràng.
Cụ thể game chia class ra thành một thứ gọi là là Blood Code và các kỹ năng đi kèm nó là Gift, mọi hoạt động của nhân vật sẽ đi theo vũ khí từ sát thương, phòng thủ, tốc độ và các combo thường dùng, mỗi dòng vũ khí như vậy lại chia ra làm nhiều class khác nhau và cho phép bạn thay đổi bất cứ lúc nào. Sự đa dạng còn đến từ các Gift, thường thì mỗi Blood Code sẽ sở hữu một số lượng Gift cố định mà bạn có thể học được, thường thì các Gift sẽ cố định theo Blood Code nhưng bằng việc kết hợp các trang bị với nhau, bạn có thể dùng được những thứ mà bình thường không thể.
Điều này làm cho việc xây dựng nhân vật trong Code Vein cực kỳ đa dạng, vì như đã nói Blood Code có thể thay đổi ngay lập tức do đó bạn có thể chuyển đổi phong cách ngay tức thì. Game chia thành 3 dạng chiến đấu chủ yếu là đánh gần, bắn tầm xa hoặc dùng phép, mỗi loại vũ khí lại có tốc độ cùng tầm tấn công khác nhau, thành ra mức độ đa dạng trong việc xây dựng nhân vật của Code Vein là cực kỳ khổng lồ.
Để có thể sử dụng kỹ năng (Gift) thì chúng ta cần một loại tài nguyên là Ichor – bạn có thể hiểu đơn giản nó là mana hay năng lượng cũng được. Ichor có được bằng cách tấn công kẻ địch, né hoặc đỡ đòn… nhưng cách để tăng nó nhanh nhất là sử dụng Drain Attack, đây là một loại tấn công đặc biệt khi nó sẽ hút lấy Ichor từ những kẻ địch bị trúng đòn. Ichor là tài nguyên quan trọng nhất Code Vein vì không có nó chúng ta sẽ không thể sử dụng kỹ năng được, hơn nữa có rất nhiều kiểu chơi phụ thuộc hoàn toàn vào thứ này.
Bạn thậm chí còn có thể kết hợp Drain Attack vào những chuỗi combo thường để khiến việc này trở nên mượt mà hơn, ngoài ra một cách khác mạo hiểm hơn là sử dụng phản đòn ngay trước khi đối thủ tấn công, nếu suôn sẻ thì ngoài một đống Ichor thu được thì chúng ta còn gây cả tấn sát thương. Tỉ lệ tăng Drain Attack hay Ichor phụ thuộc vào Blood Code mà người chơi đang đeo, bởi vậy nên việc phân hóa lối chơi trong Code Vein cực kỳ rõ nét.
Mặc dù là một game dạng Souls-Like, nhưng sát thương của kẻ địch trong Code Vein không phải bá đạo ở mức một tát chết luôn như chúng ta thường thấy, tất nhiên trường hợp “xoạc nhẹ” đi nửa cây máu thì cũng chẳng phải là hiếm, nhưng tính kiểu gì thì nó cũng dễ thở hơn rất nhiều rồi. Hơn nữa game còn cho phép bạn có thêm một đồng đội đi kèm thường trực, đây là sự trợ giúp rất lớn khi chúng ta vừa có một cái khiên thịt và thứ để thu hút sự chú ý của quái vật, chưa kể sát thương của nhân vật này cũng rất cao nữa.
Code Vein cũng rất cố gắng để tinh gọn bớt số lượng thông tin xây dựng nhân vật, theo đó khi lên cấp bạn sẽ không phải chọn mình sẽ tăng vào điểm chỉ số nào mà game sẽ tự động xử lý luôn, người chơi chỉ cần tập trung vào việc lựa chọn Blood Code là xong. Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là Code Vein đơn giản, vì với hàng chục Blood Code trải dài theo đủ thể loại, việc bạn xây dựng một phong cách chiến đấu ưng ý cũng đủ mệt chết.
Nhưng điều làm Code Vein hấp dẫn trong mắt game thủ đó là việc tạo hình của nó, tuy vẫn theo phong cách anime quen thuộc nhưng các nhân vật (đặc biệt là nữ) đều trông cực kỳ gợi cảm. Chỉ riêng việc lúc đầu ngồi chỉnh sửa mặt cho nhân vật chính đã ngốn cả đống thời gian rồi, chứ chưa nói tới rất nhiều NPC khác với điện nước đầy đủ mà bạn gặp trong suốt quá trình chơi. Với các anh tài chơi Code Vein trên PC, thì nhiều người bắt đầu tính tới chuyện kiếm mod thay đổi camera – tất nhiên với mục đích cao cả là soi đùi và soi ti tỉ thứ khác trên người NPC rồi (giống 2B vậy).
Code Vein thực sự là một game rất hay và có tiềm năng, với khối lượng nội dung đồ sộ đi kèm phần hình ảnh rất bắt mắt. Mọt Game sẽ tiếp tục có các bài viết đánh giá và hướng dẫn tựa game này trong thời gian tới, các bạn hãy chú ý đón xem nhé.