Phụ Lục
Không có gì là chắc chắn trong ngành công nghiệp game cả. Một thương hiệu game lớn và đang phát triển mạnh mẽ cũng có thể gặp khó khăn dẫn đến cái chết ngay lập tức. Lý do có thể nằm ở việc hãng game quyết định đi theo xu thế, đánh mất bản sắc của mình, hoặc studio bị đóng cửa khiến cho thương hiệu game rơi vào tay hãng khác, hoặc đơn giản chỉ là nhà phát triển hủy bỏ mà không rõ nguyên nhân.
Hãy cùng Mọt tôi điểm lại 5 thương hiệu game dead game nổi tiếng và tìm hiểu câu chuyện phía sau những sự việc đáng buồn đó là gì.
Bên cạnh Call of Duty hay Battlefield, Medal of Honor cũng từng là một tượng đài của dòng game bắn súng FPS. Tuy nhiên, kể từ phần Warfighter vào năm 2012, người hâm mộ không còn được thấy bất cứ trò chơi Medal of Honor nào nữa. Thực tế, rắc rối của thương hiệu game này bắt đầu từ năm 2010.
Khi đó, Medal of Honor gây tranh cãi cực lớn khi các nhà phát triển đưa vào lựa chọn cho người chơi đóng vai người lính Taliban. Điều này đã khiến cho gần như toàn bộ cộng đồng game thủ dậy sóng. Hơn 300 căn cứ quân sự đã bị cấm phát hành Medal of Honor. EA sau đó cũng buộc phải loại bỏ những yếu tố liên quan tới Taliban. Nhưng sự sửa chữa sai lầm này là quá muộn, đối với nhiều người, thương hiệu này đã hoàn toàn bị vấy bẩn kể từ năm 2010.
Hai năm sau, Warfighter được phát hành nhưng bị đánh giá hoàn toàn mờ nhạt, số lượng bán ra cũng hẩm hiu không thể đáp ứng được những kỳ vọng của EA. Peter Moore, COO của EA cho biết hầu hết trò chơi này thực chất không đáng để nhận các đánh giá kém tới như vậy. Lẽ dĩ nhiên EA phải chuyển trọng tâm sang một thương hiệu khác, đó chính là Battlefield.
Đã 7 năm trôi qua nhưng ngày trở lại của Medal of Honor vẫn là một dấu hỏi chấm.
Bắt đầu từ năm 1995 trên hệ máy Super Famicom, Clock Tower được giới thiệu tới toàn thể game thủ, được biết tới là một game kinh dị sinh tồn. Người tạo ra seri này, Hifumi Kono đã quyết định làm một trò chơi kinh dị mà nhân vật chính sẽ không có bất cứ vũ khí nào, phải chạy trốn hoàn toàn trong sự tuyệt vọng.
Đội ngũ của Kono, Human Entertainment, đã quyết định sản xuất thêm 2 phần nữa cho Clock Tower trên PlayStation. Tuy nhiên, Clock Tower 2: The Struggle Within bị chỉ trích vì các cơ chế gameplay khác quá xa so với phần game đầu tiên. Đáng buồn thay, sau khi Clock Tower 2 phát hành, Human Entertainment đã phải đóng cửa. Thương hiệu game kinh dị này sau đó đã về tay của Capcom.
Capcom đã hợp tác với Sunsoft để phá hủy toàn bộ những gì được coi là tinh túy nhất của thương hiệu game Clock Tower. Phần thứ 3 khi ra mắt dưới quyền sở hữu của Capcom đã thất bại toàn tập. Số lượng bán ra chỉ khoảng 250 ngàn bản, quá thấp so với ước tính 450 ngàn bản mà Capcom đưa ra trước đó.
Cuối cùng, những chỉ số đã giết chết hoàn toàn Clock Tower, một phần tiếp theo bị rơi vào quên lãng.
Legacy of Kain là một series game nói về ma cà rồng và du hành thời gian. Tuy nhiên, loạt game cũng có số phận khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối. Câu chuyện đằng sau nó cũng phức tạp như chính cốt truyện trò chơi đem lại vậy.
Vào năm 2009, Square Enix đã thuê Climax Studios tại Vương quốc Anh để bắt đầu phát triển một dự án trò chơi có tên Legacy of Kain: Black Sun. Trong khi Climax tỏ ra rất hào hứng với dự án này thì Square Enix lại tỏ rõ thái độ có phần tiêu cực. Hãng đã can thiệp quá nhiều vào quá trình phát triển trò chơi, đưa ra rất nhiều quy định nghiêm ngặt và bắt Climax phải tuân thủ.
Đầu tiên, Square Enix muốn trò chơi có một nhân vật chính mới, khiến cho cốt truyện chỉ có liên quan một chút xíu với các phần game trước đó. Họ muốn trò chơi phải đen tối, nghiệt ngã hơn. Ngoài ra, Square Enix còn nhấn mạnh rằng trò chơi phải thật sự “đơn giản tới khó tin”. Climax đã phải làm việc trong 3 năm, nhưng các đợt thử nghiệm studio này đưa ra đều thất bại. Bên cạnh đó, đây cũng là khoảng thời gian Square Enix gặp khó khăn về tài chính, Black Sun đã chính thức bị hủy bỏ vào năm 2012.
Vào năm 2016, một trò chơi multiplayer cũng nằm trong vũ trụ Legacy of Kain, có tên gọi Nosgoth, cũng đã bị hủy bỏ. Trước đó, dự án này đã có 1 năm dưới dạng Early Access trên Steam. Nhưng số lượng người quan tâm tới trò chơi này quá thấp đã khiến cho Square Enix quyết định “trảm”. Kể từ đó, thông tin về thương hiệu game Legacy of Kain đã không còn được nhắc tới.
Câu chuyện về thương hiệu game Jax and Daxter của Naughty Dog khá kỳ lạ. Ban đầu, trò chơi này đi theo hướng platformer vui nhộn, nhưng phần tiếp theo lại mang màu sắc đen tối hơn.
Sau khi phát hành Uncharted 2, Naughty Dog bắt đầu chia thành 2 nhóm. Một nhóm phát triển game bằng cách sử dụng engine của Uncharted, nhóm còn lại sẽ tập trung vào các dự án khác. Thời điểm này hãng đã dự định khởi động lại thương hiệu game Jax and Daxter bằng một phiên bản reboot.
Mặc dù quá trình phát triển đã bắt đầu, nhóm cũng đã bắt tay vào và đưa ra một vài thiết kế cho Jax and Drax. Tuy nhiên, trái tim của họ lại không thực sự nằm ở Jax and Drax. Thay vào đó, một dự án zombie mới được khởi động, đó chính là The Last of Us, sau này cũng trở thành một trong những thương hiệu game hay nhất trong lịch sử.
Kể từ đó, Jax and Daxter đã bị thất sủng. Vào năm 2012, series này chỉ có thêm một phiên bản Remastered HD của bộ ba trò chơi gốc. Khi được hỏi về số phận của một trò chơi Jax and Daxter mới, Evan Wells – nhà sáng lập của Naughty Dog cho biết: “Tôi không nghĩ rằng nó sẽ xảy ra.”
Còn vào năm 2016, Arne Meyer – Giám đốc truyền thông của Naughty Dog khi được hỏi câu hỏi tương tự cũng đã trả lời rất phũ: “Hiện tại chẳng có gì để làm nữa cả.”
Mặc dù Half Life là một trong những thương hiệu game thành công nhất, nhưng điều khiến người hâm mộ khó chịu là nó bị ngưng một cách rất khó hiểu.
Vào năm 2007, Half-Life 2: Episode 2 đã được phát hành. Tuy nhiên, thay vì làm một phần thứ 3 một cách đầy đủ, Valve lại chia Half-Life 2 ra làm nhiều phần khác nhau nhằm giảm thời gian chờ đợi cho game thủ. Gabe Newell cho biết các bản nối tiếp của HL2 về cơ bản chính là Half-Life 3, chỉ là ông không đặt tên cho chúng là HL3 mà thôi.
Half-Life 2: Episode 3 chắc chắn đã được phát triển, cũng như Episode 4, có tên gọi Return to Ravenholm. Nhưng Valve đã hủy bỏ dự án này và không công bố lý do tại sao. Còn về số phận Half-Life 3, dự án này rõ ràng đã được phát triển rồi bị loại bỏ, bao gồm cả một phiên bản chiến lược – thời gian thực. Vào năm 2011, Valve có ngụ ý rằng họ đã "xong việc" với các trò chơi singleplayer, khiến các fan càng nghi ngờ về số phận đen tối không rõ ràng của Half-Life.
Một dự báo về cái chết thực sự đang tới với thương hiệu game Half-Life khi nhà văn / nhà thiết kế Half-Life, Marc Laidlaw rời bỏ Valve vào năm 2017. Laidlaw sau đó đã đăng một blog ngắn, đó dường như là phần cuối câu chuyện mà Half-Life 3 dự định sẽ phát triển. Cuối cùng cho tới nay, số phận của Gordon Freeman vẫn đang bị Valve treo lửng lơ mà không rõ nguyên nhân hay kết cục.