Phụ Lục
13 năm trôi qua, Monster Hunter vẫn luôn để lại các kỳ tích về doanh số bán máy, là tên tuổi nổi trội đưa doanh thu bán máy PSP và 3DS lên cao ngất ngưởng. Việc thương hiệu này rời bỏ Sony cũng gián tiếp dẫn đến kết quả PS Vita thất thế trước đối thủ 3DS.
Trong khi Monster Hunter XX ở phe Nintendo vẫn không có sự thay đổi nhiều ở lối chơi và đồ họa. Capcom lại muốn có một bước tiến lớn khác với sự đặt chân của Monster Hunter World lên PC và Console. Để hiểu được sự xuất hiện của game trên Console có ý nghĩa lớn thế nào với thế giớ và người chơi sẽ được tận hưởng những đặc sắc gì, mời bạn "giải trí" với các tư liệu sau.
Năm 2004, ở thời đại mà Action RPG còn là một thứ gì đó chưa quá phổ biến với game thủ Nhật Bản, Monster Hunter ra mắt và trở thành một trong hai ông tổ của thể loại hunting game (game săn bắn) bên cạnh dòng Phantasy Star. Hồi đó, Sony cho ra mắt adapter nối mạng cho phép máy PS2 chơi game online. Monster Hunter là một trong số 3 tựa game chơi mạng được tạo ra để Capcom đi theo xu thế lúc bấy giờ. 3 tôn chỉ của thương hiệu là: Những con trùm khủng bố - Vũ khí phức tạp không tưởng – Chơi mạng đặc sắc. Trong khi 2 tiêu chí đầu giúp định hình ra dòng game tạo nên cơn sốt ở hàng chục năm sau, thì chế độ chơi mạng đã giúp game trở thành bom tấn tại Nhật.
Việc sử dụng các hệ máy cầm tay như PSP hay 3DS để tham gia vào các chuyến săn chân thực cùng bạn bè là điều không phải game co-op nào cũng làm được vì ở thời bấy giờ game Console chơi mạng vẫn chưa phổ biến. Monster Hunter gây sức hút nhờ cảm giác hóa thân thành thợ săn chân thực và thời lượng chơi dài khủng khiếp. Nó đòi hỏi kỹ năng và am hiểu kiến thức như một tựa game eSports, đôi khi người chơi còn cần sử dụng tới cả những phần mềm từ bên thứ ba trong quá trình chơi. Ngày nay trên thế giới có nhiều game thủ đam mê dòng game này hàng chục năm, tổng giờ chơi hàng chục ngàn giờ đủ để nói lên chất lượng của game
Monster Hunter G (2005)
Sau bản đầu tiên khá thành công trên PS2, Capcom dự định làm thêm một bản mở rộng, dẫn tới sự ra đời của Monster Hunter G. Trò chơi có độ khó cao nhất mang tên G-Rank (tên này vẫn được duy trì cho tới ngày nay), có thêm quái vật, vũ khí song đao mới và 2 mức chất lượng vũ khí xanh dương/trắng. Tuy nhiên, game này lại không được chuyển thể sang tiếng Anh mà ở lại đất Nhật với ngôn ngữ bản địa cho đến hiện tại.
Monster Hunter Freedom (2005 – 1,3 triệu bản)
Sony ra mắt máy PSP, Capcom đánh hơi thấy tiềm năng của hệ máy này và sử dụng dòng game săn bắn này như một công cụ để đưa PSP lên đỉnh cao, cạnh tranh trực tiếp với một trong những thiết bị Console thành công nhất lịch sử là Nintendo DS. Thế là bản G được chuyển thể cho PSP và đổi tên thành Monster Hunter Portable (ở thị trường Nhật Bản) hay Monster Hunter Freedom (ở thị trường toàn cầu).
Monster Hunter 2 (2006)
Monster Hunter 2 là bước tiến lớn của dòng game với 4 loại vũ khí mới được thêm vào như Trường Kiếm (Long Sword), Hỏa Thương (Gunlance), Kèn Chiến (Hunting Horn) và Cung Tên (Bow). Bên cạnh đó là nhiều thêm thắt như cốt truyện chơi mạng và chơi đơn tách biệt, có thêm nguyên tố thứ 5 (băng). Tuy nhiên có lẽ vì nhận ra chức năng chơi mạng trên PS2 vẫn còn sơ khai cùng nhiều hạn chế nên Capcom vẫn chỉ phát hành Monster Hunter 2 ở nội địa Nhật.
Monster Hunter Freedom 2 (2007 – 2,4 triệu bản)
Nhận ra bản Portable có doanh thu quá cao, Capcom quyết định làm thêm bản Portable thứ 2 cho PSP (bản tiếng Anh tên là Monster Hunter Freedom 2) với một ngôi làng cùng cốt truyện mới, mục chơi mới Treasure Hunt (mà chẳng mấy ai chơi). Đây cũng là bản game đầu tiên có DLC miễn phí. Truyền thống ra mắt DLC miễn phí cho dòng game vẫn được Capcom duy trì tới nay, mặc cho việc hãng này mang tiếng hút máu tàn bạo. Dù không có được quá nhiều cải tiến nhưng Monster Hunter Freedom 2 vẫn thu hút được thêm một lượng lớn người chơi sau ngày ra mắt.
Monster Hunter Frontier Online (2007)
Monster Hunter Frontier Online được phát triển dựa trên cùng bộ công cụ làm nên phiên bản thứ 2. Được nhắm tới hệ PC nhưng trò chơi lại không quá thành công. Tuy nhiên không biết vì một lý do nào đó mà Monster Hunter Frontier Online vẫn được cập nhật nội dung mới cho tới nay, vì thế mà nó cũng là bản game có nội dung đồ sộ nhất.
Monster Hunter Freedom Unite (2008 – 3,8 triệu bản)
Một năm sau đó, Monster Hunter Portable 2nd G (hay Freedom Unite) ra mắt, ngoài độ khó G-rank, game còn có thêm nhiều vùng đất và quái vật mới (một số lấy từ bản Frontier Online). Các chú mèo Felyne đồng hành cùng người chơi cũng bắt đầu xuất hiện từ bản này.
Monster Hunter Tri (2009 - 1,9 triệu bản)
Capcom định xuất xưởng thế hệ thử ba của game cho máy PS3 vừa ra mắt, nhưng việc phát triển gặp trở ngại do các nhà phát triển chưa kịp làm quen với nền tảng mới. Thế là cuộc hợp tác truyền kỳ giữa Capcom và Nintendo bắt đầu từ đây. Mới đầu Capcom thử nghiệm và thu được doanh số tốt khi chuyển thể bản G lên hệ Wii, kéo theo đó họ ra mắt Monster Hunter Tri (thế hệ thứ 3) cho hệ máy từng bán được hơn 100 triệu chiếc trên toàn cầu của Nintendo. Đồ họa bản này có sự chuyển mình rõ rệt và nội dung game cũng vậy. Các vũ khí trong game đều có combo mới, nhưng Song Đao, Kèn Chiến, Hỏa Thương và Cung lại bị loại bỏ. Thay vào đó game cho phép người chơi độ Cung Súng (Bowgun) thành ba kiểu nặng – vừa – nhẹ (Light Bowgun, Medium Bowgun hoặc Heavy Bowgun). Tuy các loại quái vật không có biến thể đặc biệt (subspieces) nhưng chúng có thêm các trạng thái thể lực và có thể đè người chơi. Monster Hunter Tri có doanh thu cao, nhưng vẫn chưa vượt khỏi được cái bóng doanh số của các bản trên PSP.
Monster Hunter Portable 3RD (2010 – 4,9 triệu bản)
Gió chiều nào ngả chiều đó, Capcom lại quay đầu theo đuổi PSP với bản Portable 3rd. Nó chính là bản Tri nhưng không có chiến đấu dưới nước, có lại 4 thứ vũ khí bị cắt bỏ, nhưng bù lại Cung Súng trở về nguyên trạng không chia nhánh. Đây là phiên bản đưa dòng game ra với thế giới nhờ việc nội dung, hình ảnh và độ khó của game đã gần như hoàn hảo. Bản Portable 3rd chưa bao giờ được dịch ra tiếng Anh, nhưng các fan cuồng nó tới độ theo đuổi việc Anh hóa game trong suốt nhiều năm trời. Nó cũng đồng thời là game bán chạy nhất của hệ PSP.
Monster Hunter 3 Ultimate (2011 – 2,6 triệu bản) và Monster Hunter 4 (2013 - 4,1 triệu bản)
PSP bị ngừng sản xuất, Capcom đã chọn bỏ rơi Sony để ký hợp đồng với Nintendo. Lần này họ phát triển cùng lúc hai phiên bản là Monster Hunter 3G (3 Ultimate) và Monster Hunter 4 (có mặt ở Nhật trước). bản 3G chính là bản Tri nhưng có thêm G-rank với đầy đủ vũ khí, có thêm hiệu ứng trạng thái Slime (nhớp nháp) từ con quái vật tiêu biểu Brachydios. Monster Hunter 3 Ultimate còn có cả bản HD trên máy Wii U (có thể nối mạng chơi với 3DS), nhưng vì Wii U là hệ máy chết yểu nên đây là một thất bại khác của cả Capcom lẫn Nintendo.
Monster Hunter 4 Ultimate (2014 – 4,1 triệu bản) và Monster Hunter XX (2017 - 1,7 triệu bản)
Tiếp đến là các phiên bản mà fan cho rằng không có quá nhiều thay đổi. Bản 4 Ultimate là Monster Hunter 4 với G-rank. Monster Hunter X có thêm các loại kỹ năng bay nhảy tung chưởng như siêu nhân, nhưng không thực sự thành công vì đồ họa và lối chơi của nó mang sắc thái quá cũ kỹ. Monster Hunter XX chính là Monster Hunter X có thêm G-rank.
Vậy nên, các fan rất kỳ vọng vào Monster Hunter World vì phiên bản này đem đồ họa của dòng game nhảy vọt lên một bước lớn, trong khi lối chơi lại hòa hợp được chất cổ truyền và phong cách giả tưởng fantasy. Bạn đọc sẽ chọn phiên bản trên Switch hay PC Console? Motgame rất mong được biết chọn lựa của bạn và lý do mà bạn chọn chúng!