Phụ Lục
Với sức mạnh của VR và sự chi tiết đáng kinh ngạc, Valve đã làm được một điều mà trước nay có lẽ chưa tựa game nào khác – dù là truyền thống hay VR – có thể làm được với Half-Life: Alyx. Trò chơi mới nhất của hãng khiến người chơi phải lục lọi từng ngóc ngách, từng vật phẩm xung quanh, và đem lại cho game thủ niềm vui khi thực hiện điều đó. Mọt tui đã nhắc đến điều này một lần trong bài viết trước của mình nhưng sau khi được trải nghiệm game thêm chút nữa, Mọt cảm thấy rằng mình cần phải nói về nó một cách kỹ càng hơn.
Khi mới làm quen với Half-Life: Alyx, Mọt tui đã mắc phải một sai lầm là chơi như một tựa game bắn súng trên PC bình thường. Ngắm bắn, bóp cò, nạp đạn, lùng sục khắp nơi để tìm kiếm những băng đạn mới, và cứ thế tiếp tục. Nhưng sau một thời gian ngắn, tác giả nhận ra rằng đó không phải là cách mà Valve muốn bạn thưởng thức trò chơi. Họ muốn game thủ cảm thấy mình là kẻ yếu chứ không phải người hùng, phải biết tận dụng mọi thứ quanh mình để đánh bại đối thủ chứ không phải nhờ vào cây súng lục hay khẩu shotgun.
Làm thế nào để tận dụng mọi thứ quanh mình trong Half-Life: Alyx? Rất dễ dàng, bởi game thủ chỉ cần học cách sử dụng đôi bàn tay – công cụ tốt nhất và linh hoạt nhất trong game. Sự tự do khi hoạt động trong môi trường VR của đôi bàn tay cho phép bạn làm rất nhiều điều, từ vươn tay chụp một cái chai hay một quả lựu đạn đang bay trên không trung đến vẫy chào ông bạn Jeff (có lẽ là kẻ sẽ đá đít Mr.X hay Nemesis để giành vị trí con quái gây kinh sợ nhất làng game). Rút băng đạn từ túi áo xác chết? Có thể. Dùng một cái ghế để chặn con Headcrab lao về phía mình? Dễ dàng. Dốc ngược một cái xô để đổ mọi thứ bên trong ra và tìm đồ vật hữu dụng? Chỉ cần hai chuyển động đơn giản.
Với sự linh hoạt của đôi bàn tay này, tất cả mọi thứ trong môi trường đều có thể biến thành công cụ của bạn, và tất cả những gì bạn có thể nghĩ tới đều có thể được thực hiện. Điều này khiến game thủ chấp nhận bỏ thời gian thử nghiệm và tương tác với mọi thứ nhằm tìm kiếm những món đồ hữu dụng từ môi trường xung quanh hoặc tìm cách sử dụng những vật phẩm mình nhìn thấy được, và nhận được những phần thưởng nho nhỏ như khám phá tác dụng của một chiếc ghế hay tìm thấy một gói Resin (để nâng cấp vũ khí) trong thùng carton. Bằng cách này, Valve đã có một phương thức kéo dài thời lượng trò chơi khiến game thủ “tâm phục khẩu phục,” chứ không khiến họ vừa chơi vừa chửi như những tựa game đặt 1337 món collectible rải rác khắp bản đồ.
Half-Life: Alyx vừa là một tựa game hành động căng thẳng vừa lạ một game kinh dị ghê rợn, tùy vào việc game thủ đang ở nơi nào. Mảng hành động được thể hiện rõ ràng ở khắp nơi trong những pha đọ súng với lũ Combine, đòi hỏi những chuyển động ngắn gọn, chuẩn xác của đôi tay từ việc “lắp” đèn pin vào súng (đặt tay trái dưới tay phải), dùng kẻ địch hay vật thể để chắn đạn. Bên phía kinh dị, game thủ sẽ phải thực hiện những thao tác nhanh chóng theo phản xạ của mình, chẳng hạn ném một cái chai đánh lạc hướng mục tiêu, bắt lấy vật thể chặn con Headcrab đang lao tới…
Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả những gì bạn có thể thực hiện được trong game. Valve cho phép bạn dùng đôi bàn tay này để giải các câu đố đơn giản như dọ thám dây điện ngầm trong tường và chuyển hướng dòng điện để mở cửa đến việc vận hành các cỗ máy kềnh càng bằng cách tự tay kéo, đẩy, xoay và điều chỉnh các linh kiện của chúng. Chỉ cần một chút thử nghiệm, bạn sẽ nhận ra rằng mình có thể dùng đôi bàn tay để viết và vẽ trong thế giới của Half-Life: Alyx – một thầy giáo có tên Charles Coomber thậm chí còn dùng Half-Life: Alyx để dạy Toán cho học sinh của mình bằng cách viết lên tấm kính cửa sổ trong game!
Đó chỉ là một vài trong số những ví dụ mà Mọt có thể nghĩ đến để minh họa cho sự linh hoạt của đôi tay trong Half-Life: Alyx. Chỉ khi nào "tự tay" trải nghiệm Half-Life: Alyx, bạn mới nhận ra được rằng khi được cầm nắm, tương tác, một trò chơi sẽ trở nên thú vị hơn biết bao.
Theo những gì Mọt được biết về quá trình phát triển Half-Life: Alyx, những động tác của đôi tay và sự chi tiết của môi trường không phải là một định hướng được đặt ra ngay từ đầu, mà “tiến hóa” dần theo thời gian. Ban đầu, những người chơi thử Half-Life: Alyx chỉ đối xử với trò chơi như các tựa game bắn súng khác: vào phòng, giết sạch những gì chuyển động và đi sang một phòng khác. Nhưng theo thời gian, Valve liên tục nghĩ ra những trò tương tác mới và bổ sung những vật phẩm mới vào từng căn phòng, từng màn chơi. Nó khiến game thủ lưu lại lâu hơn mỗi khi bước vào một căn phòng mới và sau khi đã giải quyết hết các mối đe dọa trong phòng họ còn khám phá những vật phẩm có trong đó nữa.
Giờ đây, sự tò mò của game thủ sẽ khiến trò chơi thêm phần thú vị, và biến những vật phẩm tầm thường thành đối tượng của sự hứng thú đáng ngạc nhiên. Bất kỳ một ai chơi Half-Life: Alyx cũng sẽ bỏ rất nhiều thời gian vào việc thử dòm ngó từng gầm bàn, lật ngửa từng chiếc ghế, lục tung nồi niêu xoong chảo, liếc vào mọi cánh cửa, đút đầu vào mọi lỗ thủng để nhìn xem có những gì – những thứ mà bạn chẳng buồn liếc mắt đến trong những tựa game bắn súng khác. Thật đấy, Mọt tui nói bằng kinh nghiệm của mình!
Và cũng như các phiên bản Half-Life trước, vật lý là một phần rất quan trọng trong Half-Life: Alyx. Valve không còn bận tâm nhiều đến việc dùng vật lý làm câu đố như cái thời Half-Life 2, nhưng Mọt tin chắc họ đã dành ra rất nhiều thời gian để mài giũa từng chi tiết trong các tương tác vật lý trong game, dù đôi khi chúng bị hi sinh tính chân thực để phục vụ gameplay. Yếu tố này đem lại cho game thủ một cảm nhận hết sức chân thực về thế giới quanh mình, khi game thủ có thể giật một cánh cửa xe làm khiên chắn đạn, dùng chai lọ để đánh lạc hướng kẻ địch, tự tay tháo dỡ từng chướng ngại vật chặn đường… Nó khiến bạn cảm thấy mình thực sự đang lạc lõng trong City 17 thay vì chỉ là người điều khiển cô nàng Alyx trong một trò chơi.
Nếu một ngày nào đó VR trở nên phổ biến, những thế hệ game thủ tương lai hẳn sẽ không còn bị choáng ngợp với những gì mà Valve tạo ra với môi trường và đôi bàn tay trong Half-Life: Alyx, hệt như sự “bình thường hóa” đã xảy ra với những câu đố vật lý trong Half-Life hay đồ họa đỉnh điểm của Myst. Nhưng khi điều đó xảy ra, nó không có nghĩa là Valve và Half-Life: Alyx đã thất bại, mà ngược lại nó cho thấy cả hai đã thành công trong việc đặt ra những tiêu chí để chấm điểm một tựa game VR, và mở ra một con đường cho những nhà phát triển có tham vọng làm game VR. Trở thành kinh điển – phải chăng đó là số phận của những tựa game mang thương hiệu Half-Life?