Ngày thứ 3 13/10/2020, tựa game 2 năm tuổi Among Us bắt đầu thử nghiệm beta cho một bản cập nhật mới sau hơn một năm trời chỉ có vài bản update nhỏ. Với bản cập nhật này, nhà phát triển Innersloth tập trung vào việc đem lại cho game thủ một trải nghiệm thú vị hơn khi chơi, bao gồm những tính năng mới như bình chọn ẩn danh, thêm tính năng giấu nhiệm vụ, bổ sung chế độ mù màu,… Sự ra đời của nó là không có gì khó hiểu, bởi Among Us đang là một trong những hiện tượng của làng game vào thời điểm này, dù sự ra đời của Genshin Impact đã phần nào hướng sự chú ý của công chúng khỏi trò chơi.
Nhưng tại sao Among Us lại có được thành công một cách bất ngờ sau gần 2 năm ra mắt? Làm thế nào nó nhảy lên thành tựa game được stream nhiều nhất trên Twitch trong tháng 9, có lượng người chơi cùng lúc trên Steam vượt qua cả GTA V vào thời điểm phát hành, cho PUBG “hít khói” và nhiều thành tích khác? Mọt tui sẽ đưa ra đáp án cho câu hỏi này trong bài viết dưới đây.
Lối chơi của Among Us hoàn toàn không có gì khó hiểu. Nó là một phiên bản đơn giản của trò Ma Sói mà các nhóm bạn vẫn thường chơi cùng nhau trong các buổi tụ họp, và được biết đến ở nước ngoài với nhiều tên gọi khác nữa như Mafia, Werewolf, Trouble in Terrorist Town, The Resistance,… Trong tựa game này, một nhóm thuyền viên (crewmate) sẽ cố gắng sinh tồn đồng thời cố gắng tìm ra kẻ mạo danh (Impostor) trong số họ, và ngược lại kẻ mạo danh phải phá hoại nỗ lực của các thuyền viên. Sẽ không có những pha đọ tài kỹ năng súng đạn hay chỉ số, mà chỉ có đầu óc mới là thứ có thể giúp đôi bên hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Và trong vai trò là một trong những người từng vào vai cả con người lẫn ma sói trong các cuộc offline của một công ty cũ, Mọt tui xin xác nhận rằng đây là một trò vui nổ trời nhưng cũng hết sức căng thẳng. Khi nhóm người tham gia càng lớn, cuộc chơi càng vui và càng hào hứng khi bạn phải cố gắng quyết định xem mình tin tưởng ai, hoặc làm thế nào để có thể trốn tránh tội lỗi và đổ vấy tất cả lên đầu một người khác. Nhưng tại Việt Nam, những trò chơi như thế này thường không thực sự phổ biến, còn ở nước ngoài thì COVID-19 đang hoành hành khiến những cuộc tụ họp trở nên hết sức khó khăn.
Theo những thông tin mà Mọt tui tìm được, Among Us luôn rất trầm lặng từ khi phát hành. Theo số liệu trên SteamChart, từ thời điểm ra mắt đến tháng 1/2020, game thường chỉ có chưa đầy 200 người chơi cùng một lúc, và lúc cao điểm nhất cũng chỉ gần 700. Game chỉ hơi có dấu hiệu “ngóc đầu” từ khoảng cuối tháng 1 khi một streamer có nick SR_Kaif (136.000 người theo dõi trên Twitch) thường xuyên stream trò chơi cho khoảng 2.000 khán giả của mình. Đến tháng 5, số lượng người chơi này mới vượt qua con số 1.000 khi hai streamer lớn khác là singsing và AdmiralBulldog thường xuyên phát nội dung của game cho 1.300.000 người theo dõi của mình.
Điều này khiến Among Us bắt đầu trở nên phổ biến trên Twitch, và một số streamer khác cũng nhảy vào cuộc. Một nhóm 8 streamer người Hàn Quốc thống trị top 10 streamer hàng đầu của Among Us trong một thời gian dài cho đến tận tháng 8, và công sức của các streamer này (cùng những lời truyền miệng của cộng đồng) đẩy số lượng người chơi cùng lúc của Among Us lên đến 9.000, tạo đà cho sự tăng vot kéo dài gần 2 tháng sau đó.
Tuy nhiên, người có công lớn nhất trong sự thành công của Among Us có lẽ là Sodapoppin, một streamer nổi tiếng khác. Forest Willard, trưởng bộ phận kinh doanh của Innersloth nói rằng Sodapoppin bị Pluto (một nhân viên của Twitch) dụ dỗ mua Among Us trong một đợt sale. Sodapoppin thường xuyên chơi game cùng bạn bè và các streamer khác, nên khi anh chơi thử Among Us và thích thú với trò chơi, game thủ này lập tức lôi kéo một nhóm bạn trong đó có streamer xQc, diễn viên hài Andy Milonakis và một streamer LMHT vào cuộc.
Trong vai trò là một tựa game cộng đồng, Among Us lập tức lan tỏa nhờ các streamer này, khi mỗi người lại lôi kéo một nhóm người quen – có thể là streamer mà cũng có thể là fan – vào cuộc. Among Us lan tỏa trong cộng đồng streamer LMHT rồi đến Hearthstone, và bệ phóng của thành công đã được xây dựng cho Among Us lập tức cất cánh. Cả PewDiePie cũng bị cuốn vào vòng xoáy này khi không ít game thủ nói rằng họ biết đến trò chơi nhờ xem PewDiePie. Đến tháng 9/2020, trò chơi chứng kiến sự thành công chưa từng có: tính riêng trên Google Play, số lượt tải về của trò chơi tăng vọt từ 10 triệu lên 100 triệu chỉ trong khoảng thời gian từ 3/9 đến 21/9/2020!
Sự thành công của trò chơi cũng “trả lễ” cho các streamer, chẳng hạn xQc trở thành streamer Among Us thành công nhất khi các fan đã bỏ ra 11 triệu giờ để xem anh chơi Among Us (và Fall Guys, Overwatch, Valorant) trong khoảng 4 tháng qua, trong khi người đứng hạng nhì là auronplay chỉ có được 4 triệu giờ. Sodapoppin cũng có 631.000 giờ xem trong vòng 2 tuần sau khi anh phát hiện Among Us. Nhiều streamer khác cũng tận hưởng những thành công tương tự dù ở mức độ thấp hơn, chẳng hạn Mọt tui chứng kiến lượng người xem tăng từ… 200 lên 400 trong lúc stream trò chơi trên YouTube.
Nếu nhìn lại năm 2020, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy có hai tựa game thành công mang nhiều nét tương đồng là Fall Guys và Among Us. Cả hai đều có gameplay rất đơn giản, dễ dàng làm quen và mang đậm tính cộng đồng – một điều không phải ngẫu nhiên bởi COVID-19 khiến không ít game thủ thế giới bị nhốt ở nhà và không thể giao tiếp với bạn bè nhiều như mong đợi. Những tựa game này là một cơ hội để các nhóm bạn có thể tụ tập cùng nhau, cười đùa hú hét và làm những trò mèo một cách an toàn, không phải lo ngại chuyện đeo khẩu trang hay tiếp xúc với người lạ.
Việc trò chơi có gameplay “xịn” so với những tựa game khác như Town of Salem (2014) hoặc Werewolves Within (2016) cũng giúp nó chinh phục những game thủ bị dội vì giao diện toàn chữ và những luật lệ dài dòng của trò Ma Sói. Thay vì buộc game thủ ngồi cạnh nhau thành một vòng tròn như ngoài đời thực – điều mà hai tựa game Mọt vừa nhắc đến thực hiện, Among Us bổ sung nhiều điều mà game thủ có thể làm trong quá trình giữa các pha tranh cãi và bình chọn để đuổi người, và ngay cả những game thủ đã tử nạn cũng có thể tiếp tục cuộc chơi thay vì ngồi ngoài nhìn ngó và chờ đợi.
Bên cạnh đó, Among Us cũng là một tựa game hết sức dễ tiếp cận khi được bán với giá chỉ 70.000 đồng trên Steam cộng thêm nhiều tùy chọn ngôn ngữ như tiếng Hàn, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức,… Đồ họa 2D siêu đơn giản giúp Among Us có thể vận hành trên những PC cổ lỗ sĩ – điều mà Riot cố gắng thực hiện khi tạo ra nền đồ họa mà không ít game thủ chê là lỗi thời trong Valorant. Việc điều khiển game cũng hết sức dễ dàng, khiến nó có thể được chơi bởi người lớn lẫn trẻ em trên PC và điện thoại. Trên mobile, Among Us thậm chí còn là miễn phí, nhưng những mẩu quảng cáo mà game thủ trên các nền tảng mobile đã xem hẳn cũng mang về không ít tiền cho Innersloth trong vài tháng qua.
Như vậy, Among Us là một tựa game hấp dẫn nhưng sinh không gặp thời và bị chìm dưới vô vàn tựa game khác. Thật may mắn là nó phất lên nhờ sự tinh mắt của một nhóm nhỏ streamer và giúp nhà phát triển Innersloth tìm được thành công – một thành công hơi muộn màng, nhưng vẫn vô cùng đáng giá. Hi vọng rằng với nguồn tài chính mới này, họ sẽ có thể khắc phục được các vấn đề tồn đọng và làm cho trò chơi ngày càng hấp dẫn hơn.