Phụ Lục
Ubisoft vừa chính thức công bố tựa game kế tiếp trong series Assassin’s Creed sẽ có tên Assassin’s Creed: Valhalla, lấy bối cảnh Bắc Âu và các chiến binh Viking đúng như những lời đồn trước đó, dù không phải mang tên Ragnarok như dự tính. Trò chơi được công bố theo một phương thức khá mới mẻ trong một buổi stream dài… 8 tiếng, khi Kode Abdo - một họa sĩ của Ubisoft - vẽ bức artwork mà bạn có thể nhìn thấy bên dưới:
Ngoài bức tranh trên và cái tên của trò chơi, chúng ta vẫn chưa được biết gì về nội dung của game bởi Ubisoft hẹn đến 10h tối 30/4 theo giờ Việt Nam để công bố trailer đầu tiên của game. Tuy nhiên bức tranh trên có vẻ đã cho chúng ta thấy rằng nhân vật chính của game một lần nữa sẽ không phải là một sát thủ kiểu Ezio, mà là một chiến binh râu rậm phong trần đúng kiểu Viking, với món vũ khí chính là cây búa bén ngót.
Ubisoft vẫn chưa công bố ngày phát hành hay hệ máy của game, nhưng rất có thể trò chơi sẽ ra mắt trên PC cùng các hệ máy next-gen Xbox Series X và PS5, cộng thêm Stadia bởi Ubisoft đã ký hợp đồng đưa game mới của mình lên nền tảng cloud gaming của Google từ trước.
Và với Mọt tui, bức tranh trên cũng gần như chấm dứt những hi vọng dòng game Assassin’s Creed sẽ lại trở về với lối chơi sát thủ lén lút, êm thấm và nhẹ nhàng. Mặc dù tin đồn rằng game mới sẽ có tên Ragnarok và lấy bối cảnh Viking đã xuất hiện từ lâu, không ít game thủ (trong đó có tác giả) vẫn nuôi hi vọng rằng sau hai phiên bản Origins và Odyssey sặc mùi fantasy với thần linh và phép thuật, Ubisoft sẽ ưu ái hơn cho lối chơi ám sát cổ điển. Giờ thì chúng ta đều biết rằng điều đó sẽ không xảy ra - bạn không thể trông chờ một gã cục súc với bắp tay to hơn bắp đùi của khối game thủ và chiếc rìu chiến ngoại cỡ như vậy lại tôn trọng sự yên tĩnh. Mọt chưa từng nghe ai gọi các Viking là Ninja Bắc Âu, nên giờ đây bạn có thể gác lại giấc mơ Assassin’s Creed hành động bí mật rồi.
Bù lại những game thủ yêu thích thủy chiến từ Black Flag và nhập vai kiểu… The Witcher 3 có thể đặt nhiều hi vọng vào trò chơi. Gameplay của hai bản Assassin’s Creed gần đây đã có nhiều thay đổi - Mọt không gọi chúng là “cải tiến” vì thực sự chúng đi quá xa khỏi cội nguồn của series và gây nhiều bất mãn cho game thủ, nhưng cũng phải nói rằng những thay đổi đó là thú vị. Những yếu tố mới được đưa vào Origins và phát triển trong Odyssey khiến các nhân vật chính không còn bị bó buộc vào lối chơi lén lút bình thường, trong khi kết cấu nhiệm vụ của trò chơi cũng được cải tiến để trở nên hấp dẫn hơn. Thật ra, nếu không sử dụng thương hiệu Assassin’s Creed mà tạo ra hẳn một thương hiệu mới để khai thác gameplay này, Ubisoft hoàn toàn có thể tạo ra một con gà đẻ trứng vàng mới.
Thật vậy, với Mọt tui thì hệ thống Cultist trong Assassin’s Creed Odyssey là một ví dụ cho tiềm năng trở thành một tựa game chẳng kém gì The Witcher 3 kinh điển. Dù được gọi là một chuỗi nhiệm vụ “phụ,” nhưng thật ra các nhiệm vụ săn lùng Cultist trong Assassin’s Creed Odyssey còn hấp dẫn hơn cả tuyến nhiệm vụ chính của trò chơi và khiến không ít game thủ… bỏ quên luôn cuộc hành trình tìm kiếm gia đình của Cassandra / Alexios. Nếu Ubisoft cải tiến hệ thống Cultist này và đưa nó vào Assassin’s Creed Valhalla theo một phương thức nào đó, chẳng hạn bổ sung thêm những chuỗi nhiệm vụ dài hơi ảnh hưởng đến kết cục của trò chơi và nhân vật chính, có thể Assassin’s Creed Odyssey sẽ là một tựa RPG kinh điển chẳng kém gì The Witcher 3.
Điều duy nhất mà Mọt tui muốn phàn nàn về gameplay của Assassin’s Creed Odyssey là ở thế giới của nó. Không chỉ một lần tác giả mở bản đồ lên và cảm thấy rằng thế giới đó quá rộng lớn, nhưng lại quá trống trải dù có đủ thứ biểu tượng nằm rải rác khắp nơi. Những collectible mà Ubisoft đặt khắp bản đồ thực sự chẳng có giá trị hay ý nghĩa gì ngoài việc kéo dài thời gian chơi và buộc những game thủ thích thu thập phải phát cuồng. Mọt dám nói rằng với đại đa số game thủ, họ bỏ qua có lẽ phải đến 1/3 bản đồ của Odyssey vì ngán ngẩm trước quá nhiều lựa chọn. Vì vậy, Mọt tui hi vọng rằng trong Assassin’s Creed Valhalla, Ubisoft sẽ học hỏi từ The Witcher 3 và thu nhỏ thế giới của trò chơi nếu cần để tập trung công sức vào việc tạo ra những nhiệm vụ phụ ý nghĩa hơn, giúp game thủ hiểu rõ hơn về thế giới trong game và hòa nhập vào nó.
Bên cạnh đó, sự thất bại của Ghost Recon Breakpoint vào cuối năm 2019 cũng có thể được xem là một tin mừng với game thủ thế giới nói chung và fan của Assassin’s Creed nói riêng. Thất bại đó buộc Ubisoft phải nhìn lại cách làm game của mình và cải tổ bộ phận “biên tập game” của họ, bổ sung thêm nguồn nhân lực mới và tạo điều kiện cho những sự sáng tạo được nảy sinh thay vì để tất cả các series của game nằm trong lòng bàn tay của chỉ một người. Có lẽ từ nay chúng ta sẽ ít thấy Ubisoft tung ra những tựa game copy – paste hơn, mà được chơi những tựa game với sự khác biệt rõ ràng và nét cuốn hút riêng biệt. Dù Assassin’s Creed Valhalla đã được phát triển từ trước khi Ubisoft cải tổ, trò chơi vẫn có thể được lợi từ sự thay đổi đó.
Tất cả những gì được nói bên trên chỉ là cảm nhận và suy đoán của Mọt tui về Assassin’s Creed Valhalla, bởi Ubisoft hoàn toàn chưa tung ra thông tin gì về gameplay của nó. May mắn là chúng ta sẽ không phải chờ quá lâu để được biết những chi tiết gameplay đầu tiên, bởi chỉ vài giờ sau khi bài viết này “lên sóng” Mọt game, trailer đầu tiên của trò chơi sẽ được công bố. Đến lúc đó, Mọt sẽ có nhiều thông tin và căn cứ hơn để tiếp tục bàn bạc (và đoán mò) về game. Hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết kế tiếp!