Phụ Lục
Bên cạnh những chế độ multiplayer cổ điển và kiểu chơi Battle Royale thời thượng có tên Blackout, Call of Duty: Black Ops 4 có lẽ còn ẩn giấu một “ngôi sao” khác: kiểu chơi Heist. Nó tỏ ra là một kiểu chơi mang đậm tính chiến thuật, gần sát với lối chơi đầy tính toán của Counter-Strike hay Pay Day hơn là trải nghiệm hỗn loạn và lộn xộn của Call of Duty truyền thống.
Thật ra, Treyarch không xa lạ gì với những kiểu chơi “dị” như Sticks and Stones, Gun Game, One in the Chamber… nhưng Heist trong Black Ops 4 lại có những đặc điểm khiến nó khác hẳn với bình thường. Bạn không được hồi sinh, thắng bại được tính theo từng round dài 3 phút và mục tiêu chính là yêu cầu game thủ cướp được một gói tiền và mang nó về điểm rút lui (Extraction Point) trước khi đối thủ làm được điều đó. Dù không hề mới mẻ trong thể loại FPS, kiểu chơi Heist lại là một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ với Call of Duty, và tỏ ra hết sức phù hợp với những thay đổi vĩ mô của phiên bản 2018.
Trong chế độ Heist, game thủ chiến thắng bằng cách khiêng được gói tiền đi, hoặc hạ gục toàn bộ đối thủ. Nói dễ hơn làm bởi dù game không cho phép respawn, bạn có một khoảng thời gian ngắn để hồi sinh những đồng đội đã bị bắn gục. Trong trạng thái bị hạ gục này, nhân vật không thể dùng súng nhưng vẫn có thể bò lung tung – điều hết sức quen thuộc với những game thủ đã “cày” PUBG chế độ Duo hay Squad. Tất cả những gì cần để thực sự kết liễu một người đã bị hạ gục là một cú đấm hoặc một phát đạn chuẩn xác, và người đó sẽ phải ngồi ngoài chờ đến round sau.
Một sự khác biệt lớn nữa của kiểu chơi Heist trong Black Ops 4 là nó vứt tất cả những luật chơi multiplayer truyền thống của Call of Duty ra cửa sổ. Bạn không tạo sẵn lớp nhân vật, cũng không Pick-10 mà khởi đầu với 500 đồng và một khẩu súng ngắn. Tất cả súng ống, kỹ năng, linh kiện nâng cấp vũ khí đều phải được mua bằng tiền - phần thưởng bạn nhận được khi tiêu diệt hoặc hỗ trợ hạ gục kẻ địch, hoặc thắng round đấu. Nghe giống hệt Counter-Strike, đúng không nào?
Sự khác biệt giữa chế độ Heist và Counter-Strike nằm ở chỗ một số “hàng khủng” buộc bạn phải mua những món yếu hơn trước để mở khóa, chẳng hạn Acoustic Sensor (tăng khả năng nghe kẻ địch) đòi phải có perk Scavenger, Flak Jacket, Tactical Mask. Bù lại, tất cả những gì bạn đã mua sẽ được giữ lại qua các round của chế độ Heist (trừ máu và đạn). Do không thể mua tất cả mọi thứ, game thủ sẽ phải bàn bạc và phối hợp cùng đồng đội của mình để tạo thành một đội hình “chuẩn” phù hợp với chiến thuật đặt ra.
Ngoài việc mượn ý tưởng từ những tựa game khác, Heist còn đem lại cảm giác tương tự như Search and Destroy, một chế độ chơi khác cũng không có hồi sinh và theo từng round, nhưng trong đó một đội phòng thủ còn đội kia đặt bom phá hủy mục tiêu. Bạn cũng có thể thắng bằng cách diệt hết kẻ địch hoặc hoàn thành nhiệm vụ, nhưng Heist tỏ ra khó hơn đôi chút vì nó đòi hỏi tính chiến thuật và khả năng phối hợp đồng đội – điều rất khó có được nếu bạn để cho game xếp đội ngẫu nhiên và đụng phải rào cản ngôn ngữ hay những game thủ không có mic. Không ít lần Mọt gặp cảnh đội 5 người có đến... 4 tay bắn tỉa, và trở thành mồi ngon cho những khẩu súng tự động của đối thủ.
Việc giao tiếp và phân chia vị trí là đặc biệt quan trọng bởi chế độ Heist có nhiều nâng cấp rất mạnh và đắt tiền, chẳng hạn chiếc trực thăng chiến đấu giá 6.000 $ chỉ dùng được một lần, hoặc perk Hellstorm Missiles có giá đến 4.000 $. Bộ giáp của bạn cũng sẽ được giữ lại – bao gồm cả sát thương mà nó đã nhận trong màn chơi trước, khiến chuyện quản lý tiền bạc trong chế độ Heist càng trở nên quan trọng hơn.
Sau vài round đấu đầu tiên, nhân vật của bạn sẽ dần chuyển từ một tên lính quen thành những siêu chiến binh đúng chuẩn Call of Duty quen thuộc. Anh ta (hoặc cô ta) sẽ có giáp trụ, kỹ năng (perk), súng khủng với hàng đống linh kiện viễn tưởng cùng với những scorestreak lợi hại có thể giúp bạn quét sạch cả đội đối phương nếu sử dụng khôn ngoan.
Nhìn chung, chế độ Heist của Black Ops 4 có thể không phải là kiểu chơi “quậy cho vui” đúng kiểu Treyarch, nhưng nó có thể sẽ rất hấp dẫn trong mắt những fan gạo cội của dòng game Call of Duty muốn tìm chút gì đó mới mẻ. Sự căng thẳng của việc không được hồi sinh, tính chiến thuật lạ lẫm và những cuộc rượt đuổi “cần tiền không cần mạng” đúng nghĩa đen hứa hẹn sẽ phần nào thu hút sự chú ý của game thủ Call of Duty khỏi kiểu chơi Blackout trong những ngày tới. Nếu còn có thắc mắc gì về game trước khi mua, hãy xem qua bài viết trước của Mọt tui.