Vậy là bom tấn được trông chờ nhất 2020 (hay là FFVII Remake nhỉ?) The Last of Us Part II đã chính thức ra mắt người hâm mộ. Sau một thời gian dài chờ đợi mỏi mòn cộng thêm hàng đống tin đồn, cốt truyện bị leak và ti tỉ thứ phiền hà khác... cuối cùng game thủ đã có thể trải nghiệm tựa game AAA này một cách hoàn hảo. Mặc dù Mọt Game cũng chỉ mới chơi được có vài tiếng, nhưng theo cảm nhận của cá nhân thì có lẽ The Last of Us Part II (sau đây sẽ gọi tắt là The Last of Us 2 hay TLOU 2) sẽ tiếp tục là một siêu phẩm khác, thậm chí còn vượt trội hơn cả phần một.
Về mặt cốt truyện, nội dung của The Last of Us 2 nối tiếp những diễn biến trong phần một, khi Joey cứu Ellie khỏi số phận phải trở thành vật hi sinh để chế thuốc giải chống lại đại dịch nấm độc. 5 năm sau những biến cố này cả hai người đã chuyển tới khu dân cư Jackson County, yên phận làm những người công dân tốt tại đây, Ellie bắt đầu có những người bạn mới và đặc biệt bước vào tuổi bắt đầu yêu đương. Joey cũng trở nên đằm tính hơn khi nối lại mối quan hệ lâu năm với người anh em Tommy nhưng tội lỗi trong quá khứ lại một lần nữa tìm tới họ.
Cái việc đầu tiên mà tôi cả thích lẫn không thích ở The Last of Us Part II đó chính là việc game giữ nguyên tính cách nhân vật, Ellie yêu dấu của chúng ta vẫn giữ nguyên tính cách ngang tàng nhưng ở tuổi 19 thì cô bé đã bắt đầu học tập các kỹ năng sống mới, và tỏ ra hòa nhập hơn với những cư dân trong khu cộng đồng mình đang sinh sống.
Nhịp độ của The Last of Us 2 diễn ra với một tốc độ chóng măt, khi ngay từ đâu bạn sẽ bị nhồi hàng núi thông tin nối tiếp nhau. Hơn nữa có vẻ như game sẽ diễn ra theo 2 góc nhìn của 2 nhân vật khác nhau, vì ngoại trừ Ellie ra thì game thủ sẽ được điều khiển một cô gái khác có tên là Abby. Abby đang trên đường săn đuổi một người đàn ông và hành trình của cô ta vừa vặn lại kết thúc ở Jackson County, tới đây thì bạn chắc cũng đoán ra được phần nào rồi đó.
Không như phần một The Last of Us 2 lựa chọn cách dẫn truyện kiểu quay ngược, tức là nó sẽ đưa cho bạn các thông tin ở thì tương lai sau đó truy ngược về quá khứ. Người chơi có thể ngay lập tức đoán ra được kẻ thù của Abby là ai, nhưng nguyên nhân tại sao cô ta làm việc thì game chưa giải thích vội. Nó khiến cho nhịp độ game cực kỳ nhanh cũng như tạo được rất nhiều nút thắt bí ẩn, đồng thời việc điều khiển 2 nhân vật cũng khiến cho góc nhìn trong TLOU 2 đa chiều hơn, vì ngay từ đầu bản thân Joey cùng Ellie đã không thể xếp vào dạng nhân vật có tính “thiện” rồi.
Cốt truyện nhanh cũng kéo theo việc chiến đấu nhanh hơn, giờ đây cả Abby lẫn Ellie đều sở hữu khả năng combat đáng nể khi bọn họ có thể dùng võ thuật cận chiến để đấm tay bo (đúng nghĩa đen) với đám Infected thông thường (trừ bọn Clicker, dĩ nhiên). Game bổ sung rất nhiều cơ chế mới trong đó nổi bật nhất là khả năng né đòn, bạn có thể canh thời gian chuẩn và nhấn L1 để nhân vật mình đang điều khiển ngả người ra sau tránh một cú vồ của đám Runner, sau đó nhấn vuông để tấn công lại ngay lập tức.
Điều ngon lành tiếp theo là việc steath kill cũng dễ dàng hơn trước trong khi cơ chế Listen Mode vẫn được giữ nguyên, các nhân vật có thể nghe được tiếng bước chân xung quanh, cảm giác khi chơi hành động lén lút vẫn được giữ được tính căng thẳng và nguy hiểm như ở phần một.
Có một thứ hơi phê là kẻ thù trong The Last of Us 2 nguy hiểm hơn và đông hơn hẳn phần trước, tôi đã gặp một trường đoạn phải điều khiển Abby chạy trốn khỏi mấy chục con Runner và thậm chí chúng còn không ngừng túa ra, đông tới mức như cảm giác đang chơi Days Gone. Clicker vẫn là thực thể có tính uy hiếp trí mạng khi chúng ta buộc phải đi nhẹ sát người để giết nó, nhưng mọi thứ còn tệ hại hơn nhiều khi bọn quái quỷ này thường xuyên xuất hiện cùng đám Runner thường. Hãy tưởng tượng bạn đang melee combat nhiệt tình như một vị thần, bỗng nhiên thấy nguyên một con quỷ lao vào cắn nát cổ mình từ đằng sau, đó là một trải nghiệm thật sự là ức chế chứ chẳng vui vẻ gì đâu.
Nhịp độ nhanh là một chuyện, nhưng The Last of Us 2 còn làm thêm một trò nữa là không có chỉ dẫn cụ thể. Rất nhiều trường đoạn game sẽ quăng bạn vào giữa cánh đồng tuyết, sau đó mặc xác cho người chơi tự mà tìm đường. Thực sự đã có mấy lần tim tôi muốn rời ra khỏi lồng ngực tới nơi, khi mà tự nhiên thấy gần cả chục con Runner từ đâu xuất hiện ngay trước mặt mình. Sau đó là một màn chạy trong tuyệt vọng khi không biết đâu là đường đúng, vừa chạy vừa sợ mình đang chạy lòng vòng trong vô vọng, cải tiến này cực kỳ đáng giá vì nó đẩy nhịp game lên cực cao, khác hẳn cái kiểu lờ đờ như phần một và phù hợp với các game thủ hiện đại hơn.
Hình ảnh của The Last of Us 2 tôi đánh giá chỉ ở mức tốt, có điểm tôi chưa thích vì chuyển động cũng như tương tác vật lý của nó chưa thực sự ấn tượng. Bạn sẽ không thấy các dấu chân hằn trên tuyết đúng với sức nặng cơ thể, hoặc những phần cây cỏ có ánh nắng chiếu qua vẫn còn rất giả. Cơ mà để bù lại cho phần này thì nhà phát triển “Chó Bẩn” của chúng ta đã cài cắm rất nhiều chi tiết thú vị, kiểu như Ellie và Dina tìm thấy nguyên một vườn rau "cần" dưới lòng đất, các ống điếu độc nhất vô nhị làm từ mặt nạ phòng độc hay cảnh Joey bị thương toác hết cả phần đầu gối lộ ra tới xương... những chi tiết đắt giá ấy đã khắc họa thành công một thế giới đặc biệt khốc liệt và đậm chất "cơm gạo" chỉ cho người trưởng thành. Bạn có thể không tin nhưng tôi bảo đảm các nhân vật trong game chửi thề có khi còn nhiều hơn ăn cơm nữa.
The Last of Us 2 thực sự cuốn hút người chơi với nhịp game kích động liên tục, bạn sẽ không bao giờ có thời gian để nghỉ ngơi vì các sự kiện sẽ luôn diễn ra chồng chéo lên nhau, mà ác nghiệt là sự kiện nào cũng rất kích thích chúng ta chơi tiếp để khám phá. Mặc dù chỉ mới trải nghiệm game trong thời gian ngắn, nhưng tôi thực sự cảm thấy The Last of Us 2 sẽ trở thành một siêu phẩm – một siêu phẩm sẽ vượt trội gấp nhiều lần người tiền nhiệm.