Phụ Lục
Nhiều người chỉ trích cho rằng chơi game làm cho bạn cáu gắt, tạo ra các vùng kém phản hồi và làm ảnh hưởng tới vùng nhũn của não. Tuy nhiên cũng có nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu và tranh cãi ngược lại với định kiến này. Điều này làm người ta nghĩ tới một khả năng, liệu có khi nào chơi game lại có lợi cho trí óc hay không? Liệu nó có chính là bài tập "cơ bắp" cho não bộ mà người ta vẫn tìm kiếm hàng thế kỷ hay không? Hay chỉ một "thảm họa điện tử" khác của nền văn minh thế kỷ 21?
Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu những lợi ích của game hành động bắn súng. Mà các nhà khoa học đã chỉ ra là giúp cải thiện tầm nhìn, sự tập trung, trí nhớ khi làm việc và còn nhiều điều khác nữa.
Daphne Bavelier, giáo sư về não bộ và nhận thức của đại học Rochester, Mỹ cùng đồng nghiệp của mình chuyên nghiên cứu các game hành động nhịp độ cao như Medal of Honor, Unreal Tournament và Call of Duty. Mục đích là để nghiên cứu ra các bài tập làm giảm sự lão hóa của não bộ.
Sau thời gian dài nghiên cứu, hầu hết các bài tập được họ khám phá ra đều chỉ có tác dụng đơn lẻ cho một phần nhất định của não bộ và không có ích nhiều cho cuộc sống. Có nghĩa là "chỉ cần thay đổi môi trường một chút, bản chất công việc thay đổi một chút, thì mọi hiểu biết của bạn về bài tập sẽ tiêu biến và cứ như thể bạn chưa tập gì cả."
Vậy nên, Daphne Bavelier và đội ngũ của cô đang truy lùng một liệu pháp toàn diện hơn. Các biện pháp cũ thường tác động tới "sự nhũn của não" (brain plasticity). Phần này quyết định khả năng học và thích nghi của não bộ bằng việc kết nối, tự tổ chức các Neuron thần kinh. Họ bất ngờ khi khám phá ra chơi game sẽ giúp tăng tính nhũn của não, hiệu quả hơn bất cứ phương pháp cổ điển nào.
Không chỉ phần nhũn mà thôi, chơi game còn giúp kích thích bộ phận cảm quan của vỏ não (visual cortex). Bộ phận này quyết định khả năng nhìn và tập trung vào một hoặc nhiều vật thể cùng lúc.
Bavelier cùng cộng sự của cô ghi nhận người chơi game có khả năng liên tưởng, ghép nối những mảnh thông tin riêng lẻ hoặc sự việc nhanh hơn người thường. Bên cạnh đó, giác quan của họ cũng được nới rộng, giúp tập trung và theo dấu nhiều vật thể trong tầm nhìn hơn. Ví dụ, người bình thường khi đi trên đường, chỉ chú ý vào một điểm nhỏ và một vài chiếc xe trước mắt họ. Còn với game thủ thì tầm nhìn đó rộng và bao quát nhiều phương tiện hơn nhiều.
Game thủ còn lợi hại hơn người thường ở khả năng thích nghi với nhiều loại công việc nhanh chóng, nhận biết độ tương phản màu sắc rõ ràng hơn. Tuy nhiên khi nghiên cứu tới đây, một trở ngại lớn lại lộ ra. Đó là việc các nhà nghiên cứu chưa xác định được các khả năng trên có phải tôi luyện được khi chơi game, hay vốn các game thủ đã được sinh ra với lợi thế như vậy?
Vậy là giáo sư Bavelier thử thí nghiệm trên những người chưa từng chơi game, yêu cầu họ chơi 50 tiếng trong 9 tuần hoặc 10 tiếng trong 10 ngày. Kết quả là các khả năng tương tự với game thủ lâu năm cũng xuất hiện. Và ngay cả khi những người này không còn chơi game nữa, thì khả năng đó vẫn duy trì nhiều tháng, thậm chí cả năm trời.
Bạn có khả năng nhận biết kẻ địch từ xa khi chơi Call of Duty. Thì khi lái xe, bạn cũng có thể nhận biết được chú cún con bé tí đang chạy loạn trên đường ở bên phải, cộng thêm "thằng ku" con nhà ai đó đang chạy theo lụm quả bóng ở bên trái.
Bạn nhìn được xuyên bom mù của địch trong Counter-Strike: Global Offensive, thì khả năng thích nghi với ánh sáng tốt sẽ giúp bạn nhìn rõ hơn về đêm. Chỉ cần lướt mắt qua lớp khói dày đặc kia, bạn biết có 4 5 tên địch đang núp trong đó. Vậy thì không có lý do gì bạn lại không thể đọc báo, đọc truyện nhanh gấp nhiều lần người bình thường.
Tuyệt vời hơn nữa, nếu bạn không tôi luyện gì thì đồng tử và các giác quan của bạn sẽ già đi theo năm tháng. Nhưng chơi game sẽ làm giảm, thậm chí cản quá trình lão hóa này lại.
Không phải mọi trò chơi điện tử đều giống nhau. Sở dĩ game bắn súng giúp người chơi luyện tập giác quan, tầm nhìn và phản xạ cùng lúc, vì chúng là những tựa game rất phức tạp. Trong cùng một thời điểm, người chơi vừa phải dùng tai, dùng mắt nhận biết xem xung quanh mình có địch hay không. Phải động não xem mình sẽ dùng loại vũ khí gì, có bao nhiêu đạn và bom. Rồi đi đến hang ổ của địch theo hướng nào, rồi còn cả ngắm bắn bằng tay và mắt... Tương tự với các game eSport và PC/Console. Trong khi đó hầu hết game mobile không đáp ứng được đặc điểm này.
Vậy nên đội của cô Daphne Bavelier nghĩ rằng, game càng đơn giản thì nó càng có ít lợi ích rèn luyện tổng quan. Tuy nhiên, một nhóm các nhà khoa học khác, như đội của phó giáo sư Nick Burns tại trường đại học Adelaide thì lại cho rằng: công việc càng đơn giản bao nhiêu, sẽ giúp tôi luyện não bộ hiệu quả bấy nhiêu.
Ông cũng nói thêm: "Một số nghiên cứu nhỏ lẻ cho thấy các game đơn giản thường giúp cải thiện kỹ năng của người chơi trong một vài công việc được chỉ định sẵn. Nhưng chúng có giúp gì cho cuộc sống hàng ngày của bạn hay không, thì cần phải có những nghiên cứu nghiêm túc hơn để chứng minh".
Phó giáo sư Burns khẳng định rằng, bất cứ việc gì khiến chúng ta sử dụng bộ óc thì đều có lợi cả. "Không luyện tập não bộ mới là bất lợi! Vậy nên tôi nghĩ game thủ sở hữu nhiều lợi thế".
Có người hỏi ông rằng: "Nếu vậy thì, tôi cứ chơi game cả ngày và không làm gì cả là tốt nhất phải không?" Ông trả lời: "Không cứ nhất thiết phải là chơi game, bất cứ hoạt động phức tạp nào cũng sẽ bắt não bộ phải luyện tập hết công suất." Thậm chí dù luyện tập thính âm, hay luyện tập thể lực thì cũng là các hoạt động phức tạp, ngang hàng với chơi game. Chúng cũng sẽ giúp bạn mở khóa các khả năng đặc biệt nào đó giúp ích cho cuộc sống, nếu bạn tôi luyện các bài tập này đến một trình độ nhất định.
Tóm lại, ông Burns hay các nhà khoa học đều cho rằng, dù bạn chơi game hay học một loại ngoại ngữ hay làm một điều gì đó mới mẻ trong cuộc sống, thì cũng chính là bạn đang chấp nhận một thử thách mà chưa bao giờ đụng phải trước đây. Điều này mới là tối quan trọng cho một bộ não minh mẫn. Sự tôi luyện sẽ được chứng minh bằng những thành quả mà bạn đạt được trong cuộc sống!