Bất cứ điều gì trong cuộc sống này cũng đều có 2 mặt tốt và xấu, và trò chơi điện tử cũng không ngoại lệ. Trước giờ, xã hội đều lên án những ảnh hưởng tiêu cực của trò chơi điện tử đối với con người mà chưa có cái nhìn đúng đắn về những điều tích cực. Nếu chơi một cách điều độ và phù hợp, game thực sự rất tốt cho sức khỏe, não bộ cũng như tinh thần của game thủ. Trong một số trường hợp, thứ tưởng như chỉ để giải trí lại là liều thuốc hay hình thức trị liệu cực kỳ hiệu quả.
PTSD, hay còn gọi Hậu chấn tâm lý, là một hội chứng xảy ra sau khi một người phải chứng kiến hay trải qua một hoặc nhiều cú sốc tâm lý. Đây là một hội chứng tương đối nguy hiểm bởi nó khiến con người ta luôn trong trạng thái lo âu, sợ hãi và căng thẳng. Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Malecular Psychiatry vào năm 2017, trò chơi Tetris cực kỳ hiệu nghiệm trong việc phòng ngừa hội chứng này.
Trong nghiên cứu này, những người đã phải trải qua một cú sốc nặng sẽ được cho chơi Tetris, một số khác thì làm bài tập viết lách. Sau đó, họ được hướng dẫn ghi chép lại những ảnh hưởng của ký ức đau buồn xuất hiện trong những ngày tiếp theo. Và kết quả là những người chơi Tetris chịu ít ảnh hưởng hơn từ các cú sốc tâm lý.
Nghiên cứu chỉ ra nếu chơi Tetris trong khoảng thời gian 6 tiếng sau khi cú sốc diễn ra, não bộ sẽ phá vỡ những ký ức ở vùng ký ức đau buồn, khiến chúng không thể hình thành nên những điều ám ảnh chúng ta về sau. Họ gọi Tetris là một liều vắc xin nhận thức.
Ở đây tôi sẽ không bàn tới việc làm nhiều việc cùng lúc là tốt hay không tốt, nhưng trong xã hội hiện đại với nhịp sống luôn hối hả, đa nhiệm là một việc mà con người luôn phải đối mặt. Trong một nghiên cứu được hợp tác bởi trường đại học Geneva tại Thụy Sĩ và trường Wisconsin tại Hoa Kỳ, họ đã chỉ ra rằng những người chơi game hành động hay game bắn súng góc nhin thứ nhất có khả năng đa nhiệm tốt hơn. Những game thủ này có thể chú ý tới nhiều việc và thực hiện các công việc đó cùng một lúc với một hiệu suất được đảm bảo.
Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra game thủ giỏi hơn trong các loại hoạt động kép. Ví dụ như những người chơi game sẽ làm tốt hơn các bài kiểm tra yêu cầu họ phân loại các số theo 2 cách khác nhau chẵn/lẻ và lớn hơn/nhỏ hơn 5. Còn những người không chơi game, sau khi đã trải qua một số khóa đào tạo về trò chơi cũng cho thấy khả năng đa nhiệm của họ được cải thiện hơn hẳn.
Trong cuộc sống, không phải ai cũng có thể nhanh chóng kết bạn hay luôn sẵn lòng giúp đỡ những người xung quanh. Một số người luôn có thái độ e dè, sợ hãi hay lo lắng khi phải giao tiếp với những người khác. Và trò chơi điện tử, đặc biệt là các trò co-op có khả năng giúp những người đó cải thiện được.
Cụ thể hơn, giáo sư John Velez của Đại học Công nghệ Texas đã xem xét sự hợp tác trong video game có ảnh hưởng như nào tới cuộc sống thực. Trong một thử nghiệm, những người tham gia được giao nhiệm vụ là cùng những người khác chơi co-op tựa game TimeSplitters, và một nhóm người khác chơi solo game Halo: Reach. Sau đó, tất cả bọn họ đều phải nghe những thứ âm thanh lớn và kỳ quái để đo mức độ bực bội. Kết quả là những người chơi Halo: Reach không bị kích động quá nhiều so với bình thường, còn những người chơi TimeSpilliters lại có xu hướng ít bị kích động hơn.
Giáo sư Velez nói rằng trong các game co-op, mọi người dường như tập trung hơn trong việc phối hợp và giúp đỡ đồng đội, nhận thức rõ hơn khía cạnh ảo hay thực ở xung quanh họ. Do đó, các trò chơi co-op sẽ có tác động rất tốt, giúp con người có thói quen hòa đồng hơn với những người xung quanh. Đối với trong công việc cần sự teamwork, các trò chơi co-op sẽ giúp làm giảm những xung đột không đáng có, giúp mọi người trong team có ý thức phối hợp với nhau hơn rất nhiều.
Dù ở độ tuổi nào đi nữa thì chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều nỗi đau, cả về thể xác lẫn tinh thần. Và bạn có tin không, trò chơi điện tử là một liều thuốc giảm đau cực kỳ hiệu nghiệm.
Các nhà nghiên cứu hàng đầu tại Hiệp hội nỗi đau Hoa Kỳ (American Pain Society) đã nghiên cứu về khả năng chịu đau của con người thay đổi như nào khi chơi game. Nguyên tắc chung là khi chơi một trò chơi, não bộ của con người sẽ được thu hút hoàn toàn bởi những gì diễn ra trong game. Nó giúp bạn không kịp cảm nhận những cơn đau. Nghe qua bạn có thể sẽ thấy khó tin nhưng đó lại là sự thật.
Một nghiên cứu khác ở trẻ em trong độ tuổi 6 tới 10 tuổi. Lũ trẻ sẽ được cho trải nghiệm các trò chơi trong khi chân phải ngâm trong nước đá. Kết quả là chơi game giúp kéo dài thời gian chịu đựng hơn. Đây cũng là lý do vì sao khi chúng ta khi đau buồn lại luôn tìm tới game như một cách để tạm thời quên đi.
Chắc chắn trò chơi điện tử làm thay đổi não bộ của bạn. Tuy nhiên, với một tần suất chơi điều độ cùng các trò chơi phù hợp, game có thể giúp não bộ của bạn trở nên khỏe mạnh hơn. Theo một nghiên cứu từ năm 2013 đã chỉ ra các khu vực trong não bộ có nhiệm vụ “điều hướng không gian, hình thành trí nhớ, xây dựng chiến lược và kỹ năng vận động” đều có thể bị tác động tích cực bởi trò chơi điện tử.
Điều này rất có ý nghĩa bởi trò chơi điện tử là một bộ môn đòi hỏi người chơi phải có thời gian để rèn luyện nhiều kỹ năng mới có thể chơi giỏi được. Do đó, các trò chơi sẽ thúc đẩy não bộ của bạn trở nên mạnh mẽ hơn ở nhiều khía cạnh, đặc biệt là tư duy chiến lược. Nhìn xa hơn, trò chơi điện tử có tiềm năng trở thành một hình thức trị liệu cho những bệnh nhân bị rối loạn tâm thần.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Simone Kuhn, cho biết: "Trong khi các nghiên cứu trước đây cho thấy sự khác biệt trong cấu trúc não của những người chơi điện tử, thì nghiên cứu hiện tại lại chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa việc chơi game và tăng thể tích não. Điều này cũng chứng minh được rằng các vùng não cụ thể có thể được rèn luyện bằng các trò chơi điện tử”.
Còn tiếp…