Trong suốt hơn 10 năm qua, “Project Titan” của Blizzard là một dự án khiến game thủ thế giới hết sức tò mò. Tấm màn bí mật mà Blizzard bao phủ quanh trò chơi này quá vững chắc, đến mức người ta còn chẳng biết được cụ thể dự án này được khởi động từ khi nào, và phải đến hơn một năm sau ngày dự án bị hủy bỏ, Blizzard mới chính thức công bố điều đó. Giờ đây, người nối nghiệp của Project Titan là Overwatch cũng đã được hơn 2 năm tuổi, nhưng các chi tiết về Project Titan vẫn rất hiếm hoi. Trong bài viết này, hãy cùng Mọt Game điểm lại những thông tin được hé lộ về thất bại đầy tốn kém này của Blizzard.
Theo những thông tin mà chúng ta biết ngày nay, Project Titan được bắt đầu phát triển vào khoảng năm 2007. Đây là một dự án MMORPG tuyệt mật của Blizzard thời bấy giờ, và sự tồn tại của nó chỉ bị tiết lộ vào tháng 11/2010 khi một lịch phát hành game của Blizzard bị tiết lộ, nhắc tới một tựa game có tên Titan với ngày phát hành là Q4/2013, tức 3 năm sau đó. Nó cũng nhắc tới ngày ra mắt của Diablo 3, phim World of Warcraft, các bản expansion của StarCraft II, dù sau này các ngày phát hành đó đều có thay đổi. Vụ lộ hàng này đã khiến ông Diệp Vĩ Luân, tổng giám đốc Blizzard Trung Quốc khi đó phải rời ghế của mình, dù chưa rõ là do bị sa thải hay từ chức.
Theo lời cựu tổng giám đốc Blizzard Mike Morhaime, Project Titan sẽ cùng tồn tại song song với World of Warcraft bởi hai tựa game này rất khác nhau. WOW sẽ chiếm lĩnh làng game thu phí tháng, còn Project Titan sẽ là buy to play, hoặc free to play – theo lời ông Mike Morhaime là “khả năng phát hành theo hình thức thu phí tháng rất thấp.” Họ cũng kỳ vọng cả hai trò chơi sẽ cùng thống trị thị trường MMORPG nhờ những kinh nghiệm mà hãng đã có qua quá trình phát triển WOW. Tuy nhiên, quá trình phát triển Project Titan gặp nhiều rắc rối khiến việc phát triển game bị dừng lại vào tháng 5/2013. Blizzard công bố với báo giới họ đã chuyển hướng phát triển trò chơi, và chỉ thừa nhận game đã bị hủy bỏ vào tháng 9/2014.
Theo các ước tính của dân trong ngành, việc hủy bỏ trò chơi khiến Blizzard thiệt hại khoảng 50 triệu USD, dù đây chỉ là “tiền lẻ” với hãng vì lúc đó giá trị của họ là hơn 15 tỉ USD. Theo các nhà phân tích, Blizzard đã nhận ra rằng Project Titan chỉ có thể thành công nếu nó đem lại một thứ gì đó thực sự khác biệt so với những tựa game khác đang có trên thị trường. Quyết định hủy bỏ Project Titan có thể là đau tạm thời, nhưng sẽ có lợi cho Blizzard về lâu dài. Sau khi game bị hủy bỏ, chỉ 40 người trong đội ngũ phát triển 140 người được giữ lại để thực hiện một tựa game mới mà chúng ta gọi là Overwatch ngày nay.
Nhưng ngay cả sau khi Project Titan bị hủy bỏ, Blizzard vẫn rất kín miệng về nó. Những thông tin mà chúng ta được biết về trò chơi trong những năm qua trên các mặt báo và trang tin chủ yếu đến từ những người từng dính líu vào việc phát triển Project Titan, chẳng hạn các lập trình viên hay những người chơi thử nó – tất cả đều nặc danh bởi họ không được phép công khai tiết lộ những gì mình biết về dự án này. Những nhân vật đó đã đem lại cho game thủ một cái nhìn tổng quát về Project Titan mà chúng ta có được ngày nay.
Vậy thì Project Titan là gì? Nó sẽ là một tựa MMORPG lấy bối cảnh Trái đất trong tương lai gần, nơi công nghệ đã khá tiến bộ và con người vừa đánh bại một cuộc xâm lăng của người ngoài hành tinh. Game thủ sẽ được tham gia vào một trong ba phe phái đang bị cuốn vào một cuộc “chiến tranh lạnh” giành quyền điều khiển hành tinh, trong một thế giới được tạo nên từ rất nhiều bản đồ có kích thước rộng lớn, được thiết kế theo các môi trường từ Mỹ, châu Âu, Nam Mỹ, Úc,… Các bản đồ này sẽ có kích thước khổng lồ và không ngừng được mở rộng trong những năm tiếp theo sau ngày phát hành.
Khi tham gia vào một trong ba phe phái của game, bạn gần như là một mật vụ - sinh hoạt và làm những công việc thường nhật vào ban ngày, tham gia vào những trận chiến trong thế giới ngầm chống lại các phe phái khác vào ban đêm. Đại khái là game thủ có thể sẽ giống… Superman: bạn nhận được cuộc gọi từ tổ chức trong giờ làm việc, chạy vào thang máy hay WC để thay một bộ đồ bó kiểu siêu anh hùng rồi lao ra chiến đấu với kẻ địch. Bạn cũng có thể lờ cuộc gọi đó đi để tiếp tục công việc của mình để kiếm tiền, với những lựa chọn đa dạng như một tay thợ sửa xe hay một chủ shop bán đồ lưu niệm.
Để game thủ yêu thích phần “sinh hoạt” của trò chơi, Blizzard có kế hoạch rất rõ ràng. Các thành phố trong game sẽ chẳng khác gì với thế giới thực, đầy các cửa hiệu, nhà ở, NPC với khả năng cư xử và lịch làm việc giống con người. Cách mà NPC trong game tương tác với bạn sẽ thay đổi theo hành vi của bạn, chẳng hạn một chủ tiệm sẽ tỏ ra thân mật hơn nếu bạn là một khách hàng thường xuyên của anh ta. Blizzard còn có kế hoạch cho phép game thủ bảo trì quan hệ với các NPC trong game, lập gia đình cùng họ (Stardew Valley?) nếu muốn. Theo một nguồn tin, Blizzard đã thuê một số cựu binh Maxis (The Sims) để thực hiện phần công việc này.
Khác với những sinh hoạt hàng ngày, những lớp nhân vật mà bạn được chọn để chiến đấu trong Project Titan mang đậm nét RPG với những cái tên cực ngầu kiểu Reaper, Jumper, Titan, Ranger, Juggernaut… Mỗi lớp nhân vật có các kỹ năng và trang bị riêng. Lấy ví dụ Tracer Jumper: đây là một nhân vật cực kỳ linh hoạt với khả năng nhảy vào / ra các cuộc giao tranh bằng teleport. Titan sẽ là tank máu trâu giáp dày, Ranger là tay bắn tỉa có khả năng tàng hình, Reaper là chuyên gia cận chiến với lưỡi hái + shotgun,…
Khi nói về lối chơi của Project Titan, những nguồn tin này thường xuyên so sánh trò chơi với Team Fortress. Theo họ, chúng có sự tương đồng về phong cách đồ họa đầy màu sắc và lối chơi nhanh, đòi hỏi sự linh hoạt của đôi tay và bộ não. Số khác lại ví Project Titan như sự lai tạo giữa các đoạn phim cinematic của StarCraft II với phim hoạt hình The Incredibles. Game thủ có thể chuyển đổi giữa góc nhìn FPS và TPS tùy vào mình đang làm gì - sinh hoạt trong thành phố hay súng ống đầy mình sẵn sàng giao tranh.
Vì lối chơi của Project Titan được chia làm hai, thế giới trong game cũng được tách biệt thành “thế giới thực” và “thế giới ngầm” (có lẽ là giống với tựa MMORPG The Secret World ra mắt vào năm 2012). Trong thế giới thực, bạn sẽ chế tạo trang bị, làm việc kiếm tiền, giao tiếp với người xung quanh; còn khi vào thế giới ngầm, bạn cần phải bắn hạ kẻ địch trong những chế độ chơi quen thuộc của thể loại bắn súng như cướp cờ, deathmatch… Mục tiêu của đội ngũ phát triển là làm cho cả hai phần chơi này đều hấp dẫn, đều khả thi để game thủ có thể chơi theo cách mình muốn.
Một nguồn tin nói rằng trong một bản demo đã được đội ngũ phát triển Project Titan “khoe hàng” trong nội bộ Blizzard, nó cho game thủ thấy cảnh mình là một đầu bếp chuyên nghiệp, nhét món ăn vào lò rồi lao ra ngoài để hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, sau đó trở về đúng lúc món ăn được nấu chín và sẵn sàng bưng ra cho thực khách bên ngoài.
Tuy nhiên, tất cả những gì được nhắc đến bên trên đều chỉ là kế hoạch của Blizzard. Cho đến lúc này, gần như không ai biết được rằng đội ngũ phát triển của Blizzard đã làm được gì với Project Titan và còn những gì chưa làm được. Khi nói về lý do hủy bỏ trò chơi, cựu giám đốc Blizzard Mike Morhaime chỉ nói rằng trò chơi không đủ hấp dẫn, rằng nó không phải là tựa game mà Blizzard muốn thực hiện nên nó phải bị hủy bỏ. Tựa game “lai” giữa Team Fortress, The Sims, World of Warcraft, StarCraft II, The Incredibles chính thức bị Blizzard xếp vào danh sách những dự án thất bại của mình, bên cạnh StarCraft: Ghosts và Warcraft Adventures.
Một năm sau ngày Blizzard công bố Project Titan không còn tồn tại, họ hé lộ dự án hero shooter Overwatch của mình, và đó là tất cả những gì chúng ta được thấy về Project Titan ngày nay.