Phụ Lục
Trong thời buổi tràn ngập thông tin như hiện tại, thứ gì cũng cần quảng cáo để tiếp cận khách hàng của mình. Ngay cả một trò chơi ra mắt trong âm thầm như Apex Legends cũng có những chiến dịch quảng cáo game mạnh tay, chẳng hạn EA chi 1 triệu USD để Ninja stream trò chơi của mình. Nhiều chiến dịch quảng cáo rất hiệu quả và khôn ngoan, nhưng cũng có những chiêu quảng cáo “thối khó tả” khiến nhà phát triển lẫn trò chơi lãnh tiếng xấu. Hãy cùng Mọt tui điểm qua một vài trường hợp quảng cáo phản chủ như vậy nhé!
Đôi khi trong một vài trường hợp, những vũ khí trong game được thiết kế ra chỉ nhằm để đưa chủ nhân của nó lên bàn thờ còn nhanh hơn đối thủ nữa.
Dịch thô thiển là “tội lỗi để chiến thắng,” đây là chiến dịch quảng cáo game Dante’s Inferno, tựa game hành động chặt chém được phát triển dựa theo tác phẩm Thần Khúc của Dante Alighieri. Trong trò chơi này, bạn sẽ hóa thân thành Dante để đi qua 9 tầng địa ngục cứu người yêu, với các màn chơi được lấy cảm hứng từ những dòng mô tả trong tác phẩm.
Để quảng cáo cho tựa game này, EA tung ra chiến dịch “Sin to win” tại Comic Con 2009, với cách dự thi rất đơn giản: người tham gia thể hiện sự… háo sắc (dục vọng, một trong Thất tông tội) của mình bằng cách chụp ảnh với các người mẫu tại sự kiện sau đó tải lên MXH hoặc mail tới EA. Người thắng sẽ nhận được một bữa tối và “một đêm đầy tội lỗi với hai cô gái nóng bỏng, dịch vụ xe limo, các tay paparazi và một rương đầy châu báu.”
Không cần phải nói, chiến dịch quảng cáo game này ăn tạ ngay lập tức bởi nó sử dụng hình ảnh phụ nữ theo cách phản cảm. Chưa đầy một ngày sau khi công bố Sin to win, EA phải nói lời xin lỗi và thanh minh rằng họ chỉ muốn game thủ chụp ảnh chung với người mẫu, còn “đêm đầy tội lỗi” thực ra chỉ là một bữa tối VIP.
Một ngày nọ, Kaos Studios bỗng có ý tưởng lạ: thay vì lính Mỹ tham chiến ở nước ngoài, điều gì sẽ xảy ra nếu Triều Tiên… xâm lược Mỹ? Thế là họ làm ra Homefront, một tựa FPS xây dựng trên nền Cry Engine của Crytek và phát hành vào năm 2011. Trò chơi có chất lượng tầm thường, khiến cổ phiếu của THQ sụt 21% trong ngày nó ra mắt.
Nhưng trước đó, đội ngũ marketing của game là TrashTalkFCM đã kịp chơi ngu. Họ tổ chức một buổi… biểu tình của người Triều Tiên tại thành phố San Francisco và sau đó thả 10.000 quả bóng bay đỏ mang logo GameStop. Lúc bóng bay lên thì rất đẹp, nhưng do thời tiết xấu, những quả bóng này trở thành rác vương vãi khắp nơi trong thành phố. Các nhà hoạt động môi trường và dân cư không thích điều này, khiến chính quyền thành phố chú ý và phạt TrashTalkFCM 7.000 USD.
Hồi năm 2007 tại Hi Lạp, Sony tung ra một chiến dịch quảng cáo game bạo dạn cho God of War 2, giống hệt như đức tính của nhân vật chính Kratos. Họ cho những cô người mẫu cởi trần cho quan khách ăn nho, và trung tâm của buổi tiệc là một con dê đã bị làm thịt để “hiến tế.” Tất cả đều xoay quanh bối cảnh thần thoại Hi Lạp mà trò chơi khai thác, nhưng con dê tội nghiệp khiến các nhà hoạt động vì quyền động vật tức giận và chỉ trích Sony là giết động vật chỉ để bán game.
Đây là một nỗi oan tày trời, bởi thật ra Sony chẳng hề giết con vật – họ chỉ mua nó từ một lò mổ và trả lại sau khi sự kiện kết thúc. Dù vậy, những lời chỉ trích đã được đưa ra, buộc Sony phải thu hồi hơn 80.000 bản tạp chí game do họ phát hành có đăng hình ảnh từ buổi tiệc, và đưa ra lời xin lỗi vì “không đáp ứng được tiêu chuẩn hành vi của chính mình.”
Lại một lần nữa, một công ty quảng cáo San Francisco gây họa. Hồi tháng 8/2010, khi được nhờ làm marketing cho Mafia Wars (phát hành năm 2008) của Zynga, công ty có tên Davis Elen Advertising có sáng kiến độc đáo: họ cho in những tờ sticker hình tiền có mệnh giá 25.000 USD và dán chúng trên các lối đi bộ của thành phố. Mới nghe thì thấy vô hại, nhưng đây là một hành vi xả rác bởi Cục công trình công cộng của San Francisco phải rất vất vả mới gỡ được những tờ sticker này. Thành phố San Francisco dọa sẽ kiện Zynga vì trò quảng cáo này, và yêu cầu họ trả chi phí dọn các tờ sticker.
Cuối cùng, vụ việc kết thúc khi Davis Elen Advertising đứng ra nhận trách nhiệm và chi trả khoản tiền phạt 45.000 USD.
Hồi tháng 9/2012, Capcom quyết định chơi trội với chiến dịch quảng cáo game Resident Evil 6. Họ dàn cảnh một số vụ giết người ngay bên ngoài văn phòng các tòa soạn, đài truyền hình của London, rồi gửi ảnh chụp hiện trường phạm tội và thịt tươi được dán nhãn “từ shop của Wester và con trai” đến báo chí. Họ còn mở một số gian triển lãm thức ăn được tạo nên bởi nghệ sĩ Sharon Baker, và bán các món ăn được tạo hình cho giống một phần cơ thể người. Bạn có thể Google hình ảnh, nhưng hãy chuẩn bị tinh thần bởi chúng trông rất giống thật!
Dù những nội dung trong đợt marketing này là phù hợp với nội dung của trò chơi, và còn có mục đích cao đẹp khi lợi nhuận sẽ được trao cho Limbless Association, một tổ chức từ thiện, dân thường cảm thấy rợn tóc gáy với những hình ảnh mà Capcom dàn dựng. Phản ứng của dân London khiến Capcom phải ngừng chiến dịch sau một tuần.
Một năm sau ngày ra mắt, Resident Evil 6 chỉ bán được 4,9 triệu bản thay vì 7 triệu bản như mong đợi. Capcom xem sự thất bại của chiến dịch quảng cáo nói trên là một phần lý do khiến trò chơi không thành công.
Nhân dịp ra mắt bản mở rộng The Taken King cho Destiny, Activision hợp tác với hãng tăng lực Red Bull để tạo ra những lon nước dành cho game thủ. Họ sẽ in những dòng mã tăng XP trên thân lon nước Red Bull và bán chúng trong siêu thị. Mới nghe Mọt đã thấy có gì sai sai, và nó sai thật.
Cái sai đầu tiên của chiến dịch quảng cáo này là bởi những dòng mã này được in ngay trên thân lon, những kẻ thích xài chùa chỉ việc vào siêu thị chụp lại dòng mã, chứ chẳng cần mua những lon nước đắt tiền. Sau đó, người ta còn tìm ra được thuật toán mà Activision sử dụng để tạo ra những đoạn mã đó, từ đó họ tự tạo mã cho mình và khiến những dòng mã trên lon Red Bull hoàn toàn vô dụng.
Chiến dịch quảng cáo game của Activision cuối cùng chỉ đem lại một cơn đau đầu cho cả Red Bull lẫn Activision, trong bối cảnh game thủ Destiny vốn đã phẫn nộ vì một trò làm tiền khác của Activision trước đó. Cụ thể, nếu muốn mua các nội dung trong bản Collector Edition của Destiny, game thủ phải mua game và hai bản mở rộng trước đó của nó một lần nữa.
Trong bối cảnh súng ống đang là chuyện nhạy cảm tại New Zealand như hiện nay, Mọt lại nhớ trò nghịch dại mà một công ty từng làm vài năm trước. Cụ thể là trước khi Splinter Cell: Conviction ra mắt hồi 2010, Monaco Corporation (một đối tác của Ubisoft) đã thuê một công ty quảng cáo có trụ sở tại New Zealand tổ chức sự kiện ở một quán bar địa phương. Công ty này lại thuê một diễn viên, đưa cho anh ta một khẩu súng đồ chơi và bảo anh ta lang thang ở khu Viaduct Basin, một khu ăn chơi nổi tiếng ở Auckland.
Khi dân chơi ở Viaduct Basin thấy chàng diễn viên băng bó với một khẩu súng (giả) trong tay và đi vòng quanh chĩa súng vào mọi người, họ gọi cảnh sát. Anh chàng diễn viên suýt bị bắn hạ bởi cảnh sát có vũ trang, nhưng may mắn là cảnh sát nhận ra đó là đồ dỏm sau khi tước khẩu súng. Đại diện của Monaco Corporation phải đứng ra nói lời xin lỗi và phân bua rằng “đây chỉ là quảng cáo game không đúng cách.”
Mercenaries 2, một tựa game khá đình đám từng gây tiếng vang lớn bởi EA muốn quảng cáo game theo một cách thật “chất chơi” trước ngày phát hành. Thế là họ thuê một trạm xăng ở London, trang trí nó như một trại lính và tặng xăng miễn phí đến khi cạn bồn chứa. Một đợt tặng xăng tương tự cũng diễn ra ở Los Angeles, Mỹ.
Vào thời điểm này, giá xăng ở London đang ở mức trên trời, nên dân chúng đổ xô đến nhận xăng từ sáng sớm và gây kẹt xe khủng khiếp, khiến nhiều người không thể đến chỗ làm và rất nhiều người tức giận vì không nhận được đồ chùa. Nhà chức trách London phải dẹp trạm xăng này sớm hơn dự định và chỉ trích EA là "tái hiện bạo loạn vì xăng kiểu Venezuela ở London," dù chiến dịch tương tự ở Los Angeles, Mỹ diễn ra mượt mà.
Một ngày xấu trời năm 2014, Ninemsm - một trang tin của Úc nhận được một cái két sắt đen thui, kèm theo một lá thư yêu cầu một nhân viên “kiểm tra hộp voicemail.” Sự đáng ngờ của gói hàng càng tăng cao khi chẳng có voicemail nào được gửi đến, và mật mã mở két cũng chẳng hoạt động. Sau khi nhập mật mã, cái két thậm chí còn kêu bíp bíp đúng kiểu bom sắp nổ trong phim.
Thế là Ninemsm cho tất cả nhân viên về nghỉ khỏe ngày hôm đó, chuyển cái két xuống tầng hầm của tòa nhà và gọi đội gỡ bom của cảnh sát đến nơi. Sau khi mở ra, họ tìm thấy… một chiếc mũ bóng chày, một nón len trùm đầu, một bản game Watch Dogs và chi tiết về chính sách review game của Ubisoft. Một phen hú vía cho các nhân viên của Ninemsm, còn Ubisoft nói rằng họ đã gửi nhầm mật mã cho két và quên gửi voicemail!
Phải thế mới thấy rằng không phải cứ nhà phát hành lớn là khôn, họ cũng có nhiều "độc chiêu" khó đỡ lắm!