Phụ Lục
Trong vài ngày vừa qua, chúng ta có thể thấy Blizzard và Diablo: Immortal đã phải hứng chịu cơn thịnh nộ gay gắt thế nào từ cộng đồng. Những game thủ nổi giận với Blizzard là do họ đã tự đánh mất bản sắc của chính mình, game thủ không được trông thấy những gì mà mình muốn ở Blizzcon nữa. Tuy nhiên, đó không phải là lần đầu tiên cộng đồng game thủ dậy sóng với các sự kiện game. Trước đó cũng đã có khá nhiều sự việc đã châm ngòi cho các đợt “tổng sỉ vả” của người hâm mộ trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội,… tất cả chỉ xuất phát từ sự sơ xuất ngớ ngẩn của NPH đã biến thành pha "gọi đòn" nhục mặt.
Hãy cùng Mọt tôi tổng hợp lại 5 lần "đáng nhớ" nhất mà cộng đồng game thủ đã giận dữ tát cho NPH sml nhé.
Thực tế trước Blizzard, EA đã từng bị cộng đồng game thủ đưa “lên thớt” để mổ xẻ, giày xéo, chỉ trích một cách không hề kém cạnh. Và tất nhiên là sự việc cũng diễn ra theo cùng một kịch bản: Đại diện hãng game đứng lên trước toàn thể cộng đồng, thông báo về một trò chơi là phần tiếp theo của series nổi tiếng trên PC, nhưng cuối cùng lại dành riêng cho nền tảng mobile.
Đúng vậy, Command & Conquer: Rivals là tựa game RTS được EA giới thiệu tại sự kiện game E3 2018 vừa qua. Cộng đồng game thủ đã chỉ trích nặng nề khi họ không thể nhận ra được phần tiếp theo của series game mình yêu thích đã bị biến thành cái quái quỷ gì trên di động.
Những lời chỉ trích nặng nề, những lời than phiền thậm tệ nhắm vào EA đã diễn ra trên rất nhiều diễn đàn cộng đồng. May mắn thay, áp lực đè lên quá lớn nên EA đã buộc phải có động thái trấn an người hâm mộ bằng cách công bố kế hoạch remaster lại Command & Conquer phần đầu tiên và dự án hồi sinh lại series game này trên PC. Nhưng đó là ở thời điểm vài tháng sau sự kiện game E3 2018, sau khi cộng đồng đã bùng nổ một cơn giận dữ quá lớn và suýt nữa là "híp hốp" luôn NPH EA.
Vào năm 2013, Xbox One được Microsoft giới thiệu trong buổi họp báo của mình tại sự kiện game E3. Ban đầu, Xbox One nhận được khá nhiều sự chú ý vì đi kèm nó là nền tảng Xbox Play Anywhere có liên kết với hệ điều hành Windows 10 trên PC. Nhờ Xbox Play Anywhere, bạn có thể chia sẻ game trên Xbox One cho những ai đang sử dụng PC với Windows 10. Nói đơn giản là game thủ chỉ cần thanh toán tiền game 1 lần nhưng có thể chơi trên nhiều thiết bị.
Tuy nhiên, nền tảng tuyệt vời đó cũng không thể cứu vãn Xbox One và Microsoft khỏi sự giận dữ và thất vọng từ phía người hâm mộ. Thay vì tập trung vào thứ mà game thủ cần là các trò chơi, Microsoft lại phát triển hàng đống công nghệ không cần thiết cho Xbox One như: Kinnect, tính năng truyền hình cáp, liên kết với Windows 10, v…v… Chưa hết, người đứng đầu Xbox, Don Mattrick còn đối mặt với sự giận dữ của người hâm mộ bằng cách bảo họ “nếu không thích thì đi mà chơi cái khác”. Và người hâm mộ đã chiều theo ý ông.
Vài tháng sau, Don Mattrick rời Microsoft, để lại một cú phốt quá lớn lại cho hãng công nghệ phải gánh chịu. Cuối cùng, Xbox One hoàn toàn thất bại trước đối thủ cạnh tranh là PlayStation 4 về cả doanh thu lẫn chất lượng các nội dung có trên Console.
Riftlight là một trò chơi được Facepunch Studios, hãng phát triển đã tạo nên thành công của Rust từ đợt Early Access, công bố thuộc thể loại bắn súng vào năm 2014. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là khi đó, Rust đang rất thành công từ Early Access, kêu gọi được khá nhiều đồng vốn từ cộng đồng. Facepunch Studios đã có một nước đi sai lầm là giới thiệu Riftlight quá sớm, dẫn tới việc game thủ nghĩ rằng hãng đã sử dụng đồng vốn mà game thủ dành cho Rust để phát triển ra Riftlight.
Sự giận dữ của cộng đồng nhanh chóng tràn ngập các diễn đàn của Rust trên Steam. Garry Newman, người sáng lập của Facepunch Studios, đã phải lên tiếng trên blog (đã bị xóa) rằng chỉ có 0,04% doanh thu của Rust được tái sử dụng để thử nghiệm các trò chơi mới và không có bất cứ ai trong đội ngũ phát triển Rust bị lôi kéo đi phát triển dự án khác.
Cuối cùng, kể từ thời điểm đó cho tới nay, đã 4 năm trôi qua, Facepunch Studios không một lần nào nhắc lại về Riftlight nữa. Điều này lại càng cho thấy các dự án Early Access và tiền của cộng đồng thực sự là con dao 2 lưỡi. Vì cộng đồng bỏ tiền ra để được thấy trò chơi mình yêu thích được hoàn thành, nên họ sẽ nhạy cảm hơn nếu thấy bất cứ động thái nào cho thấy tiền của mình không được tiêu đúng chỗ.
Được công bố lần đầu tiên tại giải vô địch thế giới của Dota 2 trong năm 2017, Artifact đã khiến toàn bộ sân vận động, nơi diễn ra sự kiện game, bị nhấn chìm trong sự la ó và tức giận. Đoạn teaser đầu tiên hé lộ về một trò chơi mới của Valve, dòng chữ “The Dota Card Game” hiện ra bên dưới logo và cái tên Artifact mới thực sự khiến toàn bộ 17.000 người có mặt khi đó thở dài ngao ngán. Có lẽ họ đã nghĩ hay hi vọng rằng trò chơi mới của Valve là Half-Life 3 chăng?
Sự bất bình này còn lan tới rất nhiều các phương tiện truyền thông đại chúng, nơi rất nhiều người bày tỏ công khai sự phản đối và thất vọng dành cho Valve. Đáng ngạc nhiên là Valve đã chơi trò chơi im lặng, không có bất cứ bài diễn văn hay lời thông báo nào. Cho tới gần một năm sau đó, hãng đã mời các nhà báo tới để xem những gì Valve làm với Artifact.
Sự im lặng của Valve khi đó được coi là một nước đi thông minh để tách khỏi làn sóng giận dữ của người hâm mộ. Mọi người cũng đã không còn nổi giận. Và Valve vẫn chưa từ bỏ, vẫn còn đó thời gian để hãng phát hành Artifact một cách chính thức. Nhưng những gì thể hiện lúc này đã cho thấy Valve là NPH hiếm hoi dừng lại ở mức "suýt nữa vỡ mồm", họ đã ứng xử khôn khéo và giờ Artifact không còn bị các fan kỳ thị gay gắt nữa, thậm chí rất nhiều fan đang háo hức đón chờ ngày ra mắt game trong tháng này.
Thông thường, các thông tin liên quan tới bản mở rộng của World of Warcraft nhận được khá nhiều sự đồng thuận và hưởng ứng của game thủ. Tuy nhiên, khi Mists of Pandaria được công bố, nó đã châm lên ngọn lửa giận dữ lan tới tất cả các diễn đàn. Chủ đề chính được nói tới là Mists of Pandaria, người chơi có thể được điều khiển một con gấu trúc, khiến WoW không khác gì một trò chơi dành cho trẻ con. Thậm chí có người còn cho rằng đây là trò đùa của Blizzard.
Sự tranh cãi tràn lan trên khắp các diễn đàn của World of Warcraft khiến cộng đồng chia làm 2 phe. Một phe nổi giận cùng cực với Mist of Pandaria, phe còn lại là ủng hộ. Sự tranh cãi còn nóng lên khi có thông tin cho rằng với Mists of Pandaria, cả Horde và Alliance đều có thể được chơi như những con gấu trúc.
Tất nhiên Blizzard đã không có bất cứ điều chỉnh gì cho dự án này. Mists of Pandaria vẫn được phát hành và mọi người đều phải công nhận đây thực sự là một sự thay đổi mới mẻ dành cho World of Warcraft. Nhìn chung lần này họ đã thoát khỏi thảm họa nhờ vào thực lực của mình. Đáng tiếc có lẽ với Diablo: Immortal mới đây thì cửa qua của Blizzard coi bộ... khó.