Câu chuyện về việc các hành khách khiếm thị bị ngó lơ khi cố đón xe buýt tại tỉnh Đắk Lắk hiện đang được lan truyền rộng rãi trên các diễn đàn mạng hiện nay.
Được biết, đa phần các cô bác, anh chị khiếm thị đều ý thức được tình trạng khó khăn của bản thân. Họ nỗ lực lao động, mưu sinh để không trở thành gánh nặng của bất kỳ ai. Nhưng đáng buồn thay, mọi thứ sẽ không hề dễ dàng khi đôi mắt đã mất đi ánh sáng.
Việc đi lại của người khiếm thị sẽ rất khó khăn. Đối với những người khiếm thị ở tỉnh Đắk Lắk được phỏng vấn, đa phần họ đều ở trọ cách xa các khu trung tâm để tiết kiệm chi phí. Vì vậy, mỗi lần đi làm, các cô chú đều nhờ người thân hoặc tự bắt xe buýt để vào các khu dân cư đông đúc.
Đoạn clip được chú Cháng Quốc Việt (42 tuổi, ngụ phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk), phản ánh tình trạng các xe buýt cố ý bỏ qua chú khi đón khách được ghi lại bởi vợ mình.
“Tôi thường đón xe lúc 4 giờ 50 hoặc 5 giờ 20 mỗi sáng nhưng tài xế không đón tôi dù tôi đứng đúng trạm chờ của xe buýt” - ông Việt nói.
Theo tâm sự của một người khác trong cuộc, chú Vương Quốc Huấn (sinh năm 1977) trọ ở phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột đã chia sẻ rằng bản thân đang cố gắng tích cóp để mua một chiếc xe máy nhờ vợ chở đến chỗ bán hằng ngày bởi vì bản thân đã nhiều lần bị xe buýt ngó lơ không đón.
“Tôi bị mù nên cứ nghe có tiếng xe là giơ tay vẫy liên tục, song có hôm tôi phải chờ đến gần chuyến cuối họ mới dừng, cho tôi lên”, chú bộc bạch.
Chú Hà Văn Khiêm (sinh năm 1979) trọ tại phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột cũng là một trường hợp hay bị ngó lơ khi đón xe buýt khác.
"Tôi nhờ người sáng mắt đón giùm. Họ nhiệt tình đón giúp nhưng xe buýt không dừng lại. Tôi rất buồn và sợ nhưng vì 2 đứa con đang đi học đành cố gắng. Tôi mong các nhà xe tạo điều kiện để người khuyết tật có phương tiện đi kiếm cơm”, anh Khiêm chia sẻ.
Thật sự khi viết những dòng này, Mọt đang đau đáu với suy nghĩ rằng liệu chăng những người khiếm thị không phải là người khuyết tật mà chính những người lành lặng với suy nghĩ, hành động lệch lạc mới là kẻ khiếm khuyết?
Câu chuyện mưu sinh và quyết định chọn việc mưu sinh chân chính để không phải làm gánh nặng của gia đình và xã hội của những cô chú khiếm thị chưa bao giờ dễ dàng. Vì hoàn cảnh đặc biệt, đa phần họ chọn việc kinh doanh tự do như bán dạo,... để có thể kiếm được thu nhập.
Có thể không cao sang nhưng chắc chắn không hổ thẹn với bất kỳ công việc chân chính nào khác. Vì vậy, những người khiếm thị đang miệt mài lao động chắc chắn xứng đáng nhận được sự tôn trọng của xã hội và những người xung quanh.
Ấy vậy mà một số người lại có thái độ trịch thượng, phân biệt đối xử với những hoàn cảnh kém may mắn như vậy trong khi bản thân mình cũng là người lao động chân tay? Cụ thể ở đây là các tài xế xe buýt chạy các tuyến cây số 62, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar trong trường hợp của chú Huấn và tuyến trạm chờ xe buýt tại Đạt Lý (xã Hoà Thuận, TP Buôn Ma Thuột), trạm chờ Trung Hoà (huyện Cư Kuin) đối với trường hợp của chú Khiêm.
Ảnh minh hoạ |
Người khiếm thị có thể gặp chút khó khăn trong quá trình lên xuống xe nhưng cũng như bao hành khách khác, họ có nhu cầu di chuyển, có trả phí cho dịch vụ vận tải, có đứng đợi đúng tuyến ở nơi quy định nhưng họ chưa nhận được dịch vụ mà đáng lý ra nên được phục vụ ưu tiên cho họ-dịch vụ xe buýt công cộng.
Thật khó hiểu trước hành vi phân biệt đối xử của các tài xế mắt sáng đối với các hành khách khiếm thị. Câu chuyện đáng bức xúc này đã được Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk nắm thông tin. Sở đã giao đơn vị chuyên môn xác minh, thông tin kết quả sẽ được công bố sau.