Chiến tranh thế giới thứ hai (World War II) là cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại và những tựa game như Call of Duty, Battlefield, Brother In Arm... chính là cầu nối để truyền tải những hình ảnh khốc liệt tang thương nhất, qua đó giúp cho game thủ hiểu được cái giá của hòa bình và sứ mệnh, nhiệm vụ của những người lính trong cuộc chiến vĩ đại này. Tuy nhiên những sự kiện lịch sử trong game có giống như lời kể hoặc những nghiên cứu được công bố gần đây về chiến tranh thế giới thứ hai hay không? Hãy cùng Mọt Lang Thang tìm hiểu những khác biệt thú vị này nhé!
Trong Call of Duty, ngoài những trận đổ bộ lớn như chiến dịch Normandy, Remagen... mà game thủ có thể quan sát dưới góc nhìn của những người lính phe Đồng Minh thì cuộc chiến giữa những cỗ xe tăng mới thật sự là điểm nhấn quyết định thành bại của hai bên. Thậm chí việc điều khiển xe tăng còn trở nên khá phổ biến trong các phiên bản Call of Duty và game thủ có thể dễ dàng thổi bay một cỗ xe tăng Phát Xít chỉ bằng hai phát đạn trong game.
Trên thực tế xe tăng Đức không phải là đối tượng dễ dàng bị bắt nạt như vậy, đơn cử như mẫu xe tăng hạng nặng Tiger I với giáp dày và hỏa lực cực mạnh chính là đối thủ đáng sợ của xe tăng hạng nặng T-34 do Liên Xô sản xuất hoặc M4 Sherman của Mỹ. Đặc biệt ở mặt trận phía Tây chiến xa Tiger chính là nỗi khiếp sợ của người Anh. Thậm chí ở chiến trường Bắc Phi, chiến xa Tiger gây thiệt hại cho người Anh nhiều đến mức thủ tướng Winston Churchill phải ra chỉ thị "bằng mọi giá phải bắt sống cho bằng được một chiếc Tiger còn nguyên vẹn để quân Đồng Minh nghiên cứu".
Nhiệm vụ được giao vào đầu năm 1943, nhưng do tính chất ác liệt của những chiến dịch Alamein, Tunisia... nên hầu như mọi xe tăng Tiger đều bị phá hủy triệt để, thậm chí nếu không bị phá hủy trong giao tranh thì quân Đức cũng tự hủy xe tăng của họ để bảo đảm vũ khí không rơi vào tay địch. Phải mất đến 4 tháng nhiệm vụ khó khăn này mới may mắn hoàn thành, khi quân Anh bắt sống được một cỗ xe tăng Tiger bị kẹt tháp pháo vào ngày 21/4/1943. Đích thân Vua George VI và thủ tướng Churchill đã đến châu Phi để đảm bảorằng chiếc xe tăng được vận chuyển an toàn trở về Anh nhằm phục vụ công việc nghiên cứu.
Ở nhiệm vụ đầu tiên của binh nhì Martin trong Call of Duty 1, cả đội của anh chàng đều lần lượt trở thành mồi ngon và bị bắn hạ vô cùng thê thảm trước khi máy bay Mỹ đến được vị trí nhảy dù. Nghe qua thì cứ tưởng người Đức sở hữu súng phòng không dày đặc và hỏa lực cực mạnh nhưng trên thực tế vũ khí phòng không mạnh nhất của họ không phải hỏa lực mà chính là hệ thống radar cảnh báo tầm xa cực nhạy. Chính hệ thống cảnh báo sớm này đã tạo lợi thế vô cùng lớn cho quân Phát Xít khi luôn biết trước động tĩnh và hướng ném bom của không quân Anh.
Gây khó chịu cho người Anh từ thời kỳ đầu trong chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng phải đến năm 1942 người Anh mới bắt đầu nghiên cứu khắc chế hệ thống radar của phe Phát Xít sau khi huy động hơn 40 đặc nhiệm và 12 oanh tạc cơ chỉ để thực hiện chiến dịch Biting, tấn công thị trấn Bruneval chỉ để cướp về một hệ thống Radar tầm gần còn nguyên vẹn của người Đức nhằm thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu. Thậm chí sau này mặc dù đã cử chuyên gia tình báo Kỹ thuật Không quân (ATI) đến Châu Âu để học hỏi và nghiên cứu cùng người Anh nhưng quân Mỹ vẫn phải chịu không ít thiệt hại trong những lần đổ bộ hoặc đánh bom quân Phát Xít.
Khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra Hitler và những cố vấn của ông mặc dù dồn phần lớn binh lực vào chiến dịch Barbarossa ở mặt trận phía Đông nhưng vẫn không bỏ sót từng động tĩnh của người Anh. Trước tình hình Anh lật lọng không đầu hàng và Churchill chính thức tuyên chiến, phát xít Đức đã mở chiến dịch ném bom không kích ở đảo quốc sương mù từ tháng 7-10/1940 và liên tục dội bom cày nát những sân bay lẫn căn cứ quân sự của kẻ địch. Cũng trong những lần đối đầu này những chiếc máy bay Hurricane Mk I của không quân Anh đã chịu tổn thất không nhỏ trước những dòng máy bay tiêm kích có tốc độ vượt trội như Messerschmitt Bf 109E, Fw 190... của Luftwaffe (không quân Đức).
Cũng tương tự như câu chuyện về xe tăng Tiger và hệ thống radar của người Đức, người Anh lại đặt dấu hỏi lớn về công nghệ hàng không của Đức và quyết tâm bắt sống một chiếc tiêm kích Fw 190 (máy bay tiêm kích tốt nhất ở thời điểm đó) về nghiên cứu. Tuy nhiên kế hoạch diễn ra không hề suôn sẻ và mãi đến năm 1942 khi một phi công Đức bị lạc đường nên buộc phải hạ cánh xuống sân bay của Anh thì nhiệm vụ này mới chính thức hoàn thành. Hầu như vô cùng khó để cướp được một chiếc Fw 190 thế mà trong Call of Duty 1, Captain Price, Waters và Evans lại dễ dàng cướp được một chiếc Fw 200 sau khi dọn dẹp và phá hủy hàng chục máy bay tiêm kích Stuka của người Đức.
Mặc dù lịch sử được viết dựa theo phe chiến thắng và hầu hết các game về chiến tranh thế giới thứ hai đều đề cao chủ nghĩa anh hùng cá nhân nhưng không thể không nhìn nhận khoa học kỹ thuật lẫn công nghệ chiến tranh của người Đức khi đó đã đi trước thời đại. Có thể các NSX cũng biết được vấn đề này nhưng nếu không "bơm" phe Đồng Minh lên và dìm Phát Xít xuống thì không chừng tựa game đó còn không được thấy ánh mặt trời nữa là.