Cuộc sống này có rất nhiều điều lạ lùng và một trong số đó tôi muốn chia sẻ với bạn đọc hôm nay chính là: Có một kiểu người đam mê bất tận với việc “xem game”. Những người này họ cực kỳ yêu thích các trò chơi nhưng lại không hề tận tay trải nghiệm, thay vào đó họ lại ngồi xem người khác chơi thông qua các kênh Stream hay Youtube. Họ chăm chú theo dõi hàng chục tiếng cho tới cả trăm tiếng đồng hồ tựa game mình yêu thích.
Tôi nghĩ kiểu người như vậy không phải là hiếm, nhất là với độ tuổi bắt đầu phải lo quá nhiều thứ trong một ngày bao gồm gia đình, công việc, tiền bạc, các mối quan hệ xã hội,... Quỹ thời gian mỗi con người chỉ có 24 tiếng, chúng ta đã mất trung bình 8 tiếng để ngủ nên chỉ còn lại 16 tiếng cho toàn bộ các hoạt động. Có những người sau một ngày dài quay chóng mặt với công việc, khi về nhà họ chỉ muốn nằm dài trên ghế sofa để xem một thứ gì đó cho nhẹ đầu rồi đi ngủ.
Tôi tin khi mình nhắc tới việc xem game, nhiều người sẽ nghĩ tới ngay bộ phận game thủ coi các video Walkthrough hay Let’s Play, sau đó “gáy” trên các diễn đàn tỏ vẻ mình tự tay trải nghiệm, đi cà khịa hết người này người nọ. Xin thưa rằng không, đừng đánh đồng bộ phận người “xem game” này với bộ phận trẻ trâu. Họ là những người đam mê trò chơi điện tử thực sự nhưng lại chẳng có thời gian chơi, nhưng vẫn muốn theo dõi xem thế giới game đang phát triển ra sao.
Kiểu người “xem game” này trầm tính và có ý thức hơn nhiều so với bộ phận trẻ trâu kia. Họ theo dõi toàn bộ bài báo, tìm hiểu những gì chi tiết nhất về các trò chơi đó, xem mọi đoạn trailer cũng như đọc rất nhiều bài phân tích trước khi trò chơi chính thức ra mắt. Suy cho cùng, việc đọc báo tôi nghĩ ai cũng có thể làm hàng ngày. Những con người này họ không có hứng lên tranh luận với cộng đồng, mà chỉ đọc để biết rồi sau đó khi Youtube có video gameplay thì bật lên xem cho đỡ nghiền rồi thôi. Mỗi ngày họ dành ra một ít thời gian trước khi đi ngủ, coi như thỏa mãn cái niềm đam mê từ hồi bé của mình, thế là xong một ngày.
Thực tế, bản thân tôi cũng đã từng phải xem game như vậy. Dù rất muốn tận tay chơi game nhưng có những thời điểm tôi phải lo tiền ăn hàng ngày trước đã. Lẽ dĩ nhiên tôi hoàn toàn có thể bỏ ra vài chục ngàn để ra quán net hay quán playstation, nhưng bạn nghĩ ở đất Hà Nội này, liệu có bao nhiêu địa điểm update đầy đủ và toàn bộ những game đã, đang và chuẩn bị ra mắt? Game online thì còn có khả năng chứ game offline hầu như các tiệm net chẳng bao giờ động tới.
Một vài người có thói quen “xem game” từ bé, lâu dần trở thành đam mê chứ không hẳn là không có thời gian. Hồi còn nhỏ, không phải ai cũng có điều kiện được bố mẹ sắm cho một bộ máy tính, và không phải ai cũng may mắn được bố mẹ đồng ý cho game trở thành một phần của cuộc sống. Nhiều lúc nhìn lũ bạn chơi trong quán net mà ham quá, nhưng cũng có những bạn trẻ bị bố mẹ quản lý chặt chi tiêu, chẳng dư ra đồng nào ngồi máy cả, nên hàng ngày chỉ dám lân la quán net để xem người khác chơi.
Có những người lại mắc chứng đau đầu, chóng mặt khi chơi game. Họ là những người chỉ cần chơi game có nhịp độ cao trong vài phút là đầu óc đã quay cuồng rồi. Cuối cùng đam mê thì không bỏ được, họ đành chọn xem stream hoặc các video người khác chơi. Với khoảng cách màn hình xa hơn, đầu óc họ không bị quá khó chịu và có thể thưởng thức các đoạn gameplay trong một thời gian dài.
Rồi có những người tuy thích game nhưng lại sợ chơi game. Từ tính cách của họ, sâu trong con người của họ có phần yếu đuối. Họ sợ những thử thách mà mỗi trò chơi đem lại. Họ sợ phải thất bại liên tục. Hoặc có thể…họ sợ hết tiền.
Có rất nhiều lý do cho việc nhiều người chỉ thích “xem game”. Chúng ta cũng không thể đánh đồng tất cả những người Youtube gamer với nhau. Có thể bạn bực dọc vì gặp phải trẻ trâu xem Youtube trên các diễn đàn game. Nhưng bên cạnh đó cũng có những người thực sự đam mê các trò chơi, nhưng do nhiều nguyên nhân khiến họ không tận tay trải nghiệm được. Youtube và các loại hình Stream ra đời nhằm phục vụ những con người như vậy. Ngoài việc được xem các trò chơi mình thích, sự duyên dáng trong cách ăn nói của Streamer hay Youtuber khiến người xem thấy cách trải nghiệm game này tuyệt vời, thoải mái hơn.
Quan trọng là họ xem bởi họ muốn được biết về game, muốn thưởng thức đam mê của mình và không “gáy” trên mạng xã hội. Những con người này cũng có thể tham gia các diễn đàn để cập nhật thêm thông tin về các game, xem các game thủ bàn luận với nhau về các plot twist hay các câu chuyện về ngành game bên lề.
Chẳng có gì tuyệt vời hơn là sau một ngày dài bị lăn lộn ngoài xã hội, chúng ta về lại ngôi nhà nhỏ, căn phòng nhỏ và thưởng thức niềm đam mê của mình. Có những người mở máy tính lên chiến game, nhưng cũng có những người lựa chọn việc xem game. Họ thấy vui và tận hưởng niềm vui đó là được rồi. Trên thực tế, tôi tin rằng rất nhiều game thủ cũng đã từng trải qua giai đoạn này, ngay cả tôi cũng vậy. Chúng ta gọi đó là sự trưởng thành.
Nhưng tôi tự hỏi…những người đó liệu có được gọi là gamer không nhỉ?
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]