Như thường lệ, cứ sau mỗi kỳ The International, thị trường chuyển nhượng của Dota 2 lại bắt đầu rục rịch. Các đội tuyển lại bắt đầu công cuộc tái thiết, điều chỉnh đội hình. Sẽ có những kẻ đến, và sẽ có những người phải đi. Thậm chí, sẽ có những team bị disband và một vài game thủ thất nghiệp. Đây được xem là thời điểm “đen tối nhất” của cộng đồng Dota 2 trong một năm.
Năm nay cũng không phải ngoại lệ, thậm chí thị trường chuyển nhượng còn sôi nổi hơn nhiều so với những năm trước đó. Hàng loạt team bắt đầu đua nhau thay đổi nhân sự quy mô lớn. Khá nhiều game thủ phải ra đường, và một số bắt đầu tự đứng ra thành lập cho mình những đội tuyển mới bằng cách tập hợp các game thủ tự do. Thậm chí, có đến 2 team phải disband sau TI8 là LFY và VGJ.Storm. Ít nhiều những thay đổi đó cũng có những tác động nhất định đến bối cảnh Dota 2 chuyên nghiệp, dù tích cực hay tiêu cực.
Việc xây dựng một đội tuyển Dota 2 xoay quanh hai mục đích: lợi ích trước mắt hoặc đầu tư lâu dài. Các đội đầu tư lâu dài được thành lập với mục đích phát triển các game thủ trẻ, có tiềm năng và học hỏi cùng nhau. Các tài năng trẻ này sẽ được tạo mọi điều kiện để phát triển. Họ chơi cùng nhau, học hỏi nhau, phối hợp cùng nhau đến mức độ nhuần nhuyễn và trở thành một phản xạ có điều kiện.
Một ví dụ về đội tuyển đầu tư lâu dài là Team Liquid. Kể từ năm 2015 đến nay, đội hình Liquid chỉ có hai lần thay đổi lớn trong nhân sự. Đầu tiên là năm 2016 với việc Miracle- và BuLba gia nhập để thay thế cho vị trí của Fata- và JerAx. Sau đó đến năm 2017, BuLba rời đội và thay thế anh là gh-GOD. Trong thời gian đó, Liquid liên tục chứng minh mình là một đội tuyển hàng đầu với rất nhiều thành công lớn nhỏ mà đặc biệt là chức vô địch TI7. Liquid cũng cho thấy việc đầu tư vào sự phát triển lâu dài của game thủ sẽ cho kết quả tốt nhất.
Các đội muốn thu được lợi ích trước mắt từ Dota 2 thường xây dựng một đội hình toàn sao, tương tự như dải ngân hà Galacticos của Real Madrid trong bóng đá. Tất cả năm thành viên đều là những game thủ giỏi nhất nhì ở lane của họ, nhưng khả năng làm việc nhóm lại không lớn, bởi mỗi người đều có một cái tôi riêng. Các đội tuyển xây dựng theo khuôn mẫu này thường chỉ kéo dài nhiều nhất là một mùa và disband hoặc thay đổi ngay khi có một giải đấu nào đó không thành công. Đây cũng là những đội tích cực mua sắm nhất thị trường chuyển nhượng, đơn cử như Team Secret và Fnatic. Cả hai đội tuyển này đều không tập trung vào việc phát triển tiềm năng của game thủ, và thay vào đó, hi vọng tăng sức mạnh cho đội bằng cách kick game thủ có phong độ kém và thay vào đó những game thủ giỏi khác.
Việc tìm hướng đi cho việc xây dựng một đội tuyển cũng bị chia thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất gồm những đội muốn tập trung xây dựng toàn bộ các thành viên và chơi xoay quanh nhau. Nhóm thứ hai là bỏ tiền ra mua về những ngôi sao có kỹ năng thượng thừa lúc bấy giờ. Nhóm cuối cùng là những đội xây dựng lối chơi xoay quanh một thành viên nào đó. Một người sẽ trở thành tâm điểm của đội và các nhà quản lý sẽ cố gắng tìm những game thủ khác có khả năng kết hợp tốt với phong cách của game thủ tiêu điểm. Điển hình trong nhóm này là Natus Vincere (trước TI8), Evil Geniuses và Team Secret.
Dendi của Na`Vi và SumaiL của Evil Geniuses là hai ngôi sao trở thành tâm điểm của hai đội. Không chỉ xây dựng một đội hình xoay quanh hai thành viên này, lối chơi của Na`Vi và EG cũng được tập trung quanh họ. Một số đội trong nhóm này thường ưu tiên việc chuyển nhượng các game thủ cho nhau, đặc biệt là EG và Team Secret.
Việc chứng kiến đội tuyển mà mình hâm mộ chuyển nhượng hoặc thay máu quá nhiều là điều khó có thể chấp nhận đối với các fan. Mỗi đội chỉ có 5 người, nên việc mất 2 hay 3 người đã là một sự thay đổi lớn rồi. Thay đổi hơn 50% nhân sự của đội chính là một canh bạc lớn mà các đội phải đối mặt, cũng như phải giải quyết hệ quả của nó về sau.
Trong số muôn vàn những đội tuyển có sự thay đổi lớn về nhân sự đó, OG – nhà vô địch The International 2018 – chính là tiêu biểu cho việc chấp nhận và chiến thắng canh bạc lớn của chính mình. Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu có bao nhiêu đội tuyển có khả năng thay đổi thành công như OG? Có chăng những nghịch cảnh do chính sự chuyển nhượng game thủ gây ra?
https://twitter.com/compLexity/status/974766993307066368?ref_src=twsrc%5Etfw%7Ctwcamp%5Etweetembed%7Ctwterm%5E974766993307066368&ref_url=https%3A%2F%2Fesportsedition.com%2Fdota-2%2Fdota-2-roster-changes%2F
Việc thay đổi là cần thiết khi có một số game thủ xuống phong độ hoặc không có động lực thi đấu. Nhưng thay vì tìm ra lý do tại sao game thủ lại xuống phong độ, hoặc teamwork kém, các nhà quản lý lại thường chọn cách đuổi thẳng cổ cho nhanh. Các đội chỉ đơn giản xem game thủ là một cỗ máy kiếm tiền, hơn là một đối tượng có thể đầu tư tiền vào. Trước mùa giải DPC 2017 – 2018, điều này đã dẫn đến sự mất ổn định, thậm chí chơi dưới sức của game thủ trong thời gian dài. Không những vậy, điều này còn để lại cho game thủ những gánh nặng về tâm lý.
Khi Valve công bố thể thức tính điểm Dota Pro Circuit, việc các tổ chức kick game thủ được hạn chế đến mức tối đa bởi một số quy tắc và hình phạt chung. Điều này vô hình chung buộc các tổ chức phải chuyển sang kế hoạch dài hạn nếu không muốn nhận những mức xử phạt nghiêm khắc từ Valve. Từ đó, thị trường chuyển nhượng giai đoạn giữa mùa giải lắng xuống rõ rệt.
Sau khi International kết thúc, các đội có thể đánh giá lại các thành viên và xác định xem liệu họ có thể thành công với những con người hiện có hay không. Có rất nhiều đội như EG hay PSG.LGD giữ nguyên đội hình, nhưng cũng có những đội thay đổi đến 3 vị trí, như Fnatic chẳng hạn. Không biết bước vào mùa giải mới, những đội như vậy có làm nên trò trống gì không, hay lại đi theo vết xe đổ của mùa giải trước.
Không có một công thức hoàn hảo để tạo nên một đội tuyển Dota 2 thành công. Rõ ràng, Dota Pro Circuit mà Valve vừa tạo ra là một nỗ lực lớn nhằm duy trì các quy tắc để bảo vệ game thủ trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay. DPC chỉ được gọi là thành công, khi game thủ không bị xem như hàng hóa.