Quay trở lại cánh cửa bị khóa, Elizabeth dùng kềm cắt xích cắt bỏ dây xích rồi dùng chìa khóa mở ổ khóa. Phía sau cánh cửa là một lối nhỏ dẫn vào hệ thống thông gió xây bằng gạch. Khi cô đến gần miệng lổ thông gió thì bên trong phát ra tiếng khóc. Một phụ nữ người đầy máu và thương tích vừa khóc vừa bò qua trước mặt cô rồi biến mất. Liệu đây có phải là hình ảnh của chính cô trong những ngày tồi tệ nhất?
Men theo lối thông hơi, Elizabeth đến một khu vực khác với hàng loạt phòng ngủ và một bóng ma phụ nữ trọc đầu mặc váy trắng đang quan sát cô. Những ghi chép để lại trong các phòng cho thấy cô rơi vào khủng hoảng nặng, mất tất cả nhưng vô tình gặp được một người đàn ông. Người này khiến cô có cảm giác bị chinh phục.
Cô mê mẩn hắn ta và hắn cho cô ma túy khuyên cô mỗi khi thấy buồn cứ chích vào sẽ cảm thấy tốt hơn. Cô rơi vào cơn nghiện, người gầy đi, tóc rụng dần và cơn đói thuốc cứ thôi thúc cô mong chờ gặp lại người đàn ông kia. Bóng ma phụ nữ kia tiếp tục đuổi theo và dí cô chạy vào một khu vực rộng lớn bị bao trùm bởi một màn đen đầy chết chóc. Cô phải chạy lên những nơi cao để tránh ở trong màn đen này quá lâu. Bóng ma phụ nữ kia cũng lùng sục cô trong màn đen này.
Sau nhiều nỗ lực cô cũng đẩy được chiếc bệ nâng đến đúng vị trí mở đường cho mình chạy thoát khỏi căn phòng độc hại kia. Tuy nhiên bóng ma nữ kia cũng đã đuổi kịp và cuộc rượt đuổi kéo dài qua các đoạn hành lang tăm tối. Cô chạy đến gần kiệt sức, mắt mờ dần đi thì đúng lúc đến được cửa ra ngoài, cô gái nhanh chóng lao vào cửa để thoát khỏi cơn ác mộng này.
Elizabeth lấy lại bình tĩnh và nhận ra mình đang ở một vùng đất rộng lớn trống trải. Ở bức tượng gần đó có một chiếc vali và bên trong là một phần của khẩu súng lục. Cô tiếp tục lang thang trong vùng đất mênh mông vô tận, chỉ biết lần theo những ánh đèn le lói như niềm tin còn sót lại của mình vào cuộc sống này. Dường như có ai đó cũng đang đuổi theo cô ở phía sau. Cô lần lượt nhặt đủ các phần để ráp thành khẩu súng và một số đạn cho nó được giấu trong một nhà kho.
Giờ đây cô đã đủ sức đối mặt với bóng đen đang săn đuổi mình. Cô nạp đạn vào súng và xả hết lên bóng đen mỗi khi hắn xuất hiện như trút hết những đè nén mà mình phải chịu từ xưa đến nay. Sau vài lần xông ra tấn công, bóng đen bị bắn chết và bốc cháy như quỷ dữ bị trả về địa ngục lửa của nó. Mọi chuyện đã xong, Elizabeth đi men theo các ngọn đèn và sau một hành trình dài chúng dẫn cô đến một cánh cửa.
Phía sau cánh cửa là một thảo nguyên xanh mướt và đứa bé được đặt trong một chiếc giỏ để trên một gốc cây cổ thụ bị đổ. Đứa bé vẫn vô tư ngủ say không hề biết về những gì mà mẹ nó vừa phải trải qua để tìm lại được nó.
Cuộc đời của Elizabeth và thông diệp bảo vệ phụ nữ trước bạo lực gia đình
Blame Him là một sản phẩm của Chilla’s Art, một studio chuyên làm game kinh dị. Tuy nhiên nó không được đánh giá cao một phần là do có nhiều lỗi kỹ thuật nhưng phần khác là do cốt truyện của nó mang quá nhiều tính ẩn dụ với định hướng nói về bạo lực gia đình. Nó sẽ khá là nhạt đối với các fan thích một game kinh dị chất lượng với cốt truyện trực tiếp và các màn hù dọa thót tim. Tuy nhiên Blame Him cũng mang một ý nghĩa rất tốt đẹp là biến những thông tin tuyên truyền về bạo lực gia đình thành một game kinh dị qua các chi tiết ẩn dụ cài trong hành trình của Elizabeth.
Câu chuyện của Elizabeth sau khi thu thập các tờ giấy ghi chú và các chi tiết trong hành trình có thể kể lại như sau:
Elizabeth sinh ra trong một gia đình 6 chị em, cô có đam mê từ nhỏ về hội họa và vẽ trang rất đẹp. Ông nội cô ủng hộ đam mê của cháu gái và hay mua cho cô dụng cụ vẽ. Tuy nhiên sau khi ông nội qua đời, cha cô có lẽ là do sức ép của việc làm lụng nuôi 6 đứa con nên bắt đầu thay đổi. Ông bắt đầu cục cằn và ghét cái trò vẽ vời của cô. Bố mẹ cô bắt đầu cãi nhau ngày càng nhiều đôi khi vì những chuyện không đâu. Cô lúc này chỉ còn dựa vào các chị em gái để khích lệ tinh thần nhau.
Khi lên cấp 3, cô gặp một gã có tính tình khá giống cha cô, người cha phiên bản quá khứ mà cô từng yêu mến. Hắn đến an ủi mỗi khi cô buồn và đưa cô thuốc ngủ mỗi khi cô mất ngủ vì stress chuyện nhà. Cô yêu hắn và vô tình lặp lại chính bi kịch của mẹ mình như cách cô sắp xếp 2 căn phòng cho giống hệt nhau. Cô lấy phải một gã chồng vũ phu liên tục đánh đập cô, chịu không nổi nên cô đệ đơn ly dị nhưng lại mất quyền nuôi con.
Trong lúc tưởng như mất tất cả, cô bị dụ dỗ vào con đường ma túy và trượt dài xuống vực thẳm. Người phụ nữ trọc đầu mặc váy trắng kia có lẽ là hình ảnh quá khứ nghiện ngập của cô. Khi nhìn thấy thân thể tàn tạ của mình, cô đã thức tỉnh và quyết định chiến đấu lần đầu tiên trong đời của mình. Cô chiến đấu để giành lại đứa con. Cô góp nhặt vũ khí để đánh bại người chồng trong cuộc chiến pháp lý và cũng là hình bóng của những người đàn ông đã bạo hành cô trong cuộc đời.
Cuối cùng cô đã chiến thắng và giành lại được đứa con của mình. Cô phải dọn vào một căn nhà thuê chật hẹp gần như không có gì cả, cô phải tháo viên kim cương trên nhẫn bán đi để có tiền trang trải. Nhưng giờ đây cô có một cuộc sống tạm ổn, làm mẹ đơn thân và sẵn sàng làm mọi thứ vì đứa con của mình.
Những chi tiết ẩn dụ về bạo hành gia đình
Blame Him đã cài vào cuộc đời của Elizabeth gần như đầy đủ những yếu tố nguy cơ về bạo hành gia đình của người phụ nữ.
Nhà đông con: Chi tiết nhà có 6 chị em là một dấu hiệu. Điều thường thấy của những cuộc bạo hành là do stress từ bậc cha mẹ. Những nhà sinh đông con nhưng hoàn cảnh kinh tế không đảm bảo sẽ đè nặng lên bậc phụ huynh. Gánh nặng kiếm tiền nuôi gia đình dễ khiến người làm trụ cột, thường là đàn ông sẽ rơi vào stress và từ đó sử dụng vị thế trụ cột của mình để trút giận lên những người phụ thuộc như vợ con. Elizabeth viết rằng trước đây cô rất yêu quý cha mình nhưng sau này thì không. Điều đó cho thấy cha cô trước đây vốn không phải là người xấu nhưng có thể do gánh nặng kinh tế khiến ông bị stress đè bẹp và thay đổi tâm tính.
Sự dửng dưng của mẹ: Rất nhiều trường hợp bạo hành gia đình xảy ra với đứa con sẽ được ngăn chặn nếu người mẹ đủ dũng cảm để can thiệp. Rất nhiều vụ ngay cả ở Việt Nam, con bị bạo hành có khi mất mạng nhưng người mẹ không dám can thiệp để cứu con. Thậm chí có người còn hợp sức với kẻ gây ra bạo lực gia đình để góp một tay hành hạ con mình.
Lịch sử lặp lại: Chi tiết câu đố 2 căn phòng giống nhau có vẻ như một sự thừa thãi trong hành trình của Elizabeth vì nó nằm ở một khu vực nhỏ và biệt lập với các khu vực khác. Tuy nhiên nó nằm ở đó là vì tầm quan trọng về ý nghĩa đủ để nó trở thành một khu vực có sức ảnh hưởng ngang tầm với các nơi rộng lớn khác. Sự lặp lại thảm kịch là một chi tiết khiến bạo lực gia đình rất khó ngăn chặn. Những đứa con khi sống trong hoàn cảnh bạo lực gia đình quá lâu mang những tổn thương tinh thần lại có nguy cơ lặp lại sai lầm đó. Họ sẽ vì lý do nào đó chọn lấy một người giống như người từng bạo hành mình hoặc vì đang tổn thương mà lấy bừa bất cứ người nào dang tay ra đón mình. Sự lựa chọn thiếu tỉnh táo và thiếu cân nhắc thường sẽ dẫn trở về một bi kịch mới lặp lại bi kịch cũ.
Cuộc chiến sau ly hôn: Lẽ thường mọi người sẽ cho rằng bạo lực gia đình sẽ chấm dứt sau một quyết định dũng cảm là ly hôn và rời bỏ mối quan hệ độc hại này. Tuy nhiên, đó thường là ảo tưởng vì sự việc vẫn tiếp tục phức tạp sau khi quan hệ gia đình chấm dứt. Hình ảnh gã cầm dao là một ẩn dụ về những gã đàn ông có xu hướng bạo lực sẽ quay lại trả thù người vợ sau khi ly hôn. Hoặc nếu đã lỡ có con thì việc ly hôn sẽ kéo theo giành quyền nuôi con. Đó lại là một cuộc chiến mới đòi hỏi người phụ nữ phải có nhiều quyết tâm và dũng cảm không kém quyết định ly hôn.
Hiểm họa rình rập: Chi tiết liên quan đến ma túy và người đàn ông đi kèm đã nêu lên một mối nguy khác. Đó là người phụ nữ sau khi thoát khỏi được kẻ bạo hành thường rơi vào cảm giác chông chênh cả về tình cảm lẫn kinh tế và đời sống. Đó chính là điểm yếu để các tệ nạn quấn lấy nạn nhân. Chi tiết đôi giày đỏ để ở chân giường trong căn phòng có các ghi chú về ma túy đã gợi ý rằng có thể Elizabeth đã đổi thân xác mình với gã đàn ông để lấy ma túy hoặc tiền mua ma túy.
Thường thì những game mang ý nghĩa tuyên truyền như thế này sẽ không nhận được nhiều lời khen vì nó quá khó hiểu và cũng làm cốt truyện loãng đi, bớt sự hấp dẫn cũng như chất kinh dị mà lẽ ra tác giả phải chú tâm vào. Tuy nhiên về mặt nhân văn và đóng góp một tiếng nói tích cực cho xã hội chống lại nạn bạo hành gia đình thì Blame Him là một sản phẩm có cốt truyện khá tốt.
Sau khi biết rõ câu chuyện rồi, bạn có thấy thương cảm cho Elizabeth không?