Trailer luôn là thứ "mào đầu" để bất cứ NPH nào câu kéo sự chú ý đầu tiên của game thủ vào sản phẩm của mình. Cũng chính vì lý do đó, những trailer game đầu tiên luôn phải được làm lung linh và hoành tráng nhất có thể để gây tiếng vang từ cộng đồng.
Từ đó lại diễn ra câu chuyện vì quá mong muốn thu hút chú ý từ game thủ mà một số NPH thích làm cho trailer trở nên "lừa tình" nhất có thể. Để rồi khi mua game người chơi vỡ mộng vì hóa ra những cảnh vật lung ling trong game lại chẳng giống như vậy khi vào game. Hãy cùng điểm lại những tựa game có trailer hoành tráng còn game thật thì "cú lừa" kinh điển này nhé.
1/ Lair
Con hàng đầu tiên trong danh sách này chính là Lair. Là cái tên xuất hiện đầu tiên trên nền tảng PlayStation 3 và hứa hẹn sẽ là một cái tên kiệt xuất. Cùng với đó là danh tiếng của studio sản xuất, Factor 5, luôn là cái tên mà giới mộ điệu dành hết niềm tin vì họ chả bao giờ làm game dở cả. Và cuối cùng là một trailer hoành tráng với đại cảnh hùng vĩ, cháy nổ khắp nơi, cao trào chả kém gì một bộ phim chuẩn Hollywood cả. Đáng tiếc, đó là những gì tốt nhất mà Factor 5 có thể làm được.
Giới thiệu một hệ thống chiến đấu trên không với con người làm chủ loài rồng, cưỡi và bay khắp các cuộc chiến tranh lớn nhỏ, một chủ đề vô cùng hấp dẫn để game thủ đặt hết kỳ vọng lẫn háo hức vào. Vậy mà cuối cùng chỉ là một nỗi thất vọng mà Lair đem lại cho game thủ. Cơ chế điều khiển quá khó để làm quen cùng gameplay cũng chả quá đặc sắc như trailer thể hiện, cộng với thất bại trong thương mại lẫn đánh giá của các nhà phê bình làm tựa game thấp điểm một cách tệ hại. Và thành tựu lớn nhất mà Lair đạt được chính là đứng thứ 7 trong danh sách "Những tựa game gây thất vọng nhất thập kỷ".
2/ Prototype 2
Nói một câu công bằng thì, Prototype 2 là một tựa game khá, chỉ là do trailer của nó hay quá nên người ta mới ghét thôi. Dù rất được lòng game thủ lẫn các nhà phê bình, game chỉ mắc đúng một lỗi duy nhất: nhìn chả giống cái quái gì so với trailer trước đó cả.
Cái này có thể đổ lỗi cho bên làm truyền thông khi tung ra một cái hơi quá mức so với những gì mà tựa game có thể làm được. Có những cơ chế còn không hề xuất hiện trong bản game gốc lại còn được thể hiện quá ư là hoành tráng trong trailer hoặc những gì hứa hẹn trong trailer cuối cùng lại biến đi đâu mất. Dù rằng các nhà phát triển đã rất cố gắng và cũng đã truyền tải được những gì họ muốn cho các fan hâm mộ, nhưng nếu họ không tung ra một cái trailer quá sức mình như vậy thì Prototype đã không nhận nhiều tai tiếng đến thế.
3/ Brink
Tựa game này từng có một tương lai tươi sáng khi được giới thiệu trên các nền tảng như PC, PlayStation 3 và Xbox 360. Brink nói về một cuộc chiến giữa hai phe Security và Resistance trong thành phố được gọi là Ark. Trailer của game vô cùng hứa hẹn với ý tưởng tuyệt vời cùng đồ họa được đánh giá rất cao, cùng với lối chơi FPS kết hợp nhiều yếu tố như Action, Parkour. Xong khi game ra mắt lại trở thành một nỗi thất vọng không hơn không kém.
Không chỉ đồ họa không như mong đợi, mà Slpash Damage hình như còn cho ra mắt một bản game chưa hoản chỉnh nữa. Nhiều người cho rằng phải ít nhất hai ba bản cập nhật vá lỗi chằng chịt thì may ra Brink mới có thể chạy một cách trơn tru. Nhưng lúc đó thì đã quá trễ để gây ấn tượng với game thủ rồi. Một tá các bình luận giận dữ của cộng đồng lẫn các nhà phê bình làm tựa game rớt điểm thê thảm. Tệ hại hơn có những đánh giá trên Steam dành cho Brink là chưa được hoàn thiện đủ thấy "cú lừa" này gây phẫn nộ như thế nào. Một tựa game tính ra là rất hay đó, nếu như nhà phát triển chăm chút hơn và trailer đừng có dối lừa như vậy.
4/ The Order: 1866
Đây, con game này là con game gây thất vọng vô cùng của Mọt Game luôn. Một trong những cái tên được mong chờ bậc nhất năm 2015. Đưa người chơi về bối cảnh lịch sử, cụ thể là London thế kỷ 19 được bao phủ trong phong cách hơi nước, để chiến đấu chống lại các thế lực âm mưu hủy diệt thế giới hay những sinh vật chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết như Ma cà rồng, Người Sói,... Cộng với một trailer không thể chê ở bất cứ điểm nào được tung ra, chả ai có thể nghĩ The Order: 1866 lại chìm nhanh đến vậy.
Đồ họa trong game thì đẹp miễn chê rồi, nhưng với một tựa game được quảng cáo một cách rầm rộ vô cùng thì chả đáng với 60 đô bỏ ra. Thời lượng game ngắn, cốt truyện dễ đoán, cơ chế chiến đấu mất tính sáng tạo và thiếu phong phú thì cũng dễ hiểu cho sự giận dữ của những ai lỡ bỏ cả đống tiền để thu được một đống chán nản này. À và ai đó tiện thể sa thải luôn thằng thiết kế cái Menu Game dùm cái.
5/ Watch Dogs
Lại một cái tên đình đám nữa góp vui trong danh sách này. Thực tình nếu xét về gameplay, đồ họa so với tiêu chuẩn một game thông thường thì Watch Dogs 2 không có gì tệ lậu hết, nhưng game vẫn còn tồn tại rất nhiều lỗi và hứng chịu những đánh giá không tốt từ phía chuyên môn. Nếu so với trailer giới thiệu vô cùng hoàn hảo lúc đầu, thì game như một bước lùi vậy.
Bù lại, thì tựa game này lại vô cùng thành công về mặt thương mại. Dù thế, nếu bạn là một game thủ chơi game thuần túy, bạn có thể sẽ không thích điều khiển một hacker đỉnh cao chạy xe vòng vòng và hack... đèn tín hiệu giao thông đâu.
6/ Aliens: Colonial Marines
Thề, nếu bạn chơi game trước khi coi trailer, bạn sẽ không tin được hai tựa game này là một đâu. Trailer gây ấn tượng mạnh với số lượng kẻ thù đông đảo, đồ họa tỉ mỉ cùng lối chơi vô cùng hứa hẹn. Tuy nhiên mọi thứ đã sụp đổ hoàn toàn khi game ra mắt. Đồ họa tệ hại, lối chơi và cốt truyện nghèo nàn cùng vô số lỗi xuất hiện, game nhanh chóng trở thành một thất bại và mau chóng bị quên lãng trong lòng người hâm mộ.
Nhưng với SEGA thì không. Họ không chỉ tạo ra một sản phẩm không ăn khách, họ còn mất thêm 1,25 triệu đô cho vụ kiện tụng liên quan nữa. Đúng là "phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí."
7/ Homefront: Revolution
Khác với mấy thanh niên ở trên, thanh niên này cũng có chút chân thật. Những gì thể hiện trong trailer có vài thứ thực sự có trong game. Chỉ có một lỗi nhỏ là game còn chẳng tốt bằng một nửa so với cái clip mà nhà phát hành khoe khoang cho thế giới cả.
Game tồn tại rất nhiều vấn đề, trong đó tụt khung hình chính là vấn đề lớn nhất và thường xuyên nhất mà game thủ phải chịu đựng mỗi ngày. Kèm với đó là những bài đánh giá tệ hại về game đến từ các nhà chuyên môn làm cho game không "ngóc đầu" lên nổi. Tất cả biến tương lai của Homefront: Revolution trở thành một thảm họa thật sự.
8/ Assassin's Creed: Unity
Để đính chính cho các mọt rõ: Unity không phải là một thất bại, mà nó thất bại vì nó là Assassin's Creed: Unity. Đây là một tựa game đạt đủ tiêu chuẩn của một tựa game hay, chỉ là nó không đạt đủ tiêu chuẩn của dòng Assassin's Creed mà thôi. Chỉ nhận được có 70 điểm đánh giá trên trang Metacritic, một mức điểm quá thấp cho một tựa game về hội sát Thủ nổi tiếng bậc nhất của thế giới game này. Với sự thành công của Assassin's Creed Black Flag trước đó càng làm cho áp lực của Unity phải nhận là rất lớn.
Game bị đánh giá là câu chuyện không đủ chiều sâu, cơ chế ám sát chưa ổn lắm và thiếu đi tuyến nhân vật. Kèm theo đó là vài lỗi xảy ra trong quá trình chơi đã khiến Ubisoft phải đứng lên xin lỗi các game thủ vì sự yếu kém của phiên bản thứ 8 này. Và Unity cũng luôn bị xếp ở phía sau trong bảng xếp hạng các tựa game Assassin's Creed hay nhất.( họa chăng chỉ cao hơn Assassin's Creed 3 hay Revelations là cùng)
9/ Dead Island
Đây là một trường hợp duy nhất trong danh sách này, tựa game này trên PC thì được đánh giá ổn, nhưng khi lên các hệ máy console thì bị chửi tối tăm mặt mũi. Được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2006 và bị gián đoạn mãi tới 2011 mới phát hành, nhưng 5 năm phát triển vẫn không đủ cho Techland hoàn thiện sản phẩm của mình.
Với một trailer hấp dẫn và kịch tính đến từng giây phút thì những gì mà Dead Island làm được quả thật là một sự thất vọng tới não nề. Vô số glitch, dựng cảnh gặp vấn đề và cả đống lỗi khác nhau từ nhỏ đến lớn, không khó hiểu khi game này được đánh giá rất tệ hại sau khi ra mắt game thủ. Cũng may, phiên bản PC thì lại khá là được nên tình hình game cũng cải thiện đôi chút, nhưng như vậy cũng là một thất bại của Techland tại mảng console rồi.
10/ Call of Duty: Ghosts
Cái tên cuối cùng trong danh sách hôm nay chính là Call of Duty: Ghosts. Dù về điểm số, game có một số điểm không hề tệ, nhưng lại luôn bị xem là một trong những thất bại của dòng Call of Duty.
Được đánh giá cao trong phần chơi mạng, nhưng Ghosts lại bị chỉ trích nặng nề trong phần chơi đơn. Đặc biệt là cốt truyện được đánh giá là quá nghèo nàn và gây mệt mỏi cho người chơi. Nhiều người còn nói vui rằng Ghosts giống như là Mordern Warfare được làm lại, tốt thì có tốt thật những cũng chả có quái gì mới để tung hô cả. Cũng một phần do trailer quá ư là xuất sắc nên mong đợi của game thủ cho Ghosts cũng vì thế mà cao lên để rồi thất vọng tràn trề như vậy. Chứ nếu không thì Call of Duty Ghosts có khi đã có cái kết viên mãn hơn vậy nhiều.