Phụ Lục
“Ngược lại của “vui chơi” là gì? Là “làm lụng” chứ còn gì nữa?” – Đó là điều mà ai cũng nghĩ. Tuy nhiên, câu trả lời như vậy vẫn chưa đủ sâu. Một vài nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, “sự trì trệ” mới là trái ngược của "vui chơi". Vì trong quá trình chơi (cụ thể là chơi game), bộ não tự sản sinh ra sự tích cực, sự tự tin. Đó mới chính là kẻ thù truyền kiếp của trầm cảm và trì trệ.
Nhờ đào sâu vào nghiên cứu vấn đề này, nhà tâm lý Brian Sutton-Smith được nhiều người biết tới vào những năm 1950. Tuy ông vừa qua đời vào 2 năm trước, nhưng nghiên cứu của Brian Sutton-Smith vẫn có rất nhiều ứng dụng tới thời đại ngày nay. Cụ thể là theo sự bùng nổ của công nghệ cao 1,23 tỷ game thủ trên thế giới sẽ biết rằng game có phải là thứ đình trệ công việc của họ hay không?
“Ngược lại của vui chơi là sự trì trệ”. Đúng vậy, chỉ bằng những trang thiết bị cổ điển thời bấy giờ, Brian Sutton-Smith đã nhận thấy những phản ứng tích cực của con người khi chơi các loại trò chơi. Theo đó, cảm giác chơi và sự chiến thắng giúp tạo ra sự tự tin, trong khi hứng thú và sự tò mò thì giúp kích thích con người tương tác tốt hơn với cuộc sống hàng ngày.
Ngày nay, khi con người sáng tạo ra những trang thiết bị mới, thì khoa học lại càng làm rõ nét hơn những nghiên cứu này. Vài năm về trước, các nhóm nghiên cứu tại đại học Stanford đã soi vào não bộ của nhiều game thủ, họ thấy hai vùng của não những người chơi game luôn luôn có sự kích động. Vùng thứ nhất (the reward pathway) chịu trách nhiệm tạo ra động lực và ham muốn đạt được mục đích. Vùng thứ hai (the hippocampus) thì chịu trách nhiệm cho trí nhớ và sự tiếp thu của não bộ.
Khi bạn chơi game, hoặc đơn giản chỉ cần nghĩ đến game, thì hai vùng này lập tức được kích hoạt tối đa. Là bởi vì khi đó, bạn sẽ tập trung hết “công lực” để đạt được một mục tiêu nào đó, tạo ra nghị lực và mong muốn chinh phục. Mặt khác, tất cả mọi tựa game đều được thiết kế ra để đem tới trải nghiệm lạ cho người chơi. Khi tiếp xúc với những sự vật kỳ lạ, thì chính là bạn đang học cách làm quen với những trải nghiệm mới đó. Các phản ứng sinh học gây ra hiện tượng tiếp thu trong não bộ, sẽ bắt đầu ngay khi bạn ở level 1 của một game bất kỳ. Trong màn đầu tiên này, não bộ phải tập phân tích luật chơi, suy nghĩ ra những chiến thuật để giải quyết vấn đề. Rồi tựa game trở nên khó hơn ở các màn chơi sau và lại giúp kích thích mong muốn chinh phục của bạn. Hai vùng này của não cứ bổ trợ qua lại như vậy trong một thời gian dài cho tới khi bạn không còn muốn chơi nữa mới thôi. Vô hình trung tạo ra một thói quen trong thần kinh của game thủ, đó là sự bền bỉ, tập trung cao độ, không dễ bỏ cuộc để thỏa mãn mong muốn chiến thắng của mình.
Thế nhưng, tại sao chỉ có 1/7 dân số thế giới này chơi game? Là vì những người không chơi game không sở hữu động lực và sự tích cực như những game thủ đã rèn luyện được. Lúc này thì, việc chơi đi chơi lại 20 lần để vượt qua một màn chơi, đối với họ cứ như sự tra tấn tinh thần. Kết quả là người bình thường sẽ không tìm thấy hứng thú và bỏ luôn game đó nếu nó quá khó. Ngược lại, một game thủ thứ thiệt sẽ càng khoái trí khi đụng độ một màn chơi hóc búa và chơi đi chơi lại cả trăm lần. Sau khi chiến thắng màn chơi, họ cảm thấy thỏa mãn và tiếp tục tìm kiếm những màn chơi khó hơn và biết chắc mình sẽ lại vượt qua nó tới cuối game thôi. Đây chính là dấu hiệu của sự tự tin.
Khi hai vùng the reward pathways và the hippocampus không được kích hoạt, chúng ta sẽ cảm thấy cơ thể bị suy nhược và chẳng muốn làm gì cả. Tuần hoàn máu cũng giảm đi rõ rệt và chất xám thì không hoạt động. Đặc biệt vùng the hippocampus còn là vùng não kiểm soát việc học, nghĩa là khi đầu óc đang căng thẳng và trầm uất thì bạn sẽ không học được gì cả. Sở dĩ có sự nhầm lẫn rằng game cản trở việc học, vì trước đây đã có nghiên cứu lầm tưởng rằng chơi game gây ra sự trầm uất cho người chơi. Tuy nhiên các thí nghiệm gần đây trên bệnh nhân trầm cảm lại cho thấy rằng, bệnh nhân có thể tự chữa chứng trầm cảm của mình chỉ bằng việc chơi game hàng ngày!
Tuy nhiên, game lại vô cùng có hại khi người chơi cố tình tìm nó để trốn tránh thực tại. Ví dụ khi bạn bị thất bại trong sự nghiệp hay tình cảm, bạn tìm tới game để trốn tránh, thì một số cảm xúc tiêu cực tự nhiên được sản sinh ra. Bao gồm sự lo lắng, trầm cảm, tách biệt khỏi cộng đồng. Là do bạn chỉ đang cố gắng chơi game để quên đi thất bại, mà không tìm cách để khắc phục thất bại đó ở ngoài đời. Nếu bạn thấy ai đó “nghiện game”, thì không phải là họ nghiện thật sự, game chỉ là một cách để họ trốn tránh cuộc sống gia đình và các nỗi đau của mình. Thực ra các thí nghiệm đã chỉ ra “chơi game để thoát khỏi cuộc sống thực” là lý do đầu tiên gây ra chứng chơi game quá đà. Và nó chỉ càng tệ hơn khi họ bị người thân mình ngăn cấm, mắng mỏ thậm tệ thay vì khuyên giải. Bản thân người chơi cũng bắt đầu nghĩ game không có lợi cho cuộc sống nhưng lại không thể ngừng chơi, tạo ra một áp lực cực kỳ nặng nề.
Chơi game đúng cách là khi bạn được chơi game mình thích, cùng một mục tiêu cụ thể nào đó. Ví dụ chơi Minecraft để tôi luyện sự sáng tạo, chơi e-Sport để kiếm tiền, chơi game FPS để luyện phản xạ, chơi các game Âu Mỹ để luyện tiếng Anh, chơi các game phối hợp để tăng tình cảm bạn bè, gia đình… Thực ra nếu bạn để ý kỹ, mỗi tựa game luôn có những tác dụng của riêng nó. Các nhà nghiên cứu công bố rằng, việc chơi game có chủ đích như vậy sẽ giúp người chơi nâng cao sự tự tin và khả năng xử lý vấn đề và đẩy lùi sự trầm uất. Vì khi chơi bạn sẽ luôn nghĩ tới các cảm giác tích cực như cảm xúc, mối quan hệ cộng đồng và các lợi ích mà bạn đạt được. Bạn không xem game là một cánh cửa để thoát khỏi thực tại, mà là một công cụ giúp ích cho cuộc sống.
Bạn thấy chứ? Thực ra game chẳng có hại gì cho cuộc sống cả, mà còn giúp bạn chống lại các cảm giác tiêu cực nữa cơ đấy. Vấn đề chỉ là ở mục đích khi chơi và cách hành xử của gia đình bạn mà thôi. Nếu như ai cũng hiểu được bản chất của game thì chơi game thực sự là một bài tập bổ ích không thể thiếu trong cuộc sống.