Phụ Lục
Trước khi trở lại với cảnh “đánh golf” gây tranh cãi trong The Last of Us Part II thì theo bạn, như thế nào được gọi là một tựa game chân thực? Liệu có phải đó là một trò chơi với nền tảng đồ hoạ đẹp tới ngỡ ngàng, các chi tiết được trau chuốt khiến người chơi gần như không thể phân biệt được đâu là game đâu là thực? Theo tôi thì không hẳn vậy.
Với tôi, một trò chơi chân thực nhất là khi nó khắc hoạ được bản chất vốn có của xã hội mà chúng ta đang sống. Từng tình huống của trò chơi đó phải khiến cho người chơi cảm giác như mình đã từng chứng kiến ở đâu đó hoặc trải qua ngoài đời thật. Nếu không cao cấp được như vậy thì chí ít, trò chơi đó cũng phải giúp người ta nhận ra đây không phải thú giải trí dành riêng cho trẻ con. The Last of Us Part II với tôi là một trò chơi như vậy.
The Last of Us Part II được tôi đánh giá là một trò chơi chân thực không phải chỉ ở mặt đồ họa, mà nó còn thể hiện được rõ xã hội chúng ta đang sống là như thế nào. Đó là một xã hội tàn khốc, cạnh tranh, nơi mọi người làm mọi cách "tốt nhất" vì lợi ích lớn lao hơn để sinh tồn nhưng đó cũng là một xã hội mà tình yêu thương có thể vượt lên trên mọi ranh giới về đạo đức.
Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nói đến phân cảnh nổi tiếng gây tranh cãi nhất của The Last of Us Part II, đó là cảnh “đánh golf”.
Tôi không biết Neil Druckmann có lường trước được phản ứng đầy tiêu cực của người hâm mộ khi quyết định đưa cảnh “đánh golf” này vào game hay không. Có thể đây là ý đồ của ông khi muốn trò chơi bắt buộc phải có nút thắt đáng nhớ để kết nối phần game trước, mở ra toàn bộ câu chuyện phía sau cho nhân vật Ellie.
Phản ứng đầu tiên của người hâm mộ khi trò chơi ra mắt là phản đối, thậm chí là phản đối một cách đầy tiêu cực. Điều này cũng dễ hiểu bởi Joel là nhân vật chính của phần game trước, câu chuyện của ông đã khiến biết bao game thủ cùng đồng cảm.
Bên cạnh đó, sự ra đi của Joel với cảnh “đánh golf” diễn ra quá nhanh, quá vội vàng. Hầu hết mọi người đều cho rằng Joel xứng đáng có một màn ra đi tử tế hơn. Hoặc ít nhất, các game thủ muốn được thấy sự kết nối giữa Joel và Ellie nhiều hơn theo kiểu gì đó nếu buộc phải cho ông lĩnh cơm hộp sớm theo kịch bản.
Tôi hoàn toàn đồng ý về điểm này. Joel xứng đáng có một cái kết đẹp hơn. Ngay cả khi phải chết, ông cũng nên có một cái chết anh dũng và kéo theo được vài kẻ địch để gỡ vốn. Trong phần trước Joel đã cứng cỏi đến thế cơ mà, sao phần này lại ra đi lãng xẹt như vậy. Chúng ta có quyền tức giận vì bị buộc phải dõi theo câu chuyện đó tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Không ai phủ nhận Joel là một nhân vật rất được game thủ đồng cảm với cuộc đời éo le của ông. Hình ảnh ông bất lực ôm đứa con gái bé bỏng Sarah đang trút hơi thở cuối cùng khi đại dịch bắt đầu bùng phát khiến tôi vẫn còn ám ảnh tới bây giờ. Naughty Dogs còn khiến phân cảnh này trở nên đau đớn hơn khi Sarah chết không nhắm mắt, biểu cảm ngỡ ngàng của cô bé như muốn hỏi chuyện gì xảy ra vậy.
Có thể nói tất cả những gì tốt đẹp nhất trong con người Joel đã chết theo Sarah từ ngày hôm ấy. Để rồi từ đó cho đến nhiều năm sau, ông ta sống một cuộc sống buông thả nhưng ngập tràn trong tội lỗi, đau khổ và máu lạnh để sinh tồn với sự dằn vặt không ngừng về cái chết của con gái.
Ai cũng nghĩ rằng việc cô bé Ellie xuất hiện sẽ giúp cho con người của Joel trở lại bản chất tốt đẹp vốn có. Tuy nhiên điều đó không chính xác khi Joel đã lún quá sâu vào cái ác giữa một thế giới đang dần đi đến sự suy tàn. Ở những phân cảnh cuối cùng của TLoU phần đầu tiên, chúng ta có thể thấy Joel quyết định “làm gỏi” cả một bệnh viện nghiên cứu với biết bao người vô tội để cứu Ellie.
Bản thân phân đoạn này cũng đã đưa người chơi tới với rất nhiều sự tranh cãi. Có người nhìn nhận việc cứu Ellie cũng chính là cách Joel chuộc lỗi với con gái mình năm xưa. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Joel quá ích kỷ vì đã tước đi cơ hội chống lại dịch bệnh của toàn nhân loại. Chúng ta không thể bàn luận về tính đúng sai trong trường hợp này bởi lẽ nó còn phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi người.
Chắc hẳn bạn còn nhớ tới câu hỏi tâm lý kinh điển: “Trên 2 đường ray song song với nhau, một bên trói 5 người, bên còn lại trói 1 người, bạn sẽ lựa chọn cho tàu hoả rẽ về phía bên nào? Bạn chọn cứu 1 người hay chọn cứu 5 người?”. Cho dù có lựa chọn như nào thì đối với những người còn lại, bạn hiển nhiên vẫn là kẻ xấu mà thôi. Đúng kiểu lựa chọn nào cũng sẽ để lại hậu quả.
Trường hợp của Joel cũng vậy. Ông quyết định tước đi sinh mạng của những người vô tội để cứu Ellie thì chắc chắn hậu quả sẽ đến với ông trong tương lai thôi. The Last of Us Part II chỉ làm đúng công việc của nó khi cho người chơi thấy hậu quả ông phải nhận là gì.
Sau khi cứu Ellie, Joel vẫn giấu kín mọi chuyện cho tới khi cô bé trưởng thành. Bản thân Ellie mong muốn hy sinh để giúp cho thế giới có cơ hội thứ 2 nhưng Joel vì mong muốn của ông đã làm điều ngược lại. Do đó, khi Ellie phát hiện Joel nói dối, cô đã không còn nói chuyện với ông nữa.
Hậu quả đầu tiên ông phải nhận chính là sự lạnh nhạt từ người mà ông yêu thương như con gái. Cả 2 người đã không thể có cuộc trò chuyện ra hồn nào, thậm chí họ còn tránh mặt nhau trong suốt một thời gian dài. Cả Joel lẫn Ellie đều mang trong mình mặc cảm tội lỗi từ cái ngày định mệnh đó.
Hậu quả thứ 2, cũng là hậu quả nặng nề nhất đến với Joel, đó chính là khi Abby tìm đến. Quay trở lại phân cảnh gần cuối của The Last of Us, khi Joel chuẩn bị bế Ellie đi, một vị bác sĩ đã đứng ra ngăn cản Joel tước đi cơ hội thứ 2 của thế giới. Kết quả là Joel đã xuống tay không hề thương tiếc và khốn khổ thay Abby chính là con gái của vị bác sĩ đó.
Abby lớn lên với mục đích duy nhất là truy tìm Joel để trả thù. Mối hận đó đã nuôi dưỡng và biến cô gái mảnh mai năm nào trở thành chiến binh thực thụ. Cuối cùng, Abby gặp Joel trong một hoàn cảnh éo le bởi cô được chính Joel cứu thoát khỏi bọn quái vật khát máu. Có lúc tôi đã nghĩ rằng Abby sẽ gác lại việc trả thù. Nhưng không, mọi thứ vẫn diễn ra theo đúng những gì Abby mong muốn.
Câu nói “Một việc tốt bất ngờ không thể cứu lại cả một cuộc đời tội lỗi” rất đúng trong hoàn cảnh này. Dù cho Joel đã cứu Abby nhưng cũng không tránh khỏi tội lỗi trước đó. Cuối cùng, ông đã ra đi bởi bàn tay của Abby với phân cảnh “đánh golf” nổi tiếng.
Joel đã nhận hậu quả từ việc làm của mình. Abby cũng đã trả thù được cho cha. Tưởng rằng mọi chuyện sẽ chấm dứt nhưng không, phân cảnh “đánh golf” đã nối tiếp sự hận thù sang Ellie khi cô chứng kiến Joel bị sát hại. Có thể nói hình ảnh “đánh golf” mà Neil Druckmann đưa vào đã đại diện cũng như ẩn dụ cho rất nhiều điều đáng suy ngẫm.
Nó là minh chứng cho việc bạn làm việc xấu thì chắc chắn bạn sẽ nhận lại hậu quả. Cho dù bạn có là ai đi chăng nữa thì khi có người muốn giết bạn để trả thù, họ sẽ không bao giờ cho bạn một cái chết có thể diện. Nó cũng chứng minh tình cảm của Ellie khi dù có giận Joel tới như nào thì ông vẫn như một người cha đối với cô.
Hình ảnh “đánh golf” cũng cho thấy khi con người sống bởi hận thù thì họ sẽ không bao giờ thoát khỏi nó, ngay cả khi bạn trả thù xong thì ngay lập tức sẽ nhận hậu quả từ người khác. Món nợ này chắc chắn sẽ không bao giờ kết thúc mà nó tạo thành vòng lặp xuyên suốt cuộc đời mỗi con người.
Đó cũng là lý do vì sao tới cuối The Last of Us Part II, Ellie quyết định tha thứ cho Abby. Vì cô biết rằng nếu giết Abby trả thù cho Joel, cuộc sống của cô sẽ không bao giờ được yên ổn.
The Last of Us phần đầu tiên đã đặt ra một câu hỏi rằng “Khi thế giới đến ngày suy tàn, loài người còn lại những gì?”. Kết quả là chúng ta thấy khi thế giới bị nhấn chìm trong dịch bệnh, càng tiến gần hơn đến sự lụi tàn, loài người càng bắt đầu bộ lộc bản thật của mình rõ ràng hơn.
Họ sẵn sàng giẫm đạp nhau, hãm hại nhau, đối xử với nhau bằng những hành động tàn nhẫn nhất chỉ với mục đích trục lợi cá nhân. Những con người từng có thời sống đúng với lương tâm nay vì sự sinh tồn cũng buộc phải thay đổi bản chất của mình để được sống sót trong một thế giới mà kẻ nào cũng chăm chú "ăn thịt" nhau.
Kết thúc game, trong đầu tôi vẫn luôn hiện hữu một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Đó là “Khi rơi vào tận thế, con người phải thay đổi bản chất, trở nên xấu xa hơn để sinh tồn; hay chính chúng ta đang quay trở lại đúng bản chất hoang dã của mình?”
Và đến The Last of Us Part II, trò chơi như tát vào mặt tôi khi đi sâu vào những hận thù của con người. Nhìn rộng hơn phải chăng xã hội ngoài đời thực cũng đang diễn ra theo cách như vậy khi lợi ích nhóm bị ảnh hưởng, khi sự hận thù đã che lấp trái tim nhân hậu sẽ khiến chúng ta sẵn sàng giẫm đạp lên các giá trị đạo đức?
Cả hai phần The Last of Us đều đọng lại trong tâm trí tôi những suy nghĩ, những dằn vặt khi nghĩ tới những mối quan hệ của mình với những người xung quanh. Tình yêu và hận thù vẫn luôn song hành với nhau trong cuộc đời này. Lựa chọn sống như thế nào đều nằm ở lựa chọn của mỗi người.
Nhưng nếu tôi đặt mình vào vị trí của Joel - Ellie - Abby, liệu tình yêu thương có thể thay đổi được câu chuyện bi kịch hay giúp tôi đưa ra quyết định tỉnh táo hơn không? Hay sự hận thù sẽ khiến tôi mất đi hết mọi suy nghĩ như mọi con người bình thường khác trong cái xã hội suy tàn ấy?
Nhấn theo dõi Mọt Game ngay để cập nhật thông tin hot hit về game ngay nhé!