Sau tháng 10 đầy hấp dẫn với nhiều tựa game lớn trúng gout, thì với tui tháng 11 xem ra sẽ khá ảm đạm nên tui quyết định sẽ quay trở lại cùng các tựa game indie lạ miệng. Bendy and The Ink Machine đã từng được đánh giá khi chương đầu tiên ra mắt hồi đầu năm nay, bẵng đi một thời gian không ngờ game đã ra tới chương 3 và đi xa hơn những gì tui tưởng tượng rất nhiều. Có những điểm xuất sắc hơn nhưng cũng có nhiều thiếu sót chưa được cải thiện, thế nên tui quyết định làm ngay một bài kiểm định chất lượng cho những chương tiếp theo của tựa game thú vị này.
Ở chương 1 của Bendy and the Ink Machine, chúng ta đã bị bỏ lại trong cảnh Henry vừa đến được một pháp trận kì lạ rồi gục ngã, chương 2 tiếp nối ngay tại đó và người chơi được đưa sang một khu vực khác với nhiều con quái từ mực hơn cũng như xuất hiện thêm các kẻ thù mới. Nếu nghĩ rằng thoát khỏi tầng hầm sẽ đỡ hơn thì xem ra chúng ta đã lầm to, toàn bộ xưởng phim này rõ ràng đã bị thế lực ma quái nào đó điều khiển. Ở chương sau này bọn quái xuất hiện lộ liễu hơn và liên tục hơn, Henry sẽ lang thang đến khu vực thu âm của xưởng phim và bắt gặp kẻ thù thứ 2 - Sammy.
Tuy vẫn còn cảm thấy thú vị với cốt truyện nhưng rõ ràng bằng một nhận xét khách quan, tui vẫn phải công nhận anh em sẽ mau chóng cảm thấy có vẻ như bên làm game đang cố gắng nhằng nhì để kéo dài số chương ra và kiếm được nhiều tiền hơn, vì game này ra theo kiểu từng chương còn người chơi phải mua chương mới để chơi tiếp. Với thời lượng game khoảng 40 - 90 phút mỗi chương tuy nhiên yếu tố nội dung trở nên loãng hết sức. Dọc theo mỗi nhiệm vụ chúng ta đều sẽ có thêm manh mối như bài báo, một đoạn ghi âm nào đó kể về xưởng phim này cùng những nhân vật của nó, song kì thực chúng rất tủn mủn và chẳng đâu vào đâu. Tạm thời chúng ta mới biết được rằng con Bendy kì thực có thể chính là hóa thân của tay chủ xưởng phim Joey Drew - người bạn thân đã mời nhân vật chính Henry tới nơi này. Hắn trong từng đoạn băng thu âm đều thể hiện rõ tính chất mơ mộng và có phần tự mãn, ám ảnh với việc tạo nên sự sống cho những nhân vật, hay thậm chí còn điên rồ hơn thế. Chiếc máy in có mối liên hệ to lớn với mọi sự việc quái đản xảy ra tại đây, khi con quái Sammy kì thực từng là một nhân viên của xưởng này. Rất nhiều giả thiết có thể xảy ra khi chúng ta nghĩ tới tổ hợp chiếc máy in - mực - người chết - lũ nhân vật hoạt hình chạy rông giết người.
Cuối chương 2 Henry sẽ có được đồng minh đầu tiên là Boris - nhân vật có ngoại hình như chú chó Goofy - sau khi chạy thoát khỏi Bendy. Hắn sẽ là người đi theo giúp đỡ ta trong suốt chương thứ 3 và cũng không khỏi khiến tui thắc mắc khi Boris có vẻ không điên loạn. Chương 3 có kết cấu thú vị hơn khi chúng ta sẽ có đến 2 kết thúc khi quyết định đi theo hướng The Demon hay The Angel tại đầu game.
Cả hai lựa chọn đều sẽ đưa chúng ta đến chỗ phản diện chính của chương này, nhân vật Alice Angel. Cô ta được tạo hình như một cô ca sĩ thuần khiết, nàng thơ của Bendy. Cơ mà có vẻ trong quá trình sản xuất sản phẩm có hơi khác với thiết kế ban đầu nên Alice không được thiên thần cho lắm nữa...
Tạo hình ban đầu
Thành phẩm ban cuối
Chương 3 tiếp tục với những nhiệm vụ nối tiếp nhiệm vụ, chạy trốn rồi hoàn thành để nhận thêm nhiệm vụ mới. Trong lúc đó thì cô nàng Alice sẽ liên tục lảm nhảm bên tai bằng cái giọng thánh thót the thé nghe miết sẽ phát điên, những manh mối cứ manh mún dần dần. Kì thực tới lúc này cảm giác kinh dị không còn nhiều nữa, và hầu hết các chiêu trò hù dọa bất ngờ hay chạy trốn đều làm tui không cảm xúc. Chương này kết thúc bằng việc Boris sẽ bị bắt đi mất và người chơi được cho hai tấm hình khác nhau (tùy lựa chọn lúc đầu).
Kết thúc của The Demon
Kết thúc của The Angel
Trong 2 tấm hình này đều ẩn ý những gì sắp xảy ra trong chương 4. Tui hi vọng ở những chương sau nhịp độ câu chuyện nhanh hơn một chút và bớt câu giờ hơn một chút, vì rõ ràng người chơi đang mất dần kiên nhẫn bới cái kiểu lê thê chấm mút thế này. Chương 4 cần một gia vị đậm nét hơn trong cốt truyện, một bất ngờ to lớn để giữ chân chúng ta, khi mà xem ra game chỉ mới đi được một nửa lộ trình mà nội dung đã có phần đuối sức.
Lúc chơi lại thì tui mới phát hiện ra chương 1 của game đã có bản update, sẵn tiện bản thân cũng quên đi ít nhiều nội dung và cách chơi nên tui cũng down luôn bản update để chơi lại. Chương 1 vẫn có tiến trình tương tự nhưng sau khi cập nhật thì chúng ta có thêm vài màn đụng độ Bendy hay một vài khu vực mới được mở rộng.
Kết cấu của game vẫn nặng kiểu giải đố và trốn chạy nhiều hơn tấn công, nên sẽ có những màn chiến đấu khiến người chơi bở hơi tai vì nếu lỡ không cầm theo vũ khí từ đầu màn, đồng nghĩa với việc bạn phải chơi lại từ chỗ cần thiết để lấy vũ khí, mà nó thường rất là dài. Vũ khí chủ yếu của game vẫn là cây rìu quen thuộc mà chúng ta sẽ dùng để phá đường, mở thùng hay chặt chém mấy con quái vật. Thú thực thì tui có mong ngóng vài món gì đó khác, chẳng hạn như ở chương 3 đã có lúc chúng ta cầm được cây súng khoan nhưng rốt cuộc, Henry vẫn chỉ dùng nó để... đập vào đầu mấy con quái.
Nhiệm vụ là thứ dễ gây chán nản nhất trong gameplay của Bendy and the Ink Machine, ở chương 1 chúng ta thấy vẫn ok thôi nhưng khi nó tiếp tục nhiều hơn qua mỗi chương mà không có gì cao trào quá nhiều thì ta mau chóng cảm thấy nhàm chán. Nhất là ở chương 3, Henry buộc phải liên tục theo yêu cầu của Alice để mà đi lấy cái này cái nọ cái kia, kẻ thù thì không có gì mới mẻ, khu vực cũng chỉ luẩn quẩn từng ấy, thực sự mệt mỏi. Được cái bây giờ mỗi khi bạn pause game, chúng ta sẽ thấy được mục tiêu hiện tại cùng một lời chỉ dẫn nhỏ để hoàn thành, phòng khi anh em buồn ngủ quá quên mất mình phải làm gì.
Đến lúc này tui đã chỉ tập trung vào những bí mật và nhiệm vụ thu thập để làm vui. Tuy là một game indie nhưng Bendy and The Ink Machine vẫn có nhiều thành tựu hay bí mật nho nhỏ để người chơi tìm kiếm xuyên suốt game. Đó có thể là những đoạn âm thanh được cất ở đâu đó hay nhiệm vụ phụ như tìm xương cho tay bạn Boris đồng hành, thôi thì ít ra mấy cái nhỏ nhỏ đó cũng khiến ta thích thú hơn đôi chút.
Cái mà tui tiếp tục phải tán dương chắc chỉ có hai thứ này. Hình ảnh của Bendy and the Ink Machine vẫn được trau chuốt tỉ mỉ, sau khi cập nhật thì rõ ràng còn mịn màng, mượt mà hơn hẳn. Vẫn kết hợp yếu tố 2D nửa 3D đậm nét hoạt hình cổ điển, khung cảnh u ám hơi xỉn vàng vẫn đủ sức đem tới nỗi sợ len lỏi cho người nhìn. Ánh sáng được cải thiện nhiều nhất, khi mà chúng ta đã thấy được bề mặt loang loáng của mực tràn trên sàn nhà mỗi khi ánh sáng đi tới, hay độ lắc lư chớp tắt của những ngọn đèn leo lét trong khung cảnh. Mỗi tội trung thực quá nên game có phần tối đi nhiều, lắm lúc đã chỉnh max ánh sáng mà vẫn có vài chỗ tui toàn thấy mặt mình rọi lên màn hình máy tính.
Âm thanh thì khỏi chê luôn. Tui bất ngờ khi game nhỏ kiểu này mà đội ngũ lồng tiếng cực kì xuất sắc. Cách nói chuyện của Joey Drew đậm chất điện ảnh như kiểu ta hay nghe các phim tài liệu cũ thời thập niên 30-40, hay Alice Angel quả thực mang chất giọng như một pa thứ thiệt (ngay cả lúc ả rít lên). Ngay cả giọng nói lẩm bẩm một mình của Henry cũng rất ngọt tai, tui cũng bất ngờ khi tự nhiên game kinh dị mà nhân vật chính giọng trầm ấm như một nam thần.
Bendy and the Ink Machine không chú trọng lắm vào nhạc nền, chủ yếu là hiệu ứng âm thanh vật chất như tiếng chân, tiếng đập gỗ nhằm tăng yếu tố kịch tính mỗi khi bọn quái xuất hiện, tự nhiên một bài nhạc chói tai kiểu phim kinh dị Psycho sẽ nổi lên làm người chơi thót hết cả tim. Tạm thời về mặt nghe nhìn thì tui không có gì để phàn nàn hết.
Bendy and the Ink Machine tiếp tục nhận được sự ủng hộ không ít từ cộng đồng thích chơi indie nhưng xem ra tựa game này đang cần một cú hích, một sự đột phá nhiều hơn trong những chương kế tiếp. Tui không nói rằng game tệ, nhưng rõ ràng nó đang dậm chân tại chỗ và điều đó không tốt cho một game ra từng chương như nó chút nào. Nhất là trong năm nay chúng ta đã thấy quá nhiều tựa game indie xuất sắc như Little Nightmare hay gần đây nhất là Cuphead, hi vọng Bendy and the Machine không để vuột mất sự kì vọng và yêu mến mà nó đang có hiện nay.