Vậy là sao một thời gian chờ đợi và nghe quảng cáo khá lâu, cuối cùng thì Artifact – tựa game thẻ bài được trông chờ nhất năm 2018 cũng chính thức ra mắt người hâm mộ. Được sự hậu thuẫn từ Valve và lấy nguyên dàn hero hùng hậu từ Dota 2 làm chủ đạo, Artifact được trông chờ sẽ là tựa game thẻ bài chủ lực trong thời gian tới của đế chế Valve.
Điều đầu tiên Mọt Game cần phải nói, đó là Artifact có một khối lượng nội dung cực kỳ đồ sộ, cả về cách chơi, số lượng card và cả khối lượng công việc cần xử lý trong một ván. Đã có khá nhiều bài viết mô tả lối chơi của Artifact, do đó tôi sẽ chỉ nêu ngắn gọn những cái cơ bản như sau:
- Bàn đấu chia làm 3 lane giống như Dota 2, người chơi sẽ thao tác theo thứ tự từ trái sang phải.
- Mỗi lane sẽ có trụ (tower), sau khi phá xong trụ thì sẽ xuất hiện nhà chính (Ancient) ở cùng lane đó. Chiến thắng trong ván đấu sẽ được quyết định khi 1 trong 2 phe phá được 2 trụ hoặc nhà chính đối phương.
- Bài trong Artifact chia làm 2 loại chính là Unit (creep và Hero) cùng Spell (phép).
- Unit sẽ tự động tấn công đối phương đối diện nó, nếu không có thì nó sẽ đập vào trụ hay nhà chính. Creep và Hero có chỉ số giống nhau, bao gồm sức tấn công, phòng thủ và máu. Sát thương được tính như sau: Tổng sát thương trừ giáp thành sát thương vào máu, khi hết máu thì lá bài đó bị loại ra khỏi lane (riêng Hero thì sẽ hồi sinh sau một thời gian).
- Mỗi người chơi sẽ được chọn 5 hero trong bộ bài của mình, hero được thành các nhóm theo 4 màu Xanh lá, Xanh dương, Đỏ và Đen – tương ứng với từng chức năng như Dota 2.
- Các lá bài cũng tương tự, hero màu nào sẽ chỉ sử dụng được lá bài màu đó. Hero sẽ có thêm các kỹ năng đặc biệt hoặc tuyệt chiêu cuối của riêng mình.
- Tài nguyên chính để sử dụng trong Artifact là mana, khởi đầu với 3 mana và tăng dần theo từng lượt, cả 3 lane sẽ có lượng mana tách biệt nhau.
- Một bộ bài sẽ có 40 lá, mỗi lượt người chơi sẽ được bổ sung 2 lá.
- 1 lượt trong Artifact được chia ra làm 2 phase là Shopping (dùng tiền từ việc giết hero và creep địch để mua đồ), tiếp đó tới Deployment Phase – sắp xếp hero vào lane mình muốn, riêng creep mặc định của game thì chúng sẽ được xếp ngẫu nhiên.
- Sau khi hết Deployment Phase, 2 người chơi sẽ lần lượt ra bài và tiến hành chiến đấu với nhau lần lượt trên cả 3 lane, mọi thứ sẽ lập lại như vậy cho tới khi có người chiến thắng.
Thực ra nhìn dài dòng như vậy nhưng cơ chế chơi của Artifact khá dễ hiểu, bạn sẽ nắm được nó trong khoảng 15 phút hướng dẫn cơ bản. Cái khó của game là việc làm sao để tối đa hóa các lá bài của mình, không có giới hạn cho việc sắp xếp tức là bạn có thể bỏ 4 Hero ở 4 màu khác nhau vào deck cũng được, chỉ có là sẽ không có bài để dùng mà thôi. Một bộ bài chỉ có đúng 1 màu sẽ rất dễ triển khai vì lá nào bạn bốc lên cũng chơi được, nhưng lại thiếu đi sự đa dạng chiến thuật và rất dễ "bốc sh*t" vì bị đối phương counter đúng điểm yếu của màu đó. Còn nếu quá nhiều màu sẽ dẫn đến chuyện không có Hero tương ứng mà sử dụng, bạn sẽ rơi vào tình trạng Hero trên bàn màu Đỏ mà tay toàn cầm bài kỹ năng đen, xanh - xài bằng nồi.
Một điểm chết toi nữa là với cơ chế 3 lane, thì việc có bài xịn trên tay nhưng ở lane mình muốn lại không có hero đúng màu đó là thứ khá là âm binh chướng khí, nó đòi hỏi người chơi không những phải tính một mà là 3 tới 4 nước mỗi lần đi. Do cơ chế là xem ai phá được 2 trụ trước hoặc nhà chính trước, tức là mỗi bên sẽ có 2 mục tiêu để lựa chọn nên Artifact khá giống một ván cờ, khi mà bạn có thể chấp nhận hi sinh hẳn 2 lane để có thể hủy diệt nhà chính đối thủ.
Mức độ tryhard trong Artifact không hề thua gì Dota 2, một ván đấu có thể kéo dài tới 20 phút hoặc hơn tùy mức độ chày cối của hai bên. Hãy tưởng tượng bình thường bạn chỉ chơi trên một chiến trường, thì Artifact là 3 – gấp 3 lần khối lượng suy nghĩ, gấp 3 lần mức độ tính toán, đặc biệt đến giai đoạn hai bên bắt đầu đổi trụ cho nhau. Nói thật thì đánh 1 bàn bài đã mệt, đánh 3 bàn bài song song với 3 thế bài khác nhau nhưng lại liên kết với nhau thì quả là... rớt não.
Do Artifact là một game Trading Card Game, nên bạn có thể mua – bán bài bằng tiền thật ngay trong game cực kỳ nhanh và tiện lợi. Ngoài ra nó còn có một thứ tài nguyên khác gọi là Ticket (vé), các vé này dùng để tham gia arena tự do, tại đây phần thưởng sẽ tính theo số trận thắng của bạn. Valve hẳn rất hào hứng trong việc biến Artifact thành một game có hệ thống mua bán như Dota 2, khi họ tích hợp cho nó rất nhiều yếu tố tiện dụng cho các con buôn – nhưng chính vì điều này cũng đang khiến hãng bị cộng đồng chửi như tró trên Steam.
Vốn Artifact đã là một game trả phí (470 ngàn tính theo tiền Việt – hoặc 20 USD), nên nhiều game thủ chỉ trích việc Valve còn đưa thêm cả tính năng mua bán bài bằng tiền thật vào là vô cùng bất cập. Chúng ta đều biết một bộ bài xịn đều là tổng hợp từ các lá bài mạnh, nhưng với việc mua bằng tiền thật như vậy thì phải bỏ bao nhiêu tiền cho đủ? Valve có thể dự tính là người chơi sẽ bán các lá bài thừa để mua các lá xịn hơn, nhưng như vậy vẫn là quá đáng vì lượng tiền bị đội lên cực nhiều.
Người viết đã dạo một vòng chợ trong game và xem xét một hồi thì các lá bài xịn có giá từ 70 tới 400 ngàn đồng, trong khi đó đám rác rưởi chỉ đáng vài ngàn lẻ. Khi mới vào game sẽ cho người chơi 10 pack miễn phí và 5 ticket, nhưng như thế chả đáng là gì mà chỉ đủ để nhập môn mà thôi. Điểm kém của Artifact là nó quá chú trọng tới tiền, vì hầu như không có cách để kiếm bài miễn phí (ticket cũng phải kiếm bằng cách recycle các lá bài thừa), cho nên cộng đồng đang chỉ trích Valve hút máu game thủ quá đà.
Hơn nữa là hiện tại Artifact không có hệ thống ranking, đồng nghĩa sẽ không thể phân hóa được trình độ người chơi và các phần thưởng xếp hạng. Tất cả mọi thứ ở tầm Expert (một cách gọi kiểu “cao thủ” của Artifact) đều tốn một đống tiền để tham gia, với 5 cái ticket khởi điểm thì một người chơi mới trừ khi phải có trình độ như thánh, còn không là chỉ có cúng nó vô ích trong quá trình tìm hiểu game mà thôi. So sánh với một game khác là Hearthstone thì Artifact quả là rất tham lam, khi mà Hearthstone ít ra còn có nhiệm vụ hàng ngày cho người chơi miễn phí có cái để kiếm tiền.
Hiện tại Artifact đang bị đánh giá là Mixer trên Steam, nếu kéo xuống phần bình luận bạn sẽ thấy hầu hết game thủ đều chửi rủa vụ mua bán tiền thật, chứ còn lối chơi thì game được khen rất nhiều. Artifact là một game vô cùng có tiềm năng, nhưng nếu Valve cứ để nó hút tiền như vậy thì tương lai khó mà tươi sáng được.