Khi Activision công bố rằng Call of Duty: Black Ops 4 sẽ có chế độ Battle Royale và vứt bỏ phần chơi chiến dịch truyền thống, Mọt tui hết sức lo ngại. Battle Royale có vẻ như là một quyết định được Treyarch đưa ra vào phút chót để bào chữa cho việc không có một phần chơi chiến dịch, và nhằm “thổi phồng” nội dung của trò chơi cho xứng với mức giá 60 USD của nó. Tuy nhiên kể từ khi chế độ Blackout được mở cửa thử nghiệm, có vẻ như nhận định đó của Mọt là sai lầm.
Chế độ Battle Royale có tên Blackout của game khởi động từ ngày 10/9 dành cho bất kỳ ai đã đặt trước game trên PS4, 14/9 cho game thủ đặt bản PC và 15/9 cho phần còn lại của thế giới, và sử dụng chung bản client với đợt beta đã được tổ chức hồi tháng 8 vừa qua. Nó đem lại cho game thủ khả năng chơi solo, duo hoặc squad 4 người trong một bản đồ khá rộng, hỗ trợ tối đa 80 game thủ và chứa đầy những địa danh quen thuộc với các fan của dòng game Call of Duty.
Cuộc chơi sẽ khởi đầu khi 80 người được thả vào chiến trường trên các trực thăng bay ở tầm khá thấp, một điều khác biệt với Battle Bus trong Fortnite hay máy bay C-130 của PUBG. Thêm vào đó, game thủ được trao một bộ wingsuit để tự do lựa chọn địa điểm hạ cánh của mình sau khi nhảy khỏi máy bay. Bộ wingsuit này đem lại khả năng điều khiển cực kỳ chính xác và cho game thủ bay ở tốc độ cao, gần như đủ để bạn bay ngang qua bản đồ (hoặc do Mọt tui hơi noob vì không quen chơi PS4 nên chưa bay được hết bản đồ). Nếu bạn biết mình muốn đến đâu, bộ wingsuit gần như chắc chắn sẽ giúp bạn hạ cánh ngay tại đó.
Sau khi hạ cánh, dĩ nhiên bạn sẽ lại trở về với lối chơi quen thuộc của thể loại Battle Royale: lùng sục các căn nhà để tìm kiếm áo giáp, súng đạn và các loại vũ khí khác. Phong cách đồ họa thực tế và bối cảnh tương lai của Black Ops 4 đem lại một làn gió mới cho tác giả sau khi đã quen với PUBG và Fortnite. Các loại súng đạn nằm ẩn khuất trong góc tối của những căn phòng nhỏ, những bộ giáp “hoành tráng” được xếp gọn ghẽ như một chiếc áo thun bình thường… đều rất mới mẻ, nhưng lại có chút gì đó quen thuộc với Mọt tui. Bạn sẽ mất khá nhiều thời gian để làm quen với sức mạnh và tốc độ bắn của các loại vũ khí có trong game, và rồi tiếp tục tìm kiếm một khẩu súng mới nếu thứ đang có trong tay không phải thứ bạn cần.
Các pha giao tranh trong chế độ Blackout cũng tỏ ra nặng tính chiến thuật. Khác với PUBG hay Fortnite, nơi bạn có thể nhận ra đối thủ và trang bị của họ một cách tương đối dễ dàng (trừ khi mục tiêu của bạn mặc bộ đồ cỏ trong PUBG), việc nhận diện trang bị của kẻ địch từ xa là rất khó khăn. Game thủ sẽ phải chú ý ghi nhớ tốc độ bắn và tiếng súng của từng loại vũ khí để biết được mình đang phải đối mặt với thứ gì, và lên kế hoạch đối phó phù hợp.
Tuy nhiên cũng như lời một chiến lược gia người Phổ đã nói, “không kế hoạch nào tồn tại sau khi chạm trán kẻ thù,” một khi bạn đã thực sự bước vào giao tranh trong Blackout, gần như không có chỗ cho suy nghĩ. Mọt tui chỉ ngắm, bắn và né tránh theo những phản xạ mình có được nhờ kinh nghiệm bởi một lượng chì cực lớn sẽ bay loạn trên màn hình, và đủ thứ “khoai” được ném khắp nơi. Chỉ nổ súng từ sau công sự là điều bạn chắc chắn phải nhớ khi chơi chế độ Blackout nếu muốn tiếp tục đứng trên hai chân của mình. Một khi hết máu, nhân vật sẽ gục xuống và có thể bò vào nơi ẩn nấp chờ được cứu trợ tương tự PUBG, nhưng nếu chờ quá lâu, bạn sẽ “cúp điện” và phải chờ một trận đấu mới.
Có khá nhiều loại phương tiện giao thông trong Blackout, và chúng tỏ ra rất thú vị. Mọt đã thử một chiếc ATV 2 chỗ ngồi, trực thăng 5 chỗ ngồi (nhưng mỗi đội chỉ có tối đa 4 thành viên, nên có lẽ Treyarch muốn cho game thủ thực hiện những trò vui nhộn như dịch vụ trực thăng taxi), một chiếc xe tải bọc thép. Lái trực thăng là một trải nghiệm rất mới lạ bởi khác với dòng Battlefield tập trung vào các phương tiện cơ giới, Call of Duty xưa nay chỉ chú trọng vào những binh sĩ “boot on the ground”. Nếu từng chơi qua các tựa game cho phép lái máy bay như Wildlands, GTA V, bạn sẽ dễ dàng làm quen với cách lái trực thăng trong chế độ Blackout. Tác giả cảm thấy rằng các loại phương tiện này đều rất cân bằng – tiêu diệt người trên xe/máy bay đều rất dễ dàng bằng các loại vũ khí tầm trung hoặc xa phù hợp.
Một điều thú vị khác mà Mọt nhận ra khi chơi chế độ Blackout của Call of Duty: Black Ops 4 khác với truyền thống cố gắng tạo ra một chiến trường nghiêm túc, chân thực, Blackout lại chọn cách chơi vui nhộn. Bạn có thể nhặt được những thứ đồ chơi thú vị như Monkey Bomb (từ kiểu chơi Nazi Zombies), có khả năng gọi hàng đàn zombie bao vây đối thủ như bạn có thể thấy trong trailer của game ở đầu bài viết. Chiếc xe điều khiển từ xa RC-XD xuất hiện từ phiên bản đầu tiên cũng góp mặt để cho phép game thủ lái ở góc nhìn người thứ nhất, và một chiếc móc câu đem lại khả năng đu dây điện cũng tồn tại trong game.
Cuối cùng, yếu tố độ cao là một đặc điểm khác của Black Ops. Phần nào giống với Fortnite (trừ chuyện bạn không thể xây nhà), bản đồ của chế độ Blackout cho game thủ rất nhiều cơ hội để mai phục đối thủ từ trên cao, từ những tòa nhà cao tầng, các triền dốc đến những cuộc rượt đuổi bằng trực thăng hào hứng. Đây là điều mà đội ngũ Bluehole đã bổ sung vào PUBG từ lâu, nhưng có vẻ Treyarch làm điều này tốt hơn hẳn.
Sự tổng hợp tất cả những điều trên đem lại một chế độ chơi rất hào hứng được cả game thủ lẫn các streamer nổi tiếng đánh giá cao, khiến cổ phiếu của Activision tăng vọt trong những ngày qua. Các chuyên gia nói rằng trên Twitch, số người xem Blackout lên đến gần 400.000, cao gấp 3 lần so với Fortnite và ước tính trò chơi sẽ đem về cho Activision thêm khoảng 500 triệu USD so với năm ngoái.
Call of Duty: Black Ops 4 sẽ ra mắt vào ngày 12/10 tới. Khác với Firestorm của Battlefield V, chế độ Blackout sẽ có mặt ngay ngày đầu tiên trò chơi được phát hành. Bạn có thể đặt trước trò chơi trên Battle.net, bởi năm nay Activision sẽ không phát hành game trên Steam.