Phụ Lục
Vài ngày trước đây, một scandal mới đã diễn ra với studio Gearbox Software của Randy Pitchford, một trong những nhân vật nhiều tai tiếng của làng game. Các nhân viên của Gearbox tố studio của mình “xù” một phần khoản tiền thưởng mà công ty đã vẽ ra, khoản tiền mà họ hi vọng sẽ xứng đáng với thời gian và công sức mà họ đã bỏ ra để phát triển Borderlands 3 trong khi sếp Randy bỏ túi khoản tiền 12 triệu USD trước đó.
Nếu bạn chưa biết, chính sách của Gearbox là trả lương thấp hơn cho nhân viên, nhưng dụ dỗ họ bằng chính sách chia tiền lời sau khi game ra mắt – 60% vào tay các sếp và studio, 40% được chia cho nhân viên. Chính sách này được Gearbox khoe ra trong các kỳ tuyển dụng và là lý do chính mà các nhân viên studio chấp nhận mức lương được cho là thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung.
Trước sự bất mãn của các nhân viên, Gearbox phân bua rằng lý do mà khoản tiền thưởng nhân viên nhận được không cao như mong đợi là vì chi phí phát triển Borderlands 3 và các DLC của nó quá cao cho nên dù game này được xem là sản phẩm bán chạy nhất lịch sử của studio, nó vẫn không mang lại đủ tiền. Theo thông tin mà Mọt được biết, khoản tiền chi phí làm game này là khoảng 140 triệu USD, và họ phải trả lại số tiền này cho nhà phát hành 2K trước khi có thể chia tiền cho nhân viên. Gearbox cũng nói rằng nếu ai bất mãn với số tiền họ nhận được, công ty sẵn sàng để họ nghỉ việc.
Tai tiếng mới nhất của Gearbox không phải là điều mới trong ngành công nghiệp game. Lương thưởng bèo bọt là chuyện quá đỗi bình thường, đặc biệt là khi làm việc trong ngành game là giấc mơ của quá nhiều người. Hàng năm, có một lượng người trẻ khổng lồ tìm kiếm công việc trong làng game và rất nhiều người trong số họ chấp nhận những mức lương thấp để được làm điều mình thích. Điều này không phải là sai lầm, nhưng nó bị các nhà phát triển lợi dụng – bất kỳ ai bày tỏ sự bất mãn với chính sách lương bổng, giờ giấc có thể bị sa thải và thay thế một cách dễ dàng bằng những người mới đầy đam mê, sẵn sàng chấp nhận những chính sách bóc lột.
Vụ sa thải lớn nhất mà Mọt tui nhớ được trong thời gian gần đây xảy ra với Activision Blizzard vào năm 2019. Vào thời điểm đó, nhà phát hành này công bố mức lợi nhuận kỷ lục và lập tức sa thải gần 800 nhân viên của mình. Điều này xảy ra ngay sau khi Telltale đóng cửa vào cuối năm 2018, mở đầu một năm đen tối cho những người làm trong ngành công nghiệp game khi một số vụ sa thải khác xảy ra tại ArenaNet, Valve, GOG, EA… Có đôi khi các nhân viên sắp bị sa thải hoàn toàn chẳng biết gì về số phận của mình mà vẫn cứ cày cuốc ngày đêm, để rồi bất ngờ nhận được thông báo rằng họ phải dọn dẹp đồ đạc và ra về ngay lập tức.
Thế nhưng nhận những khoản lương không tương xứng với công việc chưa phải là vấn đề tệ nhất mà những người làm trong ngành công nghiệp game phải đối mặt. Theo Mọt tui, điều tệ nhất với họ là sự thiếu ổn định của nghề nghiệp. Với các nhà phát triển – phát hành game lớn, việc thuê người hàng loạt để “chạy nước rút” các tựa game lớn khi gần đến ngày phát hành, buộc nhân viên phải tăng ca với những khung giờ làm việc từ sáng sớm đến nửa đêm hoàn toàn không phải là chuyện gì mới mẻ. Bạn có thể bắt gặp hiện tượng này ở bất kỳ đâu, từ những nhà phát triển lớn, tiếng tăm đến các studio nhỏ sống dựa trên việc gia công nội dung cho các hãng lớn.
Minh chứng cho điều này không thiếu. Mọt tui từng viết về quá trình phát triển Mass Effect Andromeda và Anthem, và cả hai đều có điểm chung là trong quá trình thực hiện chúng, các nhân viên BioWare đều phải cày “hộc máu” – đặc biệt là trong giai đoạn game gần đến ngày phát hành - để có được một sản phẩm chạy được trên máy tính của game thủ. Tương tự như vậy, các tựa game The Witcher của CD Projekt cũng là sản phẩm của những đợt tăng ca khiến nhân viên studio nói rằng họ cười khẩy khi đọc tin về việc BioWare đã phải tăng ca thế nọ thế kia.
Và với rất nhiều nhân viên được thuê vào làm trong những thời điểm nước rút này, khi game hoàn thành cũng là lúc họ mất việc. Các nhân viên làm việc test game (thường được gọi với cái tên mỹ miều là “đảm bảo chất lượng” – Quality Assurance) là những người dễ rơi vào nhóm này nhất. Trong vai trò là những nhân viên hợp đồng, họ hoàn toàn không có bất kỳ chính sách hỗ trợ nào sau khi thôi việc, ngoại trừ những lời hứa kiểu “lần sau lại gọi” hay “nếu chăm thì có cơ hội làm chính thức” mà họ đã nghe mòn tai. Có vẻ những người làm trong ngành công nghiệp game luôn bị các vị sếp đối xử như miếng ghép Tetris – bị đặt vào bất kỳ vị trí nào cần thiết, và cho biến mất sau khi đã hoàn thành công việc của mình.
Trong khi đó, các sếp của ngành game luôn đi kèm với những khoản lương thưởng hậu hĩnh đến từ túi tiền của game thủ. CEO của Activision Blizzard là Bobby Kotick kiếm được khoảng gần 29 triệu USD trong năm 2017 bao gồm tiền mặt, cổ phiếu và các khoản thưởng khác, cao gấp 306 lần mức bình quân của một nhân viên Activision. Có nguồn tin nói rằng sếp EA là Andrew Wilson nhận khoảng 36 triệu USD trong năm 2018, gấp 357 lần nhân viên của EA. Không rõ Randy Pitchford nhận được bao nhiêu vì Gearbox là một công ty tư nhân, nhưng chúng ta biết rằng nhân vật này đã nhận tối thiểu 12 triệu USD chỉ sau một phi vụ với Take-Two Interactive vài năm trước. Tim Sweeney, CEO của Epic cũng có tài sản được định giá vào khoảng 7 tỉ USD.
Một số tổ chức và cá nhân cũng đã có những hành động nhằm thay đổi hiện trạng này, chẳng hạn tổ chức Game Workers Unite cố gắng vận động thành lập một nghiệp đoàn những người làm việc trong ngành game từ vài năm qua. Đáng tiếc là họ chưa thể đạt được những thành quả lớn – dù những người làm trong ngành game sẵn sàng bày tỏ sự ủng hộ việc thành lập công đoàn và nghiệp đoàn trên mạng xã hội, chẳng mấy người thực sự dám lên tiếng trong công ty. Bên cạnh đó, các sếp cũng có rất nhiều lựa chọn: nếu nhân viên nội bộ dám “cả gan” lên tiếng, họ có thể chuyển việc đó cho các studio làm gia công đâu đó ở nước ngoài. Bạn chỉ cần nhìn vào phần credit của bất kỳ một tựa game nào ra mắt gần đây để nhìn thấy hiện tượng này.
Dĩ nhiên là những người làm trong ngành game vẫn có hi vọng cải thiện tình trạng của mình, nhưng chỉ khi họ đoàn kết lại. Các nhà phát triển không thể chuyển toàn bộ công việc của mình cho các studio gia công, bởi điều này không chỉ không làm giảm chi phí mà còn khiến nó tăng lên vì nhiều lý do khác nhau, từ chướng ngại trong giao tiếp đến thời gian làm việc. Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, điều đó chưa xảy ra và quyền lực vẫn còn thuộc về những Tim Sweeney, Bobby Kotick và Randy Pitchford, chứ không phải nằm trong tay những cái tên mà chúng ta nhìn thấy trong mục credit cuối mỗi trò chơi.
[box background="banana" border="dark"]Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Mọt Game: http://bit.ly/2ByvA1e[/box]