Mọt vẫn nhớ lần đầu tiên mình được chơi Call of Duty (2003), một tựa game FPS lấy đề tài Thế chiến 2 nhưng khác hẳn với những Wolfenstein hay Medal of Honor trước đó. Thay vì mô tả những trận chiến khốc liệt của Thế chiến 2 một cách chân thực (MOH) hay đi vào viễn tưởng, huyền bí như Wolfenstein, Infinity Ward chọn một con đường mới cho Call of Duty. Họ biến chiến tranh thành một thứ gì đó thi vị, hào hùng, với những khoảnh khắc xúc động hiếm hoi, nhưng chỉ để làm khoảng lặng cho game thủ xả hơi trước khi tiếp tục xông lên phía trước.
Màn chơi đổ bộ D-Day trong Call of Duty 2.
Lối chơi của những phiên bản Call of Duty đầu tiên thực sự khác biệt với tất cả những FPS về Thế chiến 2 trước đó. Game khai thác lịch sử, nhưng không phải theo một phương thức cổ điển, khô khan hay tô vẽ quá đà, mà tập trung vào tính giải trí. Những màn chơi như tấn công bãi biển Utah, phòng thủ tòa nhà Pavlov hay len lỏi trong đống đổ nát của Stalingrad được lấy cảm hứng từ những bộ phim chiến tranh nổi tiếng. Nó thực sự đem lại cho game thủ một cảm nhận khác biệt – họ là người hùng trong cuộc chiến, nơi đạn pháo vang rền đốn ngã tất cả những kẻ “người trần mắt thịt” xung quanh.
Sau vài phiên bản đầu tiên khai thác Thế chiến 2, Infinity Ward bất ngờ gây shock khi chuyển sang đề tài chiến tranh hiện đại với Modern Warfare. Vào thời điểm 2007, rất ít game lấy bối cảnh này, và Modern Warfare đã thành công trong việc biến Call of Duty thành con quái thú của làng game như hiện tại. Game thủ được giới thiệu với những khẩu súng mà binh sĩ đang thực sự sử dụng trên chiến trường, gói gọn trong một phần chơi chiến dịch hấp dẫn, lôi cuốn và tỏ ra rất đáng tin dù hoàn toàn giả tưởng. Đây cũng là phiên bản sở hữu All Ghillied Up, màn chơi được đại đa số game thủ Call of Duty xem là kinh điển của cả series. Modern Warfare 2 tiếp tục mạo hiểm với màn chơi No Russian, một chủ đề cực kỳ nhạy cảm kể từ sau vụ 11/9 và gây tiếng vang lớn.
Sự mạo hiểm mà Infinity Ward thực hiện với các bản Call of Duty của mình lập tức có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả thế giới, khi tất cả các studio làm FPS khác đều cố gắng noi theo. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, tất cả FPS đều dùng chuột phải để ngắm bắn sau một thời gian dài nút chuột này vô dụng (hoặc cho cách bắn thứ 2) bởi ảnh hưởng từ những Quake và Unreal Tournament. Rồi theo đà phát triển của Call of Duty, tất cả FPS đều có những pha phá cửa xông vào phòng, các tình huống slow-mo ấn tượng đậm chất điện ảnh, tính năng tự hồi máu, và nhiều thay đổi khác. Có thể nói rằng những phiên bản đầu tiên của Call of Duty là kẻ dẫn đường, giúp định hình thể loại FPS như chúng ta thấy ngày nay.
Nhưng rồi một ngày nào đó, vai trò dẫn đầu của Call of Duty bỗng biến mất một cách âm thầm, và Mọt giật mình nhận ra rằng dòng game này đã trở thành kẻ theo đuôi. Hãy nhìn vào Black Ops 4 – nó thậm chí còn không có phần chơi đơn truyền thống, nơi Call of Duty luôn thể hiện thế mạnh "như xi nê" của mình. Thay vào đó Treyarch lái series của mình đi theo Battle Royale, đi theo hero shooter, đi theo mô hình “dịch vụ game - game as a service” của làng game hiện đại, hay nói cách khác là một tựa game ăn theo những xu hướng thời thượng ngày nay. Game thủ có thể dễ dàng nhận thấy ảnh hưởng từ những Rainbow Six Siege, Overwatch hay PUBG đến Call of Duty, dòng game từng một thời thiết lập chuẩn mực cho kẻ khác noi theo.
Dù Black Ops 4 không dở, Mọt không thể nào bỏ qua câu hỏi rằng điều gì đã khiến Call of Duty của Activision không còn là kẻ đi đầu, và điều đó xảy ra từ lúc nào?
Hẳn game thủ sẽ nói ngay rằng nguyên nhân của sự thay đổi đó là bởi Activision đã quá tham lam khi tung ra một bản Call of Duty mới mỗi năm. Nhưng có lẽ sự thật không phải vậy, hoặc ít nhất là không đơn giản như vậy.
Nếu nhìn lại lịch sử của series này, trò chơi đã ra mắt đều đặn mỗi năm một bản kể từ 2003, dù có các phiên bản Big Red One, Finest Hour và COD 3 không được ra mắt trên PC. Bên cạnh đó, những Modern Warfare và World at War vẫn được game thủ đánh giá rất cao. Modern Warfare 2 cũng nhận được nhiều lời khen ngợi chẳng kém gì kẻ đi trước, với những lời tung hô “FPS hay nhất mọi thời đại,” dù có nhiều tranh cãi quanh màn chơi gây shock No Russian. Ngay cả Infinte Warfare, tựa game với trailer bị dislike đến mức thảm họa trên YouTube cũng có không ít fan sẵn sàng bảo vệ phần chơi chiến dịch của nó trước những lời chỉ trích, và Mọt tin rằng nếu bạn “bình tâm, tĩnh khí” thưởng thức, Infinite Warfare vẫn là một FPS tuyệt vời.
Có lẽ điều đó xảy ra bởi Call of Duty bị “đè bẹp” dưới sức nặng của chính mình. Khi các nhà đầu tư đòi hỏi những con số doanh thu ngày càng cao, và phản ứng tiêu cực khi kết quả kinh doanh không được như mong đợi, bộ ba Infinity Ward, Treyarch và Sledgehammer không thể mạo hiểm thử nghiệm những điều mới mẻ. Là một dòng game danh tiếng và hái ra tiền, có lẽ Activision đã chùn tay trong việc thử nghiệm những điều mới mẻ với Call of Duty, bởi họ sợ hãi thất bại. Thật ra, với quy trình phát triển kéo dài 3 năm và hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD kinh phí, Call of Duty không thể chấp nhận thất bại.
Nhưng họ vẫn thất bại khi COD: Ghosts (2013) “sấp mặt” trước những lời chỉ trích mạnh mẽ từ game thủ lẫn báo giới, dù vẫn được phát triển bởi những người mang cái tên Infinity Ward sau khi Vince Zampella và Jason West bị sa thải. Theo lời của ông Vince, mâu thuẫn giữa Infinity Ward với Activision đã tồn tại từ tận Call of Duty 2, chứ không phải đến khi Modern Warfare ra đời, bởi Activision muốn thêm nhiều tựa game về Thế chiến 2, chứ không muốn chiến tranh hiện đại. “Với Call of Duty 2, chúng tôi không muốn nó nói về Thế chiến 2. Nhưng Activision rất muốn có Thế chiến 2, và thỏa hiệp là chúng tôi sẽ được nhận dev kit (công cụ làm game) cho console. Chúng tôi luôn muốn làm game cho console còn Activision xem chúng tôi là nhà phát triển cho PC.”
“Chúng tôi đã phải đấu tranh cho mọi thứ,” ông Vince cho biết, bởi “Activision đã nghiên cứu thị trường để cho chúng tôi thấy mình sai.” Ngay cả sau những thành công rực rỡ mà Infinity Ward có được với Modern Warfare, sự khác biệt về quan điểm đó vẫn tồn tại và dẫn đến vụ sa thải đầy tiếc nuối này. Sự mâu thuẫn giữa những người tạo ra linh hồn của series với nhà phát hành Activision khiến Ghosts phải gánh chịu hậu quả. Khi chơi thử tựa game này 5 năm trước, Mọt nhận thấy sự thiếu nhất quán của trò chơi. Game có một vài nỗ lực làm mới bản thân, chẳng hạn những bản đồ multiplayer lớn hơn hẳn, nhưng cũng xài lại nhiều nội dung từ các phiên bản trước, chẳng hạn đoạn cắt cảnh mà bạn có thể tự so sánh dưới đây:
So sánh cảnh cuối của Modern Warfare 2 và cảnh đầu của Ghosts.
Sự thất bại về mặt danh tiếng của Ghosts để lại một vết nhơ trong bảng thành tích của Infinity Ward. Phải chăng Ghosts chính là lý do khiến các nhà phát triển Call of Duty không còn khả năng mạo hiểm và cũng không muốn đột phá chính mình, mà chỉ dừng ở mức những lời quảng cáo trong các chiến dịch PR của Activision? Phải chăng nhà phát hành này lo ngại nếu thất bại của Ghosts tái diễn trong thời buổi hiện tại, họ sẽ thiệt hại nặng nề bởi phản ứng tiêu cực của các nhà đầu tư?
Mọt rất muốn biết Call of Duty sẽ ra sao nếu Vince Zampella và Jason West vẫn ở lại với Infinity Ward và tiếp tục làm những tựa game mới. Nhưng bù lại nếu họ không bị sa thải, Titanfall sẽ không tồn tại và làng game cũng sẽ không có Apex Legends ngày nay. Thôi thì đó là chuyện đã rồi, và có lẽ chúng ta nên cùng chờ đợi Call of Duty 2019, mà theo nhiều lời đồn đại sẽ là Modern Warfare 4, kẻ tiếp nối trilogy huyền thoại ngày nào của Infinity Ward.