Nếu được hỏi rằng tựa game nào kì quặc và hài hước nhất năm 2019, gần như chắc chắn ai cũng sẽ nói rằng đó là Untitled Googe Game. Tựa game tưởng như là 1 trò đùa này đã thành công theo cach khó tin khi mà đạt được những đánh giá tích cực, doanh số ấn tượng và trên hết là trở thành 1 hiện tượng có sức ảnh hưởng lớn trên mạng internet. Ai lại có thể nghĩ ra 1 trò chơi ngớ ngẩn và thú vị như vậy và tại sao nó lại trở nổi tiếng đến thế ? Vậy hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sự ra đời của Untitled Goose Game và của chú ngỗng xấu tính đó nhé!
House House, nhà phát triển đứng sau Untitled Goose Game cho rằng họ không chuyên nghiệp cho lắm. Một thành viên của nhóm phát triển tên Jacob Strasser nói vui rằng: “Chúng tôi 3 năm chuyên nghiệp hơn so với 3 năm về trước”. Bốn thành viên của House House bao gồm Nico Disseldorp, Stuart Gillespie-Cook, Jacob Strasser và Michael McMaster cho biết họ làm tựa game đầu tay hoàn toàn để cho vui. Tựa game đầu tay đó mang tên Push Me Pull You, 1 game 2D khá bựa là dự án làm cho vui vào ngày nghỉ hè đã đi hơi xa một chút. Cả nhóm thực hiện tựa game vào thời gian rảnh rỗi, sau công việc hay trong lúc nghỉ giải lao sau giờ học.
Vì một nguyên do nào đó nhóm đã gửi dự án đến cho Sony. Và cũng khá ngạc nhiên khi Sony cho phát hành Push Me Pull You lên PlayStation Store. Dù mục đích của tựa game chỉ để cho vui chứ không có ý định kiếm tiền gì, thế nhưng cả nhóm đã được chính phủ Úc tài trợ chút tiền để quảng bá game. Lợi nhuận của game được cho là cũng chả đáng để chia nhau theo như nhóm phát triển. Dù sao thì họ cũng là làm ra 1 tựa game họ thấy hài lòng với nó và có động lực để tạo nên 1 dự án mới.
Ban đầu không ai trong House House biết nên làm gì tiếp theo. Chia sẻ ý tưởng với nhau trong group chat, cả nhóm bắt đầu đưa ra những đề xuất kì quái và hài hước. Khi ấy, Stuart đột nhiên đăng lên hình ảnh của 1 con ngỗng và thử đề nghị hãy làm game theo con ngỗng đó. Cả nhóm bật cười vì cái ý tưởng ngớ ngẩn đó rồi cũng tự nhủ rằng tại sao lại không. Đằng nào họ cũng chưa có ý tưởng gì hay hơn và lại sẽ rất vui khi có thể nghịch ngợm với 1 tựa game về ngỗng trước khi tiến tới làm cái gì đó nghiêm túc hơn.
Cả nhóm rất hứng thú với việc nâng cao kĩ năng cũng như học hỏi thêm từ việc làm game. Push Me Pull You là 1 game 2D đơn giản, cho nên nhóm muốn làm cái gì đó 3 chiều, giống như Super Mario 64. Để giúp cho việc học hỏi, họ tạo ra 1 mô hình đơn giản của con ngỗng và 1 khu vườn nhỏ cho chú ngỗng quậy phá. Trong khi cả 4 người trong nhóm đều là người Úc, ho cho rằng bối cảnh hoàn hảo nhất cho tựa game nên là một ngôi làng Anh Quốc, một nơi thanh bình và yên ả có 1 chú ngỗng tinh nghịch sẽ là cơn ác mộng kinh hoàng nhất và cư dân ở đó có thể tưởng tượng. Phong cách nghệ thuật của game được truyền cảm hứng từ các chương trình truyền hình cho trẻ em tại Anh Quốc như Fireman Sam và Postman Pat. Khuôn mặt trống của cư dân trong làng được tạo nên dựa theo các nhân vật nền của loạt phim Thomas the Tank Engine. Với House House thì đây vẫn là một trò đùa với họ hơn là 1 dự án nghiêm túc và công bằng mà nói họ cũng không mong đợi gì nhiều ở nó.
Sau đó, House House tung lên mạng 1 đoạn trailer về đoạn gameplay trong khu vườn nhỏ đó. Họ còn không kiếm cho tựa game của mình cái tên để có thể gọi nó. Theo cả nhóm, nếu mọi người thích cái game ngỗng này thì thật tuyệt, họ có thể tung ra những gì đã làm như 1 tựa game nhỏ rồi tạm gác nó để tập trung cho ý tưởng khác để làm 1 dự án lớn hơn. Đáng ngạc nhiên là rất nhiều người thích “game ngỗng không tên“ của họ. Dự án đùa vui của họ vô tình khiến cho nhiều người liên hệ với thực tế về những con ngỗng hoành hành tại Bắc Bán Cầu. Mọi người đều đồng ý rằng ngỗng rất đáng sợ. Với ủng hộ nhiệt liệt từ phía cộng đồng mạng, House House nhận thấy rằng họ có thể làm nhiều hơn nữa với “game ngỗng không tên” của mình. Cả nhóm quyết định mở rộng quy mô của đoạn demo đó.
Ban đầu game dự kiến là sẽ không có nhạc nền, cả nhóm chỉ nhờ Dan Golding viết nhạc nền cho đoạn trailer. Trước đó Dan cũng đã cung cấp nhạc cho Push Me Pull You của House House. Dan đã lựa chọn đoạn dạo đầu thứ 12 của Claude Debussy. Phản ứng của cộng đồng là rất tích cực khi mọi người rất thích phong cách nhạc giao hưởng piano của game, đồng thời bày tỏ mong muốn âm nhạc như vậy sẽ xuất hiện trong game. Vậy nên Dan quyết định sáng tác sountrack riêng cho game dựa theo âm nhạc của Debussy. Dan ghi âm mỗi bản nhạc mình chơi 2 lần, 1 lần là chậm rãi, lần 2 là nhanh và hào hứng. Qua đó, game có thể chuyển âm nhạc từ nhanh và hỗn loạn sang chậm và bình thản tùy theo diễn biến trong game khi đó.
Trong quá trình phát triển, House House giữ cho mọi thứ bình thường và đơn giản, họ không muốn trở thành nhà phát triển chuyên nghiệp hay nghiêm túc gì cả. Khi cần thiết thì họ tìm đến ngay các nhà phát triển khác để được trợ giúp, cùng với đó là làm việc với nhà phát hành Panic Inc. Với cả nhóm thì dự án vẫn là để cho vui, không việc gì phải quá nghiêm túc. Điều đó phần nào khiến cho game ngỗng của họ vẫn không có tên. Trong ngày phát hành, họ giải quyết nhanh chóng các việc còn lại của game để xuống phố Melbourne gia nhập hàng người tuần hành chống biến đổi khí hậu. Tựa game ngỗng của họ quan trọng đó, nhưng đó không phải thứ quan trong nhất họ có thể làm. Theo Nico thì ngày game ra mắt bạn không chơi được nó cũng không sao, bạn có thể chơi nó vào hôm khác hoặc chơi tạm game khác, thế nhưng biến đổi khí hậu thì là việc khẩn cấp và phải có hành động ngay lập tức.
Untitled Goose Game trở thành cú hit, đặc biệt trên Nintendo Switch khi dẫn đầu doanh số ở nhiều nơi. Cùng với đánh giá tích cực từ cả giới phê bình và game thủ, Untitled Goose Game cũng trở thành 1 hiện tượng trên mạng internet với nhiều nhiều streamer, youtuber chơi nó, các meme hài hước về nó. Bài học đằng sau thành công của chú ngỗng xấu tính này đó là đôi lúc bạn không cần phải quá nghiêm túc, hãy đừng ngần ngại tìm đến niềm vui trong công việc và cuộc sống.
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]