Là bom tấn rất được chờ đợi và cũng là tựa game có khả năng… bị soi mói nhiều nhất từ lúc còn chưa phát hành, Assassin's Creed Valhalla cuối cùng cũng ra mắt chính thức với cộng đồng game thủ. Mặc dù luôn bị chê là đẻ game theo kiểu công nghiệp hóa (sòn sòn mỗi năm 1 cái game lớn), nhưng không thể phủ nhận sức hút của Ubisoft và dòng Assassin's Creed vẫn là rất đáng kể.
Mọt Game cũng rất tò mò trải nghiệm thử Assassin's Creed Valhalla xem có khác 2 bản trước hay không, sau khoảng vài giờ chiến đấu thì cảm thấy mọi thứ trong cái game này khá là rắc rối, kiểu như Ubisoft đang tìm hướng đi mới nhưng chưa chọn được phương án nào hợp lý vậy.
Cốt truyện của Assassin's Creed Valhalla nói đơn giản là thì nó cũng là một cuộc báo thù, nhân vật chính Eivor – một chiến binh Viking mồ côi đã mất đi gia đình trong một cuộc đột kích bất ngờ của đối thủ, một cuộc tấn công được cho là không có danh dự khi nó phản bội lại lời hứa liên minh lúc đầu. Eivor sống sót và cùng những người còn lại lập ra một thị tộc mới, tìm kiếm đồng minh và trả thù kẻ đã giết cha mình. Do chỉ mới đầu game nên tôi chưa rõ lắm tuyến thời gian của Assassin's Creed Valhalla, nhưng nó dính dáng rất nhiều tới các yếu tố thần thánh, khi Eivor được các vị thần trợ giúp.
Bạn sẽ thắc mắc một chiến binh Viking như Eivor sẽ làm sát thủ kiểu gì, à thì Assassin's Creed Valhalla giải quyết việc này rất nhanh gọn khi nó cho anh ta (hoặc cô ta) “vô tình” gặp 2 thành viên của hội sát thủ, được họ tặng cho thanh Hidden Blade huyền thoại và ngạc nhiên chưa giờ bạn có thể đi đâm lén người khác được rồi đó. Sau này Eivor sẽ rời khỏi vùng phía Bắc lạnh giá, chu du ra ngoài Châu Âu để mở rộng thế lực và kết nạp thêm đồng minh, tức là Assassin's Creed Valhalla mang tính vĩ mô hơn kiểu vua hoặc lãnh chúa mở rộng lãnh thổ, chứ không phải đơn thuần là một tên sát thủ hay lính đánh thuê đi làm nhiệm vụ.
Điều này thể hiện rõ ở cách mà Eivor tương tác với những nhiệm vụ mà anh ta gặp trên đường đi, nó chia thành từng vùng lãnh thổ của đồng minh hoặc thù địch, cũng như số lượng nhiệm vụ và NPC mà người chơi có thể thực hiện. Một vị lãnh chúa chắc chắn phải có lính lác đi kèm, thế nên mỗi dong thuyền đi vòng vòng và thấy một cái đảo nào đó có vẻ ngon ngon để “thịt”, thì Eivor có thể ra lệnh cho lính của mình ghé vào rồi hú tù và cho đám đệ của mình lao xuống làm gỏi bọn kẻ địch bên dưới. Đây đúng nghĩa là trò “anh em mình đánh hội đồng chết cụ chúng nó”, một trong những thứ thường thấy trong các game quản lý hay chiến thuật thời gian thực.
Tất nhiên hầu hết thời gian Eivor vẫn sẽ là người đi solo, nhưng vì đặc tính của game thay đổi nên cách tính kinh nghiệm cũng thay đổi, bạn sẽ chủ yếu lên cấp bằng cách làm nhiệm vụ chứ không phải đánh lính bèo nhèo ven đường (ai chơi 2 bản trước chắc cũng quen rồi) và điểm này lên RẤT nhiều đấy. Mỗi một nhiệm vụ chính tuyến sẽ cho chúng ta bèo là 2 cấp hoặc có thể nhiều hơn, tương tự với các nhiệm vụ phụ, bạn sẽ hỏi điểm quái gì mà nhiều vậy thì câu trả lời là hệ thống nâng cấp của Assassin's Creed Valhalla.
Assassin's Creed Valhalla chuyển bảng skill thành dạng lưới y chang như Final Fantasy X, với các “note” để tăng sức mạnh và học kỹ năng ứng với 3 nhánh là cận chiến, bắn xa và sát thủ. Mỗi một note như vậy sẽ tăng chỉ số tương ứng với nhánh (cận chiến là sát thương mele, sát thủ là sát thương đâm lén…), mỗi một khối sẽ có khoảng 7 tới 8 note và một ô chính để tăng kỹ năng, khi nâng đủ nó sẽ mở ra nhánh mới, như vậy bạn có thể tự tính được là số lượng nhiều đến thế nào.
Tôi thực sự không đánh giá cao trò này, vì nó cực kì phiền phức và chỉ tổ mất thời gian nâng kĩ năng, khi phải đến 80% các note là những chỉ số cơ bản, bạn có thể tưởng tượng về sau phải tới cả trăm note như vậy nó sẽ như thế nào. Assassin's Creed Valhalla cũng cho phép reset kỹ năng, giờ thì hãy nghĩ tới việc lên cấp cao xong thích build nhân vật sang đường khác phải nâng lại từ đầu… ờ chúc may mắn với việc đó đi.
Giờ thì tới phần mà mọi người quân tâm nhất đó là chiến đấu của Assassin's Creed Valhalla, nói thực thì Ubisoft đã rất cố gắng để biến cái game này khác biệt, nhưng từ lý thuyết tới thực tiễn là một quãng đường khá dài. Thay đổi lớn nhất của Assassin's Creed Valhalla theo tôi là việc có thêm thanh thể lực (thứ hầu như không tồn tại ở seri này), thanh thể lực ảnh hưởng tới 2 thứ là các đòn đánh và số lần lăn lộn né đòn của Eivor, cũng như nhịp độ của game.
Assassin's Creed Valhalla vẫn có 2 loại đòn đánh nặng và nhẹ, một cái thì dùng để phá khiên cái còn lại để gây sát thương như các phiên bản trước. Đánh nặng dĩ nhiên tốn nhiều thể lực hơn, nhưng đánh nhẹ mới là cái đáng nói này – vì bạn sẽ được hồi thể lực nếu sử dụng các đòn tấn công nhẹ trúng đích (đánh hụt không hồi nhé). Điều này đồng nghĩa là người chơi vẫn sẽ có thể tấn công vĩnh viễn nếu chỉ toàn nhấn nút đánh nhẹ, nhưng Assassin's Creed Valhalla hạn chế điều này bằng một thứ mới đó là thanh trạng thái làm choáng.
Mỗi khi bạn dùng đòn đánh nặng vào một mục tiêu, tùy theo sát thương mà hắn sẽ bị giảm thanh trạng thái (nằm trên thanh máu), khi cái thanh này về không thì mục tiêu sẽ bị choáng rất lâu đủ để Eivor kết liễu. Nói tới đây thì các bạn cũng hiểu rồi chứ nhỉ, chúng ta sẽ không thể spawn các đòn đánh nhẹ liên tục nữa mà phải kéo cái thanh này xuống bằng đánh nặng, đặc biệt là khi gặp mấy tên cầm khiên hay to con.
Hệ thống kĩ năng tấn công của Assassin's Creed Valhalla cũng giống như 2 phiên bản trước, 4 kỹ năng bên tay trái và 4 kỹ năng bên tay phải, số lượng vẫn rất nhiều với cảm giác là có nhiều đường build hơn trước. Sát thương của 3 nhánh tính riêng biệt, nên bạn có thể tự trải nghiệm cách chơi cho riêng mình.
Nhưng một điểm quan trọng khác nữa là nhịp độ của Assassin's Creed Valhalla rất khác, tôi cảm giác là nó chậm hơn ở nhiều điểm. Việc xuất hiện thanh thể lực khiến cho bạn không thể lộn vòng liên tục như cũ, cũng như không còn trò spawn nút như điên kiểu rambo, có lẽ sau mấy tiết mục chửi rủa 2 phiên bản Assassin's Creed toàn làm siêu nhân thì giờ cũng phải bớt bớt lại. Steath kill phiền phức hơn vì kẻ thù thông minh hơn, một phần khác là giờ đây bạn sẽ gặp vài kẻ địch mặc giáp giày như xi-măng, không thể một one shot một phát được mà phải phối hợp nhiều tiết mục khác.
Eivor có thể sử dụng 2 tay 2 vũ khí, nhưng đừng nghĩ là cầm như vậy thì sẽ chém mạnh hơn hay đánh nhanh hơn, mà nó thiên về việc đổi phong cách của người chơi. Thí dụ như cầm khiên thì bạn có thể vừa đỡ vừa đánh, còn 2 tay 2 vũ khí là cứ thế mà múa liên tục thôi hoặc counter phản đòn đối thủ. Tôi có cảm giác Assassin's Creed Valhalla hơi giống Sekiro, từ cách bố trí thanh thể lực tới tầm quan trọng của việc phản đòn, cũng như kẻ địch có 2 loại tấn công và khi nhá ánh sáng đỏ lên là không thễ đỡ được (lại càng giống Sekiro).
Kẻ địch đánh mạnh hơn kể cả ở các cấp đầu, máu thì hạn chế và không phải kiểu hồi ầm ầm mà phải đi nhặt cây thuốc, các yếu tố ảnh hưởng từ môi trường khá thú vị khi ở cấp khó nhất tôi chơi thì bị lửa đốt chết còn nhanh hơn bị trùm vả vào mặt. Yếu tố tương tác môi tường của Assassin's Creed Valhalla theo tôi đánh giá là kém, đôi khi bạn sẽ thấy một ít tàn tro dưới đất có thể đốt mình cháy thành than, hay các đòn đánh của nhân vật rất yếu và không có lực, cảm giác không hề đã tay chút nào.
Đồ họa của Assassin's Creed Valhalla nói thẳng là y chang Origins và Odyssey, cách thiết kế môi trường và NPC cũng cũng một khuôn ra, bất chấp việc game có thêm vài tiết mục bonus kiểu xăm mình, cắt tóc, thi uống rượu và vài trò chơi dân gian Viking… thì thế giới trong Assassin's Creed Valhalla cơ bản là chẳng có gì nổi bật, cái này thì ai cũng có thể đoán được rồi – đặc sản của Ubisoft mà.
Nhìn chung mặc dù chưa thể gọi là đổi mới toàn diện, nhưng ít nhất Assassin's Creed Valhalla cũng có một số thay đổi đáng kể trong cách chiến đấu, điều này có lẽ sẽ giúp nó đỡ bị phàn nàn hơn trong tương lai, cũng như hi vọng là các phiên bản sau sẽ có biến đổi thực sự. Mọt Game sẽ tiếp tục có những bài đánh giá và hướng dẫn Assassin's Creed Valhalla trong thời gian tới, các bạn hãy chú ý đón xem nhé!