Trong khi đông đảo game thủ thế giới đang vò đầu bứt tai với Sekiro: Shadow Die Twice và độ khó “đụng nóc” của nó, số khác lại lựa chọn cách dùng trainer để vượt qua những thử thách khó khăn nhất của trò chơi. Điều này dẫn đến sự tranh cãi giữa đôi bên trên MXH và trên các diễn đàn từ GameVN đến Reddit, xoay quanh một vấn đề: khi một tựa game offline được cố ý tạo ra ở độ khó cao, việc gian lận để hoàn thành trò chơi là tốt hay xấu, và tại sao.
Tại sao game thủ thích những tựa game khó? Theo Mọt, đơn giản là vì game thủ đã ngán game dễ. Nhưng tại sao họ lại ngán game dễ? Đó là bởi vì trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp game phát triển quá nhanh, ngày càng nhiều người làm game và chi phí làm game ngày một tăng cao. Để một trò chơi thành công, nhà phát triển phải nhắm đến số đông, và chọn giải pháp an toàn là “níu chân” game thủ ngay lập tức trong những phút đầu tiên. Họ làm ra những tựa game cầm tay chỉ việc cho người chơi, hướng dẫn người chơi cặn kẽ từng tí một, chỉ số nào có tác dụng gì, tính năng A để làm chi, skill B hiệu quả ra sao…
Điều này giúp game thủ nhanh chóng làm quen với trò chơi, nhưng nó tước đoạt thú vui mày mò, khám phá mà những game thủ “hardcore” yêu thích. Dân hardcore thích thử thách và chinh phục thử thách, nhưng họ không tìm được những tựa game tương tự. Số lượng game thủ này không hề nhỏ, như đã được chứng minh qua doanh số và danh tiếng mà những tựa game của From Software đã đạt được, cũng như sự bùng phát của những tựa game được gọi là “giống Souls” trong làng indie. Nhận thấy được rằng game khó vẫn có thị trường, nhiều tựa game có độ khó cao đã ra đời và thành công lớn như Dead Cell, Hollow Knight, Darkest Dungeon, Celeste… và dĩ nhiên là Sekiro vừa ra mắt.
Những tựa game khó này được tạo ra để phục vụ game thủ hardcore, và gần như rất ít hoặc hoàn toàn không chỉ dẫn gì ngoài việc đặt ra một mục tiêu và trao cho người chơi quyền tự khám phá. Sức hấp dẫn của nó nằm ở cảm giác thành tựu mà game thủ đạt được khi hoàn tất trò chơi: những ai chinh phục được những con trùm khó nhai của chúng có quyền tự hào về bản thân, rằng mình đã vượt qua được những thử thách khó khăn mà nhà phát triển đặt ra và có thể lên các diễn đàn, MXH để thể hiện trình độ với người khác. Họ giành lấy quyền đó một cách chính đáng, và vì thế nên khi những game thủ “trình còi” dùng cheat để hoàn tất trò chơi, tranh cãi nổ ra là khó tránh khỏi.
Nhưng theo Mọt, việc tranh cãi xem có nên dùng cheat hay không là vô nghĩa. Cheat đã là một phần không thể thiếu của một trò chơi chỉ khác nhau ở mức độ dễ dùng của chúng. Chúng ta đã quen với những “GUNSGUNSGUNS” trong Vice City hay “lên lên xuống xuống…” (Konami code) từ Contra, bấm nút ~ để gọi bảng nhập lệnh (console) trong "hấp-lai" hay "Whosyourdaddy" với Warcraft. Đôi khi chính bản thân trò chơi cũng cheat, chẳng hạn series Call of Duty spawn lính ở những ngõ ngách hang hốc mà game thủ tưởng chừng đã dọn sạch, hay các đối thủ AI trong game RTS được nhận thêm tiền, spawn thêm quân để có thể “chiến” với người chơi,… Cheat còn có thể được sử dụng với mục đích giúp đội ngũ phát triển dễ dàng kiểm tra lỗi trong quá trình làm game, nhưng đây là một đề tài hơi ngoài lề bài viết và có lẽ Mọt sẽ bàn lại vấn đề này trong một bài viết sau.
Với game thủ chúng ta, công dụng quan trọng nhất của cheat là bổ sung nội dung cho trò chơi. Mọt tui hoàn toàn, tuyệt đối, vô cùng nghiêm túc. Trong nhiều năm qua, vô vàn tựa game đã xem cheat là một phần không thể thiếu trong nội dung của mình – không phải chỉ là để game thủ chưa đủ “pro” có thể hoàn tất game dễ dàng hơn, và còn là một phương thức kéo dài thời lượng chơi. Lấy ví dụ Call of Duty: Modern Warfare, khi tìm đủ 30 laptop trong các màn chơi của game, người chơi sẽ nhận được những cheat thú vị như đổi màu, tăng độ tương phản, bắn súng sơn, slow-mo và vô tận đạn… mà họ có thể kích hoạt trong menu cheat mà Infinity Ward cung cấp sẵn trong game.
Trong số 30 laptop mà trò chơi đặt rải rác khắp nơi, chiếc laptop trong màn chơi One Shot, One Kill đặc biệt thử thách và khiến game thủ lặp đi lặp lại trường đoạn bảo vệ Đại úy Price để có thể lấy chiếc laptop này. Sự khó khăn trong việc lấy chiếc laptop và phần thưởng cheat của nó đem lại cho game thủ một cảm giác hào hứng, tự mãn đến bất ngờ khi thành công. Sau đó, game thủ có thể dùng những cheat này để chơi lại game từ đầu, lần này là để nghịch, để xem kẻ địch nổ tung thành một đống lốp xe hay để khẩu tiểu liên của mình nhả đạn như súng máy.
Việc dùng cheat để kéo dài thời lượng của game chỉ là một phần nhỏ trong công dụng thực sự của cheat. Nó còn là cách để nhà phát triển kiếm tiền. Không phải game thủ nào cũng có khả năng phản xạ trong 0,1 giây như dân chuyên nghiệp. Có thể họ chỉ là những game thủ trở về sau giờ học, giờ làm và chỉ muốn quậy cho vui. Có thể tựa game được tạo ra không nhắm đến những game thủ này, nhưng đơn giản là 60 USD của “tay mơ” cũng có giá trị như 60 USD của pro, và nhà phát triển sẽ không từ chối những đồng tiền đó.
Một chứng cứ khác mà Mọt có thể dùng để minh họa cho việc nhà phát triển không chê tiền là Rage 2, tựa game FPS sắp ra mắt của Avalanche và id Software. Trò chơi gây bất ngờ cho game thủ bằng một chiêu khó đỡ: dùng… cheat để khuyến khích game thủ mua trò chơi. Cụ thể, phiên bản Deluxe của Rage 2 sẽ có 3 cheat được kích hoạt sẵn ngay từ đầu game, trong khi tất cả các game thủ đặt trước trò chơi đều nhận được cheat “He’s On Fire” mở khoá giọng lồng tiếng được thực hiện bởi Tim Kitzrow, một BLV giải bóng rổ NBA của Mỹ.
Trong khi đó nếu không đặt trước hay mua bản Deluxe, game thủ muốn nghịch với cheat sẽ phải bỏ tiền (trong game) để mua cheat từ Wasteland Wizard, một NPC lang thang trong trò chơi. Hắn ta bán tổng cộng 5 mã gian lận khác nhau: ngoài He’s On Fire kể trên, còn có mã “1 hit 1 kill,” biến bạn thành con trai của Thor, rủ thêm đồng đội (NPC có tên Klegg Clayton) và lao xe về phía đối thủ. Ngoài ra nhân vật này còn bán nhiều vật phẩm khác bằng tiền ingame. Dù đây thực ra chỉ là DLC miễn phí mà nhà phát triển dùng để câu kéo game thủ, Rage 2 lại là một minh chứng cho thấy rằng với nhà phát triển, cheat cũng là một thứ có thể được dùng để lôi kéo người chơi.
Vậy nên theo Mọt, nếu một game thủ cảm thấy hứng thú với cốt truyện của trò chơi nhưng không đủ khả năng tự tay chinh phục nó, cheat là chuyện hoàn toàn chấp nhận được. Cheat giúp họ thưởng thức được phần nội dung mà họ cho là quan trọng trong game (cốt truyện). Cheat giúp họ không cảm thấy phí tiền khi lỡ tay “ăn hành” quá thời hạn refund. Cheat giúp họ không đập chuột, bẻ phím, quăng tay cầm, và vì thế trong những trường hợp này, cheat là tốt.
Có thể sau khi dùng cheat để hoàn tất trò chơi, những game thủ này sẽ cảm thấy hối tiếc vì đã bỏ qua gameplay nhưng đó là quyền (và hậu quả) của riêng họ. Bù lại, họ đã hoàn tất một trò chơi mình ưa thích đến mức có dùng cheat cũng phải hoàn thành, và biết kết cục của trò chơi cũng như số phận các nhân vật của nó. Nếu đó là một tựa game offline, bất kỳ ai cũng có quyền chơi game và "phá" game theo ý mình bởi cách thưởng thức của họ không hề gây hại đến bất kỳ ai.