Phụ Lục
Call of Duty: Black Ops 4 đã chính thức ra mắt. Game thủ khắp thế giới đã được tham gia vào những chế độ multiplayer bám sát tất cả những xu thế mới nhất của làng game, từ những kiểu chơi tốc độ cao, cuồng loạn đúng kiểu Call of Duty, Heist đầy tính toán đến Battle Royale “Blackout” thời thượng. Nó là một phiên bản Call of Duty được Treyarch làm để đạt doanh thu cao nhất có thể, và thể hiện rõ nhất qua việc vứt bỏ mục chơi đơn truyền thống – kiểu chơi mà chỉ có 5% game thủ hoàn tất, theo các số liệu của Activision. Nếu muốn chơi đơn trong Black Ops 4, bạn chỉ có hai lựa chọn: bắn zombie một mình, hoặc tham gia vào các nhiệm vụ ngắn được thiết kế để giúp game thủ làm quen với các lớp nhân vật Specialist trong game.
Nhưng điều đó chưa hẳn đã là xấu. Black Ops 4 đem lại cho Mọt cảm nhận như một PUBG đã được mài giũa cẩn thận, một biến tấu của Counter-Strike, một Call of Duty quen thuộc. Nhờ có rất nhiều chế độ chơi khác nhau, Black Ops 4 tỏ ra có thể thỏa mãn rất nhiều sở thích khác nhau của game thủ. Điều này có được là nhờ vào tay nghề của Treyarch và Beenox trong việc tạo ra một phiên bản PC “chuẩn không cần chỉnh” cộng thêm lối chơi đã được không ngừng chỉnh sửa, hoàn thiện trong suốt 15 năm qua.
Với các fan của thể loại Battle Royale, Black Ops 4 có thể là trải nghiệm Battle Royale tốt nhất trong thời điểm hiện tại. Tác giả cảm thấy hết sức hài lòng với những gì mà Treyarch đã đem lại trong kiểu chơi Blackout, từ những yếu tố quen thuộc đến nhiều biến tấu nhỏ đầy thú vị. Nó sở hữu một lối chơi nhanh hơn, đồ họa được tối ưu hóa để chạy mượt trên rất nhiều cấu hình khác nhau, và vô số tùy chọn để game thủ thay đổi
Điều đáng nói nhất trong chế độ Blackout của Black Ops 4 là Treyarch đã cố gắng bổ sung thêm chất hành động vào lối chơi, bỏ bớt sự tính toán mà game thủ Battle Royale quen thuộc qua PUBG. Các pha đọ súng diễn ra rất nhanh chóng do nhân vật có khả năng di chuyển với “tốc độ bàn thờ” so với PUBG, súng ống đem lại cảm giác nhạy bén hơn, không cần phải quản lý đạn dược, bạn thậm chí có thể bóp cò súng khi đang ở trong menu.
Thêm vào đó, việc bóp cò full-auto thay vì nhấp (tap) từng phát một ở tầm xa cũng đem lại hiệu quả cao bởi súng giật ít hơn hẳn, và đạn bay nhanh hơn bạn tưởng –một điều hợp lý bởi vũ khí trong Blackout là những khẩu súng đến từ tương lai. Bạn thậm chí cũng không thể nấp trong bụi rậm bởi Treyarch đã làm chúng trở thành những khối đặc, nhưng bù lại chúng tạo ra những cái bóng cực đậm mà nhân vật có thể ẩn nấp một cách khá dễ dàng.
Battle Royale
Có lẽ thay đổi lớn nhất mà những game thủ PUBG cần phải chú ý khi tìm đến với Blackout là các perk. Khác với PUBG, không phải lúc nào game thủ cũng phải săn lùng trang bị và vũ khí tốt hơn, mà bạn phải tập trung vào việc “lên đồ” cho nhân vật của mình sao cho hiệu quả nhất với những perk mình có. Game thủ sẽ phải bỏ thời gian ghi nhớ, lựa chọn các perk, tìm kiếm vật phẩm, vũ khí phù hợp và biết được mình phải sử dụng chúng vào lúc nào.
Các vật phẩm và perk trong Blackout quan trọng đến mức nào? Hãy để Mọt cho bạn vài ví dụ nhỏ. Sensor Dart tương đương với một UAV do thám cho phép bạn biết được kẻ địch đang nấp ở đâu trong khu vực – một lợi thế cực lớn nếu bạn biết mình sắp phải đọ súng sống còn. Dead Silence giúp bạn tiếp cận mục tiêu trong âm thầm, Consumer đem lại khả năng nốc các loại vật phẩm hồi máu cực nhanh… Bất kỳ ai cũng có thể dùng những vật phẩm/perk này, và Mọt tui tự hào đã từng bị gọi là… hacker khi sử dụng chúng trong game.
Nhìn chung, Blackout đem lại cảm giác như một phiên bản hoàn thiện hơn của PUBG với chút ít thay đổi, đủ để lôi kéo một số lượng không nhỏ game thủ PUBG. Trở ngại duy nhất là ở giá cả: PUBG chỉ 30 USD hoặc 330.000 đồng, còn Black Ops 4 có giá đến 60 USD.
Trong khi đó, các chế độ multiplayer truyền thống của Black Ops 4 không có gì mới mẻ ngoài việc bỏ đi những chiêu leo tường, nhảy rào của Black Ops 3 để trở về lối chơi truyền thống “boots on the ground” khiến nhịp độ trận đấu giảm đi đôi chút. Game đã giảm bớt tầm quan trọng của phản xạ và kỹ năng để thêm chỗ cho các suy tính, được thể hiện rõ nhất qua chế độ chơi Heist có phần giống với Counter-Strike, nhưng nhìn chung đây vẫn là một trải nghiệm nhanh chóng mặt đúng kiểu Call of Duty.
Tuy nhiên, việc đơn giản hóa hệ thống di chuyển không đồng nghĩa với việc nhân vật bạn điều khiển (các Specialist) trở nên chậm chạp và nặng nề. Họ vẫn chạy nhảy, trượt, leo trèo hết sức nhanh nhẹn, và được trang bị những kỹ năng hào nhoáng chẳng khác gì các hero trong Overwatch. Sự khác biệt chính nằm ở chỗ các loại súng mà bạn dùng quan trọng chẳng kém gì những kỹ năng bạn có, nếu không muốn nói là còn có phần hơn.
Blood of the Dead
Nếu ví Black Ops 4 như kiềng ba chân, cái chân giữa… chân thứ ba của nó chỉ có thể là Zombies. Đây là “món tủ” của Treyarch từ xưa đến nay, và Black Ops 4 cũng không ngoại lệ. Treyarch đã cố gắng thay đổi công thức món zombie của mình để tránh nhàm chán bằng việc bổ sung thêm nhiều nhiệm vụ phụ đủ kiểu vào 3 bản đồ của chế độ Zombies, nhưng về cơ bản thì mọi thứ vẫn vậy. Nó vẫn là một trường bắn nơi game thủ thi nhau headshot, thỉnh thoảng được “đổi gió” bằng những con zombie đặc biệt có thể ăn hàng tấn đạn trước khi gục ngã. Sau vài giờ headshot binh đoàn quái vật, Mọt cảm thấy rằng nó chẳng thể nào thay thế được Left 4 Dead hay những tựa game ăn theo như Earthfall, ngoại trừ việc có một cộng đồng đông đảo hơn hẳn.
Tóm lại, Black Ops 4 không phải là một tựa game đầy sáng tạo hay đột phá. Nó chỉ là một trò chơi nâng cấp, hoàn thiện những gì đã được thực hiện trong nhiều năm qua, nhưng “ghi điểm” nhờ bàn tay lành nghề của hai studio phát triển trò chơi. Nó đem lại đúng những gì mà các fan của Call of Duty và Battle Royale mong muốn, nên có lẽ nó sẽ lại là tựa game đứng đầu về doanh số của năm nay.