Phụ Lục
Thời gian qua, câu chuyện một anh ăn trộm có nhã hứng ghét thăm lord GabeN, không biết có phải định hỏi bao giờ có Half-Life 3 hay không nhưng chỉ biết là anh đi ra “nặng ký” hơn lúc đi vào. Từ câu chuyện vui này đã khiến Mọt tui nhớ lại những lần bi hài mà các tay trộm đạo gây ra cho làng game, hoặc ít nhất là người ta cho rằng mấy anh ăn trộm gây ra. Hãy cùng giải trí một chút với hành trình bi hài ký này nhé!
Đây là một vụ trộm thực hiện bởi một tay nghiệp dư, hay nói đúng hơn là tay trong được thực hiện vào năm 2011. Số là Modern Warfare 3 sẽ ra mắt vào ngày 8/11 năm đó, sau sự thành công của Modern Warfare 2, phần kế tiếp này trở nên hot hơn bao giờ hết. Rất nhiều người không thể cưỡng được sự chờ đợi và vì thế một chàng trai đã lãnh sứ mệnh “cứu thế giới”.
Anh chàng này vốn làm việc tại một trong những đại lý bán bản đĩa retail (bản đĩa in đóng gói bán lẻ) hệ PC của Modern Warfare 3. Lợi dụng việc tiếp cận sớm các bản đĩa nhập về trước để chuẩn bị “lên hàng” đúng ngày ra mắt, anh ta đã lấy trộm 2 bản và copy nó lên hệ thống torrent. Tất nhiên cái gì lên internet thì nó bay tung tóe như “shit hit the fan”, bản rò rỉ có thể chơi được này được chia sẻ khắp nơi ngay trước thời điểm phát hành game, người người nhà nhà trên khắp thế giới “cắm máy” tải game điên cuồng. Activision đã phải theo dấu các bản tải đó và thuyết phục những người tải gỡ bỏ bản game lậu kèm theo lời đe dọa sẽ phạt 5.000 USD vì tội vi phạm bản quyền nếu tiếp tục sử dụng bản rò rỉ đó.
Số phận anh nhân viên “siêu anh hùng” kia thì không biết sẽ trôi về đâu và liệu Activision hay chủ của anh ta có yêu cầu bồi thường thiệt hại hay không.
Sự khác biệt giữa nghiệp dư và chuyên nghiệp? Hãy cùng xem nhé! Vẫn là Modern Warfare 3 và vẫn ngay trước thềm ngày ra mắt game vào 8/11/2011, một chiếc xe tải chở game bản retail trong đó có 6000 bản game Modern Warfare 3 đã bị đánh cướp tại Créteil, phía Nam thành phố Paris, Pháp. Ước tính thiệt hại của vụ tấn công lấy trộm game này lên đến 400.000 Euro.
Theo tường thuật của báo chí địa phương thì chiếc xe tải này bị dàn cảnh để tông vào chiếc xe ôtô con, từ xe con 2 tên cướp bịt mặt xông ra dùng hơi cay vô hiệu hóa tài xế và lái xe bỏ trốn. Cách hành động của chúng có vẻ có tính toán và khá chuyên nghiệp. Nhưng cướp một đống đĩa game rồi có bán được không đó mấy pa?
Ông lớn Nintendo nhiều năm sau cũng bị 2 vố tương tự nhưng là ăn trộm chứ không phải cướp. Vụ đầu tiên vào năm 2015 ngay trước thềm phát hành game Splatoon, một chiếc xe tải vận chuyển các bản game bán lẻ cho nhà kho của một đại lý phân phối game tại Anh đã bị đánh cắp. Vụ này không chỉ khiến Nintendo thiệt hại về kinh tế mà còn khiến một phần những game thủ đặt trước game không thể nhận được bản bán lẻ vì thiếu hàng, họ phải chờ đợt hàng kế tiếp bù lại. Vố thứ 2 chỉ sau đó 1 năm, vào năm 2016 cũng tại Anh, chiếc xe tải chở game của Nintendo đã bị kẻ gian rạch tấm phủ bên hông để trộm một số lượng lớn game khi tài xế đang dừng xe để ngủ. Đừng bao giờ xem thường giá trị của giấc ngủ!
Lấy game mà lấy theo số lượng thì thật chẳng thông minh gì lắm. Lấy game chất lượng vừa nhẹ vừa cao giá. Nghĩ thế nên một nhóm trộm tại bang Missouri, Mỹ đã có một vố ăn hàng kinh điển của kinh điển. Số là tại thành phố St.Louis có một cửa hàng game mang tên “Trade N Games” và ông chủ cửa hàng này là một tay chuyên sưu tầm hàng hiếm. Ông ta cất công thu thập nhiều băng đĩa game thuộc loại có một không hai và từng up video khoe việc “đập hộp” game hàng hiếm lên mạng.
Vào 4 giờ sáng một ngày tháng 8 êm đềm năm 2019 (mới đây luôn!) chuông báo động của dịch vụ bảo an rung báo cho ông chủ biết cửa hàng đã bị đột nhập. Khi chạy tới nơi thì ông và cảnh sát phát hiện chiếc két sắt chứa các game hiếm ông ta sưu tập có tổng giá trị lên đến 100.000 USD đã bị… vác đi mất. Ông chủ cửa hàng mang tên Jason Brassard đã cho biết những thứ trong két bao gồm 150 bản game cực hiếm đặc biệt có món có giá đến 20.000 USD. Các bản game này bao gồm những bản băng đĩa đời đầu tiên của các game trên Atari, game NES, SNES.
Khổ chủ cho biết ông định bán số này lấy tiền xây nhà mới nhưng trước khi kịp “đẩy hàng” thì bọn trộm đã đến “khám điền thổ” gia chủ.
À giờ chúng ta quay lại với siêu trộm Shawn Shaputis. Anh chàng này đã chứng minh độ cao thủ của mình không phải bằng lới nói mà bằng chính hành động cụ thể, vậy thiên hạ mới nể. Shawn từng đối mặt với việc bị truy tố vì trộm… nguyên chiếc xe giao hàng của hãng FedEx và rượt đuổi với cảnh sát như GTA. Sau khi bị túm anh tiếp tục bị truy tố vì một vụ trộm khác, đó là vụ trộm văn phòng của Valve từ trước đó.
Vụ trộm xảy ra tại văn phòng của Valve ở khu Lincoln Square South, đây là khu cao ốc được nhiều hãng game và công nghệ như Unity, Epic Games, The Pokémon Company và Samsung thuê đặt văn phòng. Shawn đã lọt được vào trong và đã gom các bản game (có thể là key kích hoạt hoặc bản đĩa) cùng một số trang thiết bị đắt tiền rồi… tống hết vào một thùng rác lớn ung dung đẩy ra ngoài như nhân viên vệ sinh. Shawn bị phát hiện ngay sau đó khi cố bán những game mình trộm ở một cửa hàng GameStop. Không biết khi quanh quẩn trong đó anh chàng trộm game này có nhân tiện tìm tài liệu mật nào nói về sự tồn tại của dự án Half-Life 3 không.
Này Shawn, lần sau có bất mãn với game nào thì tống nó vào thùng rác cũng được, nhưng đừng moi ra đem bán lại nhé!
Tất nhiên có những vụ đồ bị mất nhưng chả biết nó ở đâu, người ta hay kết luận gọn là “bị lấy mất rồi”, nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy đồ bị mấy là bị lấy hay thất lạc. Ví dụ như trò bê bối của Dịch Vụ Bưu Chính Hoa Kỳ (USPS) khi gửi một kiện hàng chứa 100 băng game Nintendo bản hiếm cho một nhà sưu tầm game tại Frankfurt, Đức hồi năm 2017.
Kiện hàng này không bao giờ tới được Đức, USPS sau nhiều khiếu nại đã gửi một mảnh… giấy gói kiện hàng bị rách nhưng còn nguyên tem vận chuyển kèm lá thư xin lỗi đến nhà sưu tầm. Họ giải thích rằng do máy phân loại hàng bị hỏng nên nó xé rách kiện hàng của ông ra và phần còn lại chẳng biết đã đi về đâu, mong ông thông cảm xí xóa cho. Tất nhiên với giá trị kiện hàng tới 10.000 USD, xí xóa không phải là một lựa chọn hay.
Sau nhiều lần khiếu nại không thành, nhà sưu tầm có nick name Byuu này cho rằng đây là một sự trộm cắp trắng trợn được bao che nên lên mạng Patreon kêu gọi cộng đồng góp vốn để bồi thường cho chủ nhân của kiện hàng bị mất. Sau khi vụ việc được chú ý và lan truyền lên báo, USPS lúc này mới tiến hành một cuộc điều tra nội bộ và tìm thấy số game bị thất lạc trả lại cho Byuu. Người này sau đó cũng hủy chiến dịch gọi vốn và trả lại tiền cho những người ủng hộ đồng thời lên tiếng xin lỗi USPS vì quy kết họ tham lam ăn trộm đồ của anh. Tuy vậy anh cũng cảnh báo rằng USPS phải thay đổi cách làm việc để tránh những sự cố bực mình như thế này.
USPS đã tiếp thu nghiêm túc lời khách hàng và… tiếp tục để xảy ra một vụ khác đúng 1 năm sau đó vào tháng 8/2018. Như Motgame từng đề cập trước đây, một gói hàng chứa lá bài Pokemon cực hiếm được đấu giá 60.000 USD (1,4 tỷ) sau khi qua tay USPS đã không bao giờ được tìm thấy. Người thắng đấu giá ở Châu Âu nên gói hàng được gửi từ Mỹ qua USPS sang chủ nhân mới và tất nhiên nó… bốc hơi. Cập nhật tình hình gói hàng dừng lại ở trạm New York và sau đó nó không còn trên hệ thống và cũng chẳng bao giờ đến tay người nhận.
Hai vố cùng một kiểu chỉ cách nhau 1 năm, quá đủ cho sợi dây kinh nghiệm của chú shipper USPS.