Được phát triển bởi Tokyo RPG Factory và do Square Enix phát hành, nên không có gì lạ khi Oninaki nhận được rất nhiều sự chú ý trong cộng đồng. Giới thiệu một lối chơi hành động chặt chém mới lạ, đáng lý Oninaki sẽ xuất sắc hơn rất nhiều nên Tokyo RPG Factory không giữ khư khư phong cách nhập vai cổ điển của mình.
Bất chấp lối chơi nhìn qua có vẻ hoàn toàn không giống nhau, Remnant: From the Ashes vẫn làm được cái cốt lõi giống như Bloodborne – đó là độ khó vãi nồi.
Lối chơi của Oninaki xoay quanh kiểu hành động chặt chém góc nhìn thứ ba, điểm khác biệt của nó là thay vì sử dụng vũ khí như bình thường, thì game thay thế bằng các Daemon mà người chơi thu được theo thời gian. Mỗi Daemon như vậy sẽ tượng trưng cho một loại vũ khí và phong cách chiến đấu khác nhau, thí dụ như Katana, búa, lưỡi hái, giáo hay nỏ… người chơi có thể chuyển đổi Daemon bất cứ khi nào mình muốn kể cả khi chiến đấu, ứng biến tùy theo kẻ địch mà mình gặp phải.
Mỗi Daemon sẽ có một moveset và kỹ năng hoàn toàn khác biệt, như Katana di chuyển nhanh bằng cách lướt, búa chậm chạp nhưng có thể đỡ đòn hoặc lưỡi hái với tầm tấn công rộng xung quanh người. Người chơi sẽ cảm nhận rõ sự thay đổi mỗi khi chuyển Daemon và phải thực sự thuần thục chúng thì mới có thể sử dụng được, hơn nữa mỗi Daemon có thể sử dụng 4 kỹ năng tấn công khiến cho sự lựa chọn trong khi chiến đấu càng phong phú hơn.
Tuy vậy có một điểm trừ của Oninaki là cơ chế luyện cấp của Daemon, khi bạn sử dụng một Daemon nào đó thường xuyên thì nó sẽ nhận được điểm để nâng kỹ năng. Vấn đề ở đây là số điểm này chỉ dành cho Daemon đang sử dụng, thành ra sẽ dẫn tới việc Daemon lúc đầu rất mạnh còn đám lấy được về sau thì phải luyện lại từ đầu. Điều này dẫn tới việc người chơi “lười” thay đổi và thà là cứ bám lấy Daemon quen thuộc cho rồi, nó vô tình khiến cho Oninaki chệch khỏi hướng đi ban đầu.
Oninaki có 3 mốc độ khó khác nhau, chúng ảnh hưởng tới sức mạnh cũng như khả năng rớt đồ của quái vật. Tuy vậy đám quái trong game mặc dù đông nhưng đòn thế của chúng khá đơn điệu, đường đạn bay lại chậm nên chỉ cần chú ý một chút là người chơi sẽ không thể nào bị hạ gục – kể cả là ở độ khó cao nhất.
Trong quá trình chơi Oninaki, game thủ có thể chuyển đổi giữa hai thế giới con người và linh hồn, ở thế giới linh hồn nhân vật chính sẽ nhận được các buff sức mạnh tùy thuộc khu vực, thấy được các linh hồn người chết để làm nhiệm vụ. Việc chuyển đổi giữa hai thế giới này có tác động quan trọng cả về cốt truyện, đánh trùm lẫn làm các nhiệm vụ phụ... vì một số nhân vật nhất định chỉ xuất hiện trong thế giới linh hồn và ngược lại.
Vũ khí trong Oninaki đi theo Daemon, bạn sẽ nhặt được chúng ngẫu nhiên trong quá trình chơi và do mỗi Daemon là hoàn toàn độc lập, nên những con đi theo từ đầu chắc chắn sẽ có đồ xịn hơn đám vừa thu phục được, vô tình càng khiến game đi vào lối mòn. Người chơi có thể gắn các loại ngọc để tăng sức mạnh cho vũ khí, chúng đòi hỏi một thời gian cày cuốc kha khá đấy.
Tuy vậy tính tới thời điểm hiện tại có một vấn đề mà rất nhiều game thủ than phiền về Oninaki, đó là tiết tấu của nó quá chậm, thậm chí là chậm tới mức buồn ngủ. Cách dẫn truyện trong game quá dài dòng lê thê mang đậm phong cách của các game JRPG cổ điển, các nhân vật nói chuyện với nhau quá nhiều và kể cả bạn đang ở ngoài đánh quái thì cứ khoảng 15-20 phút lại có cắt cảnh, nó khiến nhịp game bị ngắt quá nhiều. Hơn nữa hầu hết các đoạn hội thoại của Oninaki lại không có lồng tiếng, thành ra người chơi chả có hứng thú gì để mà theo dõi mà chỉ muốn skip hết cho nó nhanh.
Một vấn đề nữa là mặc dù phong cách chiến đấu của Oninaki khá hay, nhưng nó cũng gặp một vấn đề nữa là quá chậm. Tốc độ ra đòn của nhân vật chính khá là lề mề, cộng thêm mỗi khi tung ra kỹ năng thì phải chờ khoảng 0,2 tới 0,3 giây delay, dẫn tới việc các combo không được liền mạch và tạo cảm giác rất khó chịu. Cái này là do thiết kế của game vì khi bạn thức tỉnh manifestation thì tốc độ lại tăng vèo vèo và combo thì đi vù vù, đối với thể loại hành động chặt chém thì combo chậm là thứ tối kị.
Cuối cùng, hình ảnh trong Oninaki gần như không có cải tiến gì so với các game trước đây của Tokyo RPG Factory, vẫn là cái kiểu tông màu sáng đi kèm hiệu ứng mờ ảo trong Iam Setsuna. Các nhân vật đã ít lồng tiếng và khi vào các đoạn hội thoại thì lại không có biểu cảm gì, thành ra game nó cứ trơn tuột từ đầu tới cuối chẳng đọng lại chút gì đáng nhớ cả. Thành ra chơi Oninaki thì chú trọng chặt chém là nhiều, chứ cốt truyện thì bỏ qua cho nhanh.
Nhìn chung Oninaki vẫn là một game khá hay, chỉ đáng tiếc là do Tokyo RPG Factory vẫn giữ nguyên truyền thống làm game phong cách old school của mình nên khiến nó trở nên kém hấp dẫn đi nhiều. Điều này thể hiện rõ qua số điểm của Oninaki, khi nó chỉ đạt mức điểm 6 tới 7,5/10 trên hầu hết các trang đánh giá.