Được phát triển bởi studio danh tiếng Bungie, vốn nổi danh với dòng FPS huyền thoại Halo, phiên bản Destiny đầu tiên ra mắt vào năm 2014 đã nhanh chóng phá đảo một loạt cột mốc về doanh thu khi thu về tới hơn 500 triệu USD. Sau 3 năm, Destiny 2 - hậu bản rất được mong chờ của Destiny tiếp tục tái lập thành tích đầy ấn tượng của người tiền nhiệm khi nhanh chóng đạt mốc 1,2 triệu người chơi online cùng thời điểm trong ngày đầu ra mắt.
Ấn tượng là vậy, nhưng với một tựa game bom tấn hạng AAA, doanh thu khủng không đồng nghĩa với chất lượng của game cũng tương xứng. Có giá bán lên tới 60$ cho phiên bản PS4, liệu rằng Destiny 2 có phải là một tựa game ĐÁNG MUA với game thủ Việt trong tháng 9 này?
Hồn nhập vai, da bắn súng
Về cơ bản, nếu từng chơi qua các tựa game bắn súng, bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian làm quen với cơ chế bắn súng trong Destiny 2. Tương tự như phiên bản đầu tiên, mặc dù gắn mác là một tựa game FPS, nhưng thực sự về mặt bản chất, hoàn toàn không sai khi coi Destiny 2 là một tựa game nhập vai có yếu tố bắn súng.
Tương tự như bản đầu tiên, người chơi được quyền chọn 1 trong 3 lớp nhân vật là Hunters, Warlocks và Titans trong Destiny 2. Bên cạnh sự khác biệt về mặt ngoại hình, bản thân mỗi lớp nhân vật có sự khác biệt về mặt vũ khí, kĩ năng cũng như phong cách chiến đấu.
Chẳng hạn, Hunter rất thích hợp với những game thủ ưa chuộng phong cách chiến đấu kiểu xạ chiến, ưu tiên sử dụng vũ khí tầm xa để đối phó với những mối nguy hiểm.
Trong khi đó, với khả năng chống lại mọi loại đạn, Titan lại được thiết kế để trở thành những “tanker” trong nhóm của bạn. Cuối cùng, Warlock là một chuyên gia trong việc tấn công từ xa, một dạng pháp sư sử dụng súng!
Đáng chú ý, mỗi lớp nhân vật sở hữu hai nhánh nhỏ được gọi là Subclass, cho phép người chơi tùy biến và xây dựng theo phong cách chơi khác nhau.
Bên cạnh hệ thống lớp nhân vật, yếu tố nhập vai còn thể hiện rõ nét ở hệ thống phát triển nhân vật trong Destiny 2. Chẳng hạn, người chơi sẽ lên cấp sau khi đạt đủ lượng điểm kinh nghiệm nhất định, vốn đạt được khi hoàn thành các chuỗi nhiệm vụ chính phụ trong game.
Tuy nhiên, chỉ số quan trọng nhất, quyết định sự mạnh yếu của nhân vật trên chiến trường PvP hoặc trong khi làm nhiệm vụ, đi raid boss lại chính là Power Level, có thể hiểu nôm na là Lực chiến, tương tự như trong các game online nhập vai khác.
Để gia tăng chỉ số này, game thủ sẽ phải trang bị trên mình những vũ khí, trang bị hiếm có nhất, có chỉ số phụ trợ tốt nhất. Hiển nhiên, với cơ chế loot đồ của game, người chơi sẽ phải tham gia đầy đủ các hoạt động trong game như PvP, PvE, các chuỗi nhiệm vụ co-op Strike .v.v, hay tham gia vào những trận raid boss có độ khó cực cao.
Đơn cử, nếu bạn muốn săn tìm những loại súng hay áo giáp mạnh nhất của Destiny 2 cho nhân vật của mình, sẽ không có cách nào khác ngoài tham gia vào các "raid". Những chiến lợi phẩm trong các "raid" rất khác biệt so với các trang bị thông thường, các loại súng hay các mảnh giáp được thiết kế rất "ngầu".
Có thể nói, việc “cày đồ” trong Destiny 2 phần nào gợi nhớ đến dòng game Diablo, khi người chơi sẵn sàng bỏ hàng tiếng đồng hồ chơi đi chơi lại các bản đồ nhằm loot được vật phẩm giá trị nhất.
Chế độ chơi chiến dịch nhạt nhòa, cốt truyện đơn điệu?
Vẫn thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, Destiny 2 lấy bối cảnh 1 năm sau những sự kiện xảy ra ở bản mở rộng Rise of Iron của phần đầu. Game đưa người chơi nhập vai Guardian, những chiến binh hộ mệnh có sức mạnh hơn người, lãnh trọng trách bảo vệ Trái Đất trước những thế lực có tham vọng chiếm đoạt thứ ánh sáng cứu giúp nhân loại khỏi sự hỗn loạn cả nghìn năm về trước - Traveler's Light.
Khởi đầu game, Destiny 2 ngay lập tức ném game thủ vào một màn chơi cực kỳ kịch tính, khi thành trì cuối cùng của loài người - The Last City, bất ngờ bị tấn công & phá hủy bởi quân đoàn Red Legion dẫn đầu bởi tên bạo chúa Dominus Ghaul.
Sau khi các Guardian bị mất sức mạnh, họ buộc lòng phải tháo chạy khỏi The Last City. Để đối đầu với Ghaul, các Guardian buộc phải tập hợp những người sống sót rải rác còn lại trên Trái Đất, cùng nhau hợp sức, và đấu tranh để giành lại sự tự do.
Trong suốt quá trình chơi, game thủ được phép khám phá một loạt bản đồ khác nhau, từ những thành phố sầm uất của lục địa Châu Âu nay đã thành đống đổ nát ở Trái Đất, cho đến mặt trăng Titan của sao Thổ, hay mặt trăng Io của sao Mộc, vốn có cảnh quan và thời tiết mang đậm phong cách khoa học viễn tưởng.
Còn nhớ ở Destiny, tựa game bắn súng này khi ấy đã phải nhận một loạt gạch đá với phần chiến dịch có lối chơi lặp đi lặp lại, trong khi cốt truyện và cách sắp xếp kịch bản thiếu chiều sâu. Thực tế, việc Bungie không đầu tư nhiều về phần chơi cốt truyện cũng khá dễ hiểu, khi Destiny về bản chất vẫn là một tựa game bắn súng chơi mạng. Mặc dù vậy, điều này vẫn khiến không ít game thủ cảm thấy tức giận, khi những phiên bản Halo trước đây do Bungie sản xuất đều sở hữu phần cốt truyện cực kỳ ấn tượng.
Nắm bắt được điều này, sang đến Destiny 2, Bungie hứa hẹn phần chơi chiến dịch của game sẽ có sự thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, sau khoảng vài tiếng trải nghiệm bạn đầu, cá nhân tôi cho rằng lời hứa hẹn này chưa thực sự trọn vẹn, bởi phần chơi chiến dịch của Destiny 2 vẫn…chán không thể tả!
Thực tế, nếu chưa từng chơi qua phiên bản đầu tiên, người chơi chắc chắn sẽ cảm thấy khó hiểu khi theo dõi cốt truyện của Destiny 2. Đây rõ ràng là một điểm trừ, khi game gần như không giới thiệu (hay nhắc lại) về những sự kiện chính hay các nhân vật đã xuất hiện trong Destiny.
Kết quả, bạn sẽ chẳng biết nhân vật đầu trọc phản diện đang diễn sâu này là ai, bạn cũng chẳng biết cô nàng mặc bộ giáp ngầu lòi suốt ngày giao nhiệm vụ cho bạn có gì đáng nhớ, chỉ lờ mờ phán đoán: “à các chắc nhân vật này quan trọng lắm trong bản trước” (?!)
Nói cách khác, thật khó để cảm nhận được phần cốt truyện game muốn truyền tải, khi bản thân người chơi không cảm thấy gắn bó hay thu hút vào các nhân vật trong game.
Bên cạnh đó, mặc dù game cố gắng lồng ghép khá nhiều các đoạn cắt cảnh đậm chất điện ảnh vào đầu và cuối nhiệm vụ để dẫn truyện, bản thân các nhiệm vụ ở phần chơi chiến dịch lại không quá hấp dẫn.
Cụ thể, trong phần lớn thời gian chơi, gần như những gì người chơi làm chỉ đơn giản như sau: Gặp gỡ NPC, nhận nhiệm vụ. Đến khu vực thực hiện nhiệm vụ, bắn & bắn hết lượt kẻ thù này đến kẻ thù khác, đấu boss, xong nhiệm vụ, lặp lại ở nhiệm vụ tiếp theo.
Nói một cách ngắn gọn, các nhiệm vụ ở phần chơi chiến dịch của Destiny 2 vẫn đi theo lối mòn của các MMORPG: Quá thừa thãi fetch quest - thuật ngữ chỉ kiểu nhiệm vụ "giết 10 con quái vật này", "thu thập 20 cái ăng ten kia", "nhặt đủ 20 vật phẩm ABC", trong khi những trường đoạn đáng nhớ như ở màn chơi đầu tiên lại quá ít ỏi.
Vẫn biết điểm hay nhất của Destiny series nằm ở yếu tố chơi mạng, nhưng thật sự, Destiny 2 vẫn chưa giải quyết được điểm trừ chính phần 1 cũng mắc phải là kịch bản thiếu chiều sâu.
Tạm kết
Nhìn chung, nếu bạn đang tìm kiếm một tựa game “mì ăn liền”, chỉ cần chơi chục tiếng là phá đảo, hãy…bỏ qua Destiny 2. Lý do cũng rất đơn giản, khi đây là một trong những tựa game bắn súng có số lượng nội dung (content) để khám phá & trải nghiệm thuộc dạng…cực khủng, đòi hỏi người chơi phải bỏ ra ít nhất 1 tháng để khám phá và trải nghiệm hết.
Cũng xin được tiết lộ, sau khi hoàn thành phần chơi chiến dịch có thời lượng khoảng 10 tiếng, bạn mới chỉ hoàn thành cỡ 20% nội dung của game mà thôi!
Hiển nhiên, do thời gian trải nghiệm vẫn chưa đủ, Mọt Game sẽ sớm có bài trải nghiệm chi tiết về Destiny 2, cũng như giới thiệu qua về các mục chơi mạng trong thời gian tới, cùng chú ý nhé!